Xây dựng văn hóa người Hà Nội
… Sẽ có nhiều việc phải làm. Bởi rất nhiều nét đẹp, văn hóa Hà Nội còn… lạo xạo những hạt sạn.
1. Sáng mùa thu trời trong văn vắt, nắng vàng như mật mà lại dịu dàng, không rát mặt, H ra đường để đến công sở mà thấy lòng nao nao. Nhà gần cơ quan nên những khi trời đẹp, H lại đi bộ đi làm để còn thưởng thức trời mây cây cối. Cô thấy yêu Hà Nội vô chừng. Những khi thu về thế này, thành phố mới quyến rũ làm sao! Những cây điệp vàng bên đường cười với H khoe cái áo thu lấm tấm xanh vàng. Mùi cốm thoang thoảng mới tuyệt chứ…Đang mê mẩn vì thiên nhiên, cả tâm hồn và mắt đều "treo ngược cành cây”, thế mà H chợt khựng lại, như có giác quan thứ 6. Mà đúng là cô có giác quan thứ 6 thật nó đã cứu cô khỏi một tai nạn, vì lúc ấy rất gần mũi giầy của cô, là một xác chuột chết. Chỉ quáthêm một bước là H đã giẫm lên vật thể kinh dị và nặng mùi ấy. Và nếu như mới bước chân trước đó tâm hồn H còn lâng lâng, thì đến bước chân này, cô rơi phịch xuống mặt đường. Tình yêu thành phố, yêu trời thu Hà Nội vụt biến mất, để nhường chỗ chosự kinh tởm và bực tức:ai đó đã thật thiếu văn hóa.
Cái sự quăng chuột chết ra đường - H là một người cũng được đi nhiều đấy thế mà cô đau lòng nhận thấy dường như chỉ có ở Hà Nội. Hay là nơi nào đó cũng có, nhưng hiếm hoi đến mức khó nhận biết. Còn Hà Nội, chao ôi- nhiều! Đến độ có người bảo rằng, tuần nào không nhìn thấy vật thể đó trên đường, tuần ấy anh tự coi mình là may mắn (vì đã giữ cho thẩm mỹ và cái mũi của mình không bị "sốc" trong 7ngày liền). Còn một người khác, đã đố H rằng: Tại sao nhiều người cứ nhất định quăng cái thứ kinh dị ấy ra đường, dù ai cũng thấy hành vi ấy là xấu, ảnh hương đến môi trường và cảnh quan? Tại sao họ không làm một việc đơngiản là vứt vào thùng rác? Quả thực H cũng chịu, chưa lý giải nổi.
Chuột chết là thứ nặng mùi, xấu xí họ không muốn để trong nhà dù chỉ một giây. Điều đó dễ hiểu. Nhưng chẳng nhẽ phải đẩy ra đường, phơi trước mắt bàn dân thiên hạ, để rồi xe cộ qua lại cán cho nát bét thành một đống bầy nhầy? Đẩy chuột chết sang nhà hàng xóm đã lên tấu hài rồi đấy nhưng còn dựng với động cơ là thù ghét nhau, lý giải được. Còn vứt ra đường thì tại sao, hỡi người dân đất kinh kỳ văn hiến?
2. Sau bệnh “vứt chuột chết ra đường”, người thủ đô còn mắc một nạn y nữa là “tiểu đường”. Nếu ở Hà Nội, người nào cũng phải có lần chứng kiến cảnh một người đàn ông nào đó để “giải quyết nỗi buồn muôn thuở”. Đừng nghĩ người ta chỉ dám “bậy” ở nơi vắng vẻ! Phố đông, trung tâm hẳn hoi nhé, ban ngày ban mặt nhé, vẫn có. Tất nhiên, vào ban đêm và nơi ít người qua lại thấy dễ hơn. Tuyệt đại đa số “bệnh nhân tiểu đường type… HN” như thế là đàn ông, nhưng vẫn có “bệnh nhân nữ” đấy. Có người đã tận mắt thấy một nữ “tiểu đường bệnh” táo tợn phô diễn nơi vườn hoa công cộng.
Bệnh này, hồi trước Hà Nội bị rất nặng. Nhiều bờ tường (nhất là nhà hoang) suốt ngày có mùi amôniắc vì “bệnh nhân” tụ tập. Giờ có đỡ chút ít nhưng vẫn còn. Công bằng mà nói, hầu hết “bệnh nhân tiểu đường” không phải là người Hà Nội. Họ là lao động ngoại tỉnh, là khách vãng lai… Nhưng hiển nhiên là “triệu chứng lâm sàng” phát ra “trái tim đất nước” và người ta không thể quy “bệnh” cho nơi khác. Do đó, dĩ nhiên Hà Nội phải tìm cách “chữa trị”. “Chữa” thì có phương pháp - lúc nào cũng đúng - là nâng cao dân trí. Phương pháp nữa là xây thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng. Nhưng đó là chuyện không thể ngày mộtngày hai. Với nan y này, nghe ra “trị” sẽ hiệu nghiệm nhanh hơn. “Trị” ở đây là xử phạt. Làm ô uế nơi công cộng là hành vi xứng đáng để phạt. Cứ dùng biện pháp kinh tế là người “ưa tự nhiên”, “buồn” đâu “giải quyết” ngay đó, sẽ bớt “bệnh” ngay. Chẳng ai thích bỏ ra vài chục nghìn tiền phạt cho một lần “đi bậy”, tìm một William phường (WC) công cộng sẽ dễ chịu hơn.
3. Có một anh ở TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội chơi. Buổi đầu ngủ tại nhà ông bạn ở tập thể Thanh Xuân, anh rất ngạc nhiên khi mới 5 giờ sáng nghe tiếng hát trên loa phóng thanh, rồi tiếng hô tập thể dục. Sự ngạc nhiên đã chuyển thành… bừng bực, khi anh nghe những âm thanh này lần thứ hai, vào sáng tinh mơ mờ đất hôm sau, lúc rất nhiều người đang ngon giấc. Đến lần thứ ba thì anh nổi quạu thực sự, rằng “Gì đâu mà… vô duyên, gọi loa ầm ĩ khi người ta đang ngủ”.
Anh là người nơi xa nên mới thấy ngạc nhiên, quạu cọ vậy. Người Hà Nội “xịn” thì ai cũng biết rằng, phường nào cũng có một đài truyền thanh phường. Đài ấy có phát chương trình ca nhạc, phố biến kiến thức (chẳng hạn như các bệnh tật, cách nuôi dạy con…), đọc các chủ trương chính sách của địa phương (như treo cờ ngày lễ, tiêm chủng cho trẻ em, gọi thanh niên đi khám nghĩa vụ quân sự, kêu gọi quyên góp từ thiện…). Chủ trương chính sách rất quan trọng và thiết thân cho nên cái đài ấy rõ là cần, là phương tiện cơ bản của “văn hóa phường xã”. Nhưng mà, ở nhiều phường cái “phương tiện cơ bản” ấy lại hoạt động hăng quá. Các cụ hưu trí dậy sớm, bật nhạc phát lên làm hiệu để gọi nhau ra tập thể dục (như vừa kể ở Thanh Xuân). Nhạc hay, thể dục thì quá tốt, cái không phù hợp là thời điểm. Các cụ già dậy lúc 5 giờ sáng là thường, nhưng trẻ em và những người trong tuổi lao động mệt nhọc sắp tới. Nghĩa là, màn tập thể dục lẽ ra nên lặng lẽ hơn, chẳng nên huy động cả đài phường hỗ trợ hoạt náo như thế. Còn việc phổ biến kiến thức và ca nhạc thì chỉ nên rất chừng mực, bởi Hà Nội là trung tâm đất nước, người dân không thiếu thông tin là phương tiện giải trí. Sẽ không thích thú gì khi trong nhà đang nghe nhạc này thì đài phường lại chõ vào nhà oang oang nhạc nọ.
Thế đấy, một “văn hóa thông tin cơ sở” là điều Hà Nội cần xem xét xây dựng. Các đài phát thanh phường như xưa nay, vẫn rơi rớt chút“quê kiểng mộc mạc”, “rằng hay thì thật là hay”, nhưng xem ra … hơi lỗi thời, không hợp người hợp đất. Chỉ nên phát những thông tin “cần” và “đủ”, cách thức cũng phải tế nhị, cho lỗ nhĩ thấy êm.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVăn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu