Hãy nghe 8X nói
Trong giao tiếp tiếng Việt, giờ đây có lẽ nhiều người chúng ta đều không lạ gì khi nghe từ 8X. Đây là tổ hợp chỉ "những người sinh vào thập niên 80 ở thế kỷ 20". Thế hệ "dòng 8X" này có rất nhiều điều đặc biệt trong cuộc sống đáng trân trọng. Nhưng cũng có những "dòng" 8X chảy lạc điệu, biểu hiện bằng những lối nói...
Giải phóng miền Nam (1975) và thống nhất tổ quốc (1976), đất nước ta đã từng bước đi vào ổn định. Khi con tàu Việt Nam bắt đầu đón nhận ngọn gió mở cửa, hội nhập thì cũng là lúc thế giới trong bối cảnh thật sự chuyển mình về khoa học kỹ thuật. Rõ rệt nhất là cuộc cách mạng về công nghệ thông tin, đang từng ngày từng giờ làm thay đổi diện mạo cuộc sống. Có thể nói, giờ đây, tin học đã có mặt khắp mọi nơi mọi lúc. Từ việc giám sát đường bay của trái banh (con chip trong trái bóng thông minh) đến việc lên chương trình cho một cuộc chiến tranh toàn cầu (bom laser bắn mục tiêu chỉ sai số 0,5m).
Cái khác biệt của nhịp sống hôm nay là tốc độ chóng mặt. Có khi chỉ nhỡ một cái nháy chuột thôi là lỡ một cơ hội. Và cơ hội này rất có thể làm cho sự nghiệp của ai đó rẽ qua ngả khác cũng nên. Công nghệ tân kỳ, nói chi cho phải? Vậy nên, việc nói năng của lớp trẻ bây giờ cũng đậm chất "công nghệ": Toòng teng với chiếc túi trên vai, họ vừa đi, vừa dốc chai La Vie ừng ực vừa rút môbai ra đàm đạo. Không alô, không xưng hô, không mào đầu gì sất, họ hối hả bàn công chuyện. Tính cấp bách của công việc làm cho các nhà doanh nghiệp trẻ "tỉnh lược" ngôn từ tới mức tối đa và bỏ qua hầu hết mọi nghi thức xã giao. Họ cũng chẳng cần để ý đến những người xung quanh mình. "Ôi dào! Việc mình mình làm. Việc mình mình nói. Hơi đâu mà quan tâm tới người khác. Hãy cứ coi họ là "liệt sĩ" đi".
Nhưng đó là một phần của thế hệ 8X. Còn một "dòng 8X" chảy theo kênh khác nữa. Đó là các 8X còn đang học hành, hoặc đang vô công rồi nghề, hoặc là con nhà khá giả, lại đang buồn chán vì những chuyện đâu đâu. Những ngôn từ của nhóm này mới thật khiếp. Họ gọi trường học là khám Chí Hoà, gọi bố mẹ là khốttabít tiền ít nói nhiều, gọi xe máy là con nghẽo, gọi bạn gái là gà tóc nâu, ngồi đâu mổ đấy, gọi đôla là tờ âm phủ, gọi việc chuyện chat (trao đổi trực tuyến trên mạng) là chát chát bùm, gọi chuyện lấy trộm tiền của bố mẹ là oanh tạc có lựa chọn...
Với nhiều cô cậu, giờ mà còn thích xài di động thì quả là hơi bị... âm lịch. Di động xanh đỏ tím vàng vẫn kè kè trong túi đấy, nhưng "chát" bây giờ mới đúng mốt thời đại. Vào bất cứ một hàng "nét" nào bây giờ, ta cũng dễ dàng nhìn thấy toàn các gương mặt non choẹt, nhẫn vàng choé, tai đeo cáp, chúi đầu vào chat. Họ gõ tí tách như đàn gà mổ bắp trên nương. Nhanh thì nhanh thật. Nhưng chữ nghĩa kia không cần đúng chính tả, bất chấp dấu câu, bất chấp các từ có lẽ sáng tạo ra chỉ để dùng một lần trong đời rồi... vứt: Em Việt Hương xinh nhưng mà hơi bị... chuối hột. Đầu bã đậu bỏ xừ! Chuyện này nghe rất vô Lý Thường Kiệt, Mai đến Hải Xồm làm chầu Phan Đình Tu (uống thẳng từ chai) nhé. Bỏ qua trò Phan Đình Giót (rót ra li, ra cốc) đi! ! ừ, cứ thoải con gà mái đi, sợ gì. Đạn hội này không thiếu!...
Họ từng nói, cứ nói bất chấp mọi điều đang diễn ra xung quanh. Ai nghe, ai không nghe mặc kệ. Miễn là hả dạ, vì gây được ấn tượng, là lạ kỳ, là sành điệu... Điện thoại di động cứ đổi máy "lên đời" như đổi áo. Lại hì hục chọn cho được cái sim thật đẹp mới oách. Bao nhiêu tiền cũng chấp. Chà, đúng là ăn chơi và ăn nói "hết tầm đại bác".
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh