Nhậu nhẹt
Phần 1: 24 giờ nhậu
Đã có bao nhiêu người thiệt mạng vì bia, rượu; bao nhiêu gia đình khốn đốn bởi ma men hành hạ... Nhậu nhẹt gia tăng đến mức báo động khẩn, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng TP nên bổ sung một giảm trong chương trình giảm ma túy, mại dâm và tội phạm, đó là giảm nhậu.
Nhậu ở đâu? Chỗ nào cũng có thể nhậu. Nhậu khi nào? Lúc nào cũng nhậu. Nhậu mồi gì? Cái gì cũng nhậu tuốt”. Chúng tôi đã tổng kết như vậy sau 24 giờ đồng hồ “phiêu” cùng men rượu với một người bạn hào phóng để tận mắt chứng kiến những kiểu ăn nhậu không ngừng nghỉ.
Đón bình minh cùng bợm
Nhậu chờ trời sáng. (Ảnh chụp lúc 4 giờ 30 phút tại bờ kè đường Trần Khắc Chân, phường Tân Định, quận 1) |
Đúng 5 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu hành trình 24 giờ nhậu bằng một chầu bia với dân bợm nhậu chính hiệu tại đường Hòa Hảo (quận 10). Đó là hai quán bia kề nhau mở cửa rất sớm để phục vụ cho giới lao động. Chỉ mới tờ mờ sáng nhưng quán đã khá đông khách. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một chiếc bàn nhỏ kê sát góc để ngồi. Một người đàn ông mặc áo phanh ngực ngồi cạnh chúng tôi bắt chuyện: “Uống gì sớm vậy chú em?”. Tôi trả lời: “Uống chút để lên xe dễ ngủ”. Ông già gật gù: “Còn tụi này uống để có sức đạp xe. Không có nó chẳng làm ăn được gì hết”. Uống được thêm khoảng nửa chai bia, người đàn ông vội vã rời quán khi có người cần đi xích lô. Bà chủ quán nói với theo: “Lát về trả tiền nhe cha nội. Thiếu hoài à”.
Chàng 1 ly, nàng 1 ly trên đường Nguyễn Tiểu La, phường 5, quận 10. (Ảnh chụp lúc 8 giờ) |
Người đàn ông rời quán chưa đầy 5 phút đã có một người khác đến lấp chỗ. Tất cả đã nhẵn mặt nhau nên chẳng buồn nói chuyện, cứ im lặng mà uống. Thỉnh thoảng là những câu nói qua loa “hôm qua bị rượu nó vật quá, ói đến gần sáng!”, “con vợ cứ cằn nhằn mấy chuyện tiền nong, chán bỏ mẹ”... Bia sang nhất nơi đây là Sài Gòn xanh, còn lại những thứ bia “vô danh tiểu tốt”. Mồi nhậu chỉ là mấy loại me chua, mực vụn bỏ bịch thường bán trước các cổng trường tiểu học. Sau 8 giờ, quán bắt đầu thưa thớt khách và trên đường chuyển quán khác chúng tôi giật mình khi thấy cảnh tượng chàng một ly đế, nàng cũng một ly đế trên đường Nguyễn Tiểu La (quận 10) khi mọi người đang tất bật đến công sở.
“Giờ vàng” của công chức
Điểm dừng chân kế tiếp của chúng tôi là một quán nhậu trên đường Lý Thường Kiệt (quận 5) theo lời rủ rê của một công chức hẳn hoi. Vừa thấy chúng tôi, anh liền phân bua: “Đã hơn 10 giờ, về cơ quan cũng chẳng giải quyết được việc gì. Lai rai một chút lấy sức chiều làm”. Những tiếng khui bia lóc bóc ngày càng rôm rả khi nắng càng lên cao. Qua 12 giờ, quán đã đặc nghẹt người, số khách lên đến hàng trăm dù chưa phải là ngày cuối tuần. Theo quan sát của chúng tôi, hơn 1/3 số người ngồi trong quán là công chức vừa ừng ực uống vừa kể lể chuyện dân tình trong buổi sáng làm việc rồi cười hả hê. Gần 14 giờ, lượng khách giảm đi chút ít nhưng đó cũng là lúc quán náo nhiệt nhất vì những chiếc điện thoại di động reng liên tục. “Nói khách chờ anh chút đi! Đang trên đường về”, “Đưa chú X giải quyết giùm anh đi”, “Hẹn nó bữa khác đi, nói tao đang đi họp ở quận”, “Kêu họ ra đây luôn đi. Nhớ mang theo hồ sơ, anh ký luôn cho...”.
Nhậu cho... “đẹp lòng” vợ con
Khi 8 giờ vàng ngọc của công chức sắp kết thúc thì cũng là lúc cả TP... đồng loạt triển khai ăn nhậu trên mọi nẻo đường. Đến lúc này thì đi đâu cũng thấy người nhậu từ các nhà hàng tiệc cưới đến làng nướng, quán bờ kè hay quán cóc nơi góc đường. Đang lưỡng lự chưa biết chọn quán nào thì một “chiến hữu” rủ nhậu kiểu văn nghệ. Bị phản đối, “chiến hữu” này liền giải thích: “Mấy cha không biết gì hết. Vô mấy tụ điểm ca nhạc cho vợ con coi ca nhạc, còn mình thì cứ uống, chết ai đâu. Thú lắm...”. Nghĩ cũng lạ, chúng tôi làm liều vào sân khấu ca nhạc Trống Đồng (quận 3) chè chén. Tại khu bán giải khát, bia để chật cứng tủ lạnh và đủ món mồi nhậu cóc, ổi, mía ghim phục vụ dân nhậu. Chị em phụ nữ và trẻ con thì ngồi dãy trên coi ca nhạc, đàn ông ngồi dãy cuối, cụng bia liên tục, nói cười hô hố. Khán giả ngồi cạnh nhìn khó chịu, tự động “di tản” nơi khác để tránh mấy tay nhậu nổi cơn làm bậy.
Nhậu... xuyên màn đêm
Chưa say chưa về. (Ảnh chụp tại quán Minh Trí lúc 4 giờ 15 phút) |
Sau chầu nhậu “vừa sướng mình vừa đẹp lòng vợ con”, hơn 22 giờ, chúng tôi kéo nhau ra phố nhậu ven kênh Nhiêu Lộc. Quả không hổ danh là “đệ nhất phố nhậu”, bởi dù đã gần nửa đêm nhưng tại đây chưa có dấu hiệu gì của những phút tàn cuộc mà tất cả chỉ như mới bắt đầu. Các quán chật kín người, bàn ghế tràn xuống lòng đường. Đúng 0 giờ, dòng khách đến rồi đi lũ lượt như trẩy hội. Đủ tầng lớp từ bình dân đến sang trọng. Và dĩ nhiên không thể thiếu những bóng hồng để phố nhậu thêm phần đa sắc. Gần 2 giờ, “chiến hữu” của chúng tôi cũng rơi rụng hết, chỉ còn anh bạn và tôi quyết tâm làm nốt hành trình 24 giờ của mình.
Hơn 4 giờ sáng, chỉ còn 1/3 quán nhậu cầm cự để chiều khách quen. Có quán đóng cửa im ỉm nhưng khách cứ ngồi trước hàng hiên khi cần thêm bia thì gõ cửa sẽ có người phục vụ. Không khí giữa đêm bỗng náo động khi một đám thanh niên tóc nhuộm đủ “sắc cầu vồng” từ đâu kéo đến rú ga điên cuồng. Chủ quán từ chối tiếp vì quá... buồn ngủ và khách quá bèo, chỉ muốn uống rượu cho ấm. Đám thanh niên liền mua một lúc 10 lít rượu ra bãi cỏ lai rai chờ sáng ăn điểm tâm luôn! Hết nhậu nổi, 5 giờ 30 phút, chúng tôi quyết định khép lại hành trình của mình sau một ngày đêm mệt mỏi vì bia, rượu, chợt nghe cô gái bàn bên buông giọng lè nhè: “Uống cho hết. Ai chết mới cho về!”.
Phần 2: Một đêm làm chủ quán nhậu
Một đêm “thất bại” của quán nhậu hạng trung bình cũng lời hơn 400.000 đồng
Tìm đúng địa chỉ quán nhậu đang cần người sang lại, tôi được chủ quán hẹn chiều đến để tận mắt xem tình hình buôn bán và thương lượng cụ thể.
Chị H., chủ quán, đon đả: “Bán gì thì lỗ chứ bán quán nhậu là xây nhà lầu”. “Vậy sao chị sang quán?” - tôi hỏi ngược lại. H. chuyển giọng ngậm ngùi: “Chồng chị nó phá. Chị làm bao nhiêu là y đốt vào rượu chè, cờ bạc nên mới ra nông nỗi!?”.
“Bán rượu cần gì vệ sinh”
Hơn 17 giờ, tôi đến, đã có 2 bàn khách ngồi lai rai. H. liền bỏ nhỏ: “Mối của chị, mấy ông bên điện lực với thầy S. dạy tụi sinh viên. Chịu uống nhưng cũng chịu ăn lắm! Không trên 5 xị (500.000 đồng- pv) là không về”. Nói xong, H. bắt đầu dẫn tôi tham quan quán. Địa điểm của quán khá thuận lợi vì nằm ngay trục đường giữa sân bay Tân Sơn Nhất và ngã ba Chú Ía. Thấy tôi chú ý vụ bụi bặm do tuyến đường bị xe chở đất cày nham nhở, H. lấp liếm: “Bán rượu cho bợm thì cần gì vệ sinh. Mấy cái bàn ngoài vỉa hè là đắt nhất, ai cũng giành”.
Đây là một quán nhậu thuộc loại trung bình, rộng khoảng 60 m2 nhưng chủ quán lại hét giá 45 triệu đồng. H. thuyết phục tôi: “Chủ yếu là sang khách, mỗi tháng đóng tiền thuê mặt bằng vài triệu đồng, còn bao nhiêu hốt hết”. Nhưng đến hơn 20 giờ, quán chỉ có 2 bàn, nhân viên phục vụ rảnh rang xem ti vi hết chương trình Hugo rồi đến phim Hàn Quốc. H. lại phân bua: “Khuya khách mới đông. Em cứ ở lại tập làm chủ một đêm để chị “truyền” cho vài bí quyết moi tiền mấy thằng cha nhậu”.
Một bợm đang "hò" sau một chầu nhậu ngất ngư tại quán nhận trên đường Hoàng Diệu, quận 4 |
Trong lúc... đuổi ruồi chờ khách, H. bắt đầu truyền nghề: “Làm chủ quán nhậu là phải lì, hiền là tụi bợm ăn hiếp. Ai đánh nhau mặc kệ, đừng có ngu chạy vào can là ôm đầu máu liền. Quan trọng là di tản đồ đạc của mình rồi tìm cách đẩy tụi nó ra đường. Lúc đó có án mạng cũng chẳng sợ”. Nhiều người cứ lầm tưởng “công nghệ” mở quán nhậu là khách càng uống càng có lợi nhưng thực chất, muốn hốt bạc phải tìm cách dụ khách ăn mồi nhiều. Món phổ thông mà dân nhậu nào cũng kêu là rau muống xào tỏi, tàu hũ thì một vốn... bốn, năm lời! Món đặc sản ở đây như rắn giá gốc 170.000 đồng/kg nhưng ra đến khách là hơn 350.000 đồng/kg tùy theo độ thân tình. Rượu bỏ mối chỉ có 6.000 đồng/lít nhưng qua mớ “bùi nhùi” trong hũ rượu thì ra giá 28.000 đồng/lít hay 40.000 đồng/lít tùy cái tên gọi cho kêu trong thực đơn.
Chuyện của Hà Hàn Quốc
là câu chuyện cười ra nước mắt đầu tiên mà tôi được nghe khi thử làm chủ quán nhậu một đêm. 21 giờ, một cặp nam nữ tấp vào quán. Phục vụ kháo nhau: “Đố mày hôm nay có đánh không? Hôm qua chưa đánh đó”. Thì ra đây là cặp tình nhân ruột của quán, đêm nào cũng ghé để chờ mấy tay anh chị khu Lăng Cha Cả ra nhậu. Người phụ nữ tên Hà nhưng được kèm thêm 2 chữ Hàn Quốc vì đôi mắt luôn bầm đen y chang mấy cô người mẫu Hàn Quốc trang điểm tông màu lạnh. Kẻ gây ra đôi mắt kiểu Hàn Quốc bất đắc dĩ chính là người tình ngồi bên cạnh. Cứ mỗi lần Hà lên tiếng đòi về, gã... thoi một phát vào mắt vì cái tội dám hỗn láo. T., nhân viên phục vụ, cho biết: “Con mắt trái vừa bớt bầm thì con mắt phải ăn đấm. Có hôm mắt mở không lên tưởng mù. Tụi nó say còn biết gì nữa, con nhỏ cứ lôi tên cha mẹ thằng bồ ra chửi, còn thằng kia thì cứ đánh”. Tại đây, tôi còn được chứng kiến cảnh áp-phe chạy điểm trên bàn nhậu. Chàng thanh niên ngồi chung bàn với thầy S. hớt hải chạy vào quầy gọi điện: “Tụi bây đưa tiền dẫn thầy đi nhậu không đủ, gom thêm, mang đến liền... Dẫn vô quán bèo nhưng ổng kêu món độc giá trên trời không à”. H. khều nói nhỏ: “Thằng này bị sập bẫy rồi. Thầy S., chuyên dẫn các sinh viên tại chức đến đây để “xử” vì có món chồn hương mà thầy nhờ chị gọi điện đặt giùm”.
1.001 lý do để bợm quậy
Vừa qua 23 giờ, khách bắt đầu đông. Năm chiếc bàn kê ngoài vỉa hè chật cứng khách. Người đến sau miễn cưỡng ngồi trong nhà nhưng không quên dặn phục vụ: “Ngoài đó có bàn là dời ra liền”. Càng đông khách thì H. càng cao hứng nói xấu khách: Thằng già dê keo kiệt, con đó ô môi, thằng kia pê-đê... H. kể: “Đập chai vô đầu bạn là chuyện cơm bữa, đụng xe vì xỉn nghe riết hết cảm giác thương hại. Hôm trước có thằng khùng chạy xe rú ga từ quán bay thẳng vào cột điện, nằm ngay đơ, chắc là chết. Có hàng trăm lý do để mấy thằng nhậu nổi cơn khùng. Vừa rồi, thấy người ta chở nhau nắm tay cũng chạy theo đánh vì nó bị thất tình, thấy người ta hạnh phúc nó tức!".
Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng khi bàn bên cạnh náo động vì một người ôm bụng chạy trối chết vào nhà vệ sinh. “Tính tiền nó nhe H. Nó tè trước rồi” - một giọng lè nhè cất lên. Thì ra đây là một trò chơi thi uống bia, ai nốc hết nổi phải trả tiền bia. Bên ngoài cũng ồn ào vì người phụ nữ béo phị mà H. gọi là ô môi đang chửi thề vì bị giữ chân không cho về. Cô ta đã say, đề máy xe mà cứ nhấn kèn inh ỏi.
Gần 2 giờ sáng, mưa trút xối xả, không còn khách đến, quán còn khoảng chục người. Bàn nhậu mê cá độ cũng bớt ồn ào, đợi 2 “chiến hữu” đang dầm mưa chạy ra Sài Gòn coi ngựa của Thánh Gióng là đực hay cái để chọn người trả tiền mồi. Hà Hàn Quốc cũng nổi máu điên khi uống nguyên một ly cối rượu để tạ lỗi không trả lời tin nhắn của một sư tỉ. Tính nhẩm, quán bán được gần 2 triệu đồng, H. mệt mỏi: “Bèo quá! Chỉ lời được hơn 400.000 đồng. Tại trời mưa thôi, mấy ngày nắng ráo chị kiếm bạc triệu không đó. Tụi nhậu càng khùng thì mình càng lời”. Bỗng như chợt nhớ, H. lo lắng: “Không biết chồng chị đang gục ở đâu nữa? Mình “cứa” mấy tay bợm này, thì chồng mình bị quán khác “cứa” lại, khổ vậy đó. Nhưng biết sao được, vì đồng tiền phải chịu thôi”. Có lẽ cũng vì cái “chân lý” đó mà dòng chảy bia rượu trong TP không bao giờ ngừng nghỉ.
32% tai nạn giao thông do rượu gây ra Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của BV Chợ Rẫy vào tháng 8- 2005, 32% người bị tai nạn giao thông có nồng độ rượu vượt mức cho phép. Kết quả nghiên cứu này được khảo sát trên 334 bệnh nhân bị tai nạn giao thông trong Tết Nguyên đán 2005 vừa qua. PGS-TS Trương Văn Việt, Giám đốc BV Chợ Rẫy, nhận định: Xu hướng thích uống rượu đang tăng cao ở người trẻ tuổi. 50% người bị tai nạn giao thông nằm trong độ tuổi lao động, khoảng 23 đến 40 tuổi. Số người trẻ tuổi, từ 15 đến 22 tuổi uống rượu, gây tai nạn giao thông chiếm 25%. N. Hậu |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuBa yếu tố làm nên thành công của doanh nhân
29/07/2005Nguyễn Trần Bạt