Điều tâm niệm thứ ba. Sống theo một lý tưởng
Bài trước:
- Điều tâm niệm thứ nhất. Theo Mới
- Điều tâm niệm thứ hai. Tin ở sự tiến bộ
- Điều tâm niệm thứ ba. Sống theo một lý tưởng
- Điều tâm niệm thứ tư. Làm việc xã hội
- Điều tâm niệm thứ năm. Luyện tính khí
- Điều tâm niệm thứ sáu. Phụ nữ ra ngoài xã hội
- Điều tâm niệm thứ bảy. Luyện lấy bộ óc khoa học
- Điều tâm niệm thứ tám. Cần sự nghiệp không cần công danh
- Điều tâm niệm thứ chín. Luyện thân thể cường tráng
- Điều tâm niệm thứ mười. Cần có trí xếp đặt
Đời các cụ đồ nho ngày xưa êm đềm lắm. Họ không băn khoăn, không hoài nghi, mục đích của đời người hiện ra trước mắt họ một cách rõ rệt, hiển nhiên. Cả một ký vãng nặng nề đè lên tâm trí họ, đóng khuôn họ vào một quy củ nhất định, không bao giờ biến cải. Nghiêu, Thuấn rồi đức Khổng, từ bao nhiêu thế kỷ, đã minh bạch vẽ cho họ một con đường phải theo: Tu thân để tề gia, tề gia rồi trị quốc, trị quốc rồi bình thiên hạ. Các cụ nho ta ngày xưa, hết đời này sang đời khác, cứ bình tĩnh lần theo con đường ấy, như con ngựa thắng cương cứ thẳng lối mà đi không lệch sang phía khác. Vả lại, có muốn lệch cũng không được. Tư tưởng thay đổi chưa thành hình trong óc họ, đã lại bị những sức mạnh vô hạn của quá khứ phá tan đi. Họ chỉ còn có một lối: là nhắm mắt theo cổ nhân, theo từ ý tưởng cho chí hành động.
Cõi đời êm đềm ấy bỗng dưng ngừng lại. Tiếng súng thần công của người phương Tây đã phá đổ tòa lâu đài kiên cố của nhà Nho và gieo vào lòng các dân tộc Đông phương những mối hoài nghi đầy hy vọng.
Bắt đầu từ đấy, tư tưởng ta không bị quá khứ áp chế nữa, được tự do phát triển và nảy nở ra. Nhưng chính sự giải phóng tư tưởng ấy đã đem lại cho ta bao nỗi băn khoăn.
Ném vào giữa hai dòng văn hóa trái ngược nhau, thanh niên ta bứt rứt đi tìm nghĩa sự sống. Họ không còn phải là những người nối chí được ông cha họ nữa. Cái học cũ đã để lại cho cái học mới, tứ thư, ngũ kinh, những nền tảng của văn hóa Đông phương đối với họ không còn cái nghĩa thiêng liêng như xưa.
Đã đành rằng vẫn có người của phái cũ đứng ra hô hào giữ gìn lại đạo của thánh hiền, nhưng cơ đồ không còn phương cứu vãn được nữa. Khoa học đã dạy cho ta biết suy xét, không nhắm mắt phục tòng như trước. Con ngựa đã tháo yên, tháo cương, ngước mắt nom ra tứ phía, thấy rộng rãi, man mác, mênh mông, đường lối chi chít.
Mới đầu, trước cái tình thế ấy, thanh niên ngơ ngác, lưỡng lự, không biết hành động ra sao. Họ mất giáo hóa xưa nhưng chưa hấp thụ giáo hóa mới cho đến nơi đến chốn. Họ hóa ra phất phơ như chiếc lá thu theo gió mà bay, không có thể tự chủ được. Là vì họ chưa quen dùng sự tự do. Tư tưởng họ rối loạn: họ không biết lấy chủ nghĩa gì làm phương châm cho đời họ. Giáo dục ở nhà trường đưa họ đi một nơi. Giáo dục trong gia đình kéo họ về một nẻo, bao nhiêu nỗi băn khoăn, đau khổ đều vì sự tương phản ấy mà ra.
May thay! Sự đau khổ về tinh thần kia lại chính là nguồn gốc của một trật tự mới.
Có một số thanh niên – Tôi muốn nói là số ít, không có can đảm chịu đựng được lòng băn khoăn nọ, đưa nhau đến một đời vật chất. Sống, với họ, chỉ để mà chơi. Đời, đối với họ, chỉ là một cuộc hoan lạc. Họ không có chủ nghĩa, mục đích gì hết. Họ không biết rằng sự khoái lạc của giác quan chỉ đưa họ đến sự ghê tởm, sự chán nản, sự tự sát. Loài người không ưa đê tiện sống một đời vật chất của con vật.
Một số thanh niên khác, phần đông, đã có hồi băn khoăn về nghĩa lý đời người, đã có lúc đau đớn tâm hồn về những điều trông thấy. Nhưng họ không thể đủ can đảm để tìm tòi cho đến kỳ cùng. Công cuộc đến nửa chừng, họ bỏ dở. Họ có chí mới, nhưng trước sức phản động còn ẩn náu trong gia đình, ngoài xã hội, họ không đủ sức để chống giữ. Cho nên, dần dà, với thời gian, lòng họ hóa nguội lạnh, theo hoàn cảnh mà sống một đời vô vị.
Thanh niên ta không thể sống mãi như vậy được. Ta muốn đời ta có nghĩa lý, muốn cho dân ta một ngày một mới, một ngày một hơn, ta phải tìm một lý tưởng mà theo.
Đời ta có giá trị, ta phải nhớ rằng vì ta có lý tưởng.
Người ta, như tôi đã nói, nếu chỉ sống như một con vật, thật là không đáng sống. Lý tưởng, vì dựa vào những năng lực, những tính chất cao quý của loài người, sẽ đưa ta đến một đời có giá trị.
Lý tưởng, vì hợp với những chí hướng sâu xa trong lòng người, sẽ đưa ta đến một đời hạnh phúc.
Vậy muốn cho đời ta có nghĩa, ta phải sống theo một lý tưởng.
Lý tưởng…
Cần phải có một lý tưởng để soi sáng cả đời ta, sự thật đã rõ ràng hiển nhiên. Nhờ lý tưởng, ta sẽ được an ủi những khi thất vọng, ta sẽ hăng hái nhiệt thành đối với những việc đáng làm, đời của ta sẽ có nghĩa.
Chọn một lý tưởng mà theo, đó là một việc quan trọng nhất trong đời ta vậy. Lý tưởng không phải chỉ có một. Hai người bạn có thể theo hai lý tưởng khác nhau, hay trái ngược nhau.
Lý tưởng phải hợp với những tính tình cao thượng, những chí hướng bang bạc trong linh hồn ta.
Đã chọn được lý tưởng, thật không còn gì hơn làm những công việc hợp với lý tưởng ấy. Như vậy, tức là đạt đến hạnh phúc rồi.
Nhưng dẫu cho công việc hàng ngày không hợp với lý tưởng của ta, hành động của ta cũng nhất nhất phải dựa theo lý tưởng.
Như thế, ta phải vui mà sống, ta sẽ có thể tự hào mà sống ở đời.
Tóm tắt “Mười điều tâm niệm”
(Hoàng Đạo - Tự Lực Văn Đoàn, Báo Ngày Nay, 1939)
1. Điều tâm niệm thứ nhất: Theo mới, hoàn toàn theo mới không chút do dự
(Tuyệt đối bỏ văn hóa cũ để theo văn hóa ở Âu Tây. Tinh thần riêng của dân tộc sẽ đào thải những cái gì không thích hợp)
2. Điều tâm niệm thứ hai: Tin ở sự tiến bộ một ngày có thể một hơn.
(Công kích phái thủ cựu tin tưởng một cách quá đáng vào các khuôn phép cũ)
3. Điều tâm niệm thứ ba: Sống theo một lý tưởng
(Hoàng Đạo cho rằng các sĩ phu ngày trước không có lý tưởng vì họ bình thản bước theo con đường do các bậc thánh hiền xưa vạch sẵn)
4. Điều tâm niệm thứ tư: Làm việc xã hội
(Xã hội cũ là một xã hội đóng kín, trong đó người ta có óc vị kỷ vì chỉ nghĩ đến thân danh, gia đình, họ hàng, làng xóm, mà không có tinh thần xã hội rộng rãi)
5. Điều tâm niệm thứ năm: Luyện tính khí
(có học thức không đủ, còn cần phải có một ý chí hùng mạnh vững vàng. Bởi vậy cần phải luyện tính khí để nâng cao nhân phẩm)
6. Điều tâm niệm thứ sau: Phụ nữ ra ngoài xã hội
(Phụ nữ phải bình đẳng với nam giới không những về quyền lợi mà cả về nghĩa vụ nữa)
7. Điều tâm niệm thứ bảy: Luyện lấy bộ óc khoa học
(Hoàng Đạo nêu ra những tai hại trầm trọng của óc mê tín, và trình bày sự cần thiết và công dụng của khoa học)
8. Điều tâm niệm thứ tám: Cần sự nghiệp không cần công danh
(Người xưa thường lẫn công danh với sự nghiệp. Ngày nay thanh niên cần phải tẩy trừ óc chuộng hư danh để mà xây dựng sự nghiệp bằng cách làm ích cho người chung quanh)
9. Điều tâm niệm thứ chín: Luyện thân thể cường tráng
(Công kích tinh thần văn nhược thuở xưa và khuyến khích thanh niên siêng năng thể dục)
10. Điều tâm niệm thứ mười: Cần có trí xếp đặt
(Chỉ trích thói cẩu thả, luộm thuộm, và nêu ra sự quan trọng của óc tổ chức, làm việc có phương pháp kiểu phương Tây)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn