Một năm văn chương: nỗi lo và niềm hy vọng
1. Trong tiếng ồn của các sự kiện.
Cuối năm 2006, tạp chí Time làm một cú ngoạn mục. Trong cuộc bình chọn nhân vật của năm, một hoạt động thường kỳ, thay vì các chính trị gia, văn nghệ sĩ..., những nhân vật, họ đã nhất trí lựa chọn Chính bạn (You), một cộng đồng hàng tỉ người vô danh, bình thường sử dụng internet trên thế giới bởi chính họ đã làm thay đổi không chỉ kỉ nguyên truyền thông mà cả chính nền văn hóa của chúng ta bằng việc khai sinh ra một khái niệm mới: nền dân chủ số mới (new digital democracy)1. Liệu chúng ta có thể làm một điều tương tự với đời sống văn hóa ở Việt Nam trong năm vừa qua? Nếu vậy, tôi sẽ chọn nhân vật vô nhân xưng của mình chính là Văn Chương, hay chính xác hơn, đời sống văn chương. Một sự thiên vị cá nhân? Có thể. Nhưng ít nhất, nếu nhìn từ bề mặt của các phương tiện truyền thông, có thể nói, Văn Chương đã làm được điều mà không nhiều những ngành nghệ thuật khác (hội họa, điện ảnh, âm nhạc...) có thể làm được : luôn ở trung tâm điểm của công luận, luôn tạo ra những sự kiện. Những nhà thơ nữ làm body art, họ trình diễn cơ thể trong bể bơi nhân một cuộc đại hội những người viết trẻ. Họ tạo scandal không thua kém nhiều lắm những người mẫu và diễn viên điện ảnh. Họ lăm le tung ra những cuốn tiểu thuyết viết về kinh nghiệm tình dục "người thật, việc thật" giữa mình và các đồng nghiệp không thua kém những ngôi sao của nghệ thuật giải trí lăm le viết tự truyện2. Sáng tác cũng được lăng xê với những sản phẩm có bao bì nhãn mác không khác gì những ca sĩ và người mẫu trong những trang phục khêu gợi3. Và không thiếu những sự kiện ồn ào trên mặt báo: những cuốn sách mới ra đời (điển hình là Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh và tự truyện của Lê Vân), những vụ kiểm điểm (kiểm điểm nhà văn Nguyễn Ngọc Tư), những cuốn sách bị thu hồi (Tập Dự báo phi thời tiết), những cuộc hội thảo và hội nghị (Hội thảo về Bích Khê, Hội nghị về lý luận phê bình ở Đồ Sơn, Hội nghị những người viết văn trẻ ở Hội An... - trong đó có cuộc kèm cả tỉ thí võ thuật giữa các vị khách mời), những vụ án văn chương ("các nghi án" đạo văn được hô hoán liên tục trên mặt báo), những vụ kiện tụng (ít nhất cũng là vụ kiện của hai nhà "Kiều học" vừa được tòa tuyên cách đây không lâu), rồi những cuộc tranh luận (mà nóng nhất có lẽ là cuộc tranh luận về giải thưởng thường niên của Hội nhà văn). Trong từng điểm cụ thể, Văn chương có thể không gây tiếng vang bằng những ngành nghệ thuật hoặc giải trí khác. Chẳng hạn như chưa thấy nhà văn nào chiếm lĩnh được trang bìa một của những tờ tạp chí chuyên dành cho giới thị dân thừa tiền lắm của thích ngắm hơn đọc và khao khát mua sắm bất tận. Giỏi lắm trong những tờ tạp chí ấy, nhà văn hay văn chương chỉ là một thứ "gia vị" "làm sang" cho ấn phẩm kiểu như khiêm nhường trong những chuyên mục về "nhà đẹp" hay những mục phỏng vấn gần áp chót. Tất nhiên, chúng ta cũng có thể hy vọng rằng một ngày đẹp trời nào đó, văn chương sẽ làm được điều ấy. Niềm hy vọng này nên gửi vào các nữ văn, thi sĩ, nhất là khi họ chịu khó quan tâm hơn đến nghệ thuật "make up". Các nhà văn nam, chẳng hạn như Nguyễn Bình Phương hay Tạ Duy Anh thì xác xuất chắc thấp hơn. Nhưng dù sao, ở điểm ấy, văn học thua. Nhưng, trên tổng thể thì Văn Chương hoàn toàn xứng đáng là Nhân vật của năm.
Nhân vật của Năm. Đáng vui hay buồn. Không biết! Nhưng ít nhất cũng một thoáng rùng mình. Phải chăng sẽ đến một lúc, cái lôgích tàn bạo của thị trường tư bản ở dạng hoang dại sẽ biến văn chương thành một thứ xa hoa giả trá (un luxueux mensonge), cái mà A. Camus đã khinh bỉ? Và văn chương sẽ chỉ còn là thứ để người ta thỏa mãn thói tò mò thị dân bệnh hoạn của mình rằng chị nhà văn này đã lên giường với bao nhiêu nhà phê bình, anh nhà văn nọ là đồng tính hay dị tính trong đời sống tình dục, chị nhà thơ nọ có "bon gout" trong nghệ thuật xếp đặt nhà cửa hay không, hay ông nào đó đã mua giải thưởng với giá bao nhiêu đôi giày Ý? Đến một ngày đó chăng?
2. Sau những ồn ào của sự kiện.
Nhưng rồi mọi thứ sẽ nhanh chóng qua đi, đúng theo quy luật của média. Những 8x, 9x, bất chấp nỗ lực quảng bá thế nào đi nữa thì rồi cũng sẽ nổ tung như bong bóng xà phòng. Án cuối cùng cũng được tuyên, dù ai đó có không thỏa mãn. Và dư luận xem chừng cũng không còn mặn mà lắm với những cuộc đấu khẩu. Và khi cuốn sách còn chưa được viết xong thì những cuộc quảng bá ì xèo xem chừng có thể là một phản tác dụng. Thế nhưng cuối cùng thì vẫn cứ phải đặt ra một câu hỏi tối hậu: Còn gì sau một năm văn học? Cái cuối cùng vẫn cứ là sách. Chỉ sách. Có thể kế đến bộ nhật ký của cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, bốn cuốn tiểu thuyết (Ngồicủa Nguyễn Bình Phương, T. mất tích của Thuận, Ba người khác của Tô Hoài và Truyện lan man đầu thế kỷcủa Vũ Phương Nghi), một tập thơ (Gửi VB của Phan Thị Vàng Anh) và một số cuốn sách dịch (mà xuất sắc nhất, theo tôi là Biên niên ký chim vặn dây cót của Murakami, Những cuộc đời song hành của Plutarque và Hạt cơ bản của Houellebecq). Sách cho chúng ta niềm hy vọng và niềm tin.
Đặt cạnh nhau, những cuốn sách ấy mang đến cho chúng ta hình ảnh về một đời sống văn chương đích thực. Đích thực trước hết trong ý nghĩa của lao động nghệ thuật. Từ lâu không nhiều khái niệm bị mất giá ở Việt Nam như "lao động nghệ thuật". Và trong đó có "công lao" của truyền thông. Người ta hay thích nói đến những "cuộc chơi". Ẩn chứa sau đó là những cuộc đào ngũ văn chương. Viết vài truyện ngắn hoặc một cuốn tiểu thuyết nho nhỏ, kiếm chác chút danh tiếng bằng giải thưởng hoặc bằng sự xuất hiện trên média rồi dùng danh tiếng để làm một cái gì khác, và thỉnh thoảng đáo qua thăm lại "cố nhân", biện minh bằng "phải sống". Đó chẳng phải là cái gì khác ngoài những cuộc đào ngũ. Những nhà văn như Nguyễn Bình Phương, Thuận, hay Tô Hoài, Nguyễn Xuân Khánh, những dịch giả như Cao Việt Dũng đã cho chúng ta một niềm hy vọng về một cái gì bền bỉ, một tìm kiếm không ngơi nghỉ, một lao động nghề nghiệp liên tục và (chắc chắn là) nhọc nhằn. Nó là cái phản đề đúng đắn nhất cho những ai vẫn cứ muốn coi văn chương là một "cuộc chơi" nhưng lại muốn kiếm chác từ "cuộc chơi" ấy.
Chúng ta cũng có quyền hy vọng vào một nền văn chương đang hòa nhập vào dòng chảy của văn chương nhân loại. Nếu như rạp chiếu phim của chúng ta đang dần dần trở thành một bãi thải của văn hóa tiêu thụ, nơi sự tàn bạo của thị trường ngự trị thì bước vào một hiệu sách, dù có thể chỉ là một hiệu sách "giảm giá hết cỡ", chúng ta cũng có quyền hy vọng rằng chúng ta đang có cơ hội xích lại gần với cái phần thuần khiết và tử tế nhất của văn chương thế giới.
Và quan trọng hơn hết, những cuốn sách của năm làm củng cố niềm tin của chúng ta vào một khái niệm mà ngày nay đang bị tha hóa khủng khiếp: sự dấn thân của nhà văn. Những cuốn sách bắt chúng ta phải đối diện với những vấn đề bản chất của tồn tại người. Thực ra thì cuộc sống mà chính chúng ta đang sống có một ý nghĩa nào không? Thực ra thì chính bản thân một con cá nhân, đơn tử nòng cốt của xã hội có một ý nghĩa nào không? Những tiểu thuyết như Ngồi hay T. mất tích tái hiện lại một trạng thái sống mà ở đó cái vô nghĩa mênh mông, hay nói cách khác, cái tha hóa đang ngự trị. Tha hóa trong ý nghĩa cá nhân đánh mất mọi giá trị bản thể, trở thành một cái gì nhẹ bỗng và có thể/cần phải biến đi khỏi thế giới này, không tăm tích. Những tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh hay Tô Hoài lại đặt ra nhưng câu hỏi khác : câu hỏi về di sản quá khứ đã làm nên chính chúng ta. Không chỉ là sự kiện (Cải cách ruộng đất hay cuộc xâm lược Việt Nam của Pháp hồi cuối thế kỷ XIX) những cuốn sách đã chạm đến những gì bản chất hơn sự kiện: cái phi lý và tàn nhẫn của lịch sử, cuộc đối đầu Đông – Tây về văn hóa hay câu hỏi về khả năng sinh tồn mạnh mẽ kì diệu của con người Việt. Gần đây, hình như người ta ngại nói đến sự dấn thân của văn học. Sự lạm dụng và xuyên tạc đã phản bội ý nghĩa cao quý của khái niệm. Những tác phẩm nói trên khẳng định ý nghĩa đích thực của dấn thân bằng tác phẩm nghệ thuật: bắt chúng ta phải suy nghĩ lại về đời sống của chính mình, nói lên những vấn đề của một dân tộc, của nhân loại. Ở đó, nghệ thuật là một phản tư xã hội qua con đường của cái đẹp.
Vậy thì phải chăng, đằng sau những ồn ào của sự kiện, chúng ta có quyền lạc quan về một chuyển động tích cực của đời sống văn chương?
3. Câu trả lời là vừa có vừa không.
Nói gì thì nói, Việt Nam vẫn là một nước có một quá khứ "bao cấp" và "mặc đồng phục" về nghệ thuật và quá khứ đó vẫn tác động đến văn chương, thể hiện qua những hành xử nổi lên trong đời sống văn chương. Trước hết là trong giới phê bình. Vẫn tồn dư trong hoạt động phê bình một lôgích "tam đoạn luận" nguy hiểm được sử dụng để đánh giá văn chương:
1. Coi tác phẩm là hình chiếu của hiện thực.
2. Lấy hiện thực làm chuẩn mực cho việc đọc tác phẩm và
3. Thay thế hiện thực bằng những định kiến về hiện thực. Và ngụy trang sau nó là những tabou tuyệt đối mù mờ về bản sắc dân tộc, về thuần phong mỹ tục, về hiện thực...
Từ cái lôgích ấy mới có những hành xử kiểu như lên án truyện ngắn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi viết Cánh đồng bất tận là xuyên tạc hiện thực vì đã không viết về nông thôn giống như một vài nhà văn Nga thời Xôviết hay đã "dám" sử dụng ngôn từ lệch khỏi chuẩn ngôn ngữ tiếng Việt của người Kinh Bắc Bộ. Từ đó mới có lối đọc tiểu thuyết bằng cách đếm xem trong tác phẩm có bao nhiêu Đảng viên và những Đảng viên đó đã làm những gì.
Sau đó là từ phía những thiết chế văn học. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra với những thiết chế quản lý văn hóa. Một tiểu thuyết như Ba người khác của Tô Hoài phải mất hơn mười năm mới đến được với người đọc. Một tiểu thuyết như Ngồi của Nguyễn Bình Phương phải mất nhiều năm mới được ấn hành. Người đọc cũng phải chờ đợi nhiều năm mới có được trong tay bản dịch một tiểu thuyết xuất sắc như Hạt cơ bản và những khó khăn không phải xuất phát từ lí do tài chính. Trong khi đó không một ai nắm được con số thật của sách được xuất bản ở Việt Nam trừ các đầu nậu sách. Và trên hết là câu hỏi về khả năng đón nhận những giá trị văn hóa mới và ứng xử văn hóa với sáng tạo nghệ thuật từ phía những người quản lí văn hóa. Hàng loạt câu hỏi cần phải được đặt ra đối với những thiết chế quản lý văn hóa ở Việt Nam.
Nếu không được trả lời một cách rốt giáo, được hóa giải một cách sòng phẳng, những câu hỏi đó vẫn cứ tiếp tục lơ lửng và đe dọa làm nghèo đi đời sống văn chương.
Nhưng cuối cùng thì dù sao cũng vẫn cứ nên lạc quan. Lạc quan về một cái gì dẫu có thể đang ở bên lề giữa ngoại vi và trung tâm, một cái gì lặng lẽ nhưng chính nó lại là cái có khả năng làm nên một đời sống văn chương lành mạnh. Hãy lật dở những cuốn sách mà chúng tôi đã dẫn ở trên. Cái gì đã đảm bảo giá trị cho chúng? Những cái tên như Văn học, Văn hóa thông tin, Hội nhà văn hay là những cái tên như Đà Nẵng, Đông Tây, Nhã Nam? Hãy nhìn vào chính cái đời sống văn chương ồn ào của một năm, cái gì đã làm nên những giá trị đích thực? Những bong bóng xà phòng được cổ vũ nhiệt tình bởi média hay những con người lặng lẽ tạo tác. Hình như dòng chảy mạnh mẽ nhất chính là dòng chảy âm thầm.
Nó mang đến niềm hy vọng cho một năm mới.
1. Xem chi tiết tại địa chỉ : http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,1569514,00.html
2 Có thể xem tuyên bố của một nhà văn trẻ trên địa chỉ : http://vietnamnet.vn/vanhoa/tintuc/2007/01/650919/
3 Xin theo dõi những ồn ào liên quan đến cuốn Truyện ngắn 8X do NXB Hội nhà văn ấn hành và nhất là "lời trần tình" của một "nạn nhân" của cuốn sách này, đồng thời cũng là một tác giả được tuyển chọn trong chính tập sách, cô Phạm Hương Giang (xin đọc tại địa chỉ : http://www.thotre.com/index.php?menu=detail&mid=40&nid=1019)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường