Nhạc để nghe hay để xem?
Âm nhạc là loại hình nghệ thuật của thời gian, tức là vào trái tim con người bằng âm thanh, phải nhờ có một khoảng thời gian nhất định đủ cho tác phẩm vang lên (vài phút đối với một bài hát, bản nhạc ngắn; hàng giờ đối với một tác phẩm giao hưởng, opera). Nó khác với tạo hình là nghệ thuật của không gian, tức là tác phẩm cần một bề rộng, chiều cao, cả độ sâu cần thiết - chiếm một không gian nhất định để người ta cảm nhận giá trị tác phẩm. Âm thanh vào trái tim con người qua tai. Vậy nên loại hình nghệ thuật này chủ yếu để nghe, chứ không thể và không cần thêm yếu tố gì khác (nghe âm chứ không thể nhìn và bắt âm được). Người sành âm nhạc khi thưởng thức một bài ca, bản nhạc thường lim dim hoặc nhắm nghiền mắt lại. Vì như thế, họ sẽ được hoàn toàn tập trung chìm đắm vào thế giới âm thanh, không bị chi phối bởi bất cứ hình ảnh nào, nếu mở mắt sẽ phải nhìn thấy. Nhắm mắt lại, chỉ có âm thanh vang bên tai, đưa họ vào thế giới trừu tượng do tác phẩm diễn tả, biểu hiện. Bởi vậy, một tác phẩm âm nhạc có giá trị đích thực thì tự thân âm nhạc (gồm các yếu tố: giai điệu, tiết tấu, hòa thanh) đã đi vào trái tim người thưởng thức qua lỗ tai mà chẳng cần bất cứ một yếu tố nào hỗ trợ. Tác phẩm đó chỉ cần được vang lên là người ta đã thích thú. Tất nhiên, cần đánh giá cao vai trò người biểu diễn (người hát đối với bài hát, người đánh đàn đối với tác phẩm không lời). Nhưng bản thân tác phẩm đã có giá trị độc lập. Có một hiện tượng chẳng lấy gì khó hiểu: Những tác phẩm giá trị, nghe trên đài, trong đĩa, băng tiếng thì thấy hay nhưng trình diễn trên sân khấu, truyền hình thì lại giảm bớt hứng thú. Người xem không thấy hay như trước đây đã nghe. Đó là điều thần diệu riêng có lẽ chỉ âm nhạc mới có. Âm thanh thì trừu tượng mà đưa lên thành hình ảnh thì đã trở nên cụ thể, làm hạn chế khả năng liên tưởng, tưởng tượng của người thưởng thức. Điều này không có gì khó hiểu. Khi thu tiếng vào băng để phát trên đài phát thanh, hoặc sản xuất đĩa, băng cátxét, không đợi ai phải nhắc nhở, những người sản xuất chương trình đã tự ý thức là khách hàng, đối tượng phục vụ của họ chỉ thưởng thức, đánh giá tác phẩm bằng việc nghe, chứ chẳng có phương tiện gì khác. Nhưng khi đưa bài hát đó lên tivi hoặc biểu diễn trên sân khấu thì ngoài nghe, công chúng còn có mắt để nhìn. Không ai có thể bắt người ta chỉ được nghe mà không nhìn. Vậy nên có thể có khuynh hướng ít nhiều châm chước cho chất lượng âm thanh. Thay thế, người ta quan tâm đến hình thức của nghệ sĩ biểu diễn, đến những hình ảnh minh họa cho bài hát, nếu có thể. Đó chỉ là một phần. Phần khác nữa chính là tính trừu tượng của âm nhạc bị hình ảnh cụ thể hóa. Mọi sự minh họa cho bài hát là minh họa phần lời chứ không thể minh họa phần âm nhạc. Ở đây, âm nhạc đã nhờ vả được các yếu tố khác hỗ trợ: cách trình diễn của diễn viên, cộng với trang phục của họ, cùng ánh sáng, nhiều khi thêm sự phụ họa của loại hình nghệ thuật khác: múa, lại có thêm cả những trò như đèn chiếu, có lúc giống như cinema. Tất cả những thứ ấy được bày biện phô trương trên sân khấu hoặc màn hình - có thể coi như sân khấu gián tiếp, thu nhỏ - để người ta xem nhiều hơn là nghe. Đó thực sự là thứ âm nhạc giải trí, phục vụ sinh hoạt cho người ta vừa xem, vừa có thể nói chuyện, cắn hạt dưa, hạt bí, hoặc nhai một cái gì đó... Tất nhiên là thứ ca khúc phục vụ cho sinh hoạt, nhất là đáp ứng tuổi trẻ trong những cuộc liên hoan hội diễn văn nghệ, ngày hội hè... vẫn cần có, nhưng không thể lấn át loại ca khúc để nghe. Các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương nên hạn chế bớt những chương trình kiểu này. Hãy cứ để các sân khấu nhà hát, các rạp, tụ điểm trình diễn là đủ. Nên thay thế bằng việc giới thiệu nhiều chương trình âm nhạc loại để nghe như đã nói. …Việc lăng xê và tôn vinh quá đáng một số chương trình âm nhạc giải trí cùng một vài tác giả chuyên sáng tác loại bài hát để xem đã khiến người ta ngộ nhận rằng âm nhạc hiện nay phải như thế, và người ta sáng tác nó mới là tài năng. Nhưng hãy thử làm một cuộc điều tra xã hội học thực sự, hãy trưng cầu ý kiến tất cả công chúng thuộc đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp xã hội xem sao. Tin rằng số đông vẫn thích tìm đến loại âm nhạc để nghe mà hiện nay đang bị xao lãng
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu