Để chống lại sự "hạ cấp và phàm tục" trong đời sống văn hóa
Khi đòi hỏi cần tạo cho được thật nhiều “mô hình thuyết phục”, những mô hình về đạo đức và văn hóa (*), tôi muốn nói thêm về “trách nhiệm nắm chắc các chuẩn mực văn hóa và điều chỉnh nó trong đời sống xã hội bằng các mô hình thuyết phục”. Để làm gì? Để góp phần “hạn chế được sự hạ cấp, tầm thường trong đời sống văn hóa, sự rối ren, lệch lạc trong các chuẩn mực văn hóa” nhận định được đưa ra trong Hội nghị triển khai công tác văn hóa - thông tin năm 2005.
Sự hạ cấp ấy đang thể hiện thật lộ liễu trong những trang web khiêu dâm nhan nhản trên mạng với ảnh khỏa thân "người mẫu" và những cơn thác loạn kích động thú tính. Chỉ một "nhấp chuột" theo những gợi ý kỹ thuật truyền tai nhau, giới trẻ "sành điệu" có thể tha hồ thỏa mãn những nhu cầu "hạ cấp"! Một nguy cơ trong lối sống của giới trẻ đang đánh động dư luận xã hội.
Phải chăng có thể nói rằng, khoa học và công nghệ càng đẩy tới những thành tựu kỳ diệu để biểu tỏ sức mạnh vô tận của con người, càng tạo ra nhiều điều kiện để thỏa mãn đời sống về vật chất cũng như về tinh thần của con người thì đồng thời cũng dễ dàng tạo ra những phương tiện để chà đạp lên phẩm giá con người, làm hủy hoại đời sống con người về thể xác cũng như về tinh thần? Đây là "mặt trái của nền văn minh", không phải là cái gì quá sửng sốt.
Thế giới văn minh đã từng báo động điều này từ lâu, rất lâu rồi. Người sáng lập ra nhà nước Ấn Độ hiện đại, J.Nehru, cách đây hơn nửa thế kỷ đã cảnh báo: "Con người về phương diện kỹ thuật đã vươn tới các vì sao, nhưng lại không hề được trau dồi một tí gì về quan hệ giữa người với người. Và chính vì lẽ đó mà nền văn hóa đạo đức-xã hội tụt lại xa đằng sau kỹ thuật". Và Max Born, người đã có cống hiến lớn lao cho ngành vật lý học hiện đại lại bi quan đưa ra nhận định: "Khoa học và kỹ thuật phá hoại nền tảng đạo đức của văn minh, và sự phá hoại đó có thể là vô phương cứu chữa". Còn A.Tounbee, nhà sử học lớn nhất của thế kỷ XX khi nói đến điều này đã đòi hỏi "những lực lượng vật chất của chúng ta càng lớn thì chúng ta lại càng cần đến xung lực tinh thần và lòng dũng cảm mạnh mẽ hơn để sử dụng những lực lượng vật chất của chúng ta vì điều thiện chứ không phải vì điều ác", vì thế ông kêu gọi "chúng ta cần đến một Socrate mới để tự nhận thức được mình". Như thế nghĩa là không phải "vô phương cứu chữa", mà là phải biết cách cứu chữa.
Chúng ta đang từng bước hội nhập vào đời sống quốc tế với mong muốn đưa đất nước của mình thoát khỏi tụt hậu để có cuộc sống "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Nghiêm khắc mà nói, để được như vậy, chỉ riêng về khoa học và công nghệ thì chúng ta còn phải phấn đấu quyết liệt vì khoảng cách với thế giới còn quá xa. Song, trong những khoản "mì ăn liền" của khoa học và công nghệ thì giới trẻ lại tiếp thu quá nhanh! Ở đây có con dao hai lưỡi.
Một mặt, đây chính là bệ phóng của những sáng tạo đối với những thanh niên giàu nghị lực và có hoài bão vươn lên và "tự nhận thức được mình". Chúng ta đã chứng kiến khá nhiều những tấm gương tiêu biểu rất đáng khích lệ. Nhưng mặt khác, lại là tai họa đối với những "nam thanh nữ tú" còn thiếu những căn bản để "tự nhận thức được mình", những kẻ vô công rồi nghề do được nuông chiều, buông thả và tội nghiệp hơn nữa là những chàng trai, cô gái mới chân ướt chân ráo từ ngôi làng quê thuần phác song nghèo túng, bước vào chốn đô hội phồn vinh đã rơi ngay vào cạm bẫy do những "rác rưởi của văn minh đô thị" giăng ra.
Hành vi đạo đức bao giờ cũng có cái chiều cạnh xã hội học của nó. Nhìn nhận những hiện tượng "hạ cấp", những “rối ren, lệch lạc trong các chuẩn mực văn hóa" mà nhận định nói trên đưa ra, cần phải tìm cho ra cơ sở xã hội của nó, tức là tìm cho ra sự rối loạn trong định hướng giá trị (*). Không một hiện tượng đạo đức nào lại có thể xảy ra nếu như trong cấu trúc của nó không phản ánh những tác động xã hội. Để xây dựng được những "chuẩn mực văn hóa" phù hợp với trình độ mà xã hội đạt được và đang vươn tới, đòi hỏi phải đổi mới triệt để và toàn diện công tác tư tưởng-văn hóa từ nội dung cho đến phương thức tiến hành. Đặc biệt ở đây, phải thấy hết vai trò tác động của văn học nghệ thuật. Chưa đạt thấu được trình độ "mỹ học là đạo đức học của tương lai", thì sự tinh nhuệ của những cây bút đạt tầm cỡ Shêkhốp nhằm chống lại sự "hạ cấp", "sự phàm tục" như văn hào Nga đã làm: "Bằng một giọng nói trung thực mà sang sảng, buồn buồn mà mỉm cười, với một nỗi sầu hoài trong tâm khảm và trên sắc mặt, giọng đầy quở trách dịu dàng mà thâm thúy, người ấy bảo cả bọn họ: các vị sống bậy quá đi thôi"! Mong sao chúng ta có những cây bút tầm cỡ đó!
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức Phương“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Thấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu