Điều tâm niệm thứ tư. Làm việc xã hội

Tự Lực Văn Đoàn
04:53 CH @ Thứ Ba - 17 Tháng Mười Một, 2015

Một hôm, ngẫu nhiên đọc một bài phóng sự của một nhà làm báo Pháp về công cuộc cải cách nước Tàu của một thanh niên Trung hoa, tôi bỗng giật mình, bỏ tờ báo xuống, mơ màng nghĩ đến nước ta.
Ông Yen-yan-Chu, tên người thanh niên đã từng du học ở Mỹ và ở Pháp, lúc trở về nước bèn đem những điều đã nhận xét ra thì nghiệm ở vùng Tinghsien, cách Bắc Bình độ hai trăm cây số. Ông hô hào cổ động dân vùng ấy đồng tâm, đồng lực cải tạo xã hội. Ông hội họp đủ các tay chuyên môn để săn sóc đến các việc thiết yếu của dân chúng: y tế, giáo dục, các vấn đề dân sinh (thương trường, nông dân, liên đoàn…), rồi chia ra từng khu thí nghiệm một.

Hiện công việc của ông ta đang tiến hành một cách mau chóng và chứa chan hy vọng. Nhờ phong trào ông gây nên, mà trong 22 tỉnh, đã lập ra những bình dân học vụ đường để dạy những người không biết chữ: Ngót 20 triệu người nhờ những trường đó mà biết đọc, biết viết. Còn những nhà hộ sinh, những liên đoàn của nông dân hay của thợ thuyền chỗ nào cũng thành lập và sống một cách chắc chắn.

Một điều đáng chú ý nhất, là tiền dùng vào cuộc thí nghiệm này đều là tiền tư cả, không nhờ vào chính chủ.

Ông Yen có ngỏ với nhà phóng viên Pháp hay rằng:
- Dân nước chúng tôi trụy lạc dần. Nếu chúng tôi chông tự cứu lấy nhau, thì ai cứu? Bọn tân tiến chúng tôi bây giờ đã đông, bọn ấy phải là sức mạnh. Sức mạnh ấy, đem ra dùng một cách có quy củ, có phương pháp hẳn hoi, thì một ngày kia – mà ngày đó tất thế nào cũng đến – nước Tàu sẽ có thể tự lực mà cứu lấy mình được.

Tôi vẫn biết, người Nam ta, cũng như người Tàu, ít khi nghĩ đến xã hội.

Ngày xưa, dưới trình độ nhà Nho, ai nấy đều nghĩ đến thân danh, đến gia đình, đến làng mạc, trí không vượt ngoài lũy tre xanh. Hai làng lân cận có khi coi nhau như kẻ thù, hoặc như hai nước xa lạ, hai dân tộc không có liên can gì đến nhau. Ngay trong một làng, ai nấy cũng để tâm đến gia đình, đến họ hàng, còn việc hàng xóm thì “bằng chân như vại”. Công việc xã hội tuyệt nhiên không có.

Đến nay, thời thế tuy thay đổi, mà trong óc phần đông dân ta, quan niệm xưa về đời người vẫn còn đọng lại. Thường ta thấy những công cuộc xã hội bị thất bại, tuy nhóm lên trong sự nhiệt thành mạnh mẽ. Có nơi cô lập nhà trường, có nơi lập hội tư cấp, các người hằng tâm, hằng sản đều hăng hái hy sinh công của. Nhưng sự hăng hái ấy chỉ như mớ đóm, bùng lên một lúc rồi tắt. Sự thất bại đó, một phần có lẽ vì cách tổ chức không quy củ, một phần chắc chắn là do cái quan niệm cổ sơ đối với những ý tưởng gia đình, làng mạc, xã hội, danh dự…

Ta không thể, ở thời đại văn minh này, để những quan niệm ấy hoành hành mãi. Ta cần phải đem hết tài trí ra làm việc cho xã hội. Ta không thể chỉ nghĩ đến gia đình như xưa. Trong thấy một người khổ sở, trước khi cưu mang, ta không có thể như đời trước, hãy nghĩ xem người ấy có họ với ta không đã. Ta không thể quá chăm chỉ với người chết được nữa: thật là một điều nhận xét đáng buồn, khi ta thấy trong xã hội còn hèn yếu, chỉ có những hội hiếu, hỉ là vững vàng, sống một cách phong lưu. Ta cần phải thay đổi linh hồn ta và linh hồn những người chung quanh. Thời đại này không phải là thời đại của đại gia đình và của quỷ thần. Đời này là đời của người sống, đời của “cá nhân” hay nói cao hơn một bậc nữa, là đời của “đoàn thể”, “đoàn thể hiểu theo nghĩa rộng”. “Cá nhân” đương giải phóng, cá nhân đương thoát ly những chế độ bó buộc lùa người ta đi vào con đường nhỏ, hẹp, bùn lầy. “Cá nhân” cần phải tự mình kết đoàn, gom tài gom sức để cùng đưa nhau đến thế giới rộng rãi của khoa học.

Sự kết đoàn ấy là một việc rất cần cho dân ta. Thành thực kết đoàn để mưu việc cho xã hội, để tự cứu lấy nhau, đó là phương pháp thần hiệu để ta tiến đến cõi văn minh. Nhật Bản,
Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Đức hay Pháp đều nhờ sự kết đoàn mà trở nên cường phú. Ta cũng có thể như họ được, nếu ta muốn. Nhất là nếu ta, lúc làm việc xã hội, không nghĩ đến tư lợi, trái lại, lấy sự làm việc cho người khác làm vui thích, nhất là nếu ta bao giờ cũng nghĩ đến những người yếu hèn, những người khổ sở, những người cần đến ta bênh vực. Làm việc xã hội với tinh thần ấy, ta sẽ thấy trong lòng lúc nào cũng khoan khoái, sung sướng, sung sướng vì đã làm cho người khác được sung sướng.

Bạn trẻ nên tìm hạnh phúc ở trong các công cuộc xã hội.

Cải cách
Công cuộc xã hội ở nước ta chưa có gì cả. Bổn phận của ta, của thanh niên, của những người có óc mới, là đem tâm trí tài lực vào những công cuộc ấy.
Với một tấm lòng thành thực tin ở sự tiến hóa của xã hội, với một tấm lòng thương yêu người một nước, nhất là những người yếu hèn cực khổ, ta cần phải kết đoàn lại để làm việc.
Những người cùng nghề, cùng quyền lợi, nên họp nhau lại lập nên một sức mạnh để tự bênh vực cho mình, để tìm phương làm cho nghề mình một ngày một hơn, đó là một việc nước văn minh nào cũng có.

Ngoài những nghệ đoàn ấy, ta còn cần phải gom tài gom sức để khai trí cho ta nữa.

Bài học khuyên cùng nhau học chữ Quốc ngữ

Trong một làng, muốn cho chóng đi đến cõi văn minh, không còn gì hơn chung nhau lập hội học. Mở mang tri thức là một sự cần cho dân ta như cơm bữa. Ngàn vạn sự đều do đấy mà ra cả. Ta không thể một ngày sao lãng được sự cần thiết ấy. Ta cần phải dạy lẫn nhau, và đem điều sở đắc truyền cho những người chung quanh biết. Như vậy, những thanh niên hủ bại, những cặn bã xưa, những sự tối tăm ngu xuẩn sẽ tan đi, để chỗ lại cho ánh sáng.

Lại còn cần phải lập hội thể dục, vừa để làm tươi tốt tình bằng hữu, vừa để luyện thân thể cho cường tráng. Thân thể có cường tráng, linh hồn mới mạnh mẽ được.

Rồi lại họp nhau lại để giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ cho những người bị ức hiếp, mở những công cuộc cứu tế và nuôi lấy một tinh thần nghĩa hiệp…

Bao nhiêu công cuộc còn đương đợi thanh niên.

Tóm tắt “Mười điều tâm niệm”
(Hoàng Đạo - Tự Lực Văn Đoàn, Báo Ngày Nay, 1939)


1. Điều tâm niệm thứ nhất: Theo mới, hoàn toàn theo mới không chút do dự
(Tuyệt đối bỏ văn hóa cũ để theo văn hóa ở Âu Tây. Tinh thần riêng của dân tộc sẽ đào thải những cái gì không thích hợp)

2. Điều tâm niệm thứ hai: Tin ở sự tiến bộ một ngày có thể một hơn.

(Công kích phái thủ cựu tin tưởng một cách quá đáng vào các khuôn phép cũ)

3. Điều tâm niệm thứ ba: Sống theo một lý tưởng
(Hoàng Đạo cho rằng các sĩ phu ngày trước không có lý tưởng vì họ bình thản bước theo con đường do các bậc thánh hiền xưa vạch sẵn)

4. Điều tâm niệm thứ tư: Làm việc xã hội
(Xã hội cũ là một xã hội đóng kín, trong đó người ta có óc vị kỷ vì chỉ nghĩ đến thân danh, gia đình, họ hàng, làng xóm, mà không có tinh thần xã hội rộng rãi)

5. Điều tâm niệm thứ năm: Luyện tính khí
(có học thức không đủ, còn cần phải có một ý chí hùng mạnh vững vàng. Bởi vậy cần phải luyện tính khí để nâng cao nhân phẩm)

6. Điều tâm niệm thứ sau: Phụ nữ ra ngoài xã hội
(Phụ nữ phải bình đẳng với nam giới không những về quyền lợi mà cả về nghĩa vụ nữa)

7. Điều tâm niệm thứ bảy: Luyện lấy bộ óc khoa học
(Hoàng Đạo nêu ra những tai hại trầm trọng của óc mê tín, và trình bày sự cần thiết và công dụng của khoa học)

8. Điều tâm niệm thứ tám: Cần sự nghiệp không cần công danh
(Người xưa thường lẫn công danh với sự nghiệp. Ngày nay thanh niên cần phải tẩy trừ óc chuộng hư danh để mà xây dựng sự nghiệp bằng cách làm ích cho người chung quanh)

9. Điều tâm niệm thứ chín: Luyện thân thể cường tráng
(Công kích tinh thần văn nhược thuở xưa và khuyến khích thanh niên siêng năng thể dục)

10. Điều tâm niệm thứ mười: Cần có trí xếp đặt
(Chỉ trích thói cẩu thả, luộm thuộm, và nêu ra sự quan trọng của óc tổ chức, làm việc có phương pháp kiểu phương Tây)

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thói hư tật xấu của người Việt: Hư danh, kém hợp quần, không hiệp tác, hư hỏng

    06/06/2019Vương Trí NhànTục ta nghề nào lập hội ấy, một là để giữ gìn công việc cho nhau, hai là để liên lạc tình nghĩa với nhau, ba là để binh vực nhau cứu giúp nhau, vậy là cái chủ ý cũng hay... Tiếc thay dân trí ta hẹp hòi, chỉ biết có tiền thì lo ngay đến một mảnh danh giá cúng về dân, để lấy cái tên ghi...
  • Điều tâm niệm thứ ba. Sống theo một lý tưởng

    10/11/2015Hoàng ĐạoTa muốn đời ta có nghĩa lý, muốn cho dân ta một ngày một mới, một ngày một hơn, ta phải tìm một lý tưởng mà theo. Đời ta có giá trị, ta phải nhớ rằng vì ta có lý tưởng...
  • Điều tâm niệm thứ hai. Tin ở sự tiến bộ

    05/11/2015Hoàng ĐạoTa phải tin ở sự tiến bộ, tin rằng có tiến bộ, ấy là ta đã tiến bộ rồi đấy. Có tin ở sự tiến bộ, ta mới có thể lo hành động để đi tới sự tiến bộ được...
  • Điều tâm niệm thứ nhất. Theo Mới

    03/11/2015Hoàng ĐạoTrong cuộc đời mới đang đợi ta, đầy ánh sáng và chông gai, ta lúc nào cũng phải tâm niệm đến những ý tưởng chính, đến nguyên tố nền tảng của tinh thần mới. Những tư tưởng, những nguyên tố ấy, ta có thể gồm lại trong mười điều tâm niệm...
  • Trí thức và nhận thức pháp quyền

    30/10/2015B. A. Kistiakovski - Phạm Nguyên Trường dịch và chú thíchMột số người cho rằng pháp luật chỉ có giá trị tối thiểu về đạo đức, một số khác lại cho rằng cưỡng chế, nghĩa là bạo lực, là thành tố không thể tách rời của pháp luật. Nếu đúng là như thế thì chẳng có cơ sở nào để chê trách giới trí thức của chúng ta trong việc coi thường pháp quyền hết. Giới trí thức của chúng ta luôn hướng tới những lý tưởng tuyệt đối và trên đường đi của mình nó có thể bỏ qua cái giá trị thứ cấp này.
  • Tư tưởng của Phan Bội Châu về nội lực

    08/10/2015Nguyễn Văn HòaTư tưởng về nội lực luôn xuyên suốt trong đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của Phan Bội Châu. Để giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh với kẻ thù không đội trời chung với dân tộc Việt Nam, chúng ta phải có một nguồn lực mạnh. Trong hoàn cảnh một nước thuộc địa nửa phong kiến với một nền kinh tế tự cung, tự cấp lại phải đối mặt với một nước đế quốc có tiềm lực kinh tế mạnh, theo Phan Bội Châu...
  • Chủ nghĩa tự do truyền thống

    29/09/2015Nhà kinh tế chính trị học Ludwig von Mises (1881-1973)Cuốn sách tương đối mỏng này có tầm quan trọng gấp nhiều lần sức tưởng tượng nếu chỉ nhìn vào độ dầy và ngôn ngữ khiêm nhường của nó. Đây là tác phẩm bàn về xã hội tự do, bàn về điều mà hiện nay có thể được gọi là “chính sách” đối nội và đối ngoại cho một xã hội như thế; và đặc biệt là bàn về những trở ngại và khó khăn, cả thực tế lẫn tưởng tượng, trên con đường thiết lập và giữ gìn hình thức tổ chức một xã hội như thế...
  • Đất nước muốn phát triển, con người phải được tự do

    31/08/2015Bùi Tiến ĐạtĐể đất nước phát triển, con người cần không gian tự do sáng tạo. Do đó, trong một xã hội dân chủ, về nguyên tắc không gian tự do cần tương đối rộng và ngược lại những hạn chế quyền tự do phải tương đối hẹp.
  • Gilbert Chiếu – dòng máu họ Hùng

    12/08/2015Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Như MaiTrần Chánh Chiếu (1868-1919), còn gọi là Gibert Trần Chánh Chiếu (gọi tắt là Gibert Chiếu) là nhà văn, nhà báo và là nhà cải cách tại Việt Nam. Ông là người cầm đầu phong trào Minh Tân - một phong trào chính trị tương đương với phong trào Đông Kinh nghĩa thục và có mối quan hệ với phong trào Đông Du của Phan Bội Châu...
  • Hướng Đạo Sinh Việt Nam họ là ai?

    10/08/2015Nguyễn Văn KhoanTòa soạn Xưa và Nay xin giới thiệu hai bài viết về vấn đề này để các bạn tham khảo giúp hiểu được phần nào lịch sử phong trào Hướng đạo Việt Nam trước Cách mạng tháng 8-1945...
  • Câu chuyện Tự Lực Văn Đoàn, và những điều chưa nói

    28/07/2015Phạm Thảo NguyênMục đích bài biên khảo này là tìm hiểu việc xây dựng báo Phong Hoá Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn trong suốt thập niên 1930, đưa đến việc hiện đại hoá nghề báo và thúc đẩy nguyên một cuộc cách mạng văn chương, văn hoá Việt Nam. Đồng thời khám phá sự thực về đời sống của thành viên Tự Lực Văn Đoàn, cái phần lâu nay vẫn bị hiểu lầm...
  • Những sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời chí sĩ Phan Châu Trinh

    07/05/2015TS. Nguyễn Văn Dương1900 (28 tuổi): Đậu Cử nhân thứ 3, cùng khoa với Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu...
  • Không mặc cả với lương tâm

    13/11/2014Phạm Anh TuấnTrong thâm tâm họ biết là tôi đúng. Nhưng nếu họ cứ tiếp tục bênh vực ý kiến của họ thì chưa chắc đã không gặp rủi ro. Và nếu không ai dám chấp nhận rủi ro thì chuyện gì sẽ xảy ra? Cậu biết tại sao họ không ưa tôi không? Tôi thường buộc họ phải thú nhận là họ đã mặc cả xong với lương tâm của chính họ…
  • xem toàn bộ