Phản biện xã hội - nhân tố quan trọng của phát triển
Phản biện là hành vi thể hiện tính khoa học của con người trước khi chuẩn bị hành động. Phản biện xã hội được coi là hành vi có chất lượng khoa học của xã hội đối với hệ thống chính trị. Một xã hội được tổ chức phản biện tốt sẽ góp phần tạo ra sự đồng thuận cho phát triển, giảm được tối đa sự phản kháng không cần thiết của dân chúng.
Chính vì phản biện có vai trò quan trọng như vậy với xã hội nên trong Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng X đã đề cập việc "Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dần đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ".
Phản biện như một hành vi có chất lượng khoa học của phê phán
Trước mỗi hành vi chính trị đều có những ý kiến khác nhau. Những ý kiến này thường tồn tại ở các cấp độ khác nhau. Từ tán thành đến chưa tán thành, từ chỉ trích đến phê phán, từ phản biện đến phản đối, thậm chí là sự kịch liệt phản đối đến nổi loạn. Trong các trạng thái đó, phản biện được coi là hành vi có chất lượng khoa học của sự phê phán khiến xã hội có thể chấp nhận một cách "tâm phục khẩu phục".
Không có "phản biện" sẽ không có phát triển. Bởi lẽ, khoa học là một chuỗi sai lầm được sửa chữa. Mà sửa chữa được, là nhờ có phản biện. Tức là sự tranh luận có chất lượng khoa học chứ không phải là sự cãi vã nhằm phê phán cái sai. Từ đó có thể chấp nhận cái đúng, loại bỏ cái sai để cho cái đúng được tiếp tục đúng. Nhưng, cũng không chỉ với khoa học. Những "sai lầm được sửa chữa" ấy không kiêng dè, loại trừ bất cứ một lĩnh vực nào trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của một đất nước. Quá trình dẫn đến “đổi mới" là kết quả của một quá trình phản biện xã hội lâu dài đối với mô hình kế hoạch hóa tập trung bao cấp quan liêu đã từng đưa nền kinh tế đất nước đến bên bờ vực của khủng hoảng.
Sự sống không bao giờ đứng yên một chỗ, trái lại, luôn luôn vận động và phát triển. Nhân tố mới xuất hiện với sự hợp lý hơn sẽ thay thế cho hiện thực cũ đang tiêu vong. Đối với triết học biện chứng thì không có gì là tuyệt đối cả. Vì thế sẽ là phản biện chứng với những ai tự dành cho mình cái quyền luôn luôn đúng tuyệt đối đúng, thậm chí chỉ "đúng trở lên"!
Phản biện như một nhân tố không thể thiếu của phát triển
Lịch sử cho thấy, sự độc quyền kéo dài thường là nguyên nhân chính của sự trì trệ. Lý do đơn giản họ chỉ quen độc thoại chứ không chấp nhận đối thoại.
Cũng có nghĩa là không chấp nhận có sự phản biện đế tranh luận đúng sai. Thói quen độc thoại suy cho kỹ, là thói quen của người có quyền lực và là biểu hiện sự tha hóa của quyền lực. Chuyện ấy cũng không có gì khó hiểu. Khi đã yên vị trên cái ghế quyền lực rồi, nếu không thật sự có bản lĩnh, rất dễ ngại sự đổi thay, vì đổi thay có thể làm lưng lay cái ghế quyền lực của mình. Bởi lẽ, mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ đang chứa trong nó những mầm mống của sự tha hóa nhưng được tập quán thần thánh hóa. Chính cái tập quán này là một sức trì kéo ghê gớm mà con mắt trực quan đôi khi không nhận ra. Cần phải có cái nhìn biện chứng để thấy được rằng, khi đã thực hiện được một cuộc thay đổi nhân sự trong chính quyền thì thông thường nhân tố mới trước kia là cách mạng không lâu sau đó sẽ trở thành bảo thủ. Cũng chính vì quy luật này, nên phản biện xã hội không phải lúc nào cũng có cơ hội tồn tại một cách sinh động nếu người nắm quyền không cởi mở.
Theo ông Nguyễn Trần Bạt Chủ tịch Invest Consult Group, phản biện là một hoạt động đương nhiên trong một xã hội dân chủ. Nếu thiếu đi hoạt động này là do xã hội không có năng lực phản biện hoặc không được thực hiện năng lực phản biện.
Muốn để nhân dân thực hiện được chức năng phản biện, điều cần thiết là họ phải được trang bị những phương tiện và điều kiện cần thiết. Trong một số buổi nói chuyện với cơ sở gần dây, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nhiều lần nhắc nhở "tôn trọng những ý kiến khác biệt”. Đây là một bước tiến bộ ở Việt Nam. Nhưng để ý tưởng này có thể đi vào đời sống, chúng ta cần tạo ra những cơ chế cụ thể trong đó phải kể đến việc lấp đi những "khoảng trống" quan trọng trong hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề này.
Để phản biện xã hội trở thành một thói quen thường trực
Như đã nói ở trên, phản biện xã hội như là một nhân tố không thể thiếu được của sự phát triển. Nếu chúng ta tạo môi trường cho phản biện xã hội phát triển như một hoạt động phê phán có chất lượng khoa học, sẽ tạo ra được động lực thường xuyên cho sự phát triển. Muốn vậy, điều đầu tiên là chúng ta phải tạo ra một môi trường xã hội, trong đó quyền được nói cần phải được coi trọng. Có như thế, chúng ta mới có những hoạt động phản biện một cách có chất lượng.
Để đạt được điều đó trước hết chúng ta phải có một xã hội dân sự. Thêm vào đó là, Việt Nam phải xây dựng một Nhà nước pháp quyền hoàn thiện, đúng nghĩa của từ này. Bởi lẽ, chỉ cô một Nhà nước pháp quyền với những yếu tố đầy đủ của nó, mới có thể tạo ra sự độc lập của các cơ quan quyền lực. Sự độc lập của các cơ quan quyền lực là điều kiện cần để sự phản biện xã hội tồn tại và phát triển.
Xã hội dân chủ cũng là điều kiện cần cho việc mở rộng dân chủ. Khi người dân được quyền bày tỏ, sẽ giúp cho các nhà chính trị có thể lắng nghe một cách chân thành và nghiêm tức tiếng nói từ bên dưới, từ đó mới có thể nhận được những thông tin phản hồi trung thực để điều chỉnh và sửa sai nhằm hoàn thiện chủ trương, đường lối chính sách. Quá trình dân chủ hóa xã hội ta đã có những khởi sắc nhưng đây đó thói quen chỉ muốn độc thoại chứ không thích đối thoại vẫn chưa hẳn đã hết.
Sự hạn chế của năng lực tư duy khiến người ta không muốn thay đổi, từ đó họ cho mình cái quyền độc thoại để chỉ ban phát ý kiến dẫn dắt, mà không quen lắng nghe và tiếp nhận thông tin từ cuộc sống, từ dòng chảy cuồn cuộn của cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Thói quen độc thoại tự cho mình đã biết tất cả, chân lý là đã có sẵn, chỉ cần lấy ra rao giảng, chính là biểu hiện tha hóa của quyền lực. Ngược lại tác phong đối thoại được xác lập từ nhận thức rằng chân lý đến từ quá trình tìm tòi, suy ngẫm phân tích và tiếp nhận trong dòng chảy miệt mài liên tục của cuộc sống.
Sự mở cửa giao lưu với thế giới bên ngoài, sự hội nhập ngày càng sâu của nền kinh tế không cho phép chúng ta bảo thủ. Việc hạn chế phản biện xã hội hay duy trì sự phản biện chất lượng kém sẽ dễ đẩy một đất nước đi vào vòng xoáy của chuyên chế, độc tài sẽ kìm hãm sự phát triển của chính xã hội ấy.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân"Tôi viết sách vì trăn trở với tương lai đất nước"
23/11/2013Anh Vũ