Gilbert Chiếu – dòng máu họ Hùng

04:24 CH @ Thứ Tư - 12 Tháng Tám, 2015

Năm 1867 (hoặc 1868), ở làng Vân Tập tỉnh Rạch Giá có một ông hương chức Trần Thọ Cửu sinh được cậu con trai đặt tên là Trần Chánh Chiếu. Là tầng lớp trên trong làng, có của ăn của để, ông quyết tâm cho cậu ăn học đến nơi đến chốn. Các thầy nhận xét: Chiếu thông minh, nhưng bướng bỉnh, hay thắc mắc làm thầy lúng túng. Học xong trường tỉnh, cậu lên Sài Gòn học tiếp ở trường Bá Đa Lộc (College d’Adran).

Bấy giờ, thực dân Pháp đã chiếm xong ba tỉnh miền Tây Nam Bộ và tiến hành xây dựng chính quyền ở các địa phương. Họ ở nhiều trường tiểu học Pháp Việt ở các thị xã, dạy chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Trường Chiếu học là trường Pháp Việt mở đầu tiên ở Việt nam, chỉ bảy tháng sau khi Pháp chiếm được đại đồn Chí Hòa vào tháng 9 năm 1861, do các linh mục trong Hội Thừa sai Paris thành lập. Mục đích của trường là đào tạo thông dịch viên cho quân đội Pháp và thư ký cho các cơ quan hành chính.

Khi Chiếu vào học thì trường Bá Đa Lộc đã có hoạt động tương đối quy mô. Cậu giỏi cả Pháp văn lẫn Việt văn. So với các bạn bè chỉ biết cắm cúi học tập và ngoan đạo, Chiếu có vẻ già dặn hơn, thường quan tâm, suy nghĩ đến tình hình đất nước.

Trở thành đại điền chủ

Sau khi ra trường, Trần Chánh Chiếu được bổ làm giáo học tại quê nhà. Trong một chuyến viếng thăm trường, viên chủ tỉnh Rạch Giá người Pháp thấy Chiếu ăn nói lưu loát, đã lấy chàng hương sư trẻ làm thông ngôn cho mình. Nhờ vậy, ông có dịp được đi đây đi đó, giao du với nhiều người Pháp, đọc báo chí từ Pháp gửi sang, tìm hiểu tư tưởng và nền văn minh phương Tây. Tính lại ham học hỏi, nhận biết những cái hay của họ, nên Trần Chánh Chiếu nổi tiếng là người có kiến thức rộng, ăn nói có lý có lẽ, thuyết phục người nghe.

Thấy trong tỉnh có nhiều vùng đất hoang hóa nhưng rất thuận tiện giao thông, ông xin khẩn đất, chiêu mộ dân đến làm ăn với nhiều điều kiện ưu đãi. Vì thế ông được dân nghèo, nhất là những người bị mất ruộng do chính sách cướp đất của thực dân Pháp tìm đến rất đông. Trần Chánh Chiếu lại có đầu óc tổ chức, biết quy hoạch đất đai, vẽ bản đồ lập phố xá, đường giao thông, thiết kế và xây dựng chợ búa cho dân buôn bán… nên chỉ trong một thời gian ngắn, vùng Tràm Vẹt đã trở thành một nơi trù phú, dân cư đông đúc. Bản thân ông nhờ đó cũng trở thành một đại điền chủ giàu có, sở hữu hàng trăm mẫu đất đai. Dân chúng rất kính trọng ông, nên khẩn khoản mời ông về làm xã trưởng. Trần Chánh Chiếu được phong hàm Đốc phủ. Ông gia nhập quốc tịch Pháp, mang tên Tây là Gilbert nên thường được gọi là Gilbert Chiếu. (Việc vào “làng Tây” của Trần Chánh Chiếu có thể có lý do là để tạo vỏ bọc cho dễ làm ăn, và đỡ bị các quan lại địa phương quấy nhiễu).

Chí hướng khác thường

Xem ra ông Đốc phủ không mấy mặn mà với việc hành chính mà chỉ chú ý khai thông dân trí, cải tạo xã hội, gây dựng văn hóa bản địa. Trong thập niên đầu của thế kỷ 20, ông kết giao với bạn bè cùng chí hướng trong Nam như Lương Khắc Ninh, Trương Duy Toản, Đặng Thúc Liêng, Nguyễn An Khương (thân phụ nhà cách mạng Nguyễn An Ninh) và các chí sĩ trong phong trào Đông Du ngoài Bắc. Nghe tiếng ông là người nhiệt tình yêu nước, nhà cách mạng Phan Bội Châu lúc đó đang ở Hương Cảng (tên gọi khi ấy của Hồng Kông) đã thông qua con trai ông là Jules Trần Chánh Tiết đang du học tại đây, mời ông sang gặp. Hai người rất tâm đầu ý hợp, bàn nhau phối hợp phong trào Đông Du giữa hai miền Nam – Bắc. Lấy cớ đi thăm con du học ở Hương Cảng, ông đã nhiều lần qua lại giữa Nam Kỳ và Bắc Kỳ, gặp gỡ các văn thân và chuyển giúp tài liệu. Chính ông là người đưa Hải ngoại huyết thưViệt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu về phổ biến ở miền Nam. Jules Tiết sau cũng là một người hăng hái tham gia cách mạng, bôn ba nhiều năm nơi hải ngoại, hợp tác chặt chẽ với cụ Phan.


Nhà trí thức yêu nước Trần Chánh Chiếu

Về nước, Trần Chánh Chiếu đứng ra thành lập hội Minh tân, lấy từ chữ “Minh đức, tân dân”trong sách Đại học thuộc bộ Tứ Thư. Hội Minh tân như một thỏi nam châm mạnh, thu hút giới trí thức, điền chủ, tư sản và các hương chức nông thôn có lòng yêu nước, chung tay làm việc nghĩa. Hội đề xướng và lãnh đạo cuộc vận động Duy tân theo gương người Trung Quốc và Nhật Bản hồi đầu thế kỷ 20. Trước mắt, Minh tân gây sự chuyển biến xã hội bằng cách đả phá những quan điểm Nho giáo lỗi thời như “trọng nông, ức thương”, cách xếp hạng “sĩ nông công thương” vốn đã ăn sâu trong tư tưởng cộng đồng, khuyến khích mọi người đứng ra “tranh thương”, “làm công nghiệp”… Có thể coi phong trào Minh tân là một phong trào chính trị tương đương với Đông Kinh nghĩa thục ở ngoài Bắc. Ngoài ra, Trần Chánh Chiếu còn tổ chức đưa thanh niên sang Nhật du học, được ba chuyến trót lọt, đến chuyến thứ tư thì một số thanh niên bị Pháp bắt lại, giam giữ. Vì thế, ông được dân miền Nam coi như trụ cột của phong trào Duy tân ở Nam Kỳ và gọi là “ông Phú Minh tân”.

Nhà báo đầy dũng khí

Nhận thấy tác dụng to lớn của báo chí trong việc cải tạo xã hội, Trần Chánh Chiếu đã viết nhiều bài báo cổ động lòng yêu nước của nhân dân với các bút danh như Đông Sơ, Quang Huy, Kỳ Lân Các, Nhựt Thăng, Thiên Trung… Năm 1906, ông được mời làm chủ bút tờ Nông cổ mín đàm(nghĩa là ngồi uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn). Đây là tờ báo kinh tế bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta, ra tuần ba kỳ. Báo có tám trang, các trang giữa đăng truyện dịch của Tàu, Anh, Pháp, thơ ca, hướng dẫn cách thức vệ sinh phòng bệnh và trồng trọt, chăn nuôi, thông tin về giá lúa gạo bán ra các nước. Mục “Thương cổ luận” trên trang nhất là mục quan trọng, khẳng định “Sự đại thương là đệ nhất cách giúp cho dân quốc phú cường”, hướng dẫn các thương nhân Việt Nam cách giao thương buôn bán, đồng thời kêu gọi họ đoàn kết để cạnh tranh với các thương nhân Hoa kiều và Ấn kiều.

Năm 1907, ông được mời làm chủ bút tờ Lục tỉnh tân văn do một người Pháp là Schneider làm chủ nhiệm, ra đời trước đó một thời gian nhưng không được chú ý. Đến khi Trần Chánh Chiếu làm chủ bút, tờ báo khởi sắc hẳn lên như được ông thổi vào một luồng sinh khí mới. Ông xác định “Tờ báo có ý khai đàng văn minh cho nhân dân đặng tấn phát cho bề đạo việc đời đều thông thuộc” và mong muốn dung tờ báo để “biến cải Nam nhân”, “khuyến khích người An nam lo việc thương mãi, học nghề nghiệp mà tranh đua quyền lợi với Chệt và Chà(1). Không những thế, ông còn biến tờ báo thành một diễn đàn phổ biến những tư tưởng dân chủ của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu (2)và công khai kêu gọi quốc dân thực hiện đổi mới xã hội, xây dựng một nền quốc văn mới, phù hợp với văn minh phương Tây. Ông kêu gọi nhân dân xóa bỏ cờ bạc, thuốc phiện; giảm các nghi thức cưới xin, ma chay, cắt tóc ngắn, mặc “đồ Tây” (âu phục)… gây ra một làn sóng đổi mới mạnh mẽ về phong tục trong xã hội thời bấy giờ.

Người đọc có thể thấy trên tờ Lục tỉnh tân vănrất nhiều bài bút lực sắc bén, lập luận chặt chẽ công kích chế độ thuộc địa. Không chỉ chĩa mũi dùi vào bọn quan lại, báo còn phê phán những thói xấu của người Việt trong làm ăn, trong đối nhân xử thế. Trần Chánh Chiếu chỉ rõ những nhược điểm khiến người An Nam không làm ăn lớn được, đồng thời tìm ra những nguyên nhân làm giàu của người Tàu người Tây phổ biến cho mọi người biết. Tại trụ sở báo Lục tỉnh tân văn, các thành viên của hội Minh tân còn lập phòng tư vấn miễn phí về pháp lý kinh doanh, kế toán, thuế… giúp những ai có ý định kinh doanh mà chưa hiểu luật lệ.

Những việc làm “khác thường” ấy đã bị thực dân Pháp đánh hơi thấy. Dù có quốc tịch Pháp, Gilbert Chiếu vẫn bị chính quyền cho vào sổ đen, cử mật thám theo dõi mọi hành vi, soi mói từng bài viết. Cuối tháng 10-1908, Trần Chánh Chiếu bị Pháp bắt giam vì liên quan đến phong trào Đông Du.

Số là, trong thời gian làm báo, Trần Chánh Chiếu đã bí mật cùng Phan Bội Châu sang Hoành Tân (Yakohama), Nhật Bản liên lạc với Kỳ Ngoại hầu Cường Để để bàn việc phục hưng đất nước. Kỳ Ngoại hầu Cường Để tên thật là Nguyễn Phúc Đường, sinh năm 1882 tại Huế, cháu đích tôn sáu đời của vua Càn Long, cháu trực hệ của Hoàng tử Cảnh. Do hoàng tử Cảnh mất sớm, tổ phụ ông là Hoàng tôn Đán bấy giờ còn nhỏ tuổi, ngôi vua đã bị Gia Long truyền sang dòng thứ là hoàng tử Đảm, tức vua Minh Mạng. Khi Phan Bội Châu thành lập Duy Tân hội, cần một người có danh nghĩa để tập hợp quần chúng, ông đã mời Kỳ Ngoại hầu làm minh chủ của Hội, đồng thời đứng đầu phong trào Đông Du. Là một hoàng thân nhà Nguyễn, ông này có tư tưởng quân chủ lập hiến và nhận làm người lãnh đạo Việt Nam Phục quốc Đồng minh hội. Năm 1906, Kỳ Ngoại hầu trốn sang Nhật cùng với Phan Bội Châu.

Ngoài việc bí mật quyên góp tiền bạc cho phong trào, Trần Chánh Chiếu còn vận động được khoảng 100 thanh niên sang Hương Cảng, đồng thời gặp Phan Bội Châu để bàn việc tổ chức cho các học sinh miền Nam sang học ở Nhật Bản. Phong trào Đông Du kéo dài cho đến khi chính quyền Nhật Bản thỏa hiệp với thực dân Pháp. Đầu năm 1908 họ trục xuất các sinh viên Việt Nam (kể cả Phan Bội Châu) về nước. Kỳ Ngoại hầu trốn sang Đức để khỏi bị bắt.

Với chủ trương và hành động theo đường lối của Phan Bội Châu (đánh đổ thực dân Pháp, thành lập chế độ quân chủ lập hiến, tôn Cường Để làm vua) Trần Chánh Chiếu đã bị chính quyền Pháp bắt giam. Họ cho đăng thông báo: “Chủ bút Lục tỉnh tân văn đã bị giam cầm vì tội đại ác (!). Nhà nước chẳng chút nào tin ở dạ trung nghĩa của Gilbert Chiếu, cho nên [trong những năm qua] đã có ra lịnh kiểm thúc thám sát [ông ta] quá đỗi nhặt nghiêm…

Chẳng biết Trần Chánh Chiếu còn bị giam tới bao giờ nếu không được luật sư Phan Văn Trường ở Tòa Thượng thẩm Paris tích cực vận động Chính phủ Nhật gửi công hàm can thiệp. Tháng 4 năm 1909, thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho Gilbert Chiếu. Trong thời gian ông ở tù, tờ Lục tỉnh tân văn cũng như hội Minh tân như rắn mất đầu, lại bị chính quyền Pháp khủng bố, làm khó dễ nên cuối cùng tờ báo phải đóng cửa, hội cũng tan rã.

Ra tù, không còn trong tay cơ quan ngôn luận, Trần Chánh Chiếu chuyên tâm làm kinh tế để “tranh thương” với người nước ngoài và giúp đỡ các nhà công nghệ, nhà buôn trong xứ. Ông bán hết ruộng nương, lập ở Sài Gòn một công ty kinh doanh đa ngành lấy tên là Minh Tân Công nghệ xã, phát triển tiểu thủ công nghiệp, đào tạo nguồn lực có trình độ, giáo dục hướng về thực nghiệp, nhằm khẳng định vị trí kinh tế của giai cấp tư sản Việt Nam.

Chưa đầy mười năm sau, Trần Chánh Chiếu lại bị tù lần thứ hai, và lần này do liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Phan Xích Long. Năm 1919, ông bị mật thám Pháp bắt và đưa ra Tòa án quân sự Sài Gòn với tội danh: ám trợ cho cuộc nổi dậy của Phan Xích Long (3)

Cuộc khởi nghĩa Phan Xích Long là một trang bi hung trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta, đã làm “chấn động những trái tim yêu nước và giới giang hồ mã thượng”, trong đó có Trần Chánh Chiếu. Do có liên quan, ông bị giam một thời gian, song vì thiếu chứng cớ buộc tội, nên chính quyền Pháp đã phải trả tự do cho ông.

*

* *

Nói đến Trần Chánh Chiếu, ngoài một nhà báo, nhà chính trị, nhà ái quốc, nhà cải cách kinh tế, còn phải kể đến một nhà văn. Ông được coi là một cây bút sáng giá của văn học miền Nam vào buổi chữ quốc ngữ mới phôi thai và có vị trí nhất định trong văn học sử Việt Nam nói chung, Nam Kỳ nói riêng. Trần Chánh Chiếu thuộc số những người đầu tiên ở Nam Bộ đã “nhập khẩu văn hóa”, chuyển tải tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Việt. Trên tờ báo của mình, ông cho dịch đăng những tác phẩm cổ điển của Trung Quốc và châu Âu. Bản thân ông đã dịch bộ tiểu thuyết Pháp Tiền căn báo hậu từ cuốn Le Comte de Monte-Cristo(1846) của Alexandre Dumas, đăng trên Lục tỉnh tân văn năm 1907 với bút hiệu Kỳ Lân Các. Ông cũng phỏng dịch tiểu thuyết Ba chàng lính ngự lâm pháo thủ (Les trios mousquetaires) của cùng tác giả đăng trên tờ báo của mình.


Trang bìa quyển tiểu thuyết "Tiền căn báo hậu"

Trần Chánh Chiếu là người đầu tiên khởi xướng phong trào viết tiểu thuyết theo lối mới. Trên tờ Nông cổ mín đàm, ông mở cuộc thi viết “Quốc âm thí cuộc” giúp định hình một trào lưu sáng tác mới, khi nhận thấy cách viết văn chương cổ điển không còn hợp thời nữa. Chính ông cũng bắt tay viết các tác phẩm Hoàng Tố Anh hàm oan, Lâm Kim Liên (cùng vào năm 1910). Hai cuốn tiểu thuyết của Gilbert Chiếu vẫn theo kết cấu chương hồi như nhiều tiểu thuyết miền Nam trong những năm đầu thế kỷ 20. Nhưng tác giả đã chú ý đến cách xây dựng tình tiết để cốt chuyện bớt dềnh dàng, kể lể, nhân vật và các hành động diễn ra một cách hợp lý, tính cách nhân vật được miêu tả rõ rang. Câu văn ông mộc mạc, không sa vào biền ngẫu như các nhà văn cùng thời. Ông đã biết vận dụng ngòi bút của mình vào con đường duy tân cứu nước…

Trần Chánh Chiếu mất năm 1919 tại Sài Gòn, an tang ở đất thánh họ đạo Tân Định. Bằng những hoạt động đổi mới về kinh tế, văn hóa, văn học với ước mơ cháy bỏng giành độc lập cho đất nước, có thể nói Trần Chánh Chiếu là một nhân sĩ yêu nước, có nhiều ý tưởng táo bạo, dám nghĩ, dám làm. Là một đại diền chủ, ông đã hy sinh toàn bộ sản nghiệp của mình, vào tù ra tội hai lần vì đại nghĩa. Ông xứng đáng có một vai trò trong lịch sử.

Có một điều rất đáng ghi nhận. Tuy mang quốc tịch Pháp, khi ấy gọi là “dân Phú Lãng”, song Trần Chánh Chiếu – Gilbert Chiếu không hề bị ai nghi ngờ về tấm lòng yêu nước và ý chí chống Pháp của ông. Khi ông từ trần, một nhà nho yêu nước ở Hà Nội là Phan Hữu đã điếu ông bằng một bài thơ trong đó có câu:

Quốc tịch mang danh dân Phú Lãng
Thâm tâm vẫn máu họ Hùng Vương

Ghi chú:

1)Một cách gọi khác để chỉ người Tàu và người Chăm

2)Khang Hữu Vi (1858-1927), Lương Khải Siêu (1873-1929) – các nhà tư tưởng chính trị theo đường lối duy tân, tân học bên Trung Quốc
3)Phan Xích Long tên thật là Phan Phát Sanh, sinh năm 1893, làm nghề bói toán, thầy ngải, pháp sư để kiếm ăn. Mật thám Pháp sợ ông dùng uy tín để kích động nhân dân nên truy lùng ráo riết. Sau vụ bắt Gilbert Chiếu năm 1908 liên quan đến nhiều người, Phan Phát Sanh phải trốn sang Xiêm lánh nạn. Tại đây, Phan gặp nhiều sĩ phu yêu nước tị nạn, trong đó có Cường Để. Trở về Châu Đốc, Phan gặp Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Hiệp, hai nhà yêu nước đã có sẵn trong tay mạng lưới các hội kín của nông dân Nam kỳ. Năm 1911, cả ba hợp tác xây dựng lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa. Phan tự xưng là Phan Xích Long (Rồng đỏ), con vua Hàm Nghi có thiên mệnh làm hoàng đế. Buổi đầu, nhờ tiền quyên góp, ông xây cất một ngôi chùa tại Cần Vọt (Cao Miên) làm nơi tụ họp, lập hội kín, sau rút về nước, lập căn cứ ở vùng núi Thất Sơn (An Giang). Họ chế tạo lựu đạn, trái phá, in truyền đơn kêu gọi chống Pháp (Phản Pháp phục Nam).Theo kế hoạch, quân của hội kín tại Sài Gòn – Chợ Lớn sẽ tấn công các cơ sở đầu não của Pháp, các hội kín ở các tỉnh cũng phối hợp nổi dậy giành chính quyền. Đêm 23 rạng sáng 24 tháng 3 năm 1913, Phan Xích Long cho người đặt tám trái bom tự tạo có hẹn giờ ở một số cơ quan của chính quyền tại Sài Gòn và Chợ Lớn, đồng thời rải truyền đơn và dán các bản hiệu triệu trong thành phố. Chẳng may chưa tới giờ bom nổ thì Pháp đã phát hiện được. Họ cho quân đi tháo gỡ và lùng bắt quân khởi nghĩa. Không nghe tiếng bom nổ, nhiều toán quân đã kịp rút đi. Tuy nhiên, Pháp vẫn bắt được một số đông khi vào Chợ Lớn, vì kiểu đồng phục “quần đen, áo trắng, khăn trắng quấn cổ”.

Kết cục, Nguyễn Hữu Trí chạy thoát, Phan Xích Long trốn ra Phan Thiết thì bị bắt, giải về giam ở Khám lớn Sài Gòn rồi bị kết án chung thân khổ sai. Ngày 15-2-1916, khoảng 300 người thuộc các hội kín ở Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Cần Giuộc, Cần Đước… một lần nữa tập hợp lại, tấn công dinh Thống đốc và Khám lớn để cứu Phan Xích Long. Nhưng quân Pháp đã đề phòng cẩn mật, họ tổ chức phản công và bắt được một số lớn.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bài “Chi bằng học“ – tư tưởng chủ đạo của Phan Châu Trinh trong sự nghiệp Duy Tân đất nước

    03/09/2015GS. Vũ Ngọc KhánhĐi sâu vào tư tưởng và học thuật, ông còn được đánh giá, được phát hiện ở nhiều lĩnh vực. Sau khi ông mất, hàng năm trên tờ Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng đã đều đặn làm lễ tưởng niệm ngày 24-3, đăng ảnh ông rất trang trọng, gọi đó là kỷ niệm ngày mất cụ Tây Hồ. Số báo nào, ông Huỳnh cũng trích một câu nói của Phan Châu Trinh - Tri Bằng Học - xem như một lời danh ngôn...
  • Đường lối giáo dục cứu nước của Đông Kinh Nghĩa Thục

    23/09/2018Nguyễn Hải HoànhGiáo dục cứu nước (GDCN) là lựa chọn quan trọng nhất của các sĩ phu sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) khi họ quyết định đường lối đấu tranh giải phóng nước nhà của tổ chức cách mạng này. Trước đó, tất cả các cuộc đấu tranh chống Pháp đều theo đường lối bạo động vũ trang.
  • Đông Kinh Nghĩa thục: Học Nhật Bản chấn hưng đất nước

    26/07/2017Mai ThụcNhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Trung tâm Văn Miếu Quốc tử Giám và Trung tâm Minh Triết Việt đã Tưởng niệm 100 năm các nhà giáo Đông Kinh Nghĩa thục. Họ là những sĩ phu yêu nước thắp sáng tư tưởng Chấn hưng - Duy Tân - Dân tộc, là những bậc thầy góp sức đặt nền móng xây dựng một triết lý giáo dục Tự lập, tự nguyện, học Tinh Hoa dân tộc và thế giới để dạy nên những con người Việt Nam hiện đại...
  • Nhìn lại phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục

    05/07/2017Nguyễn Trọng TínBỏ lối học từ chương khoa cử, tập trung cho thường thức và thực nghiệm, dạy cả tiếng Việt, Pháp và Hán văn. Chủ trương này lại xuất phát từ tầng lớp nho gia cuối cùng của Việt Nam. Không chỉ thế, chấn hưng công thương, khai mỏ, lập đồn điền, cắt tóc, xuất dương du học… cũng là chủ trương của họ. Dù chỉ tồn tại trong 9 tháng (5.1907 – 1.1908), nhưng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thực sự là đỉnh cao của cuộc cách mạng xã hội to lớn đầu thế kỷ 20 có tên là Duy Tân
  • Đọc lại văn thơ Đông Kinh nghĩa thục

    02/03/2017Nguyên AnTrong kho tàng văn chương - văn hoá Việt Nam mấy trăm năm nay, có lẽ không có một nhóm tác giả, một tao đàn, một phong trào nào tồn tại ngắn ngủi mà lại có tiếng vang tốt đẹp, lâu dài như phong trào Đông Kinh nghĩa thục.
  • Tân thư và phong trào Duy Tân ở Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam thời kỳ cận đại

    25/07/2016Phan Trọng ThưởngDấu hiệu rõ nhất cho thấy quá trình chuyển mình lịch sử tư tưởng-chính trị và học thuật của các nước phương Đông, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam là phong trào Duy tân diễn ra gần như cùng một thời điểm ở hàng loạt quốc gia Đông và Đông Nam châu Á, trong đó, Tân thư có một vai trò hết sức quan trọng...
  • Tư tưởng dân chủ của các nhà nho Duy Tân đầu thế kỷ XX

    15/09/2015Trần Đình HượuHơn 100 năm kể từ khi thành lập cũng như khi đóng cửa của trường Đông kinh nghĩa thục, trung tâm truyền bá tư tưởng và phát động phong trào dân chủ ở nước ta đầu thế kỷ. Không phải vì lý do “khánh tiết” như vậy mà ta bàn về tư tưởng dân chủ của các nhà nho yêu nước. Dân chủ hóa là yêu cầu cấp thiết của đất nước từ phong kiến đi lên xã hội chủ nghĩa đã đượt đặt ra từ khi thành lập và được Đại hội VI đặc biệt nhấn mạnh. Nội dung dân chủ trong tư tưởng và trong thực tế, là những bậc thang trên chiều cao của tiến bộ xã hội, cho nên hiểu tư tưởng dân chủ của các nhà Nho duy tân là xác định độ cao đó của nước ta đầu thế kỷ...
  • Đông Kinh Nghĩa Thục, thử nhìn từ một góc độ khác

    02/07/2015Nguyên NgọcCó một tư liệu có lẽ có thể cung cấp cho chúng ta một câu trả lời độc đáo và thuyết phục, hoặc ít nhất, một gợi ý rất đáng để tiếp tục suy ngẫm, không chỉ để hiểu một quá khứ lịch sử quan trọng, mà còn có thể giúp ta suy nghĩ về những vấn đề đang đặt ra trong phát triển của chính chúng ta hôm nay...
  • Các cụ xưa đã khai dân trí qua sách vở "Đông Kinh Nghĩa Thục" năm 1907 như thế nào?

    23/06/2015Sưu tầmĐông Kinh Nghĩa Thục đã tạo nên một bão táp trong tư tưởng và hành động của sĩ phu đương thời. Học sinh dồn dập đến trường và các trí thức uyên bác được tập hợp lại, cùng nhau giảng dạy, viết giáo trình, tổ chức hội thảo, diễn thuyết, cổ động từ nơi này qua nơi khác… Phong trào mang tính cách mạng rầm rộ về văn hoá và tư tưởng...
  • Một thiếu sót trong văn học sử Việt Nam: Đông Kinh Nghĩa Thục

    16/06/2015Nhà văn Thiếu Sơn (1908-1978)Văn học sử Việt Nam có nhiều biến cố quan trọng. Chữ Nôm xuất hiện là một biến cố quan trọng. Chữ quốc ngữ ra đời cũng là một biến cố quan trọng... Như thế cũng là bỏ một biến cố quan trọng là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục xuất phát năm 1907...
  • Đông Kinh Nghĩa thục và những điều kiện Hiện đại hoá

    21/05/2015Nhà nghiên cứu giáo dục Phạm ToànTự do này, độc lập này mà đồng bào ta vừa giành lại, chúng ta phải gìn giữ trong lĩnh vực tinh thần. Các dân tộc trường tồn chính là nhờ có thành tựu nghệ thuật và khoa học. Chúng ta cần dõng dạc và hào hùng tự khẳng định mình trong tư cách một dân tộc. Đó là lời dặn dò của cụ Nguyễn Hữu Cầu – suy ra cũng là những lời dặn dò Đông Kinh Nghĩa thục...
  • Duy tân?

    13/08/2014Phan Thanh MinhTheo Hán Việt từ điển, học giả Đào Duy Anh giải thích “duy tân”: điều gì cũng sửa lại mới (réformer). Sau này, nhà Hán – Nôm học Phan Văn Các bằng phương pháp thu thập các từ tố và từ ngữ Hán Việt trong tiếng Việt hiện đại đã biên soạn cuốn từ điển Từ điển từ Hán Việt đã giải thích “duy tân”: cải lương theo cái mới (động từ)...
  • 100 năm nhìn lại Duy Tân hội và phong trào Đông Du của Phan Bội Châu

    25/06/2013Ðinh Kim PhúcSự thất bại của cụ Phan và sự thất bại của các phong trào do Cụ khởi xướng do nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng hơn hết là có nhiều yếu tố lịch sử và thời đại đã vượt qua tầm nhìn của ông. Nhưng sự nghiệp mà ông để lại như hàng lớp con người yêu nước, các cơ sở cách mạng ở Hàng Châu, Quảng Ðông, Quảng Tây, Thái Lan... là những nền tảng cơ bản để Nguyễn Ái Quốc tiếp thu và nâng nó lên tầm cao mới vào những năm 20 của thế kỷ XX...
  • 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục: Trong cái nhìn hôm nay

    21/10/2011Cái nhìn của một số trí thức thời nay về phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngẫm chuyện xưa để nói chuyện nay - con đường phát triển dân tộc...
  • Duy tân

    18/07/2009Nguyễn Văn Vĩnh (Trích tạp chí Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo, số 812, ngày 8–8–1907)Làm người muốn ở đời phải khôn, phải xét thế lực mình mới được, xét việc gì phải xét đầu xét đuôi, rồi hãng nói, chớ đừng có nằm đáy giếng trông lên tưởng giời bằng cái vung; duy–tân không phải là cứ dận xằng dận xịt hết đổ ra lũ này lại đổ ra bọn kia. Mình tiến cứ việc mà tiến, dậy cứ việc mà dậy, không có ai nghe cũng là tại mình, chớ nhời hay mà phải nhẽ thì ai cũng phải lọt tai.
  • xem toàn bộ