Phỏng vấn một nhà văn
PV: Thưa ông, thời gian gần đây ông chú ý tới điều gì nhất?
Nhà văn: Rất buồn là không có.
PV: Sao lại thế, thưa ông? Xã hội đang tồn tại biết bao chuyện bức xúc, nào môi trường, nào giao thông, nào giáo dục…
Nhà văn: Tôi biết, nhưng thưa nhà báo, muốn cho một xã hội phát triển thì sự chú ý cũng phải có tính chuyên sâu. Với tư cách một nhà văn, tôi phải chú ý nhất là tình hình văn học.
PV: Mà tình hình văn học thì sao?
Nhà văn: Có thể nói thẳng ra: Đã mấy năm nay rồi, ít có tác phẩm nào gây được chú ý, cả tiểu thuyết lẫn phê bình.
PV: Nguyên nhân là do đâu, thưa ông?
Nhà văn: Tôi không trả lời câu hỏi này, vì trả lời ra sao cũng sẽ vô cùng cũ.
PV: Nhưng chắc ông đã biết, đang sắp tới đại hội nhà văn, tình hình trên diễn đàn cũng nóng lên đấy chứ?
Nhà văn: Diễn đàn nào?
PV: Báo chí chẳng hạn. Trên tờ báo nọ báo kia, đã xuất hiện những nhà văn này nọ phát biểu phê phán rất mạnh cái nọ cái kia hoặc ông nọ bà kia.
Nhà văn: Một nhà văn thì phát biểu bằng gì? Theo tôi là bằng tác phẩm. Chỉ tác phẩm. Không có gì ngoài tác phẩm. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhiều vị chả viết gì cả, hoặc chả viết ra trang nào hay ho cả, bỗng dưng "máu lửa" trên diễn đàn trước, trong và sau đại hội.
PV: Tại sao, thưa ông?
Nhà văn: Nói thực nhé, tại chả có gì dễ hơn phê phán… Hội Nhà văn. Hay nói chính xác hơn là vị này hay vị khác trong ban chấp hành. Vì họ có quyền hành gì ghê gớm đâu, mà suy cho cùng, trên đời này lấy đâu ra thứ quyền hành ra lệnh cho sáng tác phát triển.
PV: Nhưng có thứ quyền hành ngăn trở chứ?
Nhà văn: Tất nhiên là có. Nhưng biết vượt qua nó để sáng tác chính là việc của nhà văn. Cứ theo một số lý luận của vài ông bà nhà ta trước đại hội, thì họ rất có tài, có tâm huyết, có kiến thức nhưng đã bị ai đó cản trở, khiến cho những tác phẩm của họ không ra đời được. Và Ban chấp hành Hội đương nhiệm sẽ là một trong những thủ phạm chính.
PV: Quả đúng vậy sao?
Nhà văn: Xin lỗi nhà báo, đúng thế quái nào được. Việc sáng tác là việc rất cá nhân, công cụ sáng tác chỉ là giấy với bút, nếu anh viết dở, anh đừng có đổ lỗi cho ai hết.
PV: Tôi không đồng ý với ông. Rõ ràng là có môi trường thuận lợi cho sáng tác văn học, và có môi trường thì không.
Nhà văn: Tôi hiểu điều đó. Bởi chả viết văn, ngay cả câu cá cũng có môi trường. Nhưng tôi nghi rằng vượt lên môi trường, chiến thắng môi trường, bắt môi trường phải khuất phục mình mới là phẩm chất của một nhà văn chân chính.
PV: Quả tôi cũng nghi thế.
Nhà văn: Tôi có cảm giác nhà văn nước mình, hay nói ra, nghệ sĩ nước mình, là vua đổ lỗi cho hoàn cảnh. Rên la về cuộc sống, than phiền về cơ chế, nhăn nhó về điều kiện làm việc đang là một tâm lý bao trùm rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật, chả phải văn học thôi đâu. Nhưng tôi tin là nếu như có cách gì để chúng ta sống lùi về quá khứ một trăm năm trước, hay mở mắt ra thấy tương lai một trăm năm sau, chúng ta sẽ thấy các nhà văn cũng vẫn kêu ca về hoàn cảnh y nguyên bây giờ.
PV: Không khéo còn nhiều hơn, mặc dù xã hội đã có rất nhiều bước tiến so với trước…
Nhà văn: Đúng. Không khéo nhiều hơn. Cho nên tôi chỉ xin mọi người bớt ầm ĩ đi, lo sáng tác vào. Bởi chả có gì buồn hơn một nền văn học âm thầm trong hiệu sách nhưng lại sôi động trên diễn đàn, mà sự sôi động thường thiên về những chuyện cá nhân!
L.T.L.H.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn