Xã hội Việt Nam đương đại trong những giá trị thực - ảo

01:53 CH @ Thứ Tư - 24 Tháng Hai, 2016

Gần đây, các tờ báo liên tục đưa tin về các hoạt động mua bán mang tính chất cá nhân của các “đại gia”: Đầu tiên là Maybach, tiếp đến là Phantom, rồi những thương hiệu khác nhau Bentley, Hummer… cũng không còn gì là mới mẻ.

Đối với các “đại gia’. Đó có thể là một thú chơi. Đối với các nhà kinh tế, đó có thể là một nguyên nhân giải thích tình trạng nhập siêu. Còn đối với những con người của thế hệ cũ, họ tự hỏi câu hỏi của nhà thơ Boris Pasternak: “Thời đại ơi, chúng ta đang sống ở đâu của thế kỷ?”. Liệu việc một cá nhân dùng chiếc điện thoại Goldvish, với giá gần một tỷ đồng có thực sự đáng là niềm kiêu hãnh trong khi tại Hà Tĩnh, 7 học sinh chết đuối vì thiếu một cây cầu 150 triệu?

Ở các nước phương Tây, hàng trăm năm đô thị hóa cũng là hàng trăm năm chuyển đổi từ đời sống nông nghiệp sang lối sống công nghiệp. Ở Việt Nam, hiện đại hóa trở thành một trong những mục tiêu của chính sách phát triển, quá trình chuyển đổi được đẩy lên với một tốc độ chóng mặt. Vì vậy, một số bước chuyển tiếp mà các xã hội hiện đại trải qua, và cần phải trải qua, như sự cạnh tranh khốc liệt trong kinh tế, sự thỏa hiệp để vượt qua các quan niệm tưởng như muôn đời hợp lý để có sự phát triển đồng bộ về trí tuệ, về công nghệ, sự “sống chung” giữa những cộng đồng đa sắc tộc và đa văn hóa… đã không được trải nghiệm một cách đầy đủ. Cụm từ “đi tắt đón đầu’ đã trở thành một khẩu hiệu trong kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Nhưng liệu có nên hướng theo một sự đi tắt đón đầu trong tình cảm, nhận thức, lối sống, khi bản chất của văn hóa lại là sự lắng đọng của những giá trị trong những khoảng thời gian không ngắn?

Như một truyền thống trong nền văn hóa Việt nam, sự coi trọng tinh thần đã xóa đi giá trị vật chất trong một thời gian dài. Mỗi đứa trẻ lớn lên trong lời ru của mẹ, lời dạy của cha, trong những bài học ở trường đều thấm nhuần triết lý sống kiểu “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Thậm chí đôi khi, ý thức coi thường vật chất ấy đã lên đến đỉnh điểm để trở thành một sự phủ nhận: “Giàu nhân giàu nghĩa thì giàu, giàu tiền giàu bạc ai cho là giàu”. Thái độ trọng nghĩa khinh tài ấy liệu còn phát huy giá trị trong xã hội tiêu dùng hiện tại, khi không thể phủ nhận được rằng những thương hiệu cũng góp phần tạo nên bản sắc con người? Mỗi con người trong sự tiến bộ, đều hiểu rằng một cuộc sống có giá trị không phải là một cuộc sống đi bằng một chân. Giá trị của một cá nhân bắt đầu từ sự giàu có về vật chất và cả sự giàu có về tinh thần.

Khi nền tảng văn hóa chưa kịp chuẩn bị cho mỗi cá nhân một tâm thế “người giàu” thì sự khập khiễng trong văn hóa sống với mức sống, đời sống và cách sống là một thực tế khó tránh khỏi, tạo nên những vết đứt gãy trong hệ giá trị. Con người, một mặt không phủ nhận những giá trị cũ nhưng mặt khác vẫn sống với thực tại của mình. Quá trình này làm nảy sinh một thực tế là đôi khi những giá trị tốt đẹp cũ chỉ còn là một ảo ảnh khoác lên sự thật không được như mong muốn. Hãy nhìn lại sự kiện phim truyền hình “Nhật ký Vàng Anh”. Thay vì xây dựng một hình tượng thanh niên với những giá trị mới trong những thử thách mang tính thời đại như tự tin vào lựa chọn để dấn thân và độc lập trong những quyết định, nghiêm túc trong các mối quan hệ, những người làm phim đã biến các nhân vật thành sự minh họa vô cảm cho một quan niệm xưa trung thành với những lối mòn “ngoan ngoãn”, “hiền thục”… Trong khi đó, những người trẻ vẫn phải sống với thực tại không giống tỏng kịch bản. Cho đến khi thực tại ấy được phô bày, khoảng cách quá lớn giữa lý tưởng và sự thật đã cuốn cả xã hội vào một cuộc tranh luận bàng hoàng. Sự đúng sai không còn quan trọng nữa. Quan trọng hơn, đó chính là xung đột giữa giá trị ảo và cuộc sống thật của con người. Vàng Anh chỉ là một sự kiện thể hiện rõ ràng và sống động nhất thực tế đó. Nếu nhìn rộng ra, có thể thấy vô vàn những “Vàng Anh” trong các vấn đề mang tính thời sự: sự mất niềm tin giữa các thế hệ, nền giáo dục chạy theo hình thức, những thói quen văn hóa mới đang mò mẫm trong ảnh hưởng của thần tượng, show biz, và kính vạn hoa hướng ngoại Mỹ - Hàn.

Trong khi đó, xã hội lại tiếp tục trở nên ảo hơn với những bước tiến không ngừng trong công nghệ. Những cụm từ như xã hội ảo, cộng đồng ảo dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người. Truyền thông và Internet chiếm lĩnh từng ngõ ngách trong cuộc sống và hiện hữu trong từng xu hướng của tình cảm, nhận thức. Khi những thế hệ trước còn mải mê với những lý lịch viết tay thì thế hệ trẻ tham gia mạng xã hội, tranh luận trên các diễn đàn, viết blog, chạy theo thần tượng… Quan hệ gián tiếp con người – máy móc – con người ngày càng trở nên phổ quát và lấn át mối quan hệ trực tiếp người – người. Nhiều người cho rằng môi trường mới của xã hội tạo nên sự tôn trọng bản sắc cá nhân. Nhưng trước khi nói đến điều đó, hãy tự hỏi bản sắc cá nhân được xây dựng lên từ những yếu tố nào. Trong thế giới thực, bằng việc va chạm trong những diễn biến của cuộc sống và các mối quan hệ xã hội, con người nhận thức được mình và trả lời cho câu hỏi tôi là ai. Đồng thời, anh ta sẽ có những điều chỉnh hành vi cho phù hợp với kết quả của câu trả lời đó. Còn trong một thế giới ảo, con người vẽ lên một hình ảnh về mình và tất cả các mối quan hệ sẽ dựa trên hình ảnh lý tưởng đó. Kết quả của quá trình này rất có thể là anh sẽ không còn biết mình là ai, đang đi về đâu trong cuộc sống.

Từ những tồn tại cũ và những biểu hiện mới, có thể thấy sự quá tự tin cũng như trạng thái hoang mang văn hóa đã và đang đặt người Việt hiện đại trước nguy cơ khủng hoảng của xung đột giữa giá trị ảo và cuộc sống thực. Những thế hệ đi trước không có đủ thời gian để thích nghi với những biến đổi quá nhanh chóng của xã hội trong khi thế hệ nối tiếp thiếu đi sự kế thừa những nền tảng nhận thức, tình cảm để ứng xử với thế giới ngày càng rộng lớn và đổi thay từng giờ. Kết quả của quá trình này là những giá trị mang tính truyền thống chỉ còn ý nghĩa như một lớp son thếp vàng trong khi cuộc sống thực tại bị mất phương hướng. Khi đó, sự bùng nổ của một xã hội tiêu dùng là hệ quả đầu tiên. Thỏa mãn các nhu cầu cá nhân và hưởng thụ cuộc sống vật chất sẽ được đặt lên hàng đầu. Lý tưởng dường chỉ còn là một thứ trang sức nhạt nhòa khi khoảng cách của nó với thực tế đã trở nên quá xa vời.

Một đất nước không có những ông chủ sở hữu những chiếc xe đáng giá hàng triệu đô la, chắc chắn đó là một đất nước nghèo. Một xã hội không chăm sóc đến từng đứa trẻ, chắc chắn đó không phải là một xã hội tiến bộ.

Đằng sau một chiếc Phantom, là cả một nền văn hóa với những giá trị hàng trăm năm. Đó không đơn thuần chỉ là một chiếc xe mà còn là kết tinh của những đỉnh cao trong công nghệ, thiết kế, xây dựng thương hiệu, và trong cả niềm kiêu hãnh được truyền qua bao thế hệ về một vẻ đẹp hoàn mỹ. Nói cách khác, đó chính là ước mơ vươn tới sự hoàn thiện từ những gì gần gũi nhất trong cuộc sống. Sở hữu chiếc xe đó cũng chính là kế thừa giá trị của một nền văn hóa và thừa hưởng những ước mơ hướng tới cái đẹp vẹn toàn.

Đằng sau thân phận giàu nghèo, đó là sự phân tầng của cuộc sống. Không thể nào có một sự “bình quân” tuyệt đối cho tất cả mọi người khi trí tuệ, hình dáng, xuất thân của mỗi người là khác nhau. Chỉ đến khi những giá trị tiến bộ được đắp bồi từ những bước đi trật tự, từ tốn trên con đường đúng của mỗi giai tầng, khi đó xã hội mới trở thành một guồng máy vận hành hiệu quả với mỗi chi tiết được đặt đúng chỗ của mình.

Và điều đó chỉ xảy ra khi những giá trị thật được nhìn nhận và vun đắp cùng cuộc sống thật. Nếu không, một chiếc Phamtom cũng chỉ có nghĩa là tiền. Có nghĩa là những giá trị tốt đẹp ngày càng ảo hơn trong cuộc sống mà mọi thức đều mua được từ những tờ giấy bạc rất thật, rất đời thường…

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giá trị lao động và giá trị tri thức

    01/05/2017Trần Quân Tuyền (GS, TS Viện khoa học xã hội Trung Quốc)Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra sự phân tích và luận chứng khoa học để, một mặt, phê phán quan điểm của phương Tây cho rằng lý luận giá trị lao động của C.Mác đã không ý nghĩa, mặt khác chứng minh một cách thuyết phục lý luận giá trị thặng dư của C.Mác không hề lỗi thời, mất tác dụng...
  • Tết và những giá trị gia đình thời hội nhập

    22/01/2020Trần Thị TrườngXuân đến Tết về không chỉ là ngày, là mùa đón khí mới mà còn là dịp con người tri ân tổ tiên, nguồn cội, biểu tỏ tình yêu thương với gia đình, người thân, bạn bè…
  • Một số nét tâm lý đặc trưng về định hướng giá trị của thanh niên hiện nay

    30/09/2015Đỗ Ngọc HàGiá trị và định hướng giá trị có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự hình thành nhân cách, lối sống và có ảnh hưởng đến toàn bộ hành vi cá nhân. Khi tiếp cận trên bình diện giá trị và định hướng giá trị, chúng ta có thể hiểu sâu được những quá trình xã hội điều khiển sự hoạt động của các cộng đồng, các nhóm xã hội...
  • Bước lên nấc trên của thang bậc giá trị

    09/02/2015TS. Nguyễn Sĩ DũngMở cửa thì nắng, gió sẽ tràn vào. Những “cơ thể” đã quen với việc rèn luyện mau chóng thích nghi và tận dụng cơ hội này để lớn lên. Nhưng cũng sẽ có một số cá thể nhanh chóng bị nhức đầu, sổ mũi (vì bị cớm nắng từ lâu)...
  • Hướng các giá trị đạo đức truyền thống theo hệ chuẩn giá trị Chân – Thiện – Mỹ

    27/03/2006TS. Đặng Hữu ToànNền kinh tế thị trường với những nguyên tắc vận hành và phát triển riêng của nó đang có ảnh hưởng sâu sắc cả theo hướng tích cực lẫn tiêu cực tới mọi mặt đời sống xã hội, tới hệ thống các giá trị, các quy phạm đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống và nhân cách con người trong một quốc gia, dân tộc. Phát triển kinh tế thị trường không chỉ làm nảy sinh quá trình xâm nhập, bổ sung lẫn nhau giữa các hệ thống giá trị, các chuẩn mực đạo đức, các quy tắc ứng xử truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế...
  • Định hướng giá trị và sự phát triển của thế hệ trẻ

    03/03/2006Phó GS. TS. Đỗ LongGiá trị bao giờ cũng đóng một là vai trò chỉ đạo và định hướng cho xã hội theo những mục tiêu to lớn được coi là có ý nghĩa cho sự tồn tại và phát triển. Quá trình phát triển của xã hội nhanh hay chậm tùy thuộc ở chỗ giá trị được định hướng có phù hợp với quy luật khách quan hay không, phù hợp nhiều hay ít, có tương ứng với giá trị của cộng đồng, của cá nhân hay không và sự tương ứng ấy ở mức độ nào...
  • Giá cả và giá trị!

    24/12/2005Thực tế cuộc sống buộc chúng ta phải chấp nhận rằng có rất nhiều thứ giá trị nhưng không có giá về mặt tiền bạc và ngược lại, vô khối thứ đắt giá nhưng lại chẳng đáng hoặc không mấy giá trị...
  • Một vài suy nghĩ về văn hóa Việt Nam

    10/12/2005Là một nhà nghiên cứu văn học, GS Hà Minh Đức rất quan tâm đến sự phát triển của nền văn hoá dân tộc vì theo ông văn hoá gắn với sự phát triển chung của đất nước, với mỗi con người, mỗi cuộc đời. Dưới đây, Tạp chí xin giới thiệu đôi điều suy nghĩ của GS về văn hoá Việt Nam.
  • Tản mạn về một số hiện tượng văn hóa Việt Nam đương đại trong quan hệ với quá trình “đứt gãy văn hóa”

    06/12/2005Nguyễn HoàMột hệ thống giá trị văn hóa - văn minh lạ lẫm được du nhập... đã gây nên một cuộc đảo lộn và một quá trình “đứt gãy văn hóa” xuất hiện. Nhưng quá trình du nhập ấy, sự “đứt gãy văn hóa” ấy dẫu mạnh mẽ đến đâu vẫn không thể nhanh chóng thay thế tất thảy mọi hành vi ứng xử, mọi thói quen, nền nếp văn hoá... có tuổi đời đã hàng nghìn năm. Nó phải chấp nhận một tình trạng “lưỡng phân"...
  • xem toàn bộ

Nội dung khác