Cảm hứng triết luận trong khoa học xã hội và nhân văn hiện đại
Từ cuối thế kỉ XIX, khoa học xã hội (KHXH) trở thành hiện đại, ngày càng chuyên nghiệp hoá, chuyên môn hoá, quá trình này là tất yếu để đáp ứng sự nghiên cứu xã hội hiện đại trở nên ngày càng phức tạp (complexe). Trong thế kỉ XX, KHXH hiện đại có những đóng góp to lớn về định tính cũng như định lượng, tầm vi mô cũng như vĩ mô, tuy nhiên ở không ít nhà KHXH hiện đại bộc lộ những nhược điểm như sau:
- Xã hội không được nhận thức như là chỉnh thể, chuyên môn hoá (specialisation) không được gắn với sự tích hợp (integration).
- Xã hội có khi được quan niệm như một thực tại trừu tượng, một thực tại bị 'trút ruột", ở đây "ruột" là lịch sử tư tưởng (triết học, tôn giáo...) không bao giờ ngừng tác động trong lâm trí những thành viên của xã hội.
- Sự nghiên cứu có khi được tiến hành như trong một "khoảng trống đạo đức", không có liên hệ đạo đức giữa những người nghiên cứu và những đối tượng được họ nghiên cứu.
- “Đánh đổi tư cách công dân của xã hội lấy tư cách thành viên của cộng đồng những chuyên gia có trình độ" (Thomas Haskell).
Như là đối trọng của KHXH hiện đại chuyên nghiệp hóa và chuyên môn hóa, vẫn tồn tại một loại hình nghiên cứu xã hội cổ điển. Loại hình này được hình thành từ thế kỉ XIX, rạng rỡ với tên tuổi của những tác gia lớn như Tocqueville và Durkheim, Marx và Weber... trong thế kỉ XX có thể kể Alain Touraine, Jurgen Habermas như là những học giả liếp tục loại hình nghiên cứu này. Có thể căn cứ vào tác phong và phương pháp nghiên cứu của Alexis de Tocqueville để tìm hiểu những nét đặc sắc của loại hình nghiên cứu xã hội cổ điển được nêu lên ở trên.
Giữa thế kỉ XIX, Alexis de Tocqueville (1805 - 1859) xuất hiện như là “lương tâm" của trung thế kỉ, ngày nay hai công trình cơ bản của ông: Về dân chủ (De la democratie) (1835 - 1840) (bản dịch tiếng Anh có nhan đề là Về dân chủ ở Mỹ, Chế độ cũ và cách mạng ( (L’ancien regime et la revolution) (l856) được nhìn nhận là những tác phẩm khoa học có giá trị kinh điển. Đặc biệt công trình Về dân chủ chứng tỏ tác giả có cách nhìn khoa học sâu sắc và sáng suốt lạ thường trong việc nghiên cứu xã hội Mỹ cũng như trong suy tư triết học về viễn cảnh chế độ dân chủ và lý tưởng dân chủ. Đánh giá công trình này, J.Chevalier viết: "... Chưa bao giờ có một tinh thần thượng thặng lại ngẫm nghĩ một cách nghiêm trang và sáng suốt đến như thế, vấn đề... cai trị những con người vì hạnh phúc của số đông mà không nô dịch họ, không làm cho họ trở nên hèn hạ...". Một năm sau khi công trình này được công bố toàn bộ, tác giả được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp (năm 1841, ông mới 36 tuổi).
Cảm hứng triết luận, cảm hứng chủ đạo
Tocqueville cảm nhận xã hội Mỹ như là chỉnh thể, những thành tố cơ bản của xã hội Mỹ: gia đình, tôn giáo, chính trị, kinh tế... đã được ông nhìn nhận trong những mối liên hệ tương thích giữa chúng.
Tocqueville có cách nhìn khái yếu (khái quát và toát yếu, tiếng Pháp: synoptique) về xã hội ông nghiên cứu, vừa triết học, vừa nhân học, vừa sử học, vừa xã hội học... Về kinh nghiệm Mỹ , ý nghĩa chính trị được ông nghiên cứu cùng với ý nghĩa đạo đức. Với cách nhìn khái yếu, ranh giới giữa những ngành học thuật được vượt qua.
Khoa học xã hội của Tocqueville là một loại triết học “vị công" (tiếng Anh: public philosophy, từ của Robert N. Bellah).
Nghiên cứu lịch sử của những sự kiện, biến cố để đề ra những nét cốt yếu, những hằng số của lịch sử. Có những nhận xét của ông về hậu quả của dân chủ tới đời sống trí thức của xã hội Pháp cách đây hơn một thế kỉ rưỡi, nay đem đối chiếu với đời sống trí thức của xã hội ta hiện nay sau sáu thập kỷ xây dựng dân chủ thì không khỏi kinh ngạc, nó xác đáng một cách lạ lùng. "Một trong những tính cách đặc sắc của thời đại dân chủ - Tocqueville viết - đó là mọi người đều thích thú những sự thành công dễ dãi và những sự hưởng lạc hiện tại. Có thể thấy điều này trong những con đường công danh trí thức cũng như những con đường làm ăn khác. Phần lớn những kẻ sống trong thời đại bình đẳng đều đầy tham vọng, một thứ tham vọng vừa nôn nóng, vừa mềm yếu , họ mong đạt được ngay tức khắc những thành công lớn, nhưng họ lại muốn khỏi phải bỏ ra nhiều nỗ lực. Những bản năng trái ngược này đã trực tiếp dẫn họ đi tìm những ý chung chung đại khái, nhờ vào những ý này họ tự đắc là vẽ ra được những đối tượng rất to lớn mà tổn phí không bao lăm, thu hút được những sự chú ý của công chúng mà không phải khổ công... Và tôi cũng chẳng hiểu, có khi họ nghĩ như vậy vị tất đã sai bởi vì những độc giả của họ cũng sợ đào sâu như họ và thông thường cũng chỉ đi tìm trong những công trình của tinh thần những thú vui dễ dãi và học vấn không phải lao động". Cách mạng Pháp 1789 là một cuộc cách mạng dân chủ. Nói đến "dân chủ thường người ta nghĩ đến thể chế xã hội lịch sử ra đời sau Cách mạng 1789. Theo cách nhìn triết luận của Tocqueville, "dân chủ” là "sự kiện liên tục nhất, xưa nhất và trường tồn nhất mà người ta biết đến trong lịch sử". Như vậy, dân chủ là một hằng số của lịch sử. Khát vọng dân chủ được đồng nhất với khát vọng bình đẳng. Theo cách nhìn của Tocqueville, "... sự phát triển tuần tự của sự bình đẳng giữa các thành phần xã hội là một sự kiện của ý Thượng đế (providentiel). Nó có những tính cách chính của một sự kiện như vậy: nó có tính chất phổ quát, nó có tính chất lâu đời, càng ngày nó càng thoát ra khỏi quyền lực của con người, mọi biến cố cũng như mọi người đều phục vụ cho sự phát triển của nó". Những sự cố vô tình trong đời sống các dân tộc xoay đi xoay lại cuối cùng đều có lợi cho dân chủ. Và những nỗ lực của mọi người trước sau đều hỗ trợ cho dân chủ, "những người có mục đích gây dựng sự thành công của nó" cũng như "những người không hề nghĩ đến việc phụng sự nó", "những người chiến đấu cho nó" và "ngay cả những người tự tuyên bố là kẻ thù của nó", tất cả đều bị xô đẩy hỗn độn vào cùng một đường và tất cả đã cùng làm chung một sự nghiệp, có những người thì bất đắc dĩ có những người làm mà tự mình không biết, như là những công cụ mù trong bàn tay của Thượng đế". (Tocqueville là một tín đồ công giáo nhưng trong những công trình nghiên cứu của ông, Thượng đế nhiều khi chỉ là một tên gọi khác của lịch sử.
Với cách nhìn triết học của xã hội loài người trong thế kỉ của ông và thế kỉ của chúng ta, cuộc cách mạng dân chủ "không sao cưỡng lại được" này "tiến bước từ bao thế kỉ nay vượt qua mọi trở ngại và ngày nay người ta vẫn thấy nó tiến bước giữa những hoang tàn mà nó gây ra", "sự phát triển tuần tự và tiến bộ của sự bình đẳng vừa là quá khứ vừa là tương lai của lịch sử của những con người ngày hôm nay". Nhưng dân chủ không thể là một phong trào tự phát, "phó mặc cho những bản năng mạn rợ của nó" và ông đã đặt ra cho những người lãnh đạo xã hội nghĩa vụ hàng đầu là: "khai sáng dân chủ, làm sống lại những tín ngưỡng của nó, làm trong sạch phong tục tập quán của nó, điều chỉnh những sự vận động của nó, dần dần lấy khoa học kinh doanh thay thế cho sự à uôm của nó, lấy sự nhận thức những lợi ích thực của nó thay cho những bản năng mù quáng của nó, làm cho sự cai quản nó thích hợp với thời gian và địa điểm, biến đổi nó tuỳ theo những hoàn cảnh và những con người...". Với cách nhìn triết học, Tocqueville thấy cốt lõi của dân chủ là ở con người, những thiết chế dân chủ chỉ là mặt tiền của toà nhà, điều quan trọng là tinh thần, ý thức của những con người sống trong toà nhà. Vì sao Cách mạng Dân chủ Pháp 1789 đã để lại nhiều hậu quả tiêu cực, thậm chí gieo rắc những tai hoạ? Tocqueville giải thích, vì những thủ lĩnh của quốc gia chưa hề nghĩ gì chuẩn bị trước cho nó. Những giai cấp mạnh nhất, thông minh nhất, đạo đức nhất của quốc gia không hề tìm cách chiếm lĩnh nó đặng điều khiển nó. Thế là dân chủ bị phó mặc cho những bản năng man rợ của nó, nó đã lớn lên như những đứa trẻ, không có sự chăm sóc của bố mẹ, tự chúng lớn lên ngoài đường phố thành thị của chúng ta và chỉ biết những sự xấu xa, cùng quẫn của xã hội. Dường như người ta chưa biết đến nó khi bất thần nó chiếm lĩnh quyền lực. Thế là mỗi con người bèn phục tùng một cách hèn hạ những ham muốn nhỏ nhặt nhất của nó, người ta tôn thờ nó như là hình ảnh của sức mạnh, đến khi sau đó nó bị suy yếu bởi những sự bạo hành của chính nó thì những nhà lập pháp lại nghĩ ra mưu kế dại dột triệt phá nó, lẽ ra phải tìm cách khai sáng và sửa chữa nó, họ đâu có muốn bảo ban nó cách cai trị, họ chỉ nghĩ đến việc đẩy nó ra khỏi bộ máy cầm quyền".
Dân chủ tự phát không tránh khỏi gây ra những điều quái ác, phải có sự tham gia của bộ phận mạnh nhất, thông minh nhất, đạo đức nhất của quốc gia đặng hướng dẫn, điều chỉnh nó thì nó mới có ích cho xã hội, mặt khác, trước những sự bạo hành của dân chủ tự phát mà tìm cách phá nó, loại trừ nó thì đó là một điều vô cùng dại dột đây là một luận điểm quan trọng trong học thuyết về dân chủ của Alexis de Tocqueville: Từ cách giải thích nói trên, học giả người Pháp đi đến một kết luận quan trọng: "Kết quả là cuộc cách mạng dân chủ được thực hiện trong vật liệu của xã hội, thế nhưng trong những luật pháp, tư tưởng, tập quán và phong tục chẳng có sự thay đổi cần thiết để làm cho cuộc cách mạng này có ích". Thay đổi trong "những luật pháp, tư tưởng, tập quán và phong tục" đó là sự thay đổi trong văn hoá. Chỉ có sự thay đổi trong văn hoá mới làm cho cách mạng dân chủ có ích cho xã hội. Tocqueville đã sớm thấy vai trò của "cách mạng văn hoá" trong cách mạng dân chủ. Dân chủ thường được hiểu như là những thiết chế dân chủ. Trong khái niệm của Tocqueville, dân chủ chủ vừa là những thiết chế, vừa là văn hóa và đây là một đóng góp quan trọng của Tocqueville vào lý thuyết dân chủ "dân chủ là một hiện tượng văn hoá", tư tưởng này đã trở thành mô típ chủ đạo trong công trình cơ bản của ông đã được nhắc đến. Trong phong tục tập quán của đời sống văn hoá, Tocqueville đặc biệt chú ý đến "những tập quán của trái tim" (từ của chính ông), đó là hạt nhân của đạo đức, của nhân cách con người. Trong quan niệm của Tocqueville, dân chủ phải là văn hoá, phải biến thành những tập quán của lối sống xã hội và cuối cùng hoá thành những "tập quán của trái tim".
Tóm lại, sử học, xã hội học, chính trị học của Tocqueville có bề chiều triết học. Nói như Robert Bellah, khoa học xã hội của A. de Tocqueville là "triết học vị công". Có thể hiểu "vị công" với hai nghĩa:
- Quan tâm đến công ích, lợi ích của số đông công dân, lợi ích của quốc gia, của nhân loại, tóm lại nhà khoa học triết luận không quên tư cách công dân của mình.
- Có ý thức với công chúng rộng rãi tham gia đối thoại, bàn bạc, tranh luận về những vấn đề khoa học mình nêu lên. Trong quan niệm của ông, công chúng bao gồm cả những người ngoại đạo. Tác phẩm của ông được những chuyên gia đầu ngành dương thời đọc (John Stuart Mill), đồng thời những độc giả ngoại đạo có học vấn đọc cũng hiểu.
Những nét khác đáng chú ý trong nghiên cứu của A.de Tocqueville
Tocqueville cố gắng tìm hiểu thấu tình (comprendre), không vội vàng phán xét (juger), coi trọng sự giải thích thực tại hơn là sự chứng minh những định kiến có sẵn, không "bắt những sự kiện thích nghi những tư tưởng" mà bắt "những tư tưởng phục tùng những sự kiện", có lương tâm trong việc sưu tầm và sử dụng những dữ kiện sự kiện, nhờ căn cứ dữ kiện chính xác, phong phú, tỉ mỉ, lý thuyết của ông có "máu thịt", không bị "lốp" (công trình khảo sát, nghiên cứu hết sức công phu của ông về nền dân chủ Mỹ trước hết là để chuẩn bị cứ liệu dữ kiện cho lý thuyết về dân chủ của ông).
Sử gia Furet có nêu một nghịch lý trong tác phong nghiên cứu của Tocqueville: "Tư tưởng của ông càng "giản dị", lý thuyết của ông càng ít tính chất sách vở, cả hai càng được nuôi dưỡng trực tiếp nghiệm sinh tâm lý đương thời (vécu psychologiqụe contemprain)". Trong tư duy nghiên cứu của Tocqueville, khái niệm gắn chặt với nghiệm sinh tâm lý. Tình trạng xuống cấp của con người trong xã hội Pháp sau cách mạng được miêu tả bằng những nhận xét tâm lý: "... ngày nay, nhân dân khinh miệt nhà cầm quyền nhưng sợ nó và sự sợ hãi lấy đi mất của họ nhiều hơn những gì xưa kia lòng quý mến đem lại cho họ... Người nghèo giữ lại phần lớn những thành kiến của cha ông họ mà không có những tín ngưỡng của cha ông, giữ lại sự dốt nát của cha ông mà không có những đức hạnh của cha ông, họ chấp nhận làm quy tắc hành động học thuyết vụ lợi mà không biết khoa học sinh lợi và thói ích kỉ của họ cũng tối tăm như lòng tận tuỵ của họ xưa kia". Tình trạng yên ổn "bệnh hoạn" của xã hội cũng được miêu tả bằng một ngôn ngữ tâm lý tinh tế : "'Xã hội yên bình chẳng phải vì nó có ý thức về sức mạnh và sự sung túc của nó mà trái lại vì nó nghĩ rằng nó suy yếu và tàn phế, nó cứ sợ cố gắng bỏ sức ra thì chết mất: ai cũng cảm thấy tình trạng rõ ràng là xấu nhưng chẳng ai có can đảm và nghị lực cần thiết để nghĩ cách làm cho tốt hơn, người ta có những ham muốn, những hối tiếc, những buồn vui chẳng sản sinh ra được cái gì rõ rệt, lâu bền, giống như những ham mê của những ông già cuối cùng chỉ kết thúc bằng sự bất lực". Nhân loại bước những bước lớn tới thời đại dân chủ, sự tiên bước này là không tránh khỏi, không đảo người được đây là tư tưởng chủ đạo của lý thuyết của Tocqueville về dân chủ. Tư tưởng này ông không đề ra bằng sự suy lý (raisonnement) mà ông đặt ra như một định đề, và nhà sử học Furet, xem định đề này là "bản dịch trừu tượng" của "nghiệm sinh (éxpérience vécue) của ông và môi trường của ông". Từ nhận xét này của Furet, chúng ta có thể rút ra một kết luận có ý nghĩa phương pháp luận : nghiên cứu những tư tưởng lớn trong khoa học xã hội và nhân văn cần coi trọng mối liên hệ giữa lý thuyết và nghiệm sinh.
Có thể nói đến quan điểm thực tiễn trong phong cách nghiên cứu của Tocqueville. ông nghiên cứu nền dân chủ ở Mỹ không phải để "ngợi ca" cũng chẳng phải để từ đó đánh giá xem dân chủ "có lợi hay tai hại cho nhân loại" (vấn đề lớn lao này quả là hấp dẫn) mà cốt để "tìm những bài học ích lợi cho chúng ta". Vì ở Mỹ, dân chủ "đạt tới sự phát triển đầy đủ và hoà bình hơn cả"? ông hi vọng tìm thấy ở đây "những hệ quả tự nhiên" và những phương tiện để dân chủ ích lợi cho con người".
Alexis de Tocqueville với tác phẩm Về dân chủ và nhất là với tác phẩm Chế độ cũ và cách mạng và Hyppolite Taine với tác phẩm Những nguồn gốc của nước Pháp đương đại (1875) đều viết về cuộc Cách mạng Dân chủ 1789 và tình trạng xã hội Pháp sau 1789. Tocqueville thấy rất rõ những hậu quả tai hại, tàn khốc mà cách mạng dân chủ "bị phó mặc cho những bản năng man rợ của nó" gây ra cho xã hội Pháp cũng như những bạo hành đẫm máu của những phong trào quần chúng tự phát trong cách mạng. Tình trạng tan hoang, đảo điên của xã hội Pháp sau cách mạng đã được ông mô tả như sau: "... Một thế giới trong đó chẳng còn gì liên kết và gắn bó, trong đó đức hạnh không có tinh thần và tinh thần không có danh dự, trong đó tình yêu trật tự với thị hiếu của những bạo chúa và sự tôn thờ tự do thần thánh lẫn với sự khinh bỉ luật pháp, trong đó lương tâm chỉ toả ra một thứ ánh sáng đáng ngờ lên những hành động của con người, trong đó chẳng còn nhận ra được cái gì bị cấm, cái gì được phép, cái gì lương thiện, cái gì đáng hổ thẹn, cái gì sai cái gì đúng”? Điều đáng chú ý là trong bản "cáo trạng" nghiêm khắc này, lời lẽ ôn tồn, thái độ điềm tĩnh, không có giọng hằn học, cũng không có những lời thoá mạ. Vì sao vậy? Vì sao tiếp theo bản "cáo trạng" là những lời trong sáng và hết sức chân thành biểu lộ niềm tin ở tương lai của dân chủ, một niềm tin còn mơ hồ nhưng đượm tinh thần lạc quan: “Lẽ nào Tạo hoá làm ra con người là để rồi mặc nó đời đời giãy giụa giữa những sự cùng khốn trí tuệ bao quanh chúng ta? Tôi không nỡ tin như vậy. Thượng đế chuẩn bị cho những xã hội Châu Âu một tương lai ổn định và yên bình hơn , tôi không biết những ý đồ của Người, làm sao tôi thâm nhập được vào đó nhưng tôi không ngừng tin ở Người, thà tôi hoài nghi sự sáng trí của tôi hơn là nghi ngờ lẽ công bằng của Người". Vì sao vậy ? Vì sao tác giả trước sau vẫn giữ lòng tin ở đứa trẻ lang thang ngoài đường phố gây ra bao nhiêu điều quái ác cho những người xung quanh? Vì xác tín chính trị của tác giả dựa trên chiến thắng của dân chủ là "không tránh khỏi". Lòng thành của ông bắt nguồn từ một lôgic rất đơn giản: có chống lại dân chủ, triệt phá nó bằng cách nào đi nữa thì nó vẫn cứ tiến bước và chiến thắng. Và ông đã đứng ra kêu gọi mọi người, trước hết là tầng lớp ưu tú của xã hội: những người "mạnh nhất", "thông minh nhất”, "đạo đức nhất"... hãy góp sức khai sáng cho dân chủ, hướng dẫn nó, điều chỉnh nó... ông phản đối những nhà lập pháp "đại dột" vin vào những lầm lạc và manh động của cách mạng dân chủ để triệt phá và loại trừ nó.
Học giả J.Touchard đánh giá cao thái độ ôn tồn, điềm tĩnh của Tocqueville trước sự biểu hiện những "bản năng man rơ" của Cách mạng Dân chủ: "ông đẩy tới độ cao nhất nghệ thuật hiểu thấu tình những gì ông ghê tởm" (càng thấm thía lời đánh giá này nếu được biết tiểu sử của Tocqueville: ông thuộc một dòng dõi quý tộc lâu đời ở Normandie, gia đình và dòng họ ông là đối tượng của cách mạng, trong họ ông nhiều người phải lên đoạn đầu đài, bố mẹ ông bị bắt trong thời khủng bố nhờ có ngày chín Thermidor nên mới thoát khỏi bị treo cổ). Trường hợp của Hyppolie Taine thì khác hẳn. Sử gia này đọc, nghiên cứu những tài liệu về lịch sử Cách mạng Dân chủ Pháp không phải là để hiểu cuộc cách mạng đó mà là để tìm những cứ liệu chứng minh và biện bạch cho những thành kiến và lập trường phản cách mạng của ông: ông đứng về phía quý tộc để chống lại giai cấp tư sản và đứng về phía tư sản để chống lại nhân dân. Lời lẽ của Tocqueville ôn tồn, điềm tĩnh còn lời lẽ của Taine hằn học, cay độc. Quần chúng cách mạng năm Chín mươi ba được ông ví như "một con vật nằm lăn trườn trên tấm thảm tía". Họ làm cách mạng vì "bản năng khát máu”, còn đám tư sản, họ tham gia cách mạng vì "tham lam, thèm khát”. Với cái nhìn biếm hoạ của ông, Marat là một thằng điên, Danton là “một kẻ man rợ", Robespierre là "một lão đồ rởm"... cách mạng là một "cơn say cuồng loạn"... Ngày nay, không mấy ai nhớ đến công trình sử học của Taine, còn hai công trình của Alexis de Tocquevillè lại như hai tác phẩm cổ điển của một tác gia lớn.
Để kết thúc, chúng tôi nói về đầu óc suy nghĩ độc lập của học giả Alexis de Tocqueville. Ông là một nhà hoạt động chính trị, đã từng là Dân biểu Hạ Nghị viện, đã giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội, đã từng được bổ. nhiệm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao... Tuy vậy, trong lĩnh vực khoa học ông không thừa nhận một quyền uy nào, không theo phe nào, phái nào. Mặt khác, ông cũng không phải là một người chấp nhất, có nhất thiết phải nói khác, nói ngược lại các phe, phái. Kết thúc lời nói đầu của công trình Về dân chủ, ông viết: "Cuốn sách này, đúng thế, không có theo ai cả, viết nó tôi chẳng muốn phụng sự, cũng chẳng muốn đánh bất kì phe nào, phái nào, tôi tính chuyện nhìn, không phải khác, mà xa hơn các phe phái và trong khi họ bận tâm cho ngày mai, tôi lại muốn tưởng nghĩ đến tương lai".
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh