Học tại chức thời @
Dưới đây là những điều có thật ghi được tại một lớp tại chức mà chính người viết tham dự. Có một thực tế là những lớp học như thế này đang hết sức phổ biến tại các giảng đường đại học, khi mà "căn bệnh" sính bằng cấp vẫn còn tồn tại.
Lớp tại chức Báo chí K.. có hơn 120 học viên. 18h chiều, bắt đầu buổi học môn Ngữ văn. Cực kỳ chật vật tôi mới tìm cho mình một chỗ trống để ngồi. Một tốp học viên vào lớp muộn, hỏi nhao nhác: "Điểm danh chưa?" và thở phào khi biết thầy chưa giương mục kỉnh... dò danh sách học viên. Chị L. sà xuống ngồi cạnh tôi, thở dốc: "May quá, chị vừa phóng xe từ cơ quan sang, nghỉ học quá 3 buổi là khỏi thi luôn!".
Ổn định chỗ ngồi xong, một không khí "sôi động ngầm" đến không ngờ diễn ra. Giờ Ngữ văn mà có đến bốn chiếc laptop hiện đại ở dãy bàn thứ hai hoạt động hết công suất (?). Nhìn kỹ, hoá ra có 2 học viên đang online. Họ đang đọc tin trên mạng. Hai học viên khác tỏ ra rất chăm chỉ gõ bàn phím nhoay nhoáy. Cử tưởng họ chú tâm ghi bài giảng, hoá ra là dân phóng viên đang tranh thủ... viết bài!
Còn phần đông các học viên chúi mắt vào đọc báo, đọc sách, một số gục mặt xuống bàn... ngủ. Ngồi trước tôi là một học viên với đôi headphone to tướng cắm vào tai, xem như không biết gì xung quanh! Hỏi ra, mới biết đó là sinh viên Ngoại ngữ, đi học hộ cho chị gái và đang ngồi học tiếng Anh(!).
Giờ "ảnh báo chí". Vừa chân ướt chân ráo bước vào lớp, chưa kịp định thần thì chị học viên ngồi cạnh tôi khều nhẹ: "Em đọc Harry Poter bộ mới chưa, chị vừa mua chiều nay!" rồi chìa cho tôi xem quyển truyện dày cộp màu xanh dương. Và tất nhiên sau đó chị không buồn để ý đến tôi nữa vì mải mê "bay" cùng cậu phù thuỷ nhỏ! Nhìn lên dãy bàn đầu, thấy có vài học viên chăm chú ghi chép. Trên bục giảng, thầy vẫn giảng bài say sưa, như muốn cố quên đi cảnh uể oải dưới lớp.
Học một mạch đến 19h tối, chuông reo inh ỏi! Giải lao. Lúc này các học viên mới lại tranh thủ "nạp năng lượng", túm tụm chia nhau gói bánh quy, nắm hạt dưa. Mấy cái bánh mì bẻ đôi bẻ ba ăn vội vàng.
Trò chuyện với chị Ng. "bụng mang dạ chửa" đang ngồi ăn xôi, chị vui vẻ: "Anh xã nhà chị chiều nào cũng mua sẵn đồ ăn!". Không mấy người may mắn như chị bởi đa phần các học viên nữ đều "tự thân vận động". Việc nhà cửa cơm nước phó mặc cho chồng con. Chị L. - công tác ở một đài phát thanh - tâm sự: "Tối nào cả nhà cũng đợi mình về ăn cơm. Không lo được bữa cơm cho chồng, con, lắm khi cũng chạnh lòng".
Các chị học viên ngồi gần đấy cũng góp chuyện: "Cả ngày làm việc vất vả, tối lại đi học, lắm lúc thấy mệt quá đi mất!". Vất vả thế, mệt nhọc thế, nên khi đến lớp, không mấy ai hào hứng với bài học là điều dễ hiểu. Chuông vào lớp! Ai nấy lục tục vào chỗ của mình và tiếp tục với một "lô" việc riêng còn dang dở... Anh Q. giờ này mới bước chân vào lớp. Công việc khiến anh đi công tác triền miên, chẳng mấy khi có mặt tại lớp.
Thậm chí nhiều người trong lớp còn chẳng biết anh có phải ở lớp hay không. Thường thì khi nào điểm danh, anh lại nhờ một người bạn đến hộ. Còn không thì chỉ cần khi nào sắp thi thì cô bạn ngồi cạnh sẽ "alô"... Tiện cả đôi đường!
Có rất nhiều con đường dẫn mọi người đến với các lớp học tại chức, nhưng tựu trung lại, đều là vì cái bằng ĐH chuyên ngành cả. Như lớp của tôi, hiện rất nhiều người đang làm báo, nhưng lại không có bằng ĐH chuyên ngành. Họ tốt nghiệp các ngành: Kinh tế, Luật, Sư phạm, Đại học Văn hoá... Vì thế phải đi học thêm. Ở những lớp học tại chức Luật, Kinh tế... mục đích cũng tương tự.
Nói chung, ít người đề ra yêu cầu là để trau dồi thêm kiến thức hầu hết đều có chung một suy nghĩ: "Học cho nó có thêm bằng cấp, để không ai bắt bẻ mình, mà cơ hội thăng tiến cũng dễ hơn. Mấy ai tốt nghiệp ra trường mà được làm đúng sở trường của mình. Thôi thì cứ học cho đủ mấy cái bằng đang là "mốt" như Ngoại ngữ, Luật, Kinh tế...".
Chị bạn ngồi cùng tôi thì chẳng ngại ngần mà rằng: "Bọn bạn đứa nào chẳng có hai bằng đại học. Mình trẻ thế này mà "kém miếng" thì "khó chịu" lắm, thế là đi học!". Liệu có bao nhiêu phần trăm học viên đến học để lấy kiến thức thật sự và có bao nhiều người đi học chỉ vì để lấy một mảnh bằng "làm le" với thiên hạ?
Chính vì quan niệm "chỉ cần lấy tấm bằng" nên nhiều người dự các lớp tại chức chỉ cốt có mặt, điểm danh, còn khi thi hết môn thì... đã có phao, rồi "đến thầy" lo lót! Tại chức, nên các thầy cũng không khắt khe lắm, vì thông cảm cho trò còn có nhiều việc quan trọng ở cơ quan, ngoài xã hội!
Được biết nhiều người đi học tại chức được cơ quan họ đang công tác hỗ trợ tới 50% học phí. Số tiền Nhà nước bỏ ra mỗi năm để chi trả cho việc học tại chức của cán bộ nhân viên nhà nước chắc chắn phải là tiền tỉ, và sẽ là một sự lãng phí rất lớn...!
Nếu có thời gian, xin mời bạn cứ thử "dự thính" ở bất kỳ lớp học tại chức nào để mắt thấy tai nghe xem có giống những điều mà tôi thấy không! Hệ tại chức mở ở khắp nơi, hầu như trường nào cũng rất sẵn. Số học viên đã và đang học tại chức dễ có tới hàng vạn. Và tôi dám chắc rằng, những lớp học tại chức như lớp tôi đang học không phải là ít.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá