Trí tưởng tượng mang đôi cánh ướt

02:34 CH @ Thứ Bảy - 11 Tháng Mười, 2008

Văn hóa Việt Nam không khuyến khích thái độ cực đoan, mà luôn hướng đến sự dung hòa, giao thoa và cộng sinh giữa các chiều kích, các thế lực và các giá trị. Vì thế, nhà văn Việt Nam ít có những cảm xúc và suy nghĩ cực đoan làm động lực cho một trí tưởng tượng sáng tạo mãnh liệt, đi đến tận cùng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cá tính sáng tạo của nhà văn thường mờ nhạt.


LTS: Mỗi năm, khi “mùa Nobel văn chương”, hay đúng hơn, “mùa giải văn chương thế giới” một lần nữa đến gần, nhiều người trong chúng ta, trước hết là các nhà văn, lại không khỏi đặt ra câu hỏi: Bao giờ Việt Nam có giải Nobel văn chương?

Xét về mọi lẽ, đó là một băn khoăn hợp lý và chính đáng. Nước ta, với lịch sử và văn hóa lâu đời, một số phận đầy gian truân, và một khát vọng lớn, lẽ ra đã từ lâu phải có một vị trí xứng đáng hơn, được công nhận hơn trên văn đàn thế giới. Vậy, tại sao giải thưởng Nobel Văn chương – hay bất cứ giải thưởng quan trọng nào về văn chương trên thế giới – lại luôn có vẻ xa vời đối với nhà văn Việt Nam đến thế?

Dĩ nhiên có nhiều lý do khách quan, liên quan đến cả “người ngoài” lẫn chúng ta: văn học chúng ta chưa được dịch nhiều, chúng ta chưa có một công nghệ sách chuyên nghiệp và hùng hậu như ở mấy xứ giàu, các nước phương Tây vẫn tiếp tục giữ thái độ trịch thượng kiểu hậu thuộc địa đối với văn chương thuộc “thế giới thứ ba”... Song, còn những lý do chủ quan, về phía chúng ta?

Phải chăng chúng ta nên đặt lại vấn đề: không phải bao giờ Việt Nam có giải Nobel văn chương, mà là: Làm thế nào văn chương Việt Nam có giải Nobel? (Ở đây xin nói rõ ngay, “giải Nobel” chỉ là một cách nói chung, hàm ý sự thừa nhận của thế giới đối với tầm vóc và ảnh hưởng của văn học Việt Nam. Chúng ta không ngây thơ đến mức cho rằng mục đích của nhà văn Việt Nam là phải nhắm đến bằng được giải Nobel văn chương hay bất kỳ giải thưởng nào.)

Nhiều câu hỏi khác tự chúng hiện ra trước mắt chúng ta, bất cứ khi nào chúng ta đối diện với vấn đề này. Phải chăng văn chương Việt Nam đến nay chưa có được vị trí đáng kể trên văn đàn thế giới là do (một số) nhược điểm căn bản nào đó trong tố chất người Việt? Nếu có, đó là gì? Có những khó khăn hay rào cản chủ yếu nào để nhà văn Việt Nam chưa thể mơ tới giải Nobel văn chương trong tương lai gần? Nhà văn Việt Nam đã chuẩn bị được gì, hiện đang có những gì và còn thiếu những gì, để có thể dám mơ tới giải Nobel hay giải thưởng văn chương nước ngoài nào khác, một cách đường hoàng và thực tế?

Chúng tôi đã mời một số nhà văn, nhà thơ có tên tuổi phát biểu những suy nghĩ của họ xung quanh vấn đề thú vị này. Mỗi người, bằng những kiến giải của riêng mình, cố tìm lời đáp cho những câu hỏi đó.

Trí tưởng tượng mang đôi cánh ướt

Hơn nửa thế kỷ qua, nền văn học của chúng ta đã cho ra đời không ít những tác phẩm có giá trị văn hóa và lịch sử, nhưng không có tác phẩm nào có thể coi là lớn ngang tầm các tác phẩm trong quá khứ như Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ của Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Hàn Mặc Tử, tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, truyện Chí Phèo của Nam Cao…

Vì sao như vậy?

Trước thời đổi mới và hội nhập, người ta cũng đã từng tìm kiếm nguyên nhân tình trạng phú quý giật lùi này ở phương pháp sáng tác và cơ chế quản lý, đổ lỗi cho tình trạng sáng tác thiếu tự do của các nhà văn thời nay. Nhưng những câu trả lời ấy tỏ ra bất cập khi đất nước bước sang thời đổi mới và hội nhập đã hai thập kỷ rồi, bao nhiêu nguyên tắc định hướng và quản lý đã nơi rộng, đổi thay, thậm chí nhiều khi còn thả nổi, mà thực trạng sáng tác văn chương của người Việt ở cả trong và ngoài nước vẫn chưa khởi sắc. Các nhà văn không những không cho ra đời những tác phẩm lớn ngang tầm nhân loại, mà còn sản sinh ra hàng loạt những tác phẩm lai căng, chắp vá, mượn hồn hay cố nấn ná câu giờ trên sân chơi chiến tranh lạnh khi cuộc chơi chính thức đã tàn cuộc từ lâu. Phải chăng sự thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao trong nền văn học Việt Nam hiện đại là do chính những nhược điểm của văn hóa dân tộc? Nghĩa là, phải chăng cần xem xét vấn đề từ góc độ nhân học để tìm ra những hạn chế sáng tạo trong vũ trụ nhân văn của người Việt Nam?

Những bí mật của “Tam giác quỷ”

Trong tác phẩm Văn học là gì? J.Sartre đã khẳng định: “Nhà văn đã chọn lấy nhiệm vụ bóc trần thế giới và đặc biệt là con người cho những người khác để họ nhận lấy hoàn toàn trách nhiệm của mình trước những vật đã được bóc trần”. Nói cách khác, nhà văn có nhiệm vụ đưa người đọc xuyên qua mọi lớp vỏ ảo tưởng, ngộ nhận, thiên kiến và hời hợt để đi vào mọi ngóc ngách đáy thẳm của con người và thế giới, nhằm thức tỉnh trách nhiệm của họ trước cái thế giới trần trụi mà mình đã tận thấy, cái thế giới mà bấy nay họ tưởng không tồn tại hoặc tưởng mình vô can. Hai chữ bóc trần ở đây vừa mang ý nghĩa phát hiện, khám phá, phơi bày, vừa gây ấn tượng về sự quyết liệt, đi đến tận cùng. Nếu đem tiêu chuẩn văn chương của Sartre thể hiện trong định nghĩa trên so vào những tác phẩm văn học lớn của Việt Nam, ta sẽ thấy có sự trùng khớp.

Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du không chỉ bóc trần xã hội phong kiến như nhiều người đã nói, mà quan trọng hơn, nhà thơ đã bóc trần những thanh y của cô gái lầu xanh để người đọc thấy “một tòa thiên nhiên” trinh trắng và oan khuất. “Oan kia theo mãi với tình” . Nguyễn Du đã bóc trần những định kiến và ngộ nhận để chia sẻ với nỗi oan của Thúy Kiều - nỗi oan của kẻ bị hiểu sai ý nghĩa của những việc đã làm, những đoạn đời đã sống. Truyện Kiều là tiếng kêu xé ruột về những tình tự văn hóa và những giá trị nhân văn dị biệt, rất khó sẻ chia, những tâm sự và những giá trị “Một mình mình biết, một mình mình hay”. Biện minh cho trinh tiết của một cô gái điếm như Kiều bằng một bút lực thiên tài, Nguyễn Du đã chạm đến mặc cảm đạo đức của người Việt trong vô thức một cộng đồng luôn phải cộng sinh với những thế lực thù địch khác nhau để tồn tại và phát triển. Nói cách khác, Nguyễn Du đã chạm đến mặc cảm điếm để gián tiếp biện minh cho người Việt một cách vừa ngạo nghễ, vừa sâu sắc. Cốt lõi văn hóa của sự ngạo nghễ thi ca này là niềm tin văn hóa sâu thẳm, là nội lực văn hóa mãnh liệt đã khiến nhà thơ minh oan biện hộ cho Kiều bằng những lời gan ruột. Và tầm nhìn của một thi sĩ nhân văn đã cho phép Nguyễn Du bao quát một cách tự nhiên cái nghich lý gái điếm còn trinh để đảo thai hoán cốt câu chuyện tầm thường của Thanh Tâm Tài Nhân thành kiệt tác. Bằng thiên tài của mình Nguyễn Du đã nâng chân lý đời sống lên tầm cao của chân lý nghệ thuật.

Số đỏ của Vũ Trọng Phụng cũng bóc trần cho độc giả thấy một thực tế cuộc sống rất oái oăm dị biệt và đầy nghịch lý của đời sống dân tộc đầu thế kỷ, với một nhân vật Xuân tóc đỏ vừa độc đáo có một không hai, vừa rất Việt Nam. Cái logic đưa Xuân tóc đỏ từ một kẻ lưu manh thất học, đại bịp trở thành “vĩ nhân”, thành “nhà cải cách xã hội”, thậm chí thành “anh hùng cứu quốc” đã được Vũ Trọng Phụng đẩy đến cùng làm hiện hình trước độc giả một xã hội vô thường. Tính chất vô thường của logic đời sống Việt thời đua đòi Âu hóa đã thăng hoa từ chuỗi hình tượng sinh động - sản phẩm của một trí tưởng tượng sáng tạo quyết liệt, đi đến tận cùng, phê phán cười giễu không khoan nhượng - đã làm nên cái lớn của tiểu thuyết Số đỏ. Nếu không có một trí tưởng tượng sáng tạo tự do, thoát khỏi những logic thường tình, một chiều hay thực dụng, Vũ Trọng Phụng không thể kết nối được các đối cực (kẻ lưu manh thành anh hùng dân tộc, kẻ dốt nát thành nhà cải cách xã hội, kẻ dâm đãng thành người tiết hạnh khả phong). Hình tượng Xuân tóc đỏ là kết tinh của logic đời sống xã hội,nhưng đã được Vũ Trọng Phụng đưa vào thế giới của logic nghệ thuật chân thực, hài hước và phi lý.

Viết truyện Chí Phèo, Nam Cao không chỉ bóc trần cái xã hội thực dân nửa phong kiến thời Pháp thuộc đã lưu manh hóa, bần cùng hóa, thú vật hóa con người, mà còn bóc trần sự nhu nhược hèn yếu của quần chúng làng Vũ Đại, phơi bày sự tan rã của văn hóa làng truyền thống. Nam Cao cũng bóc tách những lớp vỏ thú tính của con người lưu manh Chí Phèo cho độc giả chứng kiến chút lương tri, nhân tính, tình yêu và khát vọng làm người lương thiện trong sâu thẳm tâm hồn hắn. Chí Phèo của Nam Cao là chàng Rhett Butler kiểu Việt Nam. Cả Chí Phèo và Rhett Butler đều là những gã lưu manh khẳng định mình bằng cách thách thức bảng giá trị của cộng đồng. Chỉ có điều, Rhett Butler trong Cuốn theo chiều gió chủ động tách khỏi cộng đồng để khẳng định mình, còn Chí Phèo của Nam Cao bị đẩy đến con đường nổi lọan và đập phá, Rhett Butler là kẻ đưa cái đểu với tư cách một phạm trù mỹ học vào cuộc sống nhân loại, là chàng thương gia xuất khẩu vẻ đẹp đểu cáng của đàn ông, còn Chí Phèo mãi mãi là hình ảnh gã đàn ông xấu xí của làng Vũ Đại. Rhett Butler thì có nàng Scarlet xinh đẹp, sắc sảo và bản lĩnh, còn Chí Phèo chỉ có Thị Nở xấu nhất trần gian. Rhett Butler nghe Scarlet chửi mình mà vẫn thản nhiên, làm Scarlet cảm thấy mình bất lực, còn Chí Phèo chửi cả làng Vũ Đại mà chẳng gặp ai phản ứng gì, Chí cũng thấy phí rượu. Hai số phận, hai cảnh ngộ có vẻ hoàn toàn trái ngược nhau, nhưng đều là những nhân vật lớn của hai nền văn học vì các nhà văn khai sinh ra họ đều là những người có cảm hứng sáng tạo mãnh liệt dám đi đến tận cùng các chiều kích tâm hồn con người và thế giới.

Có thể thấy cái chung của ba tác phẩm lớn trong văn học Việt Nam vừa phân tích là sự thể hiện tâm thức văn hóa Việt, logic đời sống Việt và các dạng tồn tại đặc thù của nhân cách Việt. Thúy Kiều là con lai của văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Hoa, Xuân tóc đỏ là con lai của văn hóa Việt và văn hóa Pháp, chỉ có Chí Phèo là đứa con thuần Việt. Nhưng ba nhân vật ấy đều được sáng tạo bằng một niềm tin văn hóa lớn, một trí tưởng tượng quyết liệt, và một cái nhìn có tầm triết học hướng đến chiều sâu của những nghịch lý và sự thăng hoa của logic nghệ thuật. Thúy Kìều trình diễn trò ảo thuật cô gái điếm còn trinh, hấp dẫn và thuyết phục không kém gì trò người bị cưa đôi vẫn còn nguyên vẹn của David Copperfield, Chí Phèo trình diễn trò rạch mặt kinh dị và đái vào đền thiêng trong lúc lên đồng nổi loạn theo vô thức tập thể của làng Vũ Đại, còn Xuân Tóc Đỏ trình diễn trò xiếc chồng ghế cao nhất ngưởng, láu cá nương theo những nghịch lý của cuộc đời để lên đỉnh vinh quang. Thúy Kiều, Chí Phèo và Xuân Tóc đỏ làm nên cái Tam giác quỷ chứa ẩn những bí mật của sức sống Việt và tâm hồn Việt trong những hoàn cảnh vô cùng éo le khắc nghiệt, cũng là cái Tam giác quỷ chứa ẩn những bí mật của những tác phẩm văn học lớn.

Những vòng Kim-cô văn hóa

Nhìn lại những tác phẩm sáng tác trong nửa thế kỷ qua, có thể thấy có những tác phẩm mang giá trị lịch sử lớn, nhưng hầu như chưa có tác phẩm nào có giá trị văn học lớn ngang tầm các tác phẩm trong Tam-giác-quỷ-văn-chương đã kể trên. Nếu đưa bất cứ tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại nào tới gần Tam giác quỷ này, chắc chắn nó sẽ bị mất hút một cách bí ẩn. Nguyên nhân sâu xa là các nhà văn của ta thiếu một niềm tin văn hóa lớn, thiếu một trí tưởng tượng sáng tạo quyết liệt dám đi đến tận cùng để đẩy hình tượng văn chương thoát khỏi đường băng của logic hiện thực, bay lên bầu trời của logic nghệ thuật đầy nghịch lý - những phẩm chất tiềm tàng trong các tác phẩm lớn của Nguyễn Du, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao…

Chúng ta sẽ hàm hồ và bất công nếu vội kết luận rằng con người Việt Nam hiện đại có vẻ kém cỏi hơn tiền nhân trong sang tạo văn chương. Những phẩm chất vừa thấy khi nhìn vào tam giác quỷ không hẳn đã là những thế mạnh sẵn có trong gia tài văn hóa Việt, mà có thể chỉ là những quà tặng đột xuất từ Đấng sáng tạo cho một số tài năng. Nhìn vào gia tài văn hóa Việt, ta có thể thấy có những mặt sở đoản hạn chế sáng tạo văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung.

1-Thiếu một niềm tin tôn giáo lớn: Người Việt nói chung không có niềm tin tôn giáo mãnh liệt. Mặc dù có nhiều sinh hoạt tín ngưỡng mang màu sắc vật linh, nhưng người Việt không có một đời sống tâm linh mạnh mẽ và phong phú như nhiều dân tộc khác. Nếu người Việt có thờ thần, thờ Phật thì cũng giống như nuôi một người thợ đặc biệt, người thợ có phép lạ để mong anh ta làm ra của cải và hạnh phúc cho mình thôi, không phải là vong thân trong thế giới tâm linh một cách mê muội, chân thành. Tỉnh táo và thiết thực, người Việt luôn luôn đứng vững trong cõi thế, lôi cả thần thánh về phục vụ cho cõi thế. Nếu bị hạn hán, người Việt có thể đem tượng thần ra phơi nắng cho thần linh cùng trải nỗi đau khổ của con người để “biết điều” mà trổ phép làm mưa. Cái quyền uy trần thế đó, cái tâm thế thực dụng đó đã khiến người Việt có cái nhìn hoài nghi với những đại diện của thế giới tâm linh - trong kho tàng chuyện dân gian Việt nam có rất nhiều chuyện cười giễu các nhà sư, các thầy cúng. Ngay cả khi tin tưởng vào các điềm báo, các giấc mộng, các bậc vua chúa xưa cũng chỉ coi thần linh là những cố vấn đặc biệt mach bảo và trợ lực cho họ thực thi những ý chí trần thế, những dự định trần gian.

2-Thiếu một trí tưởng tượng tự do: Trong lịch sử nhân loại, tôn giáo luôn khai mở trí tưởng tượng cho con người. Chính thái độ tôn giáo thực dụng của người Việt đã hạn chế trí tưởng tượng văn học vào khuôn khổ trí tưởng tượng thực dụng. Nếu không có trí tưởng tượng tự do mang tầm vũ trụ của ngừời mơ mộng thì nhà văn không thể sáng tạo ra một tác phẩm lay động toàn thế giới như Hoàng tử bé của Saint Exupery. Không phải người Việt Nam không có trí tưởng tượng thần thánh. Những sự tích như Từ Thức gặp tiên đã thể hiện một trí tưởng tượng mang tầm triết học, tầm vũ trụ và một quan niệm về thời gian tâm linh. Chuyện cổ tích Tấm Cám với sự phục sinh của cô Tấm thảo hiền qua hình hài con chim Vàng Anh là sản phâm của trí tưởng tượng mang tinh thân luân hồi của Phật giáo. Nhưng trí tưởng tượng kiểu này dường như không được phát huy trong văn học thành văn, nhất là văn học hiện đại. Hơn thế nữa, người Việt có truyền thống thiết thực, thực dụng văn hóa, nên văn học luôn luôn là công cụ tải đạo, công cụ chiến đấu cho những giá trị nhân sinh, cho quyền lợi chung của cả cộng đồng. Vì thế, trí tưởng tượng của nhà văn luôn có xu thế hướng về đời sống, thiếu tự do sáng tác ngay từ trong tập tính văn hóa ăn sâu vào máu thịt nhà văn. Nói một cách nôm na, khi nhìn một quả trứng chim, nhà văn ta thường liên tưởng tới món trứng rán cứu đói cho đồng bào nhiều hơn là tưởng tượng đến những cánh chim bay bổng hót vang trong những chân trời mới. Trí tưởng tượng của nhà văn nhiều khi giống như con chim có đôi cánh ướt, không thể bay lên.

3-Thiếu một thái độ cực đoan văn hóa: Văn hóa Việt Nam không khuyến khích thái độ cực đoan, mà luôn hướng đến sự dung hòa, giao thoa và cộng sinh giữa các chiều kích, các thế lực và các giá trị. Vì thế, nhà văn Việt Nam ít có những cảm xúc và suy nghĩ cực đoan làm động lực cho một trí tưởng tượng sáng tạo mãnh liệt, đi đến tận cùng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cá tính sáng tạo của nhà văn thường mờ nhạt. Do nhu cầu tập hợp quần chúng để giải quyết những nhiệm vụ chung vì sự sống còn của cả cộng đồng, nên văn hóa Việt Nam đề cao sự dễ hiểu, nôm na đại chúng, dị ứng với sự phức tạp, hàn lâm. Thiếu những xung lực cực đoan mãnh liệt để đẩy hình tượng văn học đi đến cùng, nhà văn không thể chạm tới những nghịch lý thú vị của đời sống và của tư duy. Hình tượng cứ luẩn quẩn mãi trong logic đời sống hời hợt, giống như chiếc máy bay cứ chạy mãi trên đường băng, không thể thăng hoa bay lên bầu trời của logic nghệ thuật.

Muốn có tác phẩm lớn, các nhà văn Việt Nam cần ý thức được những ràng buộc văn hóa đó để tìm cách bứt phá bay lên như những Nguyễn Du, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng... đã mang trái tim đầy ứ những nỗi đau trần thế bay lên những bầu trời sáng tạo tự do.


Xem thêm:

Nhà văn Pháp đoạt giải Nobel Văn học 2008

Giải thưởng văn học danh giá nhất hành tinh đã thuộc về tiểu thuyết gia Jean-Marie Gustave Le Clézio. Ông là cây bút thứ 14 của Pháp được Viện Hàn lâm Thụy Điển tôn vinh.

Công bố của Viện Hàn lâm khẳng định, Nobel Văn học 2008 đã được trao cho "tác giả của những điểm xuất phát mới, của cuộc phiêu lưu đầy chất thơ và những trạng thái xuất thần của cảm xúc; người khám phá một nhân loại nằm ẩn sâu và bên ngoài nền văn minh đang ngự trị".

Jean-Marie Gustave Le Clézio sinh năm 1940 ở Nice, Pháp. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông sang Mỹ sống bằng nghề dạy học.

Nhà văn Jean-Marie Gustave Le Clézio. Ảnh: AFP.

Vốn là người đam mê du lịch và văn chương, Le Clézio sáng tác từ năm lên 7 - 8 tuổi. 23 tuổi, ông thành công ngay từ tác phẩm đầu tay Le Procès-verbal. Cuốn tiểu thuyết đoạt giải thưởng Prix Renaudot 1963 và lọt vào chung khảo giải Goncourt năm đó. Năm 1980, Le Clézio tạo nên bước ngoặt lớn trong sự nghiệp văn chương của mình với cuốn Desert. Tác phẩm được Viện Hàn lâm Thụy Điển đánh giá là "chứa đựng những hình ảnh huy hoàng về một nền văn hóa đã biến mất trên sa mạc Bắc Phi, tương phản với hình ảnh một châu Âu được nhìn qua đôi mắt của những kẻ nhập cư không mời mà tới".

Đến nay, sau hơn 40 năm cầm bút, ông đã là tác giả của hơn 30 đầu sách, gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận và các công trình dịch thuật về thần thoại thổ dân châu Mỹ. Trong một cuộc khảo sát ý kiến độc giả do Tạp chí Văn học Lire (Pháp) thực hiện năm 1994, Le Clézio được 13% số người tham gia bầu chọn là nhà văn đương đại lớn nhất của Pháp. Trong đời thường, nhà văn sống bình lặng, có phần ẩn dật và lánh xa các phương tiện thông tin đại chúng.

Le Clézio sẽ nhận được huy chương, bằng chứng nhận và khoản tiền thưởng trị giá 1,3 triệu USD (hơn 22 tỷ đồng). Lễ trao giải sẽ diễn ra vào 10/12. Năm ngoái, giải thưởng thuộc về nhà văn Anh Doris Lessing.

Những quốc gia đoạt nhiều giải Nobel Văn học nhất:

STT

Quốc gia

Số giải

1

Pháp

14

2

Mỹ

11

3

Anh

10

4

Đức

9

5

Italia

6

5

Thụy Điển

6

6

Nga

5

6

Ba Lan

5

6

Tây Ban Nha

5

Nguồn: Báo Việt Nam


Giải Nobel Văn học 2008 về tay nhà văn Pháp Jean-Marie Gustave Le Clézio

NDĐT – Chiều nay, vào lúc 18 giờ (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Thuỵ điển công bố giải Nobel Văn học thuộc về nhà văn người Pháp Jean-Marie Gustave Le Clezio.

Bình luận chính thức từ trang web của Viện hàn lâm Thụy Điển gọi Le Cleio là “tiểu thuyết gia của những chuyến khởi hành, của những vần thơ đầy phiêu lưu mạo hiểm và những hứng khởi xuất thần đầy nhục cảm, người khám phá nhân loại từ đằng xa và ở phía dưới nền văn minh đang ngự trị”.

Sau 23 năm kể từ ngày giải thưởng Nobel Văn học đầy danh giá thuộc về tiểu thuyết gia người Pháp Claude Simon vào năm 1985, giải Nobel Văn học năm nay lại về tay người Pháp.

Jean-Marie Gustave Le Clézio, từng dành giải Renaudotnăm 1963, là người thứ 35 đồng thời là nhà văn nam thứ 24 dành giải Nobel văn học.

Là một người thích du lịch, J.M.G. Le Clézio bắt đầu cầm bút viết từ những ngày ông mới lên bảy hay tám tuổi. Vào năm 23 tuổi, tên tuổi của J.M.G. Le Clézio bắt đầu được biết đến với cuốn tiểu thuyết đầu tay Le Procès-Verbal (tạm dịch:Sự phế truất), cuốn sách đã lọt vào vòng đề cử cho giải thưởng Goncourt, đồng thời đoạt giải Prix Renaudot năm 1963.

Từ năm 1963 đến năm 1975, Le Clézio dành hết tâm huyết của mình cho công việc nghiên cứu trong các lĩnh vực tâm thần học,viết văn, ngôn ngữ… kế thừa những kết quả của các tác giả nổi tiếng cùng thời như Georges Perec và Michel Butor.

Những năm cuối thập niên 1970, phong cách sáng tác của Le Clézio đột nhiên thay đổi mạnh mẽ, ông chấm dứt các nghiên cứu của mình và bắt đầu tập trung vào viết những cuốn tiểu thuyết có nội dung về thời thơ ấu, những chuyến du ngoạn và thời niên thiếu. Năm 1980, Le Clézio là người đầu tiên dành giải thưởng Prix Paul Morand, với cuốn tiểu thuyết Désert, được trao bởi Viện hàn lâm Pháp.

Năm 1994, sau một cuộc khảo sát của tạp chí văn học nổi tiếng Pháp, Lire, đã có 13% độc giả bình chọn Le Clézio là tiểu thuyết gia tiếng Pháp vĩ đại nhất của mọi thời đại.

Le Clézio bắt đầu viết văn từ năm lên bẩy tuổi. Ông là nhà văn được công chúng tán thưởng và trong cuộc bầu chọn có kết hợp điều tra phỏng vấn năm 1994 nhiều giáo sư, giảng viên trung học do NXB Gallimard phối hợp với tạp chí Lire và hãng Carré Latin thực hiện, ông được xếp vị trí cao nhất trong số những nhà văn Pháp hiện còn sống. Các sáng tác của ông thiên về hiện thực cuộc sống và mong ước của con người .

Nguồn: Baomoi.com

Nguồn:VietNamNet
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • J.P.Sartre và câu hỏi: Văn học là gì?

    01/08/2016Thanh ThảoLà một nhà văn tự do và dấn thân, Sartre đã gắn kết hai khái niệm tưởng chừng mâu thuẫn này vào mục đích sáng tạo của nhà văn, bởi người ta có thể hỏi vặn: tự do đôi khi là từ chối dấn thân, và ngược lại, dấn thân có khi là mất tự do?
  • Văn học Nga: “hiện tượng Duhless”

    29/08/2014Phan Xuân LoanDuhless (từ ghép, với “dukh” (linh hồn) tiếng Nga ghép với hậu tố “less” (không có) trong tiếng Anh - tạm dịch: vô hồn”) là tên tác phẩm mới xuất bản của tác giả Nga 31 tuổi Sergei Minaev. Sách đã bán sạch ngay trong tuần đầu phát hành...
  • Văn chương trải nghiệm đàn bà

    30/07/2008Ngô BenLessing được xem là biểu tượng của phong trào bình đẳng giới. Những trang viết của bà thấp thoáng những trải nghiệm từ cuộc sống riêng với 2 lần kết hôn rồi ly dị, có 3 đứa con…
  • Con đường văn học

    01/05/2008Nhà văn Nguyễn Huy ThiệpKhi tôi nhận ra rằng văn học là một thế giới hoang tưởng của người viết thì không có nghĩa là tôi hạ thấp giá trị văn học. Tôi chỉ vạch ra khía cạnh vô bổ, vô nghĩa của văn học mà thôi. Tôi cũng đã cảnh tỉnh để người viết dè chừng khả năng bị tha hóa về mặt tinh thần, đạo đức khi cầm bút viết...
  • Văn học trẻ - khát vọng lối đi riêng

    27/04/2008Tiểu QuyênDù là phản ánh bức tranh cuộc sống hay một khoảng khuất riêng biệt, không ít nhà văn trẻ đang muốn nói tiếng nói riêng của mình với bạn đọc..
  • Văn học nghệ thuật: đi con đường thị trường

    04/03/2007Nhà văn Trần Thị TrườngTích cực mở cửa và hỗ trợ cho các phẩm bên ngoài vào, cho tác phẩm bên trong ra ngoài tức là đã làm không khí sinh hoạt văn chương trong nước sinh động lên và nhờ đó những tác phẩm có giá trị sẽ xuất hiện...
  • Văn chương - văn học năm 2006, chuyển dịch trong sự “nhiễu loạn”?

    04/02/2007Nguyễn HòaTới năm 2006, với những sự kiện - hiện tượng phong phú và đa dạng của nó, tôi lại thấy văn chương - văn học nước nhà như đang phát lộ một vài dấu hiệu chuyển mình. Và vì thế, dường như đâu đó ở cuối con đường, đã le lói một niềm hy vọng?
  • Sáng tạo văn học nghệ thuật và quyền tác giả ở Việt Nam

    03/01/2007TS. Vũ Mạnh ChuĐọc toàn bộ tác phẩm, các bạn sẽ có được cái nhìn khái quát về lịch sử hình thành, thực trạng tình hình và tương lai của quyền tác giả ở Việt Nam. Hoạt động sáng tạo và các khía cạnh văn hoá, nghệ thuật, pháp luật, tổ chức bộ máy thực thi và hội nhập quốc tế về quyền tác giả, đã được đề cập khái quát...
  • Nhà thơ trong thiên văn học

    11/10/2006
  • Đến bao giờ - những đỉnh cao văn học?

    20/07/2006Phong LêTác dụng thanh lọc của văn học - nghệ thuật đến từ sự phát hiện và tôn vinh cái Đẹp của cuộc đời, gắn với một giá trị nhân văn, vì hạnh phúc của con người; vì sự giải phóng và phát triển con người. Trong cuộc tìm kiếm ấy, nhà văn như một kẻ tử vì đạo, dũng cảm trong chống trả, đối phó với mọi uy hiếp, đe dọa đến từ các hệ quyền lực và cả với sự không an toàn của xã hội...
  • Về tác phẩm văn học đỉnh cao

    30/06/2006Phạm Tiến DuậtTrong những năm vừa qua, mặc dầu Hội Nhà văn Việt Nam và nhiều tổchức văn học và nghệ thuật khác đã trao giải thưởng văn học thường kỳ, một năm hoặc 5 năm một lần, nhưng hầu như các tác phẩm và tác giả được giải rất mau chìm vào quên lãng. Chúng ta đang thiếu vắng các tác phẩm văn học lớn, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, những tác phẩm có khả năng rung động hàng triệu người, những tác phẩm có tác động xã hội to lớn, vừa trực tiếp lại vừa lâu bền...
  • Cái cần cho văn học trẻ

    08/05/2006Như HàPhải nói ngay rằng, cái cần cho văn học trẻ vừa là một khái niệm, vừa là một câu hỏi khá chung chung. Thế nhưng, tự thân mỗi người cầm bút lại hay đặt ra trong những lúc muốn nhìn lại công việc viết lách của chính mình...
  • Biện chứng cá nhân – xã hội trong cảm thụ thẩm mỹ

    12/02/2006TS. Lê Đinh LụcCảm thụ thẩm mỹ là hoạt động mang đậm dấu ấn cái "tôi" cá nhân của chủ thể, gắn liền với những năng lực tinh thần chủ quan, với tình cảm, thị hiếu của mỗi người...
  • Phỏng vấn một nhà văn nữ trẻ

    22/10/2005Lê Thị Liên HoanPV: Thưa cô, có người kêu Bóng đổ là một tác phẩm nói nhiều đến tình dục?
    Nhà văn nữ: Rõ ràng.
    PV: Tại sao cô lại thản nhiên đến thế?
    Nhà văn nữ: Tại vì tôi hiểu rất nghiêm túc: không phải cứ tình dục là khiêu dâm...
  • Dịch giả Huỳnh Phan Anh trò chuyện về văn học hải ngoại

    03/08/2005Từng dạy triết học tại Sài Gòn, thế nhưng cái tên Huỳnh Phan Anh lại được biết tới với tư cách là nhà phê bình, dịch giả. Còn bản thân tác giả thì tự nhận mình là một nhà giáo "đi lạc vào văn học". Từ năm 2002, Huỳnh Phan Anh định cư tại Mỹ...
  • xem toàn bộ