Hiện đại đối thoại với nho giáo

07:57 SA @ Chủ Nhật - 16 Tháng Tám, 2009

Trong ngàn năm lịch sử, Nho giáo đã là hệ tư tưởng thống trị trong xã hội Việt Nam. Ngày nay, cơ sở kinh tế - xã hội của nó không còn nữa, nó vẫn để lại dấu ấn khá đậm nét trong mọi lĩnh vực của đời sồng xã hội. Để nhận thức Nho giáo như một hiện tượng lịch sử, người ta tìm cách trình bày lại sự phát sinh và phát triển của nó. Nó là sản phẩm của lịch sử bắt nguồn từ những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định. Lôgíc bên trong của nó phản ánh lôgíc khách quan của lịch sử. Phương pháp lịch sử nhằm khám phá bộ mặt chân thực của hệ tư tưởng là đúng, nhưng chưa đủ. Bởi vì bằng cách đó, đối tượng xem xét của ta chủ yếu vẫn là nhà tư tưởng mặc dầu qua nhà tư tưởng, người ta cũng thấy được một mảng hiện thực của xã hội.

Hiện thực của lịch sử chính là đối tượng quan trọng nhất đối với chúng ta. Mặc dù hệ tư tưởng, ở đây là Nho giáo phản ánh những quan hệ xã hội trung thực hơn, sáng tỏ hơn bằng lý luận. Nhưng tự nó không tác động thẳng vào hiện thực được mà phải đi vào quần chúng, qua trung gian của một lớp người, bị lọc qua lớp người đó, nói cách khác quần chúng đã đọc lại tác giả, đã lĩnh hội “văn bản” của người xưa theo nhu cầu của mình: họ đối thoại với nhà tư tưởng. Văn bản mà họ đọc, họ tư duy, tức họ tranh luận với tác giả không phải chỉ ở trong tác phẩm, không phải chỉ trong Tứ thư, Ngũ kinh, mà đó là sự trụ đọng của hệ tư tưởng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong phong tục tập quán, trong văn hóa, là sự khách thể hóa của tư duy trong lao động, trong ngôn ngữ. Nếu xem xét trường hoạt động này thì ta không còn chỉ nhìn những người đọc văn bản ấy như một đối tượng thụ động - điều mà trước nay ta đã làm mà là một chủ thể sáng tạo. Chú giải học vi phạm nguyên tắc duy vật trong việc xem xét thế giới tinh thần của con người. Nhưng sự quan tâm đến chủ thể nhận thức là điều khả thủ bởi vì chỉ có đi sâu vào cái thế giới tinh thần này, người ta mới miêu tả được sức sáng tạo không cùng của con người mà bản tính của sự phát triển là đa dạng.

Nói như Teilhard de Chardin, là extropio, là phức tạp hóa, là hạt hóa, là sự hướng sâu vào bên trong. Tầm thước lịch sử của nhà tư tưởng ở đây là Khổng Tử, không phải chủ yếu ở những nguyên lý đã được nêu lên, mà lớn lao không kém ở sự đối thoại của các thế hệ sau, nhất là thời hiện đại với ông. Cái lớn của Khồng tử cũng như của bất cứ nhà tư tưởng nào khác, không phải chỉ ở những tư tưởng đã ra đời hàng ngàn năm về trước, mà ở chỗ thời đại sau đã kế thừa và phát triển, khẳng định và phủ định nó. Vì vậy, bên cạnh những tư tưởng của Khổng Tử đã được cô hóa vững chãi, trong văn tự, còn một văn bản vĩ đại khác trải dài suốt lịch sử trên đó ghi lại những sự lĩnh hội muôn màu của các thế hệ, của cả loài người. Cái lớn của thời đại ngày nay không phải chỉ ở sự trung thành với “thời đại hoàng kim” xa xưa mà là thiết lập “thời đại hoàng kim” ngày nay cho mình, không phải bằng Nho giáo tinh khôi, mà bằng Nho giáo đã được phủ định biện chứng. Đó là nhiệm vụ mà chúng ta phải làm khi đối diện với Nho giáo.

I.

Nho giáo cũng như bất cứ học thuyết nào đều tồn tại ở hai cấp độ: hệ tư tưởng và tâm lý xã hội.

Hệ tư tưởng Nho giáo là sự phản ánh, được hệ thống hóa có tính đồng kết (cohérent) và tính chặt chẽ lôgíc đối với tồn tại xã hội. Nó không phải là một hiện tượng tự phát, không phải là công việc của cả giai cấp mà, nói như Lê nin của những “phần tử tư duy”.

Giai cấp công nhân Việt Nam xuất hiện trên vũ đài lịch sử. Như mọi người đã biết, ý thức tự phát của công nhân chỉ đưa họ tới chủ nghĩa công liên. Phải có một lớp người tự giác về chủ nghĩa xã hội, đưa chủ nghĩa Mác- Lênin vào giai cấp công nhân để xây dựng thành hệ tư tưởng của giai cấp đó. Như Mác đã từng phân tích rằng khi mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt, thì một bộ phận của giai cấp “có của” chuyển sang hàng ngũ cách mạng. Như vậy, rõ ràng là những người làm “cuộc chuyển mình” vĩ đại này, trước khi tiếp thu được chủ nghĩa Mác - Lê nin, đã là những “phần tử tư duy” của hệ tư tưởng cũ, trong đó có Nho giáo. Người ta nói rằng triết học là một thế giới quan tinh luyện nhất, mà Nho giáo cũng là triết học của giai cấp phong kiên... Với địa vị xã hội của mình, chỉ những người trí thức nói trên mới có đủ điều kiện để trau dồi cho mình cái món ăn tinh thần tinh tế nhất ấy.

Chức năng của hệ tư tưởng trước hết là của triết học, còn ở chỗ nó cho phép con người biết toàn bộ lịch sử của tư duy tức là cho phép con người giải thích sự phát triển mà tư duy đã đạt được cho tới ngày hôm nay. Đó là một chiều sâu nữa của triết học mà những “phần tử tư duy” trên đã đạt được.

Cái động mạch mạnh và lớn của Nho giáo là nuôi khối óc của những “phần tử tư duy” không phải là sự kiện tình huống nhất thời, bởi vậy việc những người này đã giữ đạo Nho một cách bền vững trong con người mình là một điều không cần chối cãi - và chối cãi làm gì và làm sao chối cãi được bởi vậy chẳng cần giấu giếm những tư liệu liên quan tới ảnh hưởng của Nho giáo đối với họ. Cũng vì vậy khái niệm Nho giáo mà họ sử dụng không chỉ là cái “vỏ” không hồn, còn nội dung thì đã là khái niệm của chủ nghĩa Mác rồi. Sự biến hóa của tư duy còn phức tạp hơn sự biến hóa của giống loài.

Sự phát triển của hệ tư tưởng được quyết định bởi tồn tại xã hội mà còn trên cơ sở của những quy luật đặc thù, còn tuân theo lôgic lực nội tại của nó. Nó có tính chất kế tục. Về nội dung, mỗi hệ thống tư tưởng mới là sự phản ánh những quan hệ kinh tế của xã hội, về hình thức là sự kéo dài sự tiến hóa trước đó của tư duy con người, vì vậy nó phụ thuộc vào những tri thức, những khái niệm, những biểu tượng đã được tích lũy. Ở mỗi thời đại mới, những tư tưởng và những lý thuyết xã hội không thể nảy sinh từ hư vô mà được xây dựng trên cơ sở của tài liệu tư tưởng của thời đại trước, thực hiện những quan hệ kế tục đối với những giai đoạn trước của sự tiến hóa hệ tư tưởng. Hệ tư tưởng của những người mác - xít Việt Nam trong giai đoạn này không thể không hình thành, nói như Ănghen, một cách độc lập từ tư duy của các thế hệ trước (ở đây là Nho giáo) để tiếp thu hệ tư tưởng mới của giai cấp công nhân. Vấn đề đặt ra ở đây là xem xét sự tổng hợp biện chứng diễn ra thế nào, chứ không là sự phủ định sạch trơn, chối bỏ sự kế tục bền vững của sự tiến hóa hệ tư tưởng.

Vì nói tới nhà tư tưởng, người ta không thể không tính tới những đặc điểm cá nhân của tư duy, của tâm lý cá nhân của họ. Có người thành thực thừa nhận rằng họ đến với chủ nghĩa Mác - Lênin nhờ Nho giáo (sau này có người nói nhờ “học thuyết cách mạng không cộng sản”). Đó là một sự thật không nên không thừa nhận. Ý thức cá nhân là thế giới tinh thần của một con người nào đó, là toàn hộ những quan điểm, những biểu tượng, những tâm thế hình thành do ảnh hưởng của hoàn cảnh của đời sống, của giáo dục và của cả cá tính con người. Nhưng đó không phải là một thế giới đóng kín: về nội dung, ý thức cá nhân là sự thể hiện của ý thức xã hội, ý thức giai cấp. Đây là sự thẩm thấu của cái xã hội và cái cá nhân, cái này được thực hiện qua những cá nhân cụ thể, cái kia đến lượt được tự xã hội hóa không ngừng. Cái cá nhân và cái xã hội chỉ tồn tại cái này trong cái kia và cái kia trong cái này.

Như vậy, mối liên hệ giữa ý thức xã hội và ý thức cá nhân làm rõ biện chứng của cái chung và cái riêng, những quan hệ tinh thần phức tạp của cá nhân và xã hội. Nhưng sự thống nhất biện chứng đó không loại trừ sự mâu thuẫn. Người chỉ biết tới sự thống nhất của chủ nghĩa Mác và Nho giáo đã không thấy được sự khác biệt về chất giữa các hình thái, các hệ tư tưởng, người chỉ thừa nhận sự mâu thuẫn đã sa vào chủ nghĩa hư vô.

Chủ nghĩa thượng lưu chính là biến thể của xu hướng trên. Nó cho rằng chỉ quần chúng mới là những người tiêm nhiễm Nho giáo nặng nề, còn các nhà lý luận, nhà chính trị thì gột bỏ được cái học thuyết “phản động”, “lạc hậu” đó rồi và họ đã có một chủ nghĩa Mác - Lê nin “trong sáng”, thân hình họ sạch sẽ không hề bị cáu ghét bởi Nho giáo. Nếu ta hiểu được tính đặc hữu của hệ tư tưởng - mà Nho giáo là một hệ tư tưởng - thì sự bào chữa của ta như trên sẽ mất tính nhất quán ngay. Chủ nghĩa Mác - Lê nin phải phủ định Nho giáo để giành địa vị thống trị của mình. Quá trình đó ở nước ta đã bắt đầu hơn một nửa thế kỷ, nhưng vẫn là ở những bước đầu của cuộc hành trình lịch sử về sự thâm nhập của một hệ tư tưởng.

Nói là bước đầu của một thời gian dài hơn nửa thế kỷ để thấy rằng sựu cắm rễ đó không phải việc là việc dễ dàng như nhập một giống cây từ nước này sang nước khác.

Quả thực Nho giáo là một học thuyết đạo đức - chính tri, về căn bản, mang tính thế tục. Cái mà nó quan tâm là đạo tu, tề, trị, bình còn Mác, nhất là chủ nghĩa Mác - Lênin, với lý luận về giải phóng dân tộc, thì lập tức nó tiếp thu một cách thuận lợi. Bởi vậy, chủ nghĩa yêu nước đã dẫn nhà Nho tới chủ nghĩa Lê nin, cái “đạo lý làm người” cũng đã cùng với chủ nghĩa Mác - Lê nin làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.

Nhưng phàm ở đời, cái dễ thì làm được nhanh chóng, còn cái khó thì phải đánh vật trong nhiều thời gian. Gặp nhau để hực hiện giải phóng dân tộc thì dễ, còn xây dựng một xã hội mới- xã hội xã hội chủ nghĩa - thì chủ nghĩa Mác - Lê nin và Nho giáo gặp được nhau không còn là dễ nữa.

Một đằng, ở đây Nho giáo vẫn dừng lại ở con người lấy “tu nhân tắc triết”, lấy “tu nhân” để giải phóng cho mình và xã hội. Con người trừu tượng, theo khái niệm của Mác hoàn toàn bất lực trước lịch sử. Một khi con người tự thu mình lại trong việc tự suy ngẫm, sẽ không thể biết tới chủ nghĩa duy lý, coi khinh nhận thức lý luận, nhận thức khoa học, coi khinh khoa học - kỹ thuật, coi khinh hoạt động kinh tế.

Một đằng, ở đây là chủ nghĩa Mác, không như Nho giáo và các triết học khác chỉ tìm cách nắm lấy “thân”, “gia”, “quốc”, “thiên hạ”, tức thế giới cảm tính dưới hình thức của đối tượng, mà trái lại, với tư cách là hoạt động, là thực tiễn. Thực tiễn cách mạng đòi hỏi con người phải cải tạo toàn bộ các quan hệ xã hội. Hệ thống Nho giáo quan tâm tới sự ổn định vĩnh cửu của xã hội, sợ hãi sự đảo lộn cách mạng. Sự quan tâm tới việc trần thế của Nho giáo và quan tâm của chủ nghĩa Mác tới thực tế được hiểu như thực tiễn là một sự khác biệt về căn bản. Không nên tầm thường hóa, lẫn lộn những phạm trù triết học và từ ngữ trong tiếng nói hàng ngày.

Phương pháp loại tỉ để tìm sự giống nhau giữa hai thế giới quan chỉ dẫn tới sự sai lạc không có triển vọng.

Người ta nói rằng nhờ lý tưởng về thề giới đại đồng, về tình cảm bốn bể đều là anh em, rồi về lý tưởng Nghiêu – Thuấn trong Nho giáo mà người Việt Nam tiếp thu được chủ nghĩa cộng sản. Quả là hai lý tưởng xã hội ấy, một thuộc cổ đại, một thuộc hiện đại, hơn nữa còn thuộc tương lai, có một số nét nhân loại tương tự. Nhưng đi vào chiều sâu, ta sẽ thấy chúng không những khác nhau mà còn đối lập nhau sâu sắc. Những lý tưởng xã hội kiểu Nho giáo đã là miếng đất đẻ ra những loại chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản: ấy là chủ nghĩa bình quân, ấy là “chủ nghĩa khổ hạnh bình dân và vô sản” (khái niệm của Ănghen), ở đó người ta gọi chủ nghĩa khổ hạnh là một đạo đức cao cả, lấy “sự bình đẳng - spartiate” là một lý tưởng của công lý xã hội. Nói như trên để thấy rằng sự chuyển đổi về hệ tư tưởng từ Nho giáo sang chủ nghĩa Mác không phải dễ dàng. Những đại biểu hệ tư tưởng bao giờ cũng sống bằng và vì triết học của mình, chứ không như quần chúng tự phát tiếp thu nó.

Từ bằng và vì Nho giáo đến bằng và vì hệ tư tưởng của giai cấp công nhân là một thử thách gay go. Thử thách lớn nhất là ở điểm sau đây: nhiều nước kém phát triển, trong đó có nước ta, mặc dù đã có giai cấp công nhân và cả Đảng của nó, nhưng giai cấp đó chưa phải là giai cấp công nhân hiện đại tiền tiến. Một hệ tư tưởng thiếu cơ sở xã hội vững chắc khó tránh khỏi sức ép của các hệ tư tưởng đã có ở nước ta là Nho giáo. Một điều kiện bảo đảm sự phát triển đúng hướng của hệ tư tưởng của giai cấp công nhân ở các nước đó là Đảng tiền phong phải có một đường lồi cách mạng đúng đắn trên cơ sở liên minh với giai cấp công nhân quốc tế. Thiều nền tảng đó, sự biến chất của hệ tư tưởng là một sự đe dọa không ít xảy ra. Lấy một ví dụ. Có một thời chúng ta nêu lên lý luận về làm chủ tập thể. Định đề đó không thể không xuất phát từ chủ nghĩa tập thể của giai cấp công nhân, nhưng rồi nó thường bị uốn lệch thành một thứ làm chủ, nhưng vô chủ, và như vậy thành một thứ làm chủ theo kiểu Nho giáo. Ở đây nhân cách bị loại trừ, trong thị tộc nhân vị chưa tách ra được, và trong chế độ phong kiến, cá nhân chưa hề xuất hiện. Sự loại trừ cá nhân dưới danh nghĩa, “chống chủ nghĩa cá nhân” và trong mối quan hệ xã hội, chính trị, đạo đức đều là sản phẩm của Nho giáo. Từ “Tôi” ngôi thứ nhất trong bất cứ ngôn ngữ nào đều xuất hiện ngay từ khi nó ra đời. Nó không giống gì với “cái tôi”, tức cá nhân lần đầu tiên xuất hiện trong chủ nghĩa tư bản. Như Mác đã chỉ ra thời đại đã đẻ ra khái niệm về cá nhân biệt lập là thời đại mà những liên hệ xã hội phát triển nhất so với thời đại phong kiến trước đó. Đến đây lao động trở thành hàng hóa, con người tự do “đơn độc” bán lao động của mình, con người một mình có thể làm được tất cả. Sự mất và thiếu dân chủ của chúng ta hiện nay cản đường sự ra đời của nhân cách xã hội chủ nghĩa là hậu quả của một hệ tư tưởng xóa bỏ nhân cách của Nhà giáo, đã nằm sâu trong xã hội phong kiến.

Sức sống còn lại của Nho giáo không chỉ ở tác động của nó đối với sự hình thành hệ tư tưởng của những nhà tư tưởng. Môi trường sinh sống của Nho giáo còn được miêu tả rõ thêm khi ta xem xét sự thâm nhập của nó trong quần chúng nhân dân.

II.

Ngoài hệ tư tưởng, Nho giáo còn ảnh hưởng tới thế giới quan trong lĩnh vực tâm lý xã hội, tới ý thức thông thường của quần chúng. Bằng mọi cách, hệ tư tưởng thống trị tạo nên một sức ép đối với tâm lý của quần chúng để buộc họ phải chấp nhận các quan hệ xã hội đang tồn tại.

Sự thâm nhập của Nho giáo vào tâm lý xã hội không có sức mạnh sáng rõ về lý luận, chặt chẽ về lôgic như khi nó đi vào hệ tư tưởng của các “phần tử tư duy”. Nó thâm nhập tự phát. Nó là một quan niệm manh mún, không đồng kết, không nhất quán. Nó thể hiện lợi ích giai cấp một cách lộn xộn và trình bày một cách kém cỏi.

Trước tình trạng trên của ý thức thông thường, cái gọi là “thuần Nho”, là Nho nguyên thủy trở thành vô nghĩa.

Hệ tư tưởng không đẻ ra và phát triển từ ý thức tập tục và tự phát. Nhưng nó vẫn được nuôi dưỡng bởi những tình cảm, tâm trạng, biểu tượng xã hội và từ đó hệ tư tưởng sẽ giải thích và uốn nắn, nhào nặn chúng lại.

Quần chúng nông dân ở nước ta là những người sản xuất nhỏ, tâm lý xã hội của nó cũng như các giai cấp khác, có tính chất giai cấp. Người ta chỉ tình trạng đó bằng khái niệm “tình cảm giai cấp”, “bản năng giai cấp”.

Trong ý thức tự phát của quần chúng có hai nhóm hiện tượng.

Trước hết đó là tâm trạng chấp nhận sự áp bức, thói chịu đựng sự nghèo khổ và sự bị tước mọi quyền lợi. Sự phục tùng nô lệ của quần chúng là điều trái ngược đối với mọi triển vọng cách mạng và mọi hoạt động cách mạng. Nho giáo đã tác động hết sức sâu nặng tới tâm lý này của quần chúng. Nó thần thiêng hóa lễ độ đẳng cấp với những tôn ti trật tự nghiệt ngã để sai khiến và bắt con người phục tùng nó vô điều kiện.

Để khắc phục tâm lý này của quần chúng nhằm đưa họ vào cuộc đấu tranh cách mạng đánh đổ chế độ áp bức bóc lột và ngày nay xây dựng xã hội mới, những người cộng sản đầu tiên ở nước ta, đặc biệt là Hồ Chủ tịch đã dành nhiều sức lực để khắc phục tâm lý chịu khuất phục đó của quần chúng. Và ngày nay, để đưa quần chúng lên con đường đổi mới, việc khắc phục sức ỳ không muốn vươn lên để dân chủ hóa đất nước là một trở ngại lớn. Không thể không thấy ở đây một trong những sức cản là luân lý phục tùng theo khuôn mẫu của Khổng tử đã hằn sâu trong tâm lý của quần chúng.

Nhóm hiện tượng của ý thức tự phát thứ hai của quần chúng là sự phản đối, sự nổi giận, sự nổi loạn, chỉ biết hướng về những nguồn gốc trực tiếp của sự đau khổ, mang tính chất phá hoại, không xây dựng. Như Lênin đã từng phân tích rằng yếu tố tự phát đó chỉ mới là một hình thức phôi thai của ý thức: quần chúng đã cảm thấy sự cần thiết của sự chống đối tập thể và vừa vứt bỏ sự phục tùng nô lệ uy quyền. Tuy nhiên, đây là biểu hiện của sự thất vọng, sự trả thù hơn là sự đấu tranh.

Ảnh hưởng của Nho giáo trong tâm lý xã hội, trong ý thức thông thường là một cách đọc, một cách đối thoại độc đáo với Nho giáo của quần chúng. Đây là một “văn bản” khổng lồ ghi lại những sự lĩnh hội sặc sỡ đủ màu của quần chúng về nho giáo. Tầm quan trọng của tâm lý xã hội dưới ảnh hưởng của Nho giáo không thể coi thường. Ai cũng có thể nhớ lại lời nhắc nhở của Plékhanov rằng: Nếu không tính tới điều này thì người ta không thế tiến lên một bước trong lịch sử văn học, nghệ thuật, triết học, v.v... Phải nắm được những đặc điểm tâm lý của mọi tầng lớp xã hội, sự tác động giữa chúng với nhau, và trước hết, sức mạnh to lớn của truyền thống, mà Nho giáo là truyền thống quan trọng nhất. Việc đầu tư sức lực vào việc nghiên cứu Nho giáo trong ý thức thông thường đã ít được quan tâm. Một trong những nguyên nhân là sự ràng buộc bởi “chủ nghĩa thượng lưu”, bởi sự tôn sùng vô lối Nho giáo gọi là chính thống và không chính thống. Cuộc chiến đấu trên mặt trận này không thể thiếu. Bằng cách nào?

Nho giáo, với tư cách là hệ tư tưởng đã tìm cách “hạ mình xuống” trình độ thứ nhất và thấp nhất của ý thức xã hội là tâm lý xã hội, là ý thức thông thường. Cách đi đó làm cho nó vượt qua được lâu đài của các “người ưu tú” và lan tỏa khắp xã hội. Làm việc này, Nho giáo có một thuận lợi: mặc dù nó là một hệ tư tưởng, một thế giới quan tinh lọc nhưng xét theo lịch sử, nó là sản phẩm tiền khoa học và tiền lý luận nó là một chủ nghĩa kinh nghiệm gần gũi với tâm lý xã hội, tức ý thức xã hội, phản ánh những điều kiện tức thời của đời sống con người, phản ứng tức thời của tâm lý đối với thực tế chung quanh.

Cũng như các hệ tư tưởng khác chủ nghĩa Mác - Lê nin cũng phải đi vào tâm lý xã hội của quần chúng. Làm điều đó không chỉ bằng tuyên truyền, bằng cách tuyệt đối hóa vai trò của tinh thần theo kiểu Nho giáo mà chủ yếu bằng chính trị (chính sách). Đó là cách thiết lập mối quan hệ thực sự giữa triết học và ý thức thông thường bảo đảm sự thống nhất hệ tư tưởng trong toàn dân.

Còn nếu chủ nghĩa Mác - Lê nin bị tầm thường hóa để đi vào ý thức thông thường, thì nó hoàn toàn bị giải giáp, hoặc nó bị Nho giáo đánh bại, vì Nho giáo đã phục từ lâu ở đây nên nó có một sức mạnh tiềm tàng, hoặc nó bị Nho giáo đồng hóa, bị Nho giáo hóa.

Tóm lại trong hai lĩnh vực chịu ảnh hưởng của Nho giáo: hệ tư tưởng và tâm lý xã hội, triết học (lý luận) và ý thức thông thường, trong hai đối tượng tiếp thu Nho giáo: “phần tử có tư duy” và quần chúng, thì mặt trận thứ nhất quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh cách mạng trong xã hội.

Chỉ nhấn mạnh về mặt giai cấp, tính giai cấp của Nho giáo trong ý thức xã hội sẽ là một thiếu sót, nhất là khi ta nghiên cứu về văn hóa. Những điều kiện lịch sử trong đó các nước, các dân tộc, các giai cấp và các nhóm xã hội sống, đã làm nẩy sinh một kiểu tâm lý xã hội đặc thù. Đối với nước ta và nhiều nước khác, Nho giáo đã có vai trò không thể chối cãi trong sự hình thành nền văn hóa dân tộc. Tìm hiểu hai lĩnh vực ảnh hưởng của Nho giáo như trên là cần thiết để khám phá những trục vận hành của nó. Nhưng một vấn đề lý luận cần đặt ra tiếp nữa là sự lắp khớp của Nho giáo và hiện đại (ở đây là chủ nghĩa Mác - Lê nin) cần được miêu tả ra sao để chúng ta có được những nét chấm phá cần thiết về một nền văn hóa Việt Nam. Người ta đã từng nói tới kết cấu tâm lý dân tộc đó, theo A.Labnola, như “thế giới Ai Cập”, “ý thức Hy Lạp”, “tinh thần Phục Hưng”, v.v... Một số nước công nghiệp mới ở châu Á sử dụng Nho giáo để tạo ra một tâm lý xã hội làm nền tảng cho văn hóa của họ. Chúng ta không phủ nhận Nho giáo trong nền văn hóa Việt Nam hiện đại, nhưng chúng ta - những người Mác-xít - sẽ đối thoại với Nho giáo theo kiểu của chúng ta phù hợp với những điều kiện lịch sử đặc thù của sự tiến hóa của chúng.

III.

Hiện đại đối thoại với Nho giáo không phải bằng cách dựng dậy Nho giáo nguyên thủy, Nho giáo thuần túy dễ nói chuyện, mà là đối thoại với Nho giáo đang sống trong thực tế, đang tồn tại trong ý thức xã hội ngày nay. Cái gì lịch sử đã chôn vùi, thì cứ để nó nằm yên, không cần thương tiếc, cái gì còn sống cùng chúng ta, thì muốn hay không, ta cứ phải tranh luận với nó. Ta không cần phủi lớp bụi thời gian dày đặc để tìm đọc những cái gọi là thâm thúy để đưa ra dạy dỗ cho hiện đại. Tư duy kinh nghiệm chủ nghĩa đã quá xa lạ với tư duy khoa học của hiện đại. Nguyên tắc xử thế trong một xã hội cổ đại làm sao thích ứng được với xã hội ngày nay. Khi Lê nin nói về sự phát triển của khoa học và cả triết học hiện đại, người có nhắc đến những mầm mống của chúng trong thời cổ đại. Biết mầm mống để hiểu sự trưởng thành của cây chứ không để thay thế cây. Dùng loại tỷ để nâng tư tưởng của Nho giáo lên và ta thường hóa chủ nghĩa Mác - Lê nin là một thứ đánh tráo có hại.

Nho giáo với tư cách là cái truyền thống không bao giờ có vai trò độc lập, vì vậy, nếu ta muốn đánh thức một tư tưởng nào của Nho giáo, dù hay đến đâu theo thích thú của ta thì cũng là uổng công. Nó chỉ đóng vai trò chức năng và hỗ trợ, có nghĩa là một tư tưởng nào đó chỉ có thể tiếp tục sống nếu nó còn sống thực trong thực tại, nếu nó thích ứng với những nhân tố hiện thực của sự phát triển hiện đại. Trong nhiều trường hợp, Hồ Chủ tịch và nhiều nhà lý luận của ta đã sử dụng Nho giáo đúng với vai trò vừa nói của nó, do đó, sự tác động của nó mang tính hiệu quả. Hiệu quả không phải ở chỗ bảo vệ, phát triển Nho giáo mà chính là loại trừ nó bằng cách nhân danh nó để mở đường cho tư tưởng tiên tiến khác thay thế, nói như Mác, để phá bỏ truyền thống trong khuôn khổ truyền thông.

Một sự tổng hợp hình thức không bao giờ dẫn tới tiến bộ xã hội đích thực. Chúng ta đã từng đề ra sự tổng hợp giữa hiện đã và truyền thống. Cái hiện đại nhất được khẳng định đúng đắn là chủ nghĩa Mác - Lê nin. Nhưng cái truyền thống chưa được quan niệm một cách thấu đáo, bởi vì một thành tố vững chắc của nó là Nho giáo lại bị gạt ra. Có thể nói được rằng thành tố này đã thực hiện một sự “trả thù”. Kết quả là nhiều tư tưởng của chủ phía Mác - Lê nin đã bị uốn lệch một cách không tự giác thành nguyên tắc của Nho giáo, của hệ tư tưởng phong kiến. Lấy hệ tư tưởng phong kiến chống lại một hệ tư tưởng tiền tiến hơn là hệ tư tưởng tư sản thì khó mà đạt được hiệu quả mong đợi. Phải nói rằng đây chỉ là một sự tổng hợp hình thức không bao giờ hứa hẹn thành công.

Sự tổng hợp biện chứng không chỉ là sự thay đổi chỗ giữa cái hiện đại và cái truyền thống, không ở trong thế tĩnh tại, mà là sự vận động của cái cũ và cái mới, của sự thống nhất và mâu thuẫn giữa các mặt đối lập. Những giá trị đạo đức trong Nho giáo như: sự hòa mục giữa con người, lòng nhân của con người, lý tưởng thẩm mỹ về sự đại đồng của con người, v.v... có thể gia nhập kho tàng về những giá trị nhân loại của thời đại ngày nay. Khi thực hiện sự tổng hợp ấy, Nho giáo phải bỏ lại đằng sau con người trừu tượng của mình và nhận lấy những quan hệ xã hội đang tồn tại trong thế giới hiện đại.

Là hệ tư tưởng của giai cấp thống trị, những tư tưởng của Nho giáo ít khi tồn tại dưới dạng “thuần nhất”, mà là những giá trị mâu thuẫn: đoàn kết (nhân hòa, đại đồng) và đối kháng (lao tâm và lao lực), và trật tự thứ bậc (lễ nghĩa).

Trong sự tổng hợp tối ưu, vai trò của Nho giáo với tư cách là truyền thống, và chủ nghĩa Mác - Lênin với tư cách là hiện đại, không ngang nhau, không đồng nhất trong sự tổng hợp tối ưu, mà cái sau, tức cái hiện đại, phải giữ vai trò chủ đạo, chi phối cái trước. Dưới sự tác động của hiện đại, để tồn tại, Nho giáo phải tự cải tạo, tự hiện đại hóa.

Quan hệ giữa cái cũ và cái mới là một tổng hợp mang tính thực thể chứ không mang tính hình thức. Đó là một hiện tượng đặc thù thuộc động năng của quy luật kế thừa phát triển của những giá trị văn hóa xã hội của xã hội loài người.

Công thức “không sợ thiếu, chỉ sợ phân phối không công bằng” là một nguyên tắc của Nho giáo. Nếu bị tuyệt đối hóa, nó trở thành mặt đối lập của chính sự công bằng, bởi vì công bằng trong nghèo khó, bình đằng trong hoàn cảnh vô quyền, thì là công bằng và bình đẳng vô nghĩa. Đó là thứ bình đẳng mà Ănghen viết rằng: “Trước bạo chúa, tất cả đều bình đẳng, bình đẳng bằng số không”: Cơ cấu truyền thống về phân phối chịu tác động của cơ cấu phân phối hiện đại sẽ tạo nên một sự tổng hợp tối ưu. Đó là sự phân phối ngày một được nâng cao trên cơ sở sự thỏa mãn ngày một nhiều chứ không thiếu, mọi nhu cầu vật chất và văn hóa của con người. Sự công bằng đích thực nảy nở, trên sự giàu có, sự bình đẳng đích thực ra đời khi con người nắm trong tay mọi quyền của mình.

Vì sao cái hiện đại đóng vai trò chi phối? Mỗi cơ cấu truyền thông, cũng như hiện đại, đều được quyết định bởi những tầng cơ sở (couche de base) của nó, tức những nguyên tắc làm thành một hệ thống. Những nguyên tắc làm thành hệ thống của Nho giáo không còn sức đương đầu với hiện đại

Vì vậy chức nó chỉ có thể có vai trò chức năng và tùy thuộc. Còn chủ nghĩa Mác - Lê nin có vai trò chi phối, chủ đạo, bởi vì nó dựa vào một nền tảng vững mạnh là những nguyên tắc tạo thành hệ thống - gần đây chúng ta khẳng định lại những nguyên tắc đó - càng ngày càng có sức sống trong nền văn minh của loài người.

Sơ đồ lịch sử trên về sự tổng hợp tối ưu của truyền thống Nho giáo và hệ tư tưởng hiện đại của giai cấp công nhân chưa nói lên được mọi biến thái của sự tổng hợp đó, của sự đối thoại của hiện đại với Nho giáo. Cần phải phân tích ở một trình độ sâu sắc hơn sự tổng hợp ấy. Việc làm đó cho phép ta có được một loại hình học khoa học cho từng nước, trong đó có nước ta, trên cơ sở những tiêu chuẩn lịch sử - xã hội của phương pháp luận mác - xít.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Văn hóa truyền thống Đông Á: có hay không các giá trị nhân quyền?

    18/08/2018Vũ Công GiaoBực tức trước việc các quốc gia Châu Á đề cao và khẳng định các giá trị nhân quyền trong truyền thống văn hoá của châu lục, gần đây, một số người phương Tây đã chỉ trích rằng, văn hoá truyền thống ở phương Đông nói chung, ở Đông Á nói riêng chủ yếu bao hàm những tư tưởng độc tài, phi dân chủ, tàn bạo mà không hoặc chứa đựng rất ít những giá trị nhân quyền...
  • Vấn đề giá trị quan Châu Á: nghiên cứu so sánh Châu Á và phương Tây

    18/10/2014Hồ Sĩ QuýNgười Châu Á coi “cần cù, yêu lao động” là giá trị hàng đầu của sự làm người. Nhưng người Mỹ lại coi "tự lực cánh sinh"' mới là giá trị đáng quý nhất, cần cù cũng được coi trọng nhưng chỉ đứng thứ ba sau “tự lực cánh sinh và thành đạt cá nhân”...
  • Nghiên cứu nho giáo Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thời đại

    29/09/2013Phó GS Phan Văn CácNho gia vốn quy giá trị nhân sinh thành giá trị xã hội, cho rằng con người phải có trách nhiệm nhất định đối với gia đình, xã hội, đất nước và cả thế giới: đó là lí tưởng cuộc đời và lẽ sống của mỗi người...
  • Phật - Nho - Lão

    22/06/2009Thu San Nguyễn Thế HùngNếu xem văn hóa là một công cụ phát triển kinh tế, thì tích Kim đa văn hóa sẽ là công cụ cho phép chúng ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Điều kiện để sáng tạo đa văn hóa là chúng ta phải sáng tạo ra các sản phẩm mang bản sắc Việt mà vẫn có các nét quyến rũ của một nền văn hóa khác.
  • Nền tảng Nho giáo của tư tưởng xã hội hài hòa (trích đăng)

    20/03/2009Nguyễn Tài ĐôngTìm ra và khẳng định tư tưởng xã hội hài hòa có nền tảng lý luận từ kho tàng triết học truyền thống là đã tiếp sức sống cho tư tưởng này, vấn đề còn lại là, phát triển các kênh đối thoại đa dạng hơn nữa giữa truyền thống và hiện đại mà ở đặc biệt là giữa chủ nghĩa Mác và Nho giáo để tìm ra nhiều lời giải đáp hữu hiệu cho hiện thực xã hội hài hòa.
  • Khủng hoảng các giá trị nho giáo

    14/12/2006Trần Văn ĐoànMọi cuộc bàn luận về khủng hoảng giá trị đều không dễ và tôi ngại rằng cuộc bàn luận này cũng khó đạt tới kết quả mong muốn, cho dù chúng ta có đủ thời gian, công sức và tiền bạc. Tính mơ hồ, sự phong phú và cả tính phức tạp nữa của cái mà chúng ta gọi là giá trị đã làm cho công việc trở nên quá khó khăn. Chúng ta tranh cãi về ý nghĩa của giá trị, mà không bàn đến việc tại sao chúng ta phải chấp nhận các giá trị đó. Để tránh các vấn đề rắc rối như thế, chương này chỉ giới hạn trong việc chẩn đoán triệu chứng con bệnh trong một xã hội Nho giáo cụ thể...
  • Quan niệm của nho giáo về xã hội lý tưởng

    20/10/2006Nguyễn Thanh BìnhGiống như bất kỳ một học thuyết chính trị - xã hội nào khác, Nho giáo cũng đưa ra quan niệm về một xã hội lý tưởng với tất cả những đặc điểm căn bản của nó và các biện pháp để tạo lập duy trì cái xã hội ấy.
  • Lễ nghĩa

    07/01/2006Đỗ HoàngKhổng giáo lấy sự dạy dỗ con người làm chính yếu nên rất tôn trọng tình cảm, khiến người ta bao giờ cũng hàm chứa trong tâm trí mọi tình cảm nhân hậu và chân thành nhất. Muốn hiểu được mọi lẽ phải trái, biết cách hành xử trong đời thì ai cũng phải biết lễ nghĩa, do vậy Lễ chính là phần đạo đức thực hành của Nho giáo.
  • Đạo Khổng còn hợp với thời nay không?

    26/11/2005Nguyễn Văn NghệGần đây, trong mối giao lưu và hội nhập ngày càng được đẩy mạnh với các nước trong khu vực, nhiều học giả đã quay trở lại với việc đánh giá vai trò của Nho giáo trong xã hội Việt Nam thời hiện đại. Bài viết sau giúp bạn đọc tổng hợp một số ý kiến của các học giả nước ngoài, và quan diểm của một số nhà nghiên cứu Việt Nam...
  • Tư duy phương Đông nhìn dưới ánh sáng học thuyết Einstein

    07/11/2005Nguyễn Huệ ChiĐột phá khoa học của thế kỷ XX được đánh dấu bằng việc khám phá ra thuyết tương đối của nhà vật lý học Albert Einstein ngay vào những năm đầu thế kỷ đã làm chấn động dư luận thế giới, nhưng ý nghĩa lớn lao của nó, theo tôi nghĩ, lại chính là sự tác động dây chuyền và có tính chất lâu dài trong suốt cả một thế kỷ, làm lung lay một phương pháp tư tưởng đã hằn sâu thành nếp, chiếm địa vị độc tôn trong nghiên cứu, có lúc gây bế tắc trì trệ cho nhiều ngành khoa học, không chỉ khoa học tự nhiên mà cả khoa học xã hội và nhân văn - phương pháp duy lý cổ điển [1] của phương Tây...
  • xem toàn bộ

Nội dung khác