Phép “tàng hình” của những tài năng trẻ Việt Nam
Chúng ta có rất nhiều tài năng khoa học trẻ và các thần đồng Nhưng các thần đồng ấy mỗi ngày một biến mất và họ chỉ còn lại cái lý lịch quá khứ của thần đồng và các tấm huy chương. Vậy ai “ăn thịt” họ?
Một giáo sư của một trường đại học đã nghỉ hưu trong dịp ông về thăm quê hương đã nhận xét rằng rất nhiều sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ và cả những sinh viên người Mỹ gốc Việt học trong trường đại học rất giỏi. Nhiều người làm các giáo sư kinh ngạc về sự thông minh và cần cù của họ.
Nhưng sau khi ra trường, họ biến mất như có phép tàng hình. Lẽ ra nhiều người trong số họ phải trở thành những nhà bác học trong tương lai. Trong khi đó, không ít học sinh người Mỹ hay người Châu Âu học cùng họ lại trở thành những nhà khoa học nổi tiếng.
Điều gì “ăn thịt” họ?
Hầu hết sinh viên Việt Nam hay gốc Việt khi ra trường thì mơ ước của họ là một việc làm tốt, thu nhập cao. Rồi họ lo kiếm tiền, tích cóp tiền, mua nhà, sắm xe, gửi tiề về giúp đỡ gia đình... Các phương tiện sống ở các nước phát triển như Mỹ luôn luôn mê dụ con người. Nếu cứ chạy theo nó thì người ta chẳng khác nào đuổi theo cái bóng của mình cho đến khi chết.
Những cử nhân trong nước cũng vậy. Những người được đào tạo để trở thành những nhà khoa học cho tương lai lại dành quá nhiều thời gian để lo tạo dựng điều kiện sống. Họ khác nhiều sinh viên ngoại quốc sau khi ra trường sẵn sàng nhai bánh mỳ, uống nước lọc, đắm chìm trong phòng thí nghiệm và thư viện hết năm này đến năm nọ với sự say đắm khám phá thế giới.
Có nhà khoa học trẻ Việt Nam nào dám bỏ cả đời chỉ sống với một loài con trùng để cuối cùng phát hiện cho con người những bí ẩn của thiên nhiên hay không? Có quá ít và quá ít các nhà khoa học trẻ Việt Nam mang khát vọng đổi thay thế giới với những công trình khoa học của mình.
Trong khi đó họ tốn quá nhiều sức lực và thời gian để lây cái ghế phó phòng, rồi trưởng phòng, phó viện trưởng, rồi viện trưởng...Thật hài hước và đau lòng khi một nhà khoa hoc hay một nhà văn, nhà thơ chỉ mơ đến chút quyền chức mà không hề đau đáu về sự khám phá và sáng tạo của mình.
Họ làm gì sau khi “đăng quang”?
Chúng ta có những tài năng trẻ đáng kính phục trong các kỳ thi quốc tế toán, lý, hóa... Và sau mỗi kỳ thi đầy thành tích và đôi khi như một huyền thoại, bao người Việt Nam lại đợi chờ họ đến một ngày làm rung chuyển thế giới.
Nhưng chúng ta đợi mãi, đợi mãi mà chẳng thấy dù một tiếng rung khe khẽ. Họ đâu rồi? Tài năng trẻ đầy tự hào của dân tộc đâu rổi? Chúng ta đâu ngờ rằng họ đang ở ngay trước mằt chúng ta. Họ ngồi quán cà phê đọc báo vặt và hay mua xổ số, họ đang uống bia hơi tối ngày và nói những chuyện tào lao, họ đang hớt hơ hớt hải mua xe, xây nhà và “truy lùng” những tờ quyết định bổ nhiệm của tổ chức.
Chúng ta đã chứng kiến những tài năng trẻ với những sáng tác đầu đời khi còn là tuổi thiếu niên từng làm mọi người thán phục. Những ngày xưa ấy, chúng ta đọc họ và cam đoan với chính mình rằng họ sẽ trở thành những văn hào, thi hào của đất nước. Bởi với tài năng thiên bẩm ấy, cộng với khát vọng lớn lao, cộng với sức lao động phi thường như con đường sống duy nhất và với lịch sử bi tráng của dân tộc ta, thì một số người trong số họ sẽ làm rạng danh đất nước này.
Nhưng buồn thay, họ chỉ trở thành những con người nhàn nhạt. Tất nhiên không phải thần đồng nào cũng trở thành vĩ nhân. Nhưng lối sống và trí tuệ của người có khát vọng sẽ mang gương mặt của những người lười nhác và thực dụng. Có người nói: Thần đồng Việt Nam nói riêng và trong văn chương nói gọi là thần đồng ứng xử, còn những thần đồng ở các nước khác là những thần đồng tư duy. Đây thực sự là vấn đề chúng ta cần ngẫm suy.
Có những nhà khoa học phàn nàn họ không có đủ điều kiện để làm việc. Nhưng Ixắc Niutơn và Anbe Anhxtanh trước kia không có đủ điều kiện sống và làm việc như họ bây giờ. Có những nhà văn trẻ kêu ôi ối sao mọi ngời không công nhận họ, xã hội đang bỏ quên họ.
Và câu trả lời?
Nhưng lịch sử và nhân loại không bao giờ bỏ quên vĩ nhân dù những vĩ nhân ấy cả đời chỉ sống ẩn náu trong một căn phòng tám mét vuông. Tất cả những con người trước khi trở thành các vĩ nhân đều sống với khát vọng lớn lao và nghị lực phi thường trong im lặng có khi hết cả cuộc đời. Còn hầu hết các tài năng trẻ của chúng ta thì ngược lại.
Vậy ai “ăn thịt” họ? Chính họ đã “ăn thịt” họ. Sau khi bước lên bục vinh quang ngày hôm trước trong thời niên thiếu thì họ sa chân vào con đường hưởng thụ quá khứ ngay ngày hôm sau.
Họ cứ thế vui vẻ, ngây thơ và nhiều lúc tự mãn bước đi mà không bao giờ nhìn lại những gì họ đã làm phía sau để giật mình nhận ra rằng, con đường đến với vinh quang giống như con đường đi qua sa mạc và họ phải đi trong khổ ải, thách thức, suy ngẫm, khát vọng và im lặng cho đến khi chết.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuBa yếu tố làm nên thành công của doanh nhân
29/07/2005Nguyễn Trần Bạt