Khoa học xã hội với sự nghiệp phát triển đất nước
Để trả lời những câu hỏi này, phóng viên báo Khoa học phát triển đã có buổi phỏng vấn với GS.TS. Hồ Sĩ Quý, Viện trưởng Viện thông tin khoa học xã hội.
- Thưa ông, có ý kiến cho rằng hiện nay, vai trò, vị thế của khoa học xã hội trong sự phát triển của đất nước đang bị lu mờ đi so với các ngành khoa học khác. Ông có nhận định như thế nào về ý kiến này?
GS.TS. Hồ Sĩ Quý: So với các khoa học tự nhiên và công nghệ thì đúng là ở nước ta, khoa học xã hội chưa được chú ý đúng như nó cần phải được chú ý. Ngay ở một số cơ quan lãnh đạo cấp cao về khoa học và giáo dục, khoa học xã hội cũng rất mờ nhạt. Nhưng vai trò và vị thế thật sự của khoa học xã hội thì tôi đánh giá ngược lại rằng, khoảng hai chục năm qua, khoa học xã hội đã có đóng góp rất to lớn cho sự nghiệp phát triển đất nước, dù ai đó có thừa nhận hay không.
Thực tế, phương thức để phát triển đất nước ngày nay là ra đời từ những quan niệm mới của Khoa học xã hội: Các quan điểm về đổi mới tư duy, nhận thức lại nhiều vấn đề có tính nguyên tắc trong lý luận, trên thực tế đã dẫn đến đổi mới, cải cách trong hoạt động thực tiễn. Ngày nay, phương thức phát triển của chúng ta được thế giới đánh giá là hợp lý hơn và thực tế hơn, mềm dẻo hơn và cũng nguyên tắc hơn, khôn ngoan hơn và bản lĩnh hơn… rất nhiều so với trước đây.
Đánh giá những kết quả trong nghiên cứu khoa học xã hội có thể có nhiều cách. Nhưng sức mạnh và kết quả của khoa học xã hội được thể hiện, trước hết ở những lý luận mới và hợp lý về về sở hữu và kinh tế thị trường, về sự đổi mới hệ thống chính trị, về vai trò của văn hóa, con người và các nhân tố tạo nên sự phát triển bền vững, về toàn cầu hóa và thách thức cũng như cơ hội của hội nhập quốc tế, về kinh tế tri thức và vai trò của khoa học, giáo dục trong sự phát triển kinh tế xã hội... Những kết quả này, không còn nghi ngờ gì nữa, đã tác động mạnh và làm thay đổi con người và xã hội Việt Nam hiện đại. Đó cũng chính là tác động lớn nhất mà mấy chục năm nay, khoa học xã hội đã góp phần đẩy lùi khủng hoảng, làm cho đất nước tăng trưởng nhanh trong nhiều năm liền, đạt tới mức khởi điểm của thu nhập trung bình – 1000 USD/người /năm và đạt được nhiều thành tựu đáng kể khác, tạo nên thế và lực mới của đất nước.
- Trong những năm qua, Khoa học xã hội đã thực hiện tốt chức năng tư vấn chính sách của nó chưa, thưa ông?
GS.TS. Hồ Sĩ Quý: Trong thực tế, việc khoa học xã hội thực hiện 3 chức năng của mình là không đều nhau. Một phần là do thực lực mạnh yếu khác nhau của việc thực hiện 3 chức năng của khoa học xã hội. Một phần khác cũng do chính phủ, xã hội quan tâm đánh giá và đầu tư không tương đương nhau. Kết quả là thành quả khoa học ở ba lĩnh vực đó nơi cao nơi thấp khác nhau.
Riêng trong lĩnh vực tư vấn chính sách, trên thực tế chúng ta vẫn chưa có cơ chế có tính chất pháp lý để khoa học xã hội thực hiện chức năng này. Bằng các kênh khác nhau, khoa học xã hội đã cố gắng có những đóng góp trong quá trình hoạch định, thẩm định và phản biện chính sách. Tuy nhiên những hoạt động này chủ yếu nằm trong khuôn khổ đặt hàng, mời gọi mang tính riêng rẽ… Do vậy, đã hạn chế khả năng thẩm định xã hội, hoạch định xã hội, phản biện xã hội của khoa học xã hội Việt Nam trong việc thực thi chức năng tư vấn chính sách của mình.
- Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay đang đứng ở đâu so với thế giới và khu vực thưa ông? Trong tương lai chúng ta nên nhìn nhận vai trò của Khoa học xã hội như thế nào trong sự phát triển của đất nước?
GS.TS. Hồ Sĩ Quý: Khoa học xã hội và nhân văn nước ta hiện còn rất nhiều yếu kém và trong nhiều việc chưa đáp ứng được những nhu cầu của xã hội và sự phát triển của đất nước. Chỉ so với các nước xung quanh như Thái lan, Malaysia, Singapore, Trung Quốc… khoa học xã hội Việt Nam cũng đã thua kém ở hầu hết các tiêu chuẩn theo tiêu chí đánh giá khoa học quốc tế.
Ta có một số nhà khoa học giỏi, nhưng ở hầu hết các chuyên ngành chúng ta chưa có được đội ngũ chuyên gia có thể đối thoại ngang ngửa với bên ngoài. Các tác phẩm, công trình khoa học xã hội của ta cũng hiếm hoi mới có được những cái có thể đóng góp cho khoa học xã hội thế giới.
Vấn đề là ở chỗ, vị thế và chức năng khoa học xã hội Việt Nam chưa được nhìn nhận một cách hợp lý. Trong con mắt của một số nhà lãnh đạo, kể cả một số nhà lãnh đạo khoa học, nói đến khoa học người ta thường quên mất khoa học xã hội và nhân văn. Ở không ít các dự án kinh tế - xã hội, khoa học xã hội và nhân văn chỉ được tính đến khi các vấn đề xã hội,văn hóa, đạo đức, môi trường… đã trở nên bức xúc. Với không ít chính sách, khoa học xã hội và nhân văn cũng chỉ được tham khảo khi dư luận xã hội đã nổi cộm lên thành những vấn đề.
Ở một thái cực khác, không hiếm khi người ta lại đòi hỏi khoa học xã hội và nhân văn phải trả lời những câu hỏi nằm ngoài khả năng và chức năng của nó.
Tôi muốn nói rằng, cần phải coi trọng 3 chức năng chính của khoa học xã hội hơn nữa. Khó có một chính sách xã hội nào lại có thể đạt đến tối ưu hay thật sự có hiệu quả nếu bỏ qua sự thẩm định về mặt khoa học xã hội. Có những việc cần phải pháp lý hóa việc thẩm định về mặt khoa học xã hội. Thông thường, bằng cách này hay cách khác, khoa học xã hội và nhân văn cũng sẽ buộc phải có tiếng nói của mình trong các công việc kiểu như một quyết sách hay một đề án kinh tế - xã hội. Chỉ có điều nếu không “danh chính ngôn thuận” thì tiếng nói của khoa học xã hội và nhân văn có thể sẽ ít trách nhiệm hơn hoặc vòng vo hơn. Kinh nghiệm này của các nước đi trước là rất đáng lưu ý.
Nếu chúng ta không chủ động tìm kiếm sự đồng thuận xã hội thông qua thẩm định xã hội, phản biện xã hội, thì rất có thể chúng ta lại phải chịu lãng phí bởi cách đi vòng vèo, lảng tránh hoặc thậm chí trả giá cho những “chữa cháy” mà đáng ra là có thể tránh được.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh