Nhà nước, truyền thông và xã hội dân sự
Tháng trước, nước Đức đã huy động tới 50 cảnh sát thực hiện vụ trục xuất đồng loạt lớn nhất 10 năm nay đối với 104 người Việt bị từ chối cư trú, bằng chuyến bay dành riêng, số hiệu AB1130 của hãng Air Berlin, cất cánh tại sân bay Schönerfeld, Berlin về Hà Nội.
Trước giờ cất cánh, hàng trăm người Đức ùn ùn kéo tới sân bay biểu tình, phản đối dữ dội; cảnh sát phải chật vật làm hàng rào chống đỡ, mới ngăn được họ tràn vào phòng chờ. Tổ chức mang tên “Sáng kiến giúp người lánh nạn” lý giải cuộc biểu tình phản kháng rằng, trục xuất hàng loạt đã đánh đồng mọi đối tượng, bỏ qua những trường hợp đặc biệt lẽ ra phải chiếu cố nhân đạo; hơn nữa, chuẩn mực nhân đạo tối thiểu dành cho con người dù họ là ai phải được bảo đảm, công luận giám sát.
Bằng những câu chuyện có thực vừa xảy ra tại Cộng Hòa Liên bang Đức, TS Nguyễn Sĩ Phương luận bàn về các giá trị xã hội.
"Bàn tròn Thu Nga"
Tổ chức sáng kiến trên chỉ là một trong 280.000 hiệp hội ở Đức, thu hút số thành viên chiếm tới trên 60% của hơn 80 triệu dân số họ, chưa kể vô số các tổ chức sáng kiến, phong trào xuất hiện thời điểm, như tổ chức “Bàn tròn Thu Nga” là một điển hình, từng chấn động nước Đức một thời. Năm 2004 trong lúc đang theo học lớp 8d trường chuyên ở Peine, thì Thu Nga bị nước Đức trục xuất cùng cả gia đình về Việt Nam do không được quyền ở lại.
Tổ chức trên lập tức được thầy cô giáo thành lập, nhằm mục đích đưa bằng được Thu Nga trở lại trường. Số phận 1 em học sinh 14 tuổi học giỏi, sang Đức từ lúc lên 2 không hề biết đến Việt Nam, bị đuổi ra khỏi Đức, được tài tử nổi tiếng bậc nhất Đức Günter Jauch truyền hình tới công chúng đã làm thổn thức bao trái tim người Đức.
Chỉ trong vòng 6 tháng, với nỗ lực vô bờ bến, họ đã đón Thu Nga trở lại Đức học tập, sau khi tập hợp được tới hàng nghìn chữ ký ủng hộ, gửi trên 600 thư từ tới các cơ quan công quyền, phóng viên về tận Việt Nam gặp gỡ Thu Nga, mở tài khoản quyên góp được 6500 Euro ủng hộ em đợt đầu, tiếp tục bảo đảm tài chính cho em đến tốt nghiệp, trong đó có phần quyên góp của cả Tổng thư ký đảng SPD đang cầm quyền, tìm gia đình nhận em làm con nuôi đón sang Đức, tìm trường tư nhập học cho em.
Những hiệp hội, tổ chức sáng kiến, bàn tròn, tổ chức phi chính phủ, các phòng trào độc lập với nhà nước như trên thuộc phạm trù xã hội dân sự, hay xã hội công dân, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “politiké koinonia”, sau này chuyển ngữ sang tiếng La Tinh “societas civilis”, được hiểu là tập hợp các công dân tự do. Lý luận về xã hội công dân coi vùng hoạt động của xã hội dân sự là khoảng không gian công cộng nằm giữa nhà nước (hoạt động bằng quyền lực), thị trường (hoạt động bằng trao đổi, tiền bạc, kinh tế) và gia đình (hoạt động bằng tình cảm, quan hệ riêng tư).
Như vậy nếu thừa nhận có khoảng không gian công cộng nằm giữa 3 vòng tròn nhà nước, thị trường và gia đình, thì xã hội dân sự là tồn tại tất yếu của xã hội loài người hiện đại. Một khi xã hội dân sự đã là tất yếu, mà lại thiếu hoặc vắng trên thực tế, thì hệ lụy toàn xã hội phải gánh chịu là không tránh khỏi, con người sống trong đó may nhờ rủi chịu rất lớn, bởi cả nhà nước, cả nền kinh tế thị trường, lẫn gia đình đều không có chức năng bù đắp khoảng trống đó.
Có thể hình dung số phận của 104 người Việt bị trục xuất đồng loạt ở trên khó tránh khỏi bị đánh đập (vì nhiều người cưỡng chống), bỏ đói khát, thiếu tư trang, bị nhục mạ, còn Thu Nga đành chấp nhận số phận trục xuất, nếu Đức không phải là xã hội dân sự, phó mặc cho nhà nước định đoạt mọi chuyện. Bao người Việt cả trong lẫn ngoài nước được hưởng tính ưu việt của xã hội dân sự trên thế giới không nhỏ, ví như “Quỹ vì trái tim em” gửi về ủng hộ trong nước rất lớn hiện nay, chính do các hội người Việt khắp thế giới quyên góp. Dạy tiếng Việt giữ gìn văn hoá Việt cho con em không ai khác ngoài hội, đoàn, tác động đến chính quyền sở tại xin kinh phí trả lương giáo viên, như ở Leipzig tới hàng chục nghìn Euro/năm.
Phần đa 3 triệu người Việt khắp thế giới hiện nay khó có thể hoà nhập vào xã hội sở tại, đừng nói gì đến giúp đỡ trong nước, nếu nước họ định cư không phải là một xã hội dân sự cưu mang họ bước đầu, bởi chẳng chính quyền nào muốn và có thể “bao” hết công dân nước khác tới.
Ưu việt của xã hội dân sự ở chỗ trước hết nó đáp ứng bất cứ nhu cầu lợi ích nào của công dân nảy sinh, mà nhà nước, thị trường, gia đình không thể thoả mãn. Ở Đức, người thuê nhà có thể viện đến Hiệp hội những người thuê nhà, ngược lại người cho thuê nhà có thể viện đến hiệp hội những người cho thuê nhà khi có vấn đề, mà không cần mình là thành viên.
Tương tự như vậy người nhận việc có công đoàn, người thuê việc có hội thuê việc, doanh nghiệp có hội doanh nghiệp, kinh doanh bán lẻ có hội bán lẻ, bán buôn có hội bán buôn, đóng thuế có hội những người đóng thuế, khai thuế có hội những người khai thuế, ô tô hỏng dọc đường có hội kéo xe hỏng, mua bán có hội bảo vệ người tiêu dùng, phụ nữ bị chồng bạo hành có thể tìm đến nhà của Hội Cứu giúp phụ nữ, ăn ở bất cứ lúc nào, tàn tật có hội giúp đỡ tàn tật, trẻ em có hội bảo vệ trẻ em, người già có hội bảo vệ người già..., chưa kể các hội thời điểm được thành lập khi có bức xúc, nhất là liên quan đến môi trường, thiên tai, chết nhiều người, đe doạ số phận, như trường hợp điển hình “Bàn tròn Thu Nga”.
Từ đó, nếu tính con số hội đoàn ở ta chẳng là bao so với 280.000 hiệp hội họ, sẽ cho thấy khoảng trống hội đoàn nước ta hiện nay, và mức độ thiệt thòi giữa người dân nước mình và nước họ trong thụ hưởng tính ưu việt của một xã hội dân sự đem lại.
Ðã thiếu, ở ta trong một số tình huống liên quan đến hội viên của mình, hoặc lĩnh vực mình hoạt động, không ít hội chưa quan tâm, hoặc ngược lại thậm chí hành xử nhầm lẫn với chức năng của cơ quan công quyền, chưa phát huy được vai trò riêng cần có của một xã hội dân sự.
Trên thế giới, xã hội dân sự được xác lập ở những nước phát triển trên nền tảng một nhà nước dân chủ, pháp trị lẫn truyền thông độc lập. Số phận 104 người Việt bị trục xuất nói trên sẽ bị bỏ rơi chẳng ai đoái hoài, nếu nước Ðức cấm biểu tình, truyền thông cấm đưa tin hoặc đưa sai lệch hoặc chỉ ủng hộ chính phủ, hoặc bài xích người nước ngoài. Hội người Việt Leipzig sẽ không thể tổ chức nổi lớp học tiếng Việt cho các cháu nếu nhà nước Ðức không tài trợ hàng chục nghìn Euro/năm. Quỹ "Vì trái tim em" không thể gửi về nước nhiều tiền đến vậy, nếu luật pháp Ðức không cho phép khấu trừ tiền quyên góp đó vào thu nhập tính thuế...
Ngay cả khi được xác nhận quyền và hỗ trợ ưu đãi tài chính, thì hội đoàn cũng bất lực, nếu thiếu vắng một cơ chế tài phán độc lập để phân xử, khi chẳng may họ rơi vào tình huống cá nhân được nhà nước giao trách nhiệm hành xử không còn muốn nghe.
Trước đây 5 tháng, vụ Đức trục xuất bất thành bé Giang, sinh ở Đức, 14 tuổi, đẩy em đang là học sinh giỏi lớp 8 trường chuyên Wirtemberg, Stuttgart phải vào viện tâm thần, đã làm dư luận Đức sôi sục phản đối; hiệp hội bảo vệ trẻ em được viện tới can thiệp.
Tuy nhiên chính quyền vẫn khăng khăng mình đúng luật, buộc luật sư của bé phải đe doạ khởi kiện quan chức ra lệnh trục xuất tội cố ý gây thương tích, nếu vụ việc xảy ra lần nữa, đệ đơn đòi bác lệnh trục xuất của chính quyền kèm bản giám định sức khoẻ bé Giang và ý kiến của hiệp hội bảo vệ trẻ em lên toà án hành chính tối cao. Toà chấp thuận.
Mục tiêu dân chủ
Xã hội dân sự nằm giữa các vòng tròn nhà nước, thị trường và gia đình, làm cho người ta dễ liên tưởng đến công thức toán học, khi xã hội dân sự lớn lên thì các vòng tròn sẽ bé đi, đe doạ quyền lực nhà nước, mà không biết rằng tổng 3 vòng tròn cùng xã hội dân sự không nằm trong một khung giới hạn, cái này lớn cái kia sẽ bé, mà ngược lại chúng tương tác nhau cùng tăng lên theo sự phát triển nhu cầu xã hội.
Tổ chức Sáng kiến giúp người lánh nạn trong vụ trục xuất 104 người Việt không nhằm gây khó khăn hay lật đổ nhà nước do họ dựng nên, mà chính nhờ bảo vệ quyền lợi tối thiểu 104 người này, lại bảo đảm cho nhà nước họ được thế giới tôn trọng, hành xử nhân đạo không đụng chạm đến nhân phẩm và quyền tối thiểu của con người như hiến pháp họ đã thừa nhận.
Chính nhờ họ, mà tại phi trường Hamburg, nhà nước đã cho đặt màn hình ngoài nhà chờ cho phép quan sát hành vi của nhà chức trách trong trục xuất, giúp minh bạch hóa việc thực thi hiến pháp của mình trước dư luận.
Cách đây 4 tháng, một văn phòng luật sư ở Frankfurt đã đệ đơn lên toà án Đức kiện Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Nội vụ, và Tư pháp Đức đã giao 9 tên cướp biển Kenia bị Hải quân Đức bắt, cho toà án Kenia xét xử, vi phạm luật Đức cấm dẫn độ nghi phạm vào những nước không nhân quyền. Điều đó không có nghĩa luật sư ủng hộ cướp biển mà ngược lại thực hiện chức năng giám sát bảo đảm uy tín cho nhà nước luôn tuân thủ pháp luật do chính mình ban hành.
Xã hội công dân hiểu theo nghĩa rộng còn được coi là dấu hiệu về mức độ dân chủ hoá xã hội, đòi hỏi mỗi công dân, ngoài việc tự tập hợp giải quyết những vấn đề nằm ngoài phạm vi nhà nước, thị trường và gia đình, còn phải tham gia trực tiếp vào các quyết định của nhà nước và hoạt động của thị trường.
Trên phương diện đó có thể thấy ở ta hàng núi vấn đề bức xúc xã hội được kêu cứu trên báo chí tồn đọng, đang thiếu bàn tay giải quyết của xã hội dân sự, nhưng hạn hữu mới tìm thấy công dân hay nhóm công dân kêu gọi hay bắt tay hành động.
Đã có tính toán thống kê cho thấy mức sống nước ta phải hàng chục năm nữa mới đuổi kịp các nước đứng đầu khu vực và chắc phải nhiều lần hơn thế mới bằng Mỹ, Tây Âu. Thành quả các nước đó hoàn toàn không phải do nhà nước họ thay dân làm ra, mà chính xuất phát từ tập hợp các công dân họ, tức xã hội dân sự.
Không thế mà Philipp Rösler, gốc Việt, 35 tuổi, hiện phó Thủ hiến, Chủ tịch Đảng FDP tiểu bang Niedersachsen, Đức, đang được coi là tương lai của đảng FDP toàn nước Đức, tuyên bố chủ trương: “Phải xây dựng một xã hội mạnh thay vì một nhà nước mạnh... Trật tự, pháp luật, nhà nước, chỉ là công cụ, phải phục vụ cho các giá trị xã hội, chứ không phải ngược lại!” rốt cuộc cũng nhằm tới một xã hội dân sự.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh