Sinh viên = Xoàng xĩnh?
Tại sao vẫn tồn tại quan niệm là sinh viên thì luôn đi cùng với sự lúi xùi, xoàng xĩnh, với không gian nhà trọ tù đọng, với học như đi xem phim rạp, hết phim rồi sẽ ra, thế nào cũng tốt nghiệp?
Vẫn còn sớm để gọi là đã trưởng thành, nhưng đã quá muộn để coi họ vẫn còn là trẻ con. Sinh viên - từ ấy luôn gợi nên hình ảnh của một lớp người giàu nhiệt huyết, nhiều cảm hứng và khát khao cái mới, khát khao khẳng định mình.
Vậy bao giờ, khi nào chúng ta tự ngẫm nghiêm túc hơn về hai chữ sinh viên ?
Sinh viên mà anh!
Tối Trung thu được đứa em học năm thứ ba trường Giao thông rủ đi chơi. Cả hội vào một quán cà phê bên kia đường Cầu Giấy (Hà Nội). Quán có kiểu cách cây nhà lá vườn, đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: bàn đá rửa, ghế nhựa xanh đỏ, mái tôn phủ lá cọ cho có vẻ “thiên nhiên”. Đồ uống thì cũng Lipton, Dimah, bạc hà bá tước, rum nho đủ cả...
Vừa ngồi ấm chỗ, đang thử rít tí nước đầu tiên thì giật cả mình. Một anh chàng nhảy lên bục bắt đầu trình diễn một chuỗi ca khúc, từ rên rỉ đến gào thét, từ Tình đất đỏ miền Đông, Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa cho đến Bảy ngày đợi mong, kết thúc là Anh không muốn bất công với em...
Sau 2 series bài hát hổ lốn nữa và uống hết lượt nước nhạt thếch, chúng tôi ra khỏi quán. Mỗi cốc trà có giá 8.000 đồng. Đang định nói là rẻ nhỉ thì đứa em đã kêu: uống ở gần trường Sư phạm Ngoại ngữ chỉ có 4.000 thôi, cũng có hát. Sao rẻ thế? SV mà anh...
SV mà... Một cách định giá nghe thật giống với trước đây, mỗi khi nói về cái gì rẻ rúng, đại chúng, nấu xổi dễ ăn thì người ta nói: bình dân ấy mà, hàng thùng, hàng chợ... không cần lo chuyện chất lượng cầu kỳ, chỉ cần hàng loạt và giá hạ là được.
Thử đi qua một loạt những quán xá và tụ điểm giải trí của SV cho đến những gì gắn mác “dành cho SV”, ấn tượng chung là mọi thứ thoạt trông có vẻ hợp túi tiền, cũng có những nét lãng mạn, những nét cá tính trẻ trung... nhưng không khí tạm bợ cứ phảng phất khiến SV chúng ta cũng phải nghi ngờ về nhu cầu của mình.
Chẳng lẽ chúng ta khi trở thành SV thì tất yếu là chỉ có thể dùng cái gì xoàng xĩnh mới ra dáng SV? Ai cũng đồng ý là SV thì trừ số ít những con nhà khá giả thì mới giàu, nhưng ít tiền không có nghĩa là chấp nhận thưởng thức những sản phẩm vật chất lẫn tinh thần như bố thí. Một túi trà lọc chỉ chưa đến 1000 đồng, nhưng không phải đổ 3 thìa đường cho nước sôi và ngồi uống nghe nhạc trong quán là đã đủ.
Cái áo giáp bị phá giá
Tại sao xã hội lại nói “SV ấy mà” với một hàm ý độ lượng nhưng cũng nghĩa là coi thường sự nghiêm túc cần có ở những người 20, cái tuổi đẹp đẽ và hoàn toàn trưởng thành về nhận thức rồi?
Và chính SV, mỗi khi đi mua sắm hoặc chào mời sản phẩm mình làm ra hay ít nhất là bị công an phạt, lại dùng mác “giúp bọn cháu đi cô, SV mà” để được thông cảm và cho qua những khiếm khuyết.
Tất cả có cảm thấy như một thể loại có tầm “bình dân” thì danh xưng “SV” đang được kéo cho thấp xuống, nghĩa là cơm SV thì cũng không khá hơn cơm bụi?
Chuyện có thể thấy ngay là kiểu cách tuyển sinh và điểm thi vào đại học. Không đầy 10% số thí sinh có điểm trung bình 3 môn trên 5 và càng ít người có điểm cao, mặc dù đề bài gần như nằm trong chương trình phổ thông.
Thật không thể hiểu nổi những trường có đầu vào dưới 10 điểm 3 môn. Linh, quê Lào Cai, chỉ có 3 điểm nhưng làm thế nào đó cũng được nhận vào khoa Công nghệ thông tin, Chi nhánh một ĐH bán công của TPHCM tại đường Hoàng Quốc Việt.
Mang danh SV nhưng cô cũng cảm thấy chẳng có nhiều tự tin cho lắm khi nhập học. Còn học ĐH? Có lẽ không cần nói cho hết những chuyện chán ngán của đời SV, với những không gian tù đọng: giảng đường học mà chỉ chép, nhà trọ với chất lượng tồi tàn, học thì để cho có bằng, giải trí thì...
Khu vực tôi ở có nhiều nhà trọ cho SV các trường Bách khoa, Xây dựng... Có một đặc điểm là không có phòng nào được thuê đủ cả 5 năm. Chỉ được năm đầu vui vẻ, năm hai là đã xảy ra khó chịu, đến sau đó thì cãi cọ và chia tay với chủ nhà.
Chắc chắn không phải vì có quá nhiều SV để chủ nhà thấy chẳng giá trị gì ghê gớm, nhưng cách sinh sống, giao tiếp cho đến ăn ở của SV khiến họ có tâm lý coi SV như một đám lộn xộn, mất vệ sinh, thiếu ngăn nắp, ranh ma lợi dụng... Chỗ ăn ở tồi tàn cũng có phần ở đó mà ra: SV thì chỉ đáng được ở thế thôi?
Trong một lần tiếp xúc với các cán bộ Đội Phòng chống tệ nạn xã hội, các anh cho biết số SV nữ hành nghề mại dâm bị bắt thì ít nhưng trường hợp khóc lóc mủi lòng, mạo nhận là SV trường này trường kia thì kha khá. Có lẽ là để gây hiệu quả thông cảm chăng?
Một ông bố có con học Học viện Ngân hàng bị bắt dịp truy quét thuốc lắc, cũng đến xin xỏ như thể cháu nó còn nhỏ dại, các anh tha cho. SV 22 tuổi chứ đâu phải học sinh cấp 4!
Nhưng sự thật là SV chúng ta cho đến bố mẹ vẫn cứ tự nuông một cách sống như thế. SV xem ra đã là một cái áo giáp cho những kiểu sống, thật cũng như giả để lợi dụng tâm lý xã hội.
Sinh viên phải là người lớn
Tại sao một SV thời trước mới 19 tuổi đã có thể in những cuốn sách luận về Niestze, Bergson, cũng chàng SV này năm 20 tuổi (1944) có một bài viết mang tầm vóc lớn “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích”.
Tại sao nhắc đến những danh xưng SV trường thuốc hay trường luật, trong những truyện, thơ, hoặc ghi chép thời trước, người ta thấy hình ảnh anh SV không chỉ phản ánh một tâm lý ngưỡng mộ văn hoá Tây phương và học vấn khoa bảng của người dân, mà còn là một lối sống, một phong cách lịch lãm, văn hoá cao.
Tâm lý chung của cả xã hội là trọng thị và ngưỡng mộ. Không phải vì anh ta mặc bộ Âu phục đội mũ trắng như ta thấy trong những tấm ảnh còn lại mà vì những giá trị trí tuệ cao anh ta đang nắm giữ trong tay.
Những lứa SV trước đây đã có những thành tựu ngay từ khi còn rất trẻ, họ không đợi việc có được nhà trường nào chứng nhận hay chờ đến khi tốt nghiệp, tự họ đã làm nên những sản phẩm văn hoá mà đến giờ trở thành một phần kinh điển của ngôi nhà trí tuệ Việt Nam.
Bài học nhớ đời nhất của tôi thời đi học ấy là lần nộp đồ án muộn. Tôi đã dự tính năn nỉ thầy với những lời lẽ: thầy thông cảm cho em, em bận việc nhà, bọn em SV nên kẹt tiền không in kịp... Nhưng khi tôi nộp bài cho thầy ở văn phòng khoa, thầy không tỏ ra bực dọc hay thậm chí không nhận bài như đa phần các thầy khác (quy định thế) mà vẫn chấp nhận dù muộn nửa buổi.
Nộp bài dù thở phào, nhưng tôi rất băn khoăn. Thầy nói một câu khiến tôi giật mình: "Sao em nghĩ là SV thì tôi sẽ châm chước? Tôi với em là 2 người có cùng công việc chung và bình đẳng trong công việc. Tôi có thể bỏ qua chuyện nộp muộn vì tôi thấy không cần thiết phải đánh trượt ai cả. Em là người trưởng thành rồi, nên lưu ý sau này. Vui vẻ nhé?"
Một thái độ trọng thị, một nhận thức nghiêm túc từ cả hai phía: SV và xã hội, có lẽ mới trả lại cho danh xưng SV ý nghĩa tích cực. SV là những người có trí tuệ, có tri thức, được xã hội đào tạo để tạo nên chất xám cho xã hội, cũng như một lớp người có ứng xử văn hoá, đó là điều không ai phải bàn cãi.
Những khó khăn SV gặp phải, xét về mặt biện chứng, giới nào cũng có, nhưng SV hơn người khác ở chỗ vượt qua một cách độc lập và tài tình, chứ không phải là cái áo giáp để bao bọc một cơ thể mãi không chịu lớn, mãi không dám va chạm.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Con người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtBa yếu tố làm nên thành công của doanh nhân
29/07/2005Nguyễn Trần Bạt