Có chút vốn văn tôi mới thấy mình nghèo

11:18 SA @ Thứ Ba - 05 Tháng Giêng, 2010

“Nhà văn nông dân” Ngô phan Lưu được làng văn cả nước biết đến khi ông đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Nghệ năm 2007. Từ đó, tác phẩm của ông xuất hiện nhiều trên báo chí. Có thể nói, sau cuộc thi, cây bút này đã chứng tỏ khả năng văn chương của mình trong lòng người đọc.

Vẫn chú tâm về con người, quê hương

Phóng viên: Được biết tác phẩm gần đây nhất của ông là Xoa tay và cười gồm các truyện ngắn và tản văn. Ở tác phẩm mới này, ông vẫn tiếp nối mạch văn về con người và quê hương ông như trước hay đã có sự đổi mới trong đề tài?

- Ngô Phan Lưu: ở tác phẩm Xoa tay và cườinày, tôi cũng vẫn chú tâm về con người, về quê hương, về cuộc sống như các quyển trước, nhưng với một tầm nhìn sâu hơn.

Có người nhận xét khi đọc xong tậpXoa tay và cười của ông thấy đầy những “cái xa xót của không gian từng câu chuyện đã toát lên những khoảnh khắc bi kịch trong đời”. Với âm hưởng chủ đạo như vậy, bao nhiêu phần trăm là phản ánh hiện thực của cuộc sống xung quanh và bao nhiêu phần trăm là hư cấu?

- Theo tôi, chức năng của văn chương không phải là sự phản ánh hiện thực cuộc sống. Phản ánh làm sao được khi cuộc sống biến chuyển không ngừng, thậm chí còn biến chuyển đến chóng mặt. Thế nên, văn chương phải khảo sát những gì có thể xảy ra trên cái hiện thực đã xảy ra. Đấy mới là giá trị của nó. Gọi đấy là hư cấu cũng được.

Thế còn cái điệu “xoa tay”, và “cười” ở đây ngụ ý gì vậy?

- Tiếng cười này gần như đồng bộ với việc xoa tay. Tiếng cười của một người vừa xong một công việc tuy chẳng ra sao, nhưng dù sao cũng xong xuôi cả. Tiếng cười này bay vơ vẩn một chặp rồi đáp ngay vào người đẻ ra nó, để chấm dứt cái xoa tay. Tiếng cười này mới ngó tưởng chỉ cười người khác, nhưng hóa ra lại cười chính mình cùng lúc với cười người khác.

Ông đoán độc giả sẽ đón nhận Xoa tay và cười như thế nào?

Khi viết, tôi không đoán độc giả sẽ đọc thích hay không thích. Việc ấy là tự do của họ mà tôi luôn tôn trọng. Độc giả thích hay không thích, tôi đều vui mừng cả. Đây không phải là nói dối mà thật tâm tôi như vậy. Tại sao họ không thích? Tại vì họ đã đọc quyển sách ấy. Người ta đã đọc tác phẩm là tôi mừng rồi.

Thích được gọi là Cây bút

Ông xuất thân từ nông thôn, sống đến nửa đời với cái mác nông dân. Điều gì đã khiến ông đến với văn chương?

- Từ nhỏ tôi đã mê văn chương, nay già rồi, lường khả năng mình có thể viết được, thế là viết cho vui mà cũng nhân đó kiếm chút tiền.

Đến nay ông đã từ giã làm ruộng chuyển hẳn sang viết văn, ông có thấy đời sống dư dả hơn không?

Cũng khá hơn.

Dường như ông rất có duyên khi viết về vùng đất của mình. Bí quyết của Ngô Phan Lưu là gì?

Làm gì có bí quyết. Đọc rất thích, đó là cái “duyên” của ngòi bút. Muốn có cái “duyên’ đó cũng dễ thôi. Cứ nghĩ rằng mình không đẹp là sẽ có “duyên” ngay.

Cho đến thời điểm này, khi đã có trong tay một số “vốn liếng” kha khá là những tác phẩm của riêng mình, ông có còn tự cho mình là một người viết a-ma-tơ, một trai cày nữa không?

Khi đã có chút “vốn liếng” văn chương kha khá, lúc ấy tôi mới thấy mình nghèo, nhưng người ta không cho mình nghèo, đó là việc của họ. Nay, họ cứ gọi tôi là nhà văn trong khi tôi thích được gọi là cây bút. Gọi là cây bút có vẻ đỡ kiểu cách hơn nhà văn.

Đến với văn chương là tình cờ nhưng khi đã ngồi trong chiếu văn này rồi, ông có thấy mình phải theo đuổi nó không, phải đi đến cùng hay là viết được cái gì thì viết, thỉnh thoảng viết cho vui?

- Hôm nay tôi đang với văn chương đây nhưng lòng thì đã đến hôm qua. Cái đích của văn chương không nằm bên ngoài mình, mà chính trong bản thân mình. Mà đã ở trong bản thân thì chết nó mới thôi đeo đẳng. Còn như có viết hay không là do sức khỏe.

Nông dân suy nghĩ không đơn giản

Người nông dân thường hay có suy nghĩ đơn giản nhưng trong các truyện ngắn của Ngô Phan Lưu, nhân vật nông dân của ông lại rất hay triết lý. Đó có phải là tính cách của những người dân quê ông hay là cảm quan riêng của Ngô Phan Lưu áp đặt vào các nhân vật của mình?

- Không phải vậy. Lời lẽ của người nông dân nhà quê thôi, nhưng suy nghĩ họ không đơn giản như chị tưởng. Nói gì thì nói, nhưng các nhân vật của tôi cũng chính là cái tôi giả vờ đấy. Có nhà văn giả vờ giỏi, có nhà văn giả vờ dở. Nếu đó là “áp đặt”, như chị đã gọi, thì còn gì tốt bằng. Đằng này chỉ là giả vờ thôi.

Có người nói truyện ngắn của Ngô Phan Lưu viết theo kiểu bình dân chứ chẳng có cách tân, kỹ thuật hiện đại nào trong bút pháp. Ông thấy đúng hay sai?

- Bút pháp à? Ai cũng có bút pháp riêng cả. Đã thế, tôi cách tân bút pháp của tôi để trở thành bút pháp người khác làm gì cho mệt.

Chuyển sang đề tài đô thị chỉ là khoác một bộ đồ mới

Người dân quê ông có gặp phải vấn đề đô thị hóa dẫn đến những đổ vỡ của tâm hồn người như một số nhà văn tiếng phản ánh trong tác phẩm của mình?

- Tâm hồn thì dễ đổ vỡ lắm, có điều chúng ta khó thấy đó thôi. Người dân quê hẳn là chỗ nào cũng thế. Nhà văn phải phản ánh điều ấy trong tác phẩm của họ, nhưng mỗi nhà văn phản ánh mỗi khác tùy theo vị trí của họ. Tôi cũng vậy. Điều này, khi đọc tác phẩm của tôi, chị sẽ gặp.

Ngô Phan Lưu sẽ thế nào khi bóc mình ra khỏi nông thôn của vùng duyên hải miền Trung thân thuộc? Ông có ý định chuyển sang “canh tác” ở “miền đất” mới, chẳng hạn như đời sống đô thị nhộn nhịp?

- Mỗi nhà văn đều phải làm mới mình. Điều này rất cần thiết. Nhưng làm mới mình bằng cách nào? Tôi thiết nghĩ, không phải từ viết về nông thôn chuyển sang viết về đô thị là làm mới mình. Làm mới mình chính là mình phải càng ngày càng trung thực với mình hơn lên. Lúc đó mình mới là con người mới. Còn chuyển đổi cách viết sang môi trường đô thị, đó chỉ là khoác một bộ đồ mới mà thôi.

Công bằng mà nói đến nay, dù ít dù nhiều, Ngô Phan Lưu đã tạo được dấu ấn trên văn đàn. Ông có hài lòng với những gì mình đã viết?

- Cảm ơn chị về nhận định tốt đẹp này. Nhưng tôi chưa hài lòng với những gì mình đã viết.

Ông sẽ tích lũy, bồi đắp thêm cho nghề văn của mình như thế nào?

- Việc này khó nói rõ ràng, vì đó là kiểu riêng của mỗi người. Có thể là tôi sẽ đi nhiều hơn để tích lũy và bồi đắp vốn liếng văn chương cho mình.

Ở vào tuổi 64, điều gì đã khiến cho bút lực của ông luôn dồi đào trên cánh đồng chữ nghĩa?

Bút lực không nằm trong tuổi tác. Nó nằm trong tâm hồn và trí tuệ. Còn dồi dào để người ta thấy được, là do siêng năng.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cái đọc với người viết

    28/10/2016Hoài NamSự đọc cần cho tất cả những ai yêu chuộng tri thức, yêu chuộng một đời sống tinh thần phong phú; riêng với người viết, đọc trở thành một điều kiện mang tính cốt tử nếu người viết thực sự muốn sống chết với nghề viết, thực sự muốn tạo lập những giá trị văn chương có thể không bị bụi thời gian che phủ; nói cách khác, phải đọc, nếu người viết muốn hiện diện với tư cách một người viết chuyên nghiệp...
  • Thân ốc với cọc không rêu hay là ảo ảnh văn chương sáo rỗng

    25/01/2015Nguyễn Chí HoanMột nhà phê bình nghệ thuật mới đây đã viết một cách chua chát rằng nghệ thuật ngày nay hình như không cao quí như người ta vẫn cho là thế, mà phần nhiều nó chỉ tạo ra những ảo ảnh và bằng cách đó nó tránh đụng chạm đến những vấn đề thực tế thực tại...
  • Nhà văn nói về nghề văn

    22/04/2009Việt Quỳnh (ghi)Nói chung, cứ nhìn vào nhà văn nào mà giàu là tôi đâm ra nghi ngờ. Nghi ngờ là thói xấu, nhưng nghi ngờ trước việc… trái tự nhiên như vậy cũng là lẽ… tự nhiên. (Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo).
  • Tính chuyên nghiệp của Nhà văn Việt Nam: Có hay không?

    04/12/2008Hoài NamMột cách hết sức sòng phẳng, chúng ta liệu có thể khẳng định được rằng văn chương Việt Nam đương đại có bao nhiêu tác phẩm được thế giới biết đến bởi chính giá trị tự thân của chúng?
  • Chân thiện mỹ: “Bộ luật tối cao của loài người”

    09/01/2008Trần Văn LýCái quá trình: nhận biết (hiểu), chọn lọc ấy có một số sự vật, sự việc trong thiên nhiên, vũ trụ và trong xã hội: Phù hợp với lợi ích (vật chất, tinh thần), phù hợp với ý thích (quan niệm), phù hợp với khát vọng (ước mơ) của con người thì đó là cái đẹp...
  • Chân - thiện - mỹ: Mãi là đích hướng tới của văn chương

    17/11/2005Đinh Quang TốnTừ xưa đến nay, hướng tới chân - thiện - mỹ luôn là mục đích của văn chương. Bởi văn chương là một sản phẩm do con người tạo ra, mà con người thì khác muôn loài ở bản chất muốn vươn tới những điều tốt đẹp, nên văn chương luôn là một hoạt động vì con người, với khát vọng làm cho cuộc sống của con người ngày một tốt đẹp hơn...
  • xem toàn bộ