Một đóng góp vào việc nhận dạng con người Việt Nam hôm nay

09:41 CH @ Thứ Bảy - 29 Tháng Mười Một, 2014

Có những cuốn sách làm cho người đọc căm ghét cuộc sống( chẳng hạn; một số tác phẩm hiện thực phê phán); có những cuốn sách làm cho người đọc thêm yêu đời nhiều hơn. Còn qua những trường hợp như Thời xa vắng của Lê Lựu, đọc xong, tự nhiên tôi cứ thấy tiếc đời.

Có lẽ không chỉ nhân vật trong truyện mà không thiếu người trong chúng ta cũng có một đời sống trớ trêu vô lý thế chăng ? Vậy phải sống thế nào bây giờ để khỏi xót xa, ân hận ? Bạn tôi, một người cũng trạc tuổi như nhân vật Sài, sau khi gặp Sài qua những trang sách của Lê Lựu,tâm sự như vậy. Mà không chỉ riêng anh .ở nhiều người, ý hướng thiết tha nhìn lại đời mình cứ thấy rộn lên, sau khi đọc Thời xa vắng, người ta lấy Sài ra để soi vào đời mình, vận vào mình. Bởi vậy sau khi căn bản đồng ý với nhiều ý phát biểu đây đó về Thời xa vắng, tôi tưởng bàn thêm nữa về cuốn sách này, nhân vật này cũng không phải thừa. Không gì khác, đấy chính là một cách để " nối dài " văn học, đưa văn học trở lại với đời sống, như chúng ta hằng mong muốn.

Hai mô-típ thường thấy trong văn học xưa nay là việc lập nghiệp của người ta trong cuộc đời và việc mưu caàu hạnh phúc ở tuổi thanh niên, nhiều khi hai viẹc ấy chi phối toàn bộ đời sống con người, nó là động lực để nhiều cá nhân trở lên hết sức năng động và có dịp bộc lộ hết mình. Có lẽ vì thế mà nhiều tiểu thuyết xưa nay hưóng vào miêu tả hai việc đó, để trình bày " bức tranh thế sự ". Và những tác giả lớn cũng là những người mà qua mà qua việc miêu tả sự lập nghiệp,và mưu cầu hạnh phúc của con người, biết chỉ ra rằng : điều quan trọng ở đây là nhận thức ngày một sâu sắc hơn về đời sống và bản lĩnh của nhân cách - đấy mới là những nhân tố cơ bản để có thể có được sự nghiệp và hạnh phúc chân chính.
Như Lê Lựu đã bộc bạch ( Văn nghệ số 12,1986) khi miêu tả lại quãng đời Sài, anh không chủ tâm kể về công việc cụ thể mà chủ yếu đi vào tính cách nhân vật. Thành thử câu chuyện lập nghiệp của Sài nói chung cũng không được trình bày với tất cả sự đa dạng của nó. Nó chỉ được lòng vào chuyện hôn nhân của nhân vật lúc ban đầu. Song không phải vì thế mà phương diện này ở con người Sài không rõ. Sài đi bộ đội để được xa người vợ tảo hôn và có dịp tự do nghĩ ngợi hơn về một cô gái mà anh yêu và cũng được anh yêu lại. Nhưng chỉ có thế ! Do yêu cầu của sự phấn đấu trong bộ đội, anh không dám tiến xa hơn một bứơc trong mối tình chân chính của mình ; rồi trong một lần về phép, anh lại cầm lòng chung đụng với người vợ tảo hôn cũ để vừa lòng mọi người - cả hai việc đều cùng một mục đích là cốt giành ưu thế trong phấn đấu. Khi thuật lại chuyện này, Lê Lựu đã cực tả cái cay đắng trong tâm lý người thanh niên và những trang trình bày lại lối áp đặt vưà thân ái vừa thô bạo của chung quanh đối với Sài là những trang thuộc loại hay nhất của tác phẩm. Bởi vậy, ai cũng thấy Sài chỉ bề ngoài làm theo ý muốn của mọi người, còn trong bụng, anh rất đau khổ, thậm chí thấy ghê tởm. Song dầu sao, Sài cũng đã chiều ý mọi người, sức khao khát lập nghiệp nơi anh vẫn mạnh hơn những buồn cá nhân. Chẳng thế mà, sau đấy khi, vì nhiều lý do khác, tạm thời chưa đạt được mục đích Sài lại sẵn sàng đi xa hơn ra tận mặt trận để lập công. Không mấy khi, văn học chúng ta miêu tả một nhân vật " ra đi "theo kiểu này. Song không phải vì thế mà Sài xa lạ với đông đảo bạn đọc. Phần lớn người ở vào cái tuổi như Sài, lớn lên trong những năm như Sài, đều sống, hành động như Sài và họ cũng đã thành công như Sài của Lê Lựu. Có điều ý thức lập nghiệp ở đây rõ ràng chưa đi đôi với nhu cầu nhận thức về đời sống và cũng chưa tạo nên một sự trưởng thành trong nhân cách. Cũng vì thế mà sau khi yêu cầu lập nghiệp tạm gọi là xong. Sài lao vào việc mưu cầu hạnh phúc, thì lập tức thất bại.

Ra khỏi cuộc chiến đấu, đồng thời Sài có cái may là được ly hôn, dứt hẳn quan hệ với người vợ cũ. Và anh ở vào tâm trạng kẻ bị giam hãm giờ được tháo cũi sổ lồng, kẻ bấy lâu thiệt thòi giờ có cơ đòi nợ. Anh không nhìn thấy gì khác ngoài những bất hạnh của bản thân. Quá cay cú vì chưa được nếm mùi sung sướng của mọi lạc thú trần gian, anh chạy thục mạng cốt săn tìm cho được chút hạnh phúc mà anh tưởng trừ mình còn ai cũng có.Con cá quá đói đớp mồi thế nào thì lúc tìm vợ Sài cùng bộp chộp như vậy ! Đứng ngoài nhìn, dễ thấy sao mà Sài cả tin, nông nổi, khinh suất, giản đơn ! Thậm chí, phải nói anh có những khía cạnh ích kỷ nữa ! Nhưng kệ ! Với Sài, trước mắt chỉ có mỗi một việc là truy lĩnh lại tuổi thanh xuân, bù đắp lại chỗ thiệt thòi mình đã phải chịu. Thêm nữa, có một lý do để Sài càng " thục mạng " trong việc mưu cầu hạnh phúc: anh đang là người thành đạt. Anh quá tự tin, thậm chí mê đi, tưởng là mình làm gì cũng được.ở anh không phải chỉ có cái hèn như trước đó tác giả phân tích, mà còn có chút hợm. Hợm hĩnh, kiêu căng, hoắng lên vì khả năng của mình, cho rằng mình đi đánh nhau còn được, thì bây giờ làm gì cũng được. Về sống ở thành thị, nhưng Sài không hỏi thành thị là gì, mình cần làm gì để phù hợp với đời sống nơi đó. Bước vào xây dựng gia đình lần thứ hai,nhưng anh không bao giờ ngẫm nghi xem mình sẽ có một gia đình như thế nào, hạnh phúc của mình sẽ ở dạng như thế nào, trong thời buổi này thế nào thì là một thứ hạnh phúc vừa phải mà loại người như mình có thể có được. Lý tưởng sống của Sài đơn giản, nếu không muốn nói là tầm thường. Thế thì làm sao mà anh không thất bại được ? Suốt phần hai của cuốn sách, chỉ thấy nhân vật Sài miên man trong hành động, hét cuống lên vì yêu lại cấp tốc cưới vợ, rồi lo vợ đẻ, rồi cãi nhau với vợ, rồi trông con ốm v.v...Tất cả những trang này đã được tác giả dựng lại tỉ mỉ nhưng chỉ là tả hành động ; đâu có lúc nào anh cho nhân vật rỗi rãi để ngẩng đầu lên mà nghĩ rộng ra về sự đời một chút. Thế thì làm sao có được khát vọng bây giờ ! chỗ bi đát của Sài hình như là chỗ bi đát của nhiều người chúng ta ; tham bát bỏ mâm ; mải làm việc vặt mà quên cái đại thể. Sau một thời gian khổ hạnh nay ai cũng sống chết lo làm một việc gì đó kiếm lợi thêm cho gia đình tưởng rằng thế là hạnh phúc.Còn hạnh phúc thật sự mặt ngang mũi dọc là như thế nào thì không ai biết ! Rồi mục đích thực dụng liền đẻ ra cách nhìn thiển cận. Đời sống là gì, ý nghĩa của đời sống là gì, những câu hỏi ấy chúng ta thường lảng tránh, ta bảo nó là siêu hình, trừu tượng, nghĩ về nó là mất thì giờ, vô bổ, ai băn khoăn về nó là những kẻ ấm đầu dại dột.

Ta cứ nhắm mắt bước liều, để rồi đến lúc thấy thua thiệt, thấy lỗi lầm thì đã muộn, và không hiểu sao cả, ta lại hoặc kêu trời hoặc đổ cho số phận. Tóm lại, nói sống vụng còn là nhẹ, hình như ta không biết sống, đấy mới là điều đau hơn, đáng tiếc hơn.Và toàn bộ Thời xa vắng là tiếng kêu của cả một lớp người cho tuổi trẻ của mình, cuộc đời mình; ngay khi thành đạt trong lập nghiệp nữa, họ vẫn bất hạnh, vì không biết sống. Có thể bản thân Lê Lựu chưa hoàn toàn tâm đắc với điều này và một người như nhân vật Sài càng không bao giờ nhận ra điều này. Nhưng theo tôi, chính nó mới là cái ý toát ra qua sự miêu tả của Lê Lựu trong Thời xa vắng. Do đấy, tác phẩm mới gợi lên ở nhiều người chút động lòng và sự nuối tiếc, như từ đầu chúng tôi đã nói. Sự nuối tiếc ở đây là cái hích đầu tiên,để người ta nghĩ tiếp và tìm ra cho mình cách sống xác đáng. Song nghĩ rộng hơn một chút phải thấy nếu như có cách nào đó để làm cho những người như Sài kia tỉnh táo sớm hơn, nhận ra tình cảm của mình nhanh chóng hơn và có cách sống hợp lý hơn, sự hỗ trợ của xã hội cho cá nhân như thế mới gọi là hoàn toàn.

Có một khía cạnh nữa của cuốn sách người ta cũng hay bàn là đoạn kết, khi Lê Lựu cho nhân vật về nông thôn lo việc hợp tác xã.

Đối chiếu với xu hướng chính của tác phẩm là ca ngợi sự trở về mình, thì đoạn kết đó là có lý. Hôm qua Sài không dám lấy Hương mà bấm bụng chịu thiệt, chẳng qua là " không dám là mình ",rồi lúc lấy Châu nữa, anh lại bất hạnh vì không biết mình là ai, vơ quàng vơ xiên, chạy theo những cái mình không có. Đi theo đường hướng như thế, cả hai phần đầu cuốn sách dường như đã chuẩn bị sẵn để mở ra cách giải quyết mà Lê Lựu viết trong đoạn cuối.

Nhưng đó mới là cách hiểu, cách cắt nghĩa của chính người viết. Nếu ta có thể mạn phép tác giả, qua trường hợp của Sài rút ra những bài học khác , thì đoạn cuối ấy lại chưa chắc đã là hợp lý.

Thật vậy, như trên vừa nói, sở dĩ Sài thất bại trong việc mưu cầu hạnh phúc với Châu vì ở anh không có sự rút kinh nghiệm thường xuyên về đời sống của mình, không có sự tự ý thức cần thiết. Tình yêu là lĩnh vực không thể dối trá. Và Sài cũng không dối trá. Ấy vậy mà trong khi yêu Châu say đắm và sẵn sàng tha thứ cho Châu tất cả thì Sài vẫn bất hạnh, sự yêu chiều của anh là một cái cớ để Châu coi thường anh, sự nép mình chịu đựng là một thứ lửa đổ thêm dầu phá vỡ hạnh phúc gia đình anh. Một động cơ tốt có thể đẻ ra một kết quả tồi tệ không mang lại lợi lộc cho ai ; tác giả đã tỏ ra rất thấu hiểu tình đời khi làm toát ra từ nhiều tình tiết trong truyện một kết luận như thế. Nhưng thử hỏi ở phần cuối Lê Lựu cho Sài về nông thôn với cái gì? Không gì khác, cũng lại một chút ảo tưởng về sự chân thành của mình, một cái gọi là thuộc "đồng đất con người quê hương " và những thói quen cố hữu của người nông dân mà hôm nay anh vẫn giữ được. Rồi trong không khí vội vã của đoạn kết, nhà văn cho biết là Sài đạt nhiều kết quả, trong ba năm anh đã làm thay đổi bộ mặt làng Hạ Vị và chính anh cũng trở lên khoẻ khoắn hơn, sôi nổi hơn. Đọc đoạn này, chắc bạn không nhận ra ngòi bút Lê Lựu như phần trước nữa. Vâng nghĩ lại thì thấy nông thôn mà Sài trở về đó tưởng là nơi nào khác chứ không phải là làng quê rất đáng yêu, nhưng cũng rất lạc hậu, con người bị cầm tù trong tư tưởng làm thuê và lối sống cổ hủ như nhà văn đã tả. Hình như Sài đã quên. Chính trong vòng tay của những người thân yêu đó, mà Sài bị ép lấy vợ tảo hôn và chịu nhiều đau khổ khác. Sau khi nhìn nông thôn thông hôm qua, Lê Lựu sâu sắc thấu đáo, mà nhìn hôm nay, ngòi bút của anh dễ dãi thế đấy! Đấy là một lẽ. Một điều nữa phải tính là bản thân con người Sài. ở trên, phần hai của cuốn sách, tác giả chỉ tập trung khắc hoạ những bất hạnh của Sài trong quan hệ vợ chồng mà không đả động gì đến công việc Sài làm.

Vậy mà, bây giờ, theo như tác giả miêu tả,Sài tự nhiên như có phép tiên nghĩa là nhìn mọi vấn đề ở quê hương rất sáng tỏ, làm đâu trúng đấy, thành công của anh không hề dựa trên một chuyển biến nhận thức nào như thế thì làm sao mà bạn đọc tin được? Cũng là hình thành lên trong cơn say (lần này là say sưa " trở lại chính mình"), chắc gì "mối tình" của Sài với làng quê khác mối tình của anh với Châu, nghĩa là mới thoạt đầu thì rất yên ấm, nhưng sau đầy rẫy lôi thôi, khốn khó!

Mặc dù Sài đã lớn tiếng tuyên bố " đến bây giờ mới biết là mình như thế nào..." (thời xa vắng tr 319), nhưng chúng ta cứ cảm thấy nhân vật này chưa tiêu hoá hết những đau khổ trong việc lập nghiệp và mưu cầu hạnh phúc hôm qua, chưa rút đúc nó thành kinh nghiệm sống chắc chắn. Bởi ở Sài ảo tưởng còn nặng nề, nên những đau khổ vẫn còn chờ ở phía trước,dù anh quay về nông thôn hay ở lại thành thị cũng vậy.

Xét bề ngoài, phải nhận tập tiểu thuyết này của Lê Lựu là một sách yếu về tay viết về tay nghề : câu chuyện nhiều chỗ không mạch lạc, tác phẩm thiếu sự cân xứng tối thiểu, hình như lúc viết, tác giả chỉ cắm cúi dồn hết ý mình có lên trang giấy, nên chữ nghĩa lủng củng, câu cú rối rắm, ý nọ nhằng sang ý kia rất khó theo dõi. Song tại sao Thời xa vắng vẫn có sức cuốn hút ghê gớm ? Lý do có lẽ ở cái chất sống tươi ròng nơi tác phẩm.Cách viết cách trình bày hết mình của tác giả khiến cho người ta có cảm tưởng rằng có lẽ đúng là có một anh Sài như thế " với câu chuyện như thế " trong văn học, đấy là đầu mối làm nên sức hấp dẫn. Khi ta nhận ra ở Sài có rất nhiều nhược điểm của con người hôm nay ( chẳng hạn " duy ý chí ", "quá nhiều tham vọng ", "thiển cận,thiếu sự hỗ trợ cần thiết của văn hoá.." ) cũng là lúc ta cảm thấy rất gần với nhân vật này. Từ ấy, sự đọc sách có được sự hào hứng, y như được nhìn vào kiếp sống của một người khác rồi rút kinh nghiệm cho chính mình. Khi nhà văn đã đủ sức làm cho bạn đọc tin, thì mọi biện pháp kỹ thuật nghề nghiệp có yếu một chút, cũng sẽ được bỏ qua. " Câu chữ là quan trọng, nhưng trong văn học, yếu tố hàng đầu vẫn là tâm huyết "- lại một lần nữa,chân lý nghệ thuật đó được khẳng định.

Bằng cách đi sâu vào cuộc đời một cá nhân, Thời xa vắng đồng thời là một tác phẩm có tính thời sự rõ rệt. Để tạo ra hiệu quả thời sự cho những trang sách của mình, lâu nay ở một vài tác giả thường thấy có lối viết đi vào các vấn đề xã hội - kinh tế cấp thiết, nhờ đó gợi được sự chú ý của một lớp bạn đọc nào đó. Lê Lựu không làm thế, Lê Lựu chỉ nói riêng về con người, những mối quan hệ giữa người với người. Một vấn đề muôn thuở, mà cũng là vấn đề chúng ta đã nói đi nói lại rất nhiều.Đúng thế. Nhưng chẳng phải là vào những ngày này, sau khi nhận ra không biết bao nhiêu chuyện thiết yếu và đòi hỏi được giải quyết cấp bách, thì chúng ta đều nhận thấy vấn đề chiến lược này lại càng nổi lên hàng đầu, nó là mẫu số chung của hàng loạt hiện tượng, nó là khâu cơ bản từ đó đóng góp phần gỡ dần ra các khâu khác. Mà trong việc miêu tả, nhận diện con người, văn học có những ưu thế lớn lao, không nghành nào so sánh được. Làm thế nào để giúp con người nhận thức về chính mình đầy đủ hơn, từ đó tìm được cách sống hợp lý hơn, đấy vẫn là một nhiệm vụ thiêng liêng mà mọi nền văn học chân chính xưa nay muốn đảm nhận. Theo nghĩa ấy, Thời xa vắng nên được xem là cuốn sách biết làm đúng nhiệm vụ một tác phẩm văn học cần làm.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Việt Nam: Ô, ta tự đóng cửa ngắm mình!

    04/02/2018Mỹ HằngTừ trước đến nay, chúng ta luôn tự khen Việt Nam rừng vàng biển bạc, tự khen... chính chúng ta thân thiện. Nhưng tại sao khách du lịch vẫn ùn ùn đổ về Thái Lan, Malaysia, Indonesia... mà không hào hứng ghé thăm quốc gia Việt Nam nằm cận kề ngay đó - nơi vẫn được người Việt tự hào là "hòn ngọc Viễn Đông"?
  • Chỗ mạnh, chỗ yếu trong tâm lý con người Việt Nam khi đi vào thời đại văn minh trí tuệ

    09/12/2015GS.TS. Hoàng TụyPhân tích để hiểu rõ những đặc điểm văn hoá, tâm lý của dân tộc, những truyền thống tốt, những yếu tố tích cực, thúc đẩy sự phát triển, cùng với những nhược điểm, những yếu tố chưa tốt, thậm chí tiêu cực, đang hoặc sẽ níu kéo chúng ta lại sau, là việc làm hết sức cần thiết để giúp xây dựng một chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp hoàn cảnh và điều kiện thế giới ngày nay...
  • "Cần nhìn lại văn hoá Việt Nam một cách sòng phẳng"

    10/07/2014Minh ThiChúng tôi nghĩ, trước một thực trạng văn hoá đang xuống cấp về mọi mặt, điều quan trọng là phải bắt đầu từ một nền giáo dục toàn diện & tiên tiến. Giáo dục tiên tiến dạy cho con người ta khả năng đầu tiên là khả năng phản đối trước khi đồng ý, với nguyên lý cơ bản là tạo ra con người độc lập, tự do cho xã hội
  • Tính tự phán của người mình

    18/11/2013Thái AnGần đây, chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ của Trung Hoa trên trường quốc tế, lại thấy dư luận hâm nóng một cuốn sách được xuất bản cách đây hai thập kỷ. Đó là cuốn Người Trung Hoa xấu xí của Bá Dương...
  • Chuẩn bị hành trang

    08/11/2010Vũ KhoanLớp trẻ Việt Nam cần nhận ra những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam để rèn những thói quen tốt khi bước vào nền kinh tế mới. Sức mạnh: thông minh, nhạy bén với cái mới, cần cù sáng tạo, rất đoàn kết đùm bọc nhau thời kỳ chống ngoại xâm Cái yếu: thiếu sót kiến thức cơ bản, kém khả năng thực hành; thiếu đức tính tỉ mỉ; không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, thiếu tính cộng đồng trong làm ăn.
  • Hà Nội “bớt” thanh lịch - Đừng đổ hết lỗi cho giới trẻ!

    15/01/2006Trong thời kỳ đổi mới, Hà Nội tiếp nhận nhiều luồng văn hoá khác nhau, thể hiện rõ nét nhất trong lối sống của giới trẻ. Nét thanh lịch của người Hà Nội đang có phần chìm lắng, và đó không phải là lỗi của riêng giới trẻ!
  • Thanh niên Việt Nam đã sẵn sàng đối thoại văn hoá?

    25/12/2005Đình NamLàm thế nào để đối thoại văn hoá trở thành công cụ tăng cường hoà bình và an ninh, thúc đẩy phát triển bền vững là những vấn đề cơ bản được thảo luận tại Hội nghị "Đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh vì hòa bình và phát triển bền vững". Trong đó không ít nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi về mức độ sẵn sàng của thanh niên Việt Nam trong tiến trình đối thoại văn hoá, văn minh...
  • Bóng đá Việt Nam và khoảng trống văn hóa

    23/12/2005Thanh Thảo... phải ngẫm nghĩ rất nhiều khi muốn cắt nghĩa tại sao bóng đá Việt Nam lại nhiều tiêu cực như vậy, tại sao cầu thủ VN lại "bán mình" một cách dễ dàng và rẻ rúng như vậy ? Câu trả lời chính là cái "khoảng trống văn hóa" ấy đang cư ngụ ngay trong lòng bóng đá VN, trong hành trang vào đời và vào nghề của nhiều cầu thủ.
  • Biết mình yếu để mạnh hơn

    01/09/2005Trần Hữu QuangBài viết sau nêu ra một số điểm yếu trong tư duy quản trị của tầng lớp doanh nhân Việt Nam hiện nay và thử đi tìm căn nguyên của chúng, mong góp phần vào việc xây dựng một đội ngũ doanh nhân ngày càng mạnh và bản lĩnh...
  • Cái tánh di truyền của dân tộc ta

    31/08/2005X.T.T. (Tiếng Dân, số 179, ngày 15-05-1929)Trong mục “Lật chồng báo cũ” chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu với độc giả trích đoạn các bình luận về đạo đức xã hội của các nhà văn hóa thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám 1945 trên các báo chí công khai. Trước hết là một số bài của báo Tiếng Dân do nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút...
  • 10 đặc điểm của người Việt

    22/08/2005Đây là bộ 10 đặc điểm của người Việt do người nước ngoài nhìn và bộ 9 đặc điểm khác do người Việt tự nhìn mình (tham khảo)
  • Hãy tự xét mình

    18/01/2004Hoàng TámMấy năm gần đây người ta hay nhắc đến cuốn sách "Người Trung Quốc xấu xí" của Bá Dương (bản dịch Nguyễn Hồi Thủ), nói việc người láng giềng phương Bắc tự soi gương để nhận diện "cái xấu xí" của mình, "tự sỉ" mong sửa chữa để vươn lên. Bá Dương cũng nêu tấm gương của những người ở Mỹ và Nhật đi trước ông, viết sách tự phê phán "cái xấu xí" của mình.
  • Đi tìm nhân cách người Việt Nam

    05/01/2004KS. Trần Quốc KhảiThực sự mới ra khỏi chiến tranh hơn chục năm nay, người Việt Nam vẫn sống trong hào quang của chiến thắng. Kém về thể lực và trí lực, cộng với niềm tự kiêu đôi khi không tỉnh táo, thế hệ trẻ Việt tuy đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bứt phá trong tương lai, nhưng chỉ số nhân cách của người Việt Nam hiện đại đang ở đâu? Dưới kết quả nghiên cứu khoa học về nhân văn trên cơ sở vật lý và toán học, câu trả lời ấy là...
  • Những tính cách trì níu dân tộc Việt

    11/11/2003Giáo sư Nguyễn Chung TúChúng ta hay thắc mắc về dân tộc mình. Tính cách nào mang lại cho dân tộc Việt Nam một sức sống mãnh liệt đến thế, để vẫn tồn tại, vẫn chiến đấu và chiến thắng mọi cuộc xâm lăng bạo tàn? Để mình vẫn là mình - Một dân tộc biết cách sống còn bên một dân tộc lớn, ngay cả trong 1000 năm Bắc thuộc...Nhưng sau những chiến công hiển hách ấy, những tính cách nào đã có "trong ta", để trở thành một lực cản, một sự níu kéo, làm ta bước khó khăn hơn trên con đường mới?
  • xem toàn bộ

Nội dung khác