Hướng Đạo Sinh Việt Nam họ là ai?
Lời tòa soạn: Scoutisme là một phương pháp rồi trở thành một phong trào tập hợp và giáo dục thanh thiếu niên trên thế giới. Sự ra đời của nó gắn với tên tuổi của Huân tước Baden Powell, bắt đầu từ nước Anh rồi lan ra nhiều nước khác; đến năm 1930 thì thâm nhập vào thanh thiếu niên Việt Nam với công sức của thế hệ đầu tiên như Hoàng Đạo Thúy, Trần Văn Khắc, Ngô Thế Tân, Trần Duy Hưng, Tạ Quang Bửu… với tên gọi Hướng Đạo. Do những nguồn gốc lịch sử và các khuynh hướng phát triển trên thế giới nên sự đánh giá về phong trào này còn khác nhau. Việc tiếp thu những mặt tích cực của các phong trào tập hợp và giáo dục thanh thiếu niên trong quá khứ là cần thiết. Vừa qua, Viện nghiên cứu Thanh niên thuộc TƯ Đoàn TNCSHCM đã tổ chức một cuộc tọa đàm với mong muốn có thể thấy được những nét đặc trưng của phong trào Hướng đạo ở Việt Nam và khai thác những mặt tích cực, nhất là trong phương pháp giáo dục thiếu niên. Việc nghiên cứu vấn đề này còn cần phải tiếp tục. Tòa soạn Xưa và Nay xin giới thiệu hai bài viết về vấn đề này để các bạn tham khảo giúp hiểu được phần nào lịch sử phong trào Hướng đạo Việt Nam trước Cách mạng tháng 8-1945.
Năm 1925, trong " Thư gởi thanh niên Việt Nam", Nguyễn Ái Quốc đã kêu gọi thanh niên Đông Dương" sớm hồi sinh, nếu không thì Đông Dương sẽ chết mất vì đám thanh niên già", kêu gọi " thanh niên Việt Nam sinh sống bằng lao động bản thân, vừa học hỏi vừa lao động" (1).
Năm 1935, trong nghị quyết về" thanh niên vận động" của đại hội Đảng lần thứ nhất, lần đầu tiên văn kiện của Đảng đã đề cập tới vấn đề cấp bộ Đảng phải "chen vào trong các đoàn thể Thanh Niên cách mạng tiểu tư sản...nhất là "Hướng Đạo đoàn" kéo quần chúng trong các tổ chức ấy sang phe thanh niên Cộng Sản" (2)
Năm 1943, hội nghị thường vụ trung ương Đảng ra nghị quyết " phải phái người vào các đoàn Hướng Đạo mà hoạt động"(3).
Ngày 15 tháng 8 năm 1945, trong nghị quyết của toàn quốc hội nghị Đảng Cộng Sản Đông Dương lại đề ra nhiệm vụ của các hội Việt Minh phải " vận động thanh niên Hướng Đạo" (4).
Cụ Hoàng Đạo Thúy kể lại trong hồi ký: tại hội nghị Tân Trào, đến giờ giải lao, Bác nói với Đồng Chí Thúy là "tổ chức trò chơi nhỏ đi". Như ta biết trong Hướng Đạo có trò chơi lớn (Grand jeu) như kiểu tập trận, đánh thành, giữ thành, chiếm thành; có trò chơi nhỏ (petit jeu) chơi tại chỗ... đồng chí Thúy bày ra trò: tôi hô " thò " thì các đại biểu rụt cổ lại, ngồi xuống, tôi hô" thụt" thì đại biểu vươn cổ, đứng lên ". Mọi người vui vẻ, giải trí được 1 lát... trong buổi lễ này khi Bác yêu cầu hát, mọi người đồng thanh hát bài" Tạm biệt" một bài hát quen thuộc của Hướng Đạo. Cách mạng tháng 8 thành công, chiều 20-11-1945, Bác đã gặp đoàn đại biểu Hướng Đạo Nghệ Tĩnh. Hướng Đạo " quê nhà " đã yêu cầu Hồ Chủ Tịch cho Hướng Đạo " giúp vào công cuộc cứu Quốc", Bác vỗ vai anh em Hướng Đạo, tỏ lời khuyến khích và viết tặng anh em dòng chữ "Tặng anh em Hướng Đạo Nghệ Tĩnh ra sức giữ gìn nền độc lập nước nhà. Hồ Chí Minh" (5)
Cuối tháng 11, năm 1945, Hồ Chủ tịch đến trại “Độc lập” của Hướng đạo (6). Theo chương trình Chủ tịch chỉ đi thăm 15 phút. Nhưng quá vui, lại nấn ná ở “làng Tân Trào”, một mẫu làng quê Việt Nam trong tương lai “trẻ vui chơi, lớn làm lụng, già nghỉ ngơi” nên Cụ bịn rịn mãi 10 giờ mới ra về được.
Cuối tháng 4 năm 1946, Tạ Quang Bửu, Trại trưởng Hướng đạo, Trần Duy Hưng, Thư ký Hội đồng Trung ương đã cùng Tổng ủy viên Hướng đạo đến Bắc Bộ phủ xin yết kiến Hồ Chủ tịch, trình bày công việc của Hướng Đạo và xin Hồ Chủ tịch vui lòng nhận làm Hội trưởng danh dự cho Hội Hướng đạo.
Ngày 31 tháng 5, trước khi Hồ Chủ tịch lên đường sang Pháp, Người đã gửi thư đến ông Hội trưởng Hội Hướng đạo Việt Nam “vui lòng nhận làm Danh dự hội trưởng và xin chúc anh em trong Hội luôn luôn sẵn sàng phụng sự Tổ quốc”.
Thẳng Tiến cơ quan của Hội Hướng Đạo Sinh Việt Nam (ngày 10-6-1946) công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận làm Hội trưởng danh dự Hội ngày 31-5-1946. Toàn văn:
"Thư gửi Hội trưởng Hội hướng đạo Việt Nam
Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 1946
Chủ tịch Chính phủ Việt Nam
Kính gửi ông Hội trưởng
Hội Hướng đạo Việt Nam
Hà NộI
Thưa ông,
Tiếp theo thư quý Hội yêu cầu tôi nhận làm DANH Dự HộI TRƯởNG cho Hội Hướng đạo Việt Nam, tôi trân trọng báo tin cho ông cùng quý Hội biết rằng tôi rất vui lòng nhận và xin chúc anh em trong Hội luôn luôn sẵn sàng “phụng sự Tổ quốc”.
Chủ tịch Chính phủ Việt Nam
Hồ Chí Minh"
Trong kháng chiến chống Pháp, Bác thường hay bảo “đồng chí già” Hoàng Đạo Thúy đổi “feu de camp” (lửa trại). Có lần có cả các vị trong Hội đồng Chính phủ dự, chúa lửa Hoàng Đạo Thúy đã chỉ định Bác phải hát một bài. Bác đứng lên đơn ca bài “Anh hùng xưa, nhớ hồi là hồi niên thiếu…”. Cụ Bùi Bằng Đoàn ngạc nhiên hỏi Bác: “Ai dạy Cụ thế?”. Bác trả lời “Hướng Đạo đấy”. Một lần khác, chúa lửa là Trần Duy Hưng, bày trò làm kiệu tay đưa “Cụ Hồ vào thăm đồng bào miền Nam bằng máy bay”. Cả trại phải “ù ù” giả tiếng máy bay bay. “Đến nơi”, Bác nói “Thưa đồng bào miền Nam, tôi được đến đây vui mừng lắm nhưng vì “đi máy bay cũ” mệt, xin nhờ đồng chí Trần Duy Hưng thưa chuyện trước…”.
Khi cử đồng chí Thúy làm “Chủ tịch Hội đồng thi đua ái quốc”, Bác dặn: lấy Hương đạo mà làm. Có lần, một đồng chí Thứ trưởng là Hướng đạo sinh cũ đi họp chậm, Bác chê: “Hướng đạo mà sai giờ à!”.
Năm 1950, trong Hội nghị tổng kết chiến dịch Biên giới, Hồ Chí Minh đã đưa Đại tướng Trần Canh của Quân giải phóng Trung Quốc đến gặp Cục trưởng thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy và giới thiệu đây là một Hướng đạo sinh (Trung Quốc gọi là Đồng Tử quân). Đại tướng ngạc nhiên hỏi:
- Sao lại giao việc quan trọng ấy cho Đồng Tử quân?
Bác Hồ cười và đáp:
- Cái Đồng Tử quân Việt Nam khác Đồng Tử quân ở bên chú!
Phong trào Hướng đạo ở Việt nam có từ năm 1930, do sinh viên người Việt học ở Anh, Pháp đưa về. Do nhiều lý do và nguyên nhân cùng với sự vận động khéo léo mà chính quyền Pháp ở Đông Dương đã cho phép thành lập Hội Hướng đạo. Hội có 3 hệ phân chia theo lứa tuổi “Sói Con” gồm các em nhỏ từ 7 đến 12, 13; “Hướng Đạo” tuổi từ 14 đến 17; “Tráng Sinh” từ 18 trở lên. Hội là một tổ chức tình nguyện do các huynh trưởng phụ trách. Hội có phương châm “Luôn Sẵn Sàng”, có 3 lời thề “Trung thành với Tổ quốc, giúp ích mọi người, tuân theo luật Hội”.
Vào Hướng đạo, các thành viên được dạy dỗ về quan sát, liên lạc, cứu thương, lòng dũng cảm, đức vị tha, trí sáng tạo, khắc phục khó khăn… trong các trò vui chơi, vừa chơi vừa học, trong các lần cắm trại nhỏ, cắm trại lớn (rallye) như ở Sặt, Quảng Tế, Bạch Mã… đi thăm các di tích lịch sử, phong cảnh đẹp, chạy đuốc Hà Nội – Sài Gòn, tham gia các hoạt động khuyến thiện.
Dưới chế độ thuộc địa, có thể đây là “Hội” duy nhất hợp pháp được tổ chức chặt chẽ trong thanh niên, có tính kỷ luật cao, được giáo dục tốt, được nói về lòng yêu nước.
Huynh trưởng phần lớn là các nhà giáo, công chức có tinh thần yêu nước. Điều quan trọng hơn là Chính phủ Pháp ở Đông Dương không nắm được tổ chức này mặc dù chúng đã bỏ nhiều công sức cho đến cả việc thành lập các đoàn thanh niên khác – ví dụ như Đoàn Thanh niên Ducouroy… cũng không lôi kéo được Hướng đạo. Hội Hướng đạo cũng biết “chỗ dừng” của mình, không bộc lộ những quan điểm, chính kiến chính trị mà tập trung vào “đào tạo, xây dựng con người”… Sau này, có dịp nói chuyện về Hướng đạo, Bác Hồ có ý kiến cho rằng “Trong điều kiện Pháp thuộc có một nơi kín để dạy dỗ thanh niên như vậy là quý lắm…” (7)
Năm 1941, Hoàng Đạo Thúy (bấy giờ 40 tuổi) điện cho Tạ Quang Bửu ở Huế, nhắn ra Ninh Bình dự họp bạn tráng sinh ở Howa Lư tại lăng vua Đinh Tiên Hoàng – núi Mã Yên. Khi đến bến đồ Gián Khuất (Ninh Bình) đã thấy tổng ủy viên Hướng đạo Pháp Raymond Schlemmer đón chờ, nên lại hẹn với Tạ Quang Bửu ra núi Dục Thúy (Non Nước) ở Ninh Bình, gặp nhau, bàn bạc về vận mệnh nước nhà. Không thể có văn bản, hai người chụp chung một ảnh để đất trời chứng giám.
Sau năm đó, phong trào Hướng đạo cả nước có phát triển bước mới, chủ yếu là ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Từ các đội Sói con, Hướng đạo… có ở các thị xã, đã phát triển về đến cách huyện. Riêng tỉnh Thanh Hóa, năm 1941 đã có 5, 6 huyện có Hướng đạo…
Ngày họp mặt truyền thống Hướng đạo Việt Nam, 31 tháng 5 năm 1993 tại Hà Nội (Hoàng Đạo Thúy là người mặc áo trắng, ngồi giữa)
Biết là mật thám rình mò, nên các huynh trưởng Hướng đạo không liên lạc thẳng với Việt Minh. Mặt trận cũng đã có lần cử người đi bắt liên lạc – như Trần Đăng Ninh – nhưng không được. Tuy nhiên qua các hội viên Việt Minh, gián tiếp hay trực tiếp Hội Hướng đạo nắm được chủ trương của Đảng là giữa Hướng đạo không để ngả về phía phản động…
Ở Bắc Bộ, tháng 6 năm 1945, Nguyễn Đình Thi đến đón Hoàng Đạo Thúy lên chiến khu…
Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Hướng đạo sinh ở các thành phố đã ngả về phía cách mạng, Daniel Héméry trong sách “De l’ Indochine au Vietnam” viết: “Ở Huế, Thanh niên tiền phong của cựu huynh trưởng Hướng đạo Tạ Quang Bửu đã kiểm soát thành phố và thành lập một ủy ban Việt Minh từ ngày 22/8”. (8)
Ở Hà Nội, tại trụ sở “Lửa Hồng” phố Hàng Trống, Tổng hội Hướng đạo đã họp anh em “chào mừng Chính phủ, đón Cụ Hồ và chuyển hướng phục vụ Tổ quốc Việt Nam”. Vốn đã từng quen với công tác thông tin liên lạc, y tế, tham gia “phòng thủ thụ động”, băng bó người bị thương (thời kỳ 41-45…) nên phần lớn anh chị em Hướng đạo đã tham gia vào các công việc phù hợp với khả năng của mình. Hướng đạo “đã được giao nhiệm vụ đi trước các đoàn đại biểu, canh gác, bảo vệ khu vực mít tinh ngày 2-9-1945 tại Ba Đình, tuần tra, cảnh giới các địa điểm “nóng” ở Thủ đô.
Khi Phòng Thông tin của Bộ Quốc phòng thành lập, Ban Mật mã – một cơ quan tối mật, tối quan trọng được giao cho 3 hướng đạo sinh: Tạ Quang Đệ (Quang Đạm), Đinh Loan Thuyên (Hoàng Thành), Trần Mỹ Hoạch… (9). Nhiều cán bộ thông tin của Phòng Thông tin đều là Hướng đạo sinh (Trần Mỹ Hoạch, Lý Chính Thắng, Nguyễn Sao, Nguyễn Hữu Thấu).
Ngày 2-9-1945, theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã giao nhiệm vụ cho Hoàng Đạo Thúy tổ chức mạng liên lạc trong toàn quốc, hoàn thành vào ngày 9-9 năm đó. Ngày 9-9-1945 được coi là ngày truyền thống của binh chủng Thông tin liên lạc hiện nay.
Một số hướng đạo sinh khác được đưa vào các công tác xã hội, y tế như Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Hoàng Đình Cầu, Trương Công Trung, Trần Duy Hưng… Các anh Nghiêm Hoàng, Đặng Văn Việt, Nguyễn Thương, Đoàn Chương, Hồ Mai, Mai Xuân Tần, Nguyễn Hiếu… lại vào Bộ Quốc Phòng, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Một số hướng đạo sinh nhập ngũ tại các đơn vị Vệ Quốc đoàn, Tiếp phòng quân, có người đã trưởng thành giữ nhiệm vụ cao cấp như Nguyễn Thế Lâm, Dũng Mã, Cao Văn Khánh, Hà Văn Lâu, Cao Pha, Tôn Thất Hoàng, Hoàng Đình Phu, Lê Liêm, Ngọc Dũng, Phan Tử Quang. Một số anh em khác yêu nghề “trinh thám”, được gọi vào các đội biệt động, công an như Dương Thông, Lê Thành, Trần Quốc Hương, Hoàng Đạo; một anh em khác lại hoạt động khoa học kỹ thuật như Lê Khắc, Nguyễn Tạo, Nguyễn Như Kim; sang văn hóa, giáo dục như Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Hồ Trúc, Thế Lữ…
Khi Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn thành lập, chức Hiệu trưởng được Bác Hồ giao cho Hoàng Đạo Thúy, một huynh trưởng Hướng đạo ngoài Đảng. Một số lớn học viên và giáo viên, nhân viên nhà trường đều là hướng đạo sinh cũ… Nhiều chị phụ trách Sói con, “chim con” Hướng đạo như Diệu Hồng, Đoàn Tâm Đan, Hoàng Thị Hậu cũng đã cùng với các chị em khác tham gia công tác giao thông liên lạc, y tế xã hội, giáo dục…
Một số cán bộ cao cấp của Đảng, thời thanh niên cũng đã là hướng đạo.
Nhờ có truyền thống tốt đẹp của ông cha, tổ tiên, nhất là lòng yêu nước nên thanh niên Việt nam khi được tổ chức, thời nào cũng là rường rường cột của Tổ quốc.
Tước bỏ đi những đố kỵ, lo sợ, phiền hà, mà trong một thời gian dài những người Hướng đạo không dám tự nhận sự thật vì nhiều lý do khác nhau, và cũng như trong một thời gian không ngắn nhiều người còn chưa hiểu, còn ngại ngần đánh giá về những hoạt động của Hướng đạo do có trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”, nay nhìn lại quá trình thành lập, hoạt động, tham gia vào công việc ứu nước giữ nước của Hướng đạo trước, trong và sau Cách mạng tháng Tám, chúng tôi mạnh dạn nghĩ rằng: Hướng đạo sinh là một trong những lực lượng thanh niên trí thức của Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến giành độc lập của dân tộc.
Đề nghị chúng ta nên tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm và có kết luận khoa học, lịch sử về vấn đề này.
Chú thích:
1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, NXB Sự thật, Hà Nội, 198…, tr. 469-472
2) Văn kiện Đảng (27-10-1929 – 7-4-1936). NXB Sự thật, Hà Nội, 1964, tr. 472, 476
3) Văn kiện Đảng (1970-175) BNCLSD T.Ư, 1977, tr 345, 421
4) Báo “Hướng đạo thẳng tiến” số ra ngày 26-11-1945
5) Xem số báo “Hướng đạo thẳng tiến” đã dẫn
6) Theo lời bác Hoàng Đạo Thúy thuật lại ngày 15-3-1993
7) Theo lời bác Hoàng Đạo Thúy
8) Lịch sử bộ đội Thông tin liên lạc, Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc xuất bản, Hà Nội, 2982, tập 1, tr. 44
9) Lịch sử bộ đội Thông tin liên lạc, Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc xuất bản, Hà Nội, 2982, tập 1, tr. 44
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn