Giá trị của một xã hội “thành tín”
Một xã hội coi trọng giá trị của niềm tin là xã hội có khả năng năng phát triển bền vững...
Niềm tin lâu nay vẫn được coi là một trong những lĩnh vực nghiên cứu phức tạp nhất trong tư duy lý thuyết của các khoa học xã hội. Nó là một dạng thức đặc biệt của đời sống tinh thần, biểu hiện thông qua các trạng thái tâm lý, tình cảm và nhận thức con người. Niềm tin có quan hệ chi phối tới toàn bộ hành vi, hoạt động sống của con người và xã hội. Đối với hoạt động chính trị, niềm tin gắn với lý tưởng chính trị, cách mạng. Đối với tôn giáo, nó biểu hiện ở đức tin, sự sùng kính và lòng thành. Đối với khoa học, niềm tin gắn liền với tri thức, tinh thần thực chứng và quá trình nhận thức chân lý. Đối với tình yêu, gia đình và những mối quan hệ xã hội khác, niềm tin biểu hiện trong mình những giá trị mang tính đạo đức, nhân văn, đó có thể là sự yêu thương, chân thành, lòng tôn trọng và chung thủy.
Có thể thấy niềm tin luôn hiện diện trên mọi khía cạnh của cuộc sống và mang ý nghĩa như một giá trị đặc biệt quan trọng, làm phong phú đời sống nội tâm, đời sống tinh thần của con người. Sai lệch về niềm tin, mất niềm tin sẽ là những thứ thủ tiêu động lực chính đáng, tích cực để con người vươn đến những giá trị của cuộc sống và tiến bộ xã hội. Để xây dựng niềm tin tích cực đúng đắn cho thanh niên và giới trẻ hiện nay hướng tới sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, một trong những giải pháp cần thiết và quan trọng là chúng ta phải xây dựng những chuẩn mực mang tính khoa học về niềm tin, hướng tới một xã hội coi trọng giá trị niềm tin.
Lịch sử cho thấy một trong những đặc điểm cơ bản ở xã hội các nước phương Đông là đề cao giá trị chữ Tín (gây dựng niềm tin) và thành tâm tin tưởng không chỉ biểu hiện trong các mối quan hệ, giao tiếp, ứng xử mà nó còn là giá trị đặc biệt quan trọng đối với quá trình xây dựng, quản lý xã hội. Các nhà Pháp gia thời kỳ Trung Quốc cổ đại như Quản Trọng, Ngô Khởi, Thương Ưởng, Hàn Phi đều coi chữ tín là nền tảng cơ sở để xây dựng và thực thi pháp luật, là thứ giành được niềm tin trong nhân dân và duy trì trật tự xã hội.
Khi học trò hỏi về chính trị, Khổng Tử cũng đã từng nói một câu nổi tiếng là "lương thực, binh lính có thể bỏ được chứ dân mà mất niềm tin thì nước không thể đứng vững" (Tự cổ giai hữu tử dân vô tín bất lập). Tăng Tử cũng từng viết trong sách Đại học "Đạo lớn của người quân tử trung tín thì mới thành công" (được dân, được nước) và "dữ quốc nhân giao chỉ ư tín " nghĩa là mọi mối quan hệ, giao tiếp, ứng xử với nhau trong nước và bên ngoài đặt cả nơi đức tín. Trong Kinh Lễ, một trong những bộ sách giáo khoa đầu tiên của Nho giáo cũng viết rằng lời nói nhất định trước hết phải là tín " (Ngôn tất tiên tín).
Có thể thấy các nhà nho xưa rất quan tâm đến vai trò của chữ Tín và thành tâm tin tưởng trong mối quan hệ giữa con người với con người và con người với xã hội. Cũng chính vì vậy, quan điểm của Nho giáo đặt chữ tín trong năm chuẩn mực cơ bản không thể thiếu của đời sống con người và xã hội, bao gồm "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín".
Những nước phương Đông trong vành đai ảnh hưởng của văn hóa Hán cũng đều đề cao chữ Tín. Ở Nhật Bản, chữ Tín là một trong những đạo đức cơ bản của con người được cha mẹ giáo dục cho con cái từ nhỏ. Người Nhật thậm chí coi trọng chữ Tín đến mức đôi khi trở thành "cuồng tín" như biểu hiện trong tinh thần hy sinh quên mình của các võ sĩ đạo trước đây vì những giá trị mà họ tin tưởng. Chữ Tín trong tinh thần Nhật Bản cũng đã phát huy và khẳng định giá trị tích cực trong công cuộc cải cách của Minh Trị Thiên Hoàng thế kỷ thứ XIX, khi giới học giả và võ sĩ đạo Nhật Bản đã không ngừng học hỏi, tiếp thu các thành tựa hoa học kỹ thuật của phương Tây với niềm tin mạnh mẽ vào sự thành công của nước Nhật trong công thức "Khoa học công nghệ phương Tây + Tinh thần Nhật Bản ".
Hàn Quốc, Singapore cũng là ví dụ điển hình của những quốc gia coi trọng chữ Tín. Họ học hỏi những kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc áp dụng chữ Tín và mô hình quản lý doanh nghiệp, công việc kinh doanh và đã gặt hái được những thành công trên thương trường khẳng định uy tín và thương hiệu cũng như đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ở Việt Nam, ngay từ thời nhà Hậu Lê, Nguyễn Trãi (1380 - 1442) đã từng đánh giá rất cao vai trò của chữ Tín trong đạo đức Nho giáo. Trong tác phẩm "Quân trung từ mệnh tập", ông viết "Tín giả quốc chi bảo" nghĩa là điều Tín được coi là bảo vật quý hiếm của quốc gia. Nguyễn Trãi còn đặt chữ Tín chỉ đứng sau chữ Trung trong bốn Đức của con người được ví như sự giao cảm và luân chuyển của bốn mùa trong trời đất tạo nên vạn vật (Trung, Tín, Hiếu, Đễ).
Ngày nay, cùng với sự tác động của kinh tế thị trường, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc đang có nguy cơ bị bộ phận người dân xem nhẹ và bị phá vỡ, trong đó có giá trị về chữ Tín. Xu hướng coi trọng lợi ích cá nhân, cạnh tranh vì lợi nhuận, coi trọng đồng tiền, coi trọng hình thức, hư danh đã là môi trường thuận lợi cho sự gia tăng những quan hệ xã hội theo kiểu lọc lừa, giả dối và vô tín.
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vì mục đích lợi nhuận, một số người (ra sẵn sàng làm hàng giả, hàng nhái, hàng thiếu chất lượng, lừa đảo người tiêu dùng . Trong nhà trường , không có gì nguy hiểm hơn khi chất lượng giáo dục vẫn còn mang tính giả dối, với hàng loạt các hiện tượng như bệnh chạy theo thành tích, mua bằng, mua điểm và quay cóp khi thi cử. Trong khoa học, nghệ thuật cũng có không ít sự lừa dối như sự gia tăng của tệ nạn vi phạm bản quyền, ăn cắp bản quyền, sao chép và làm giả những sản phẩm khoa học và công nghệ. Những vụ việc tham nhũng cho thấy một bộ phận những cán bộ công chức thoái hóa, biến chất, họ đã lừa dối nhân dân để trục lợi cho cá nhân và gia đình và sống thờ ơ và dửng dưng trước hành vi xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc.
Nếu trong xã hội vẫn tồn tại tương đối phổ biến những quan niệm và hành động, bất tín thì không chỉ gây ra sự mất niềm tin trong giới trẻ nói riêng, cộng đồng xã hội nói chung mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài tới sự phát triển của đất nước. Trước sự rối loạn của hệ thống các thang bậc giá trị hiện nay, cần phải có những giải pháp hữu hiệu, tích cực, trong đó trước hết là ưu tiên điều chỉnh những chuẩn mực xã hội hướng tới xây dựng niềm tin và xã hội Thành tín.
Thứ nhất: Trong mối quan hệ của Đảng, Nhà nước với nhân dân, cần hướng tới xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, dân chủ của dân do dân và vì dân phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Cần tiếp tục điều chỉnh việc ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân qua các kênh truyền thông chính thức để người dân hiểu và tin vào pháp luật. Việc thực thi luật pháp phải nghiêm minh, có những biện pháp xử phát thích đáng đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Phải tăng cường đưa pháp luật vào cuộc sống, xây dựng pháp luật gắn với những biến đổi trong đời sống thực tiễn của nhân dân. Tăng cường việc công khai, minh bạch các chương trình trọng điểm quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế xã hội, lấy ý kiến của nhân dân, tăng cường vai trò giám sát của nhân dân với các hoạt động của các cơ quan Chính phủ.
Thứ hai: Trong việc xây dựng và thực thi chính sách, cần đẩy mạnh quá trình nghiên cứu, triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học và bám sát thực tiễn. Đặc biệt những chính sách liên quan đến lương bổng, đãi ngộ và chế độ tài chính. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng làm ăn giả dối hiện nay là một số chính sách, cơ chế tài chính của chúng ta còn bất cập, chưa sát và phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó các hiện tượng chi tiêu, bớt xén các khoản mục, sự chênh lệch khá nhiều giữa giấy tờ và các khoản chi thực tế còn diễn ra khá phổ biến, các thủ tục thanh quyết toán chỉ mang ý nghĩa hình thức nhiều hơn. Trong vấn đề tài chính, cần nghiên cứu và chuyển từ hình thức thanh quyết toán theo khoản mục quy định sang hình thức khoán sản phẩm, khoán tài chính, khoán công việc và xây dựng hệ thống kiểm soát, đánh giá trên hiệu quả công việc và kết quả nghiệm thu sản phẩm.
Thứ ba: Trong vấn đề cải cách hành chính, cần coi trọng việc xây dựng chữ tín cho cán bộ công chức như một chuẩn mực của đạo đức cán bộ, ngăn chặn tình trạng nói một đằng, làm một kiểu gây mất lòng tin trong nhân dân. Xử lý nghiêm minh những cán bộ lãnh đạo có hành vi tiêu cực như tham ô, tham nhũng, hối lộ, lừa đảo nhân dân. Đặt chữ Tín trở thành một tiêu chuẩn trung tâm của văn hóa công sở, trong các mối quan hệ ứng xử giữa thủ trưởng và nhân viên, giữa các đồng nghiệp.
Thứ tư: Cần tăng cường tuyên truyền phổ biến lợi ích của việc gây dựng chữ tín cho các hoạt động doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, nếu cần có sự cam kết cua chủ doanh nghiệp. Xây dựng chữ tín là chuẩn mực cơ bản trong phương thức làm việc của doanh nghiệp với các đối tác và khách hàng. Cần giám sát và xử lý nghiêm những trường hợpdoanh nghiệp làm ăn giả dối, trục lợi bất chính.
Thứ năm: Trong xã hội nói chung cần đưa chữ Tín, xây dựng niềm tin giữa con người với con người, con người và xã hội trở thành những nội dung quan trọng trong giáo dục gia đình, nhà trường, tuyên truyền và phổ biến đến các gia đình, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng những thông điệp để xã hội hóa niềm tin trên tinh thần một xã hội không thể có niềm tin nếu không bắt đầu từ một cá nhân trong quá trình gây dựng niềm tin (chữ Tín) từ phía người khác đối với hành vi của mình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn