Tư tưởng của Phan Bội Châu về nội lực
Trong đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc, chủ trương làm cách mạng bạo lực nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa dân tộc ta và thực dân Pháp là khuynh hướng chủ đạo trong tư tưởng của Phan Bội Châu. Đối với Phan Bội Châu, cứu nước, giải phóng dân tộc là mục đích tối cao, nhất quán trong mọi suy tư và hoạt động chính trị của mình. Theo ông, để thực hiện mục đích này cần phải có một nguồn lực cần thiết để lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, trước hết là nguồn lực trong nước - nguồn nội lực; còn ngoại viện chỉ làm thanh thế cho nội lực mà thôi.Tư tưởng về nội lực luôn xuyên suốt trong đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của Phan Bội Châu. Để giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh với kẻ thù không đội trời chung với dân tộc Việt Nam, chúng ta phải có một nguồn lực mạnh. Trong hoàn cảnh một nước thuộc địa nửa phong kiến với một nền kinh tế tự cung, tự cấp lại phải đối mặt với một nước đế quốc có tiềm lực kinh tế mạnh, theo Phan Bội Châu, chúng ta cần thiết phải tiến hành: một mặt, xây dựng và phát huy sức mạnh của các yếu tố cấu thành nội lực, như kinh tế, văn hóa, truyền thống và con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam; mặt khác, phải tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ của nước ngoài, đặc biệt là những nước mạnh để vừa bổ sung, tăng cường thực lực của mình, vừa tiếp thu, học tập kinh nghiệm của họ.
Tăng cường sức mạnh nội lực không có nghĩa là đóng kín, khước từ sự giúp đỡ ở bên ngoài; trái lại, phải biết mở rộng và tăng cường tận dụng các yếu tố của nguồn lực bên ngoài để nhân lên sức mạnh của mình - sức mạnh nội lực. Nguồn lực trong nước không tách rời với nguồn lực nước ngoài và trong mối quan hệ giữa hai nguồn lực này, Phan Bội Châu khẳng định, nguồn lực trong nước - nội lực là cái giữ vai trò quyết định; còn ngoại viện, một trong những yếu tố của nguồn lực nước ngoài - ngoại lực chỉ làm thanh thế cho nội lực mà thôi; lực lượng bên ngoài phải thông qua lực lượng bên trong mới phát huy được tác dụng của nó. Như vậy, ở đây, Phan Bội Châu đã nhận thức được vị trí, vai trò và sức mạnh của nội lực, cũng như nhận thức được mối quan hệ giữa tự lực, tự cường và viện trợ của nước ngoài. Chính điều này đã tạo nên nét đặc sắc trong tư tưởng của Phan Bội Châu.
Theo Phan Bội Châu, kế hoạch chủ yếu dựa vào người nước ngoài để làm cách mệnh là một kế hoạch hoang đường. Ông vạch rõ cho mọi người hiểu rằng, “trong nước không có tổ chức, kinh dinh gì, mà chỉ hư trương ngoại lực, vạn sự ỷ nhân (hư trương thế lực bên ngoài, trăm nghìn sự việc đều dựa vào người khác). Xưa nay đông tây tuyệt không một đảng cách mệnh nào, chỉ là đoàn “ăn mày” mà thành công được”(1).
Sống chỉ biết dựa vào người khác, đó chẳng những là kẻ ăn mày mà còn là những kẻ dã man. Ông lý giải: “Dã man là nghĩa gì? Không phải lấy lá cây làm quần áo che thân, bắt rắn rết làm thức ăn mới gọi là dã man; mà những kẻ hại nòi, hại giống chính là dã man. Những kẻ ham chuộng sự giả dối là dã man; những kẻ có tính ỷ lại là dã man; những kẻ bạc nhược không có tính tự cường cũng là dã man”(2). Vì vậy, Phan Bội Châu mong người nước ta hãy bán cái dã man để tiến bước trên con đường văn minh.
Mặc dù trong điều kiện thực dân Pháp ngày càng đè nặng sự áp bức, bóc lột của chúng đối với nhân dân ta, nhưng Phan Bội Châu, một mặt, kiên quyết cổ vũ cho tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc; mặt khác, chủ động đứng ra gánh vác nhiệm vụ của hội Duy Tân giao phó, đó là tranh thủ sự giúp đỡ của Nhật Bản để gia tăng thực lực nhằm phá tan gông xiềng nô lệ của thực dân Pháp. Cho dù sự giúp đỡ đó chỉ làm tăng thanh thế cho nội lực, nhưng đây là một việc làm cần thiết, nhằm thoát khỏi sự cương toả, giam hãm của thực dân Pháp, thoát khỏi tư tưởng “nội hạ, ngoại di”, “hậu cổ, bạc kim”, “xưa đúng, nay sai”, “trọng nông, ức thương”, “bế quan, toả cảng” trong những năm đầu thế kỷ XX. Thoát khỏi sự giam hãm và những tư tưởng trên chính là thoát khỏi các vật cản để giải phóng và thúc đẩy nội lực phát triển.
Hướng ra bên ngoài để gia tăng nội lực là xu hướng phát triển tất yếu của quốc gia. Hướng đến Nhật Bản là hướng đến một hình thái kinh tế - xã hội mới cao hơn hình thái kinh tế - xã hội phong kiến, là hướng đến một mô hình xã hội tư bản chủ nghĩa cụ thể ở phương Đông đang thu hút sự quan tâm chú ý của mọi người bởi sự dồi dào về nguồn lực và sự phát triển nhanh chóng về nguồn lực. Đó còn là hướng đến một đất nước có truyền thống Nho học, nhờ duy tân mà trở thành quốc gia phát triển và hùng mạnh. Do đó, trong bối cảnh của Việt Nam ở những năm đầu thế kỷ XX, với một người vốn xuất thân từ “cửa Khổng sân Trình”, lại mới chỉ được tiếp xúc với các trào lưu tư tưởng tư sản được chuyển tải qua “Tân thư”, “Tân văn”, thì tư tưởng hướng ra bên ngoài để tăng cường nguồn lực, cũng như để xác lập mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực là một định hướng phù hợp trên con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Phan Bội Châu.
Trước sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến trong việc bảo vệ đất nước nửa cuối thế kỷ XIX và yêu cầu giải phóng dân tộc hồi đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu nhận thấy rằng, đã đến lúc phải từ bỏ hệ tư tưởng phong kiến, tìm kiếm một hệ tư tưởng mới cao hơn làm cơ sở cho đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc. Theo đó, năm 1904. tại Quảng Nam, Phan Bội Châu thành lập hội Duy Tân. Cương lĩnh của hội Duy Tân nêu rõ: “Trọng yếu nhất ba khoản:
1. Muốn khuyếch trương thế lực cho hội, tất phải trong một kỳ hạn gần đây, chiêu đảng viên cho đông thêm, góp đảng phí cho dày thêm. Sẽ trù tính cho đủ mọi tài liệu.
2. Sau khi bạo động phát nạn (phát sinh) được rồi phải lo gấp rút những tài liệu để tiếp tục tiến hành.
3. Định một phương châm ra ngoài cầu viện với thủ đoạn nên như thế nào”(3).
Mục đích của hội là huy động và tăng cường nguồn lực để tiến hành bạo động lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, khôi phục nền độc lập dân tộc, xây dựng một nhà nước theo mô hình quân chủ lập hiến của Nhật Bản. Sự ra đời của hội Duy Tân đánh dấu bước chuyển hướng từ quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến trong tư tưởng của Phan Bội Châu. Thể chế chính trị là một trong những yếu tố quan trọng để cấu thành, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của nội lực. Bởi vì, các quan hệ chính trị có tác động mạnh mẽ đến đời sống của mọi thành viên trong xã hội. Cái quan trọng của chính trị là tổ chức chính quyền của nhà nước, là sự tham gia của nhân dân vào công việc của nhà nước.
Bằng sự nhạy cảm và kinh nghiệm được rút ra từ quá trình hoạt động của mình cùng với cuộc sống bình dị và gần gũi với nhân dân lao động, Phan Bội Châu đã biết vượt lên để hướng tới một thể chế chính trị mới – quân chủ lập hiến. Với thể chế quân chủ lập hiến, nhân dân có quyền đứng lên đấu tranh, chủ quyền phải thuộc về nhân dân. Phan Bội Châu viết: “Vận mệnh nước ta do dân ta nắm giữ. Giữa đô thành nước ta đặt một toà Nghị viện lớn. Bao nhiêu việc chính trị đều do công chúng quyết định… Phàm nhân dân nước ta không cứ là sang hèn, giàu nghèo, lớn bé đều có quyền bầu cử. Là vua nên để hay nên truất; dưới là quan nên thăng hay nên giáng, dân ta đều có quyền quyết đoán cả”(4).
Công việc chính trị phải do nhân dân quyết định, quyền lực phải thuộc về nhân dân. Tư tưởng này đã có ảnh hưởng tích cực, sâu rộng trong nhân dân, tạo nên một luồng sinh khí mới làm tăng thêm sức mạnh của nội lực. Đối với Phan Bội Châu, ông không chấp nhận sự bảo hộ của bất cứ một cường quốc nào, khẳng định dân ta phải nắm giữ vận mệnh của nước ta. Điều này có nghĩa rằng, sức mạnh nội lực là cái đóng vai trò quyết định; sức mạnh nội lực trước hết là sức mạnh tự lực, tự cường và sự đoàn kết của cả một dân tộc; sức mạnh ấy sẽ được nhân lên gấp bội khi mỗi người dân nhận thức được trách nhiệm và quyền lực của mình.
Theo Phan Bội Châu, thoát khỏi sự lệ thuộc vào thực dân Pháp và thu quyền bính về tay mình là điều kiện cơ bản để “nhân dân sẽ sử linh được, tài sản sẽ vận dụng được. Lúc bấy giờ, muốn chấn dân khí thì dân khí cao vọt, muốn nuôi nhân tài thì nhân tài ngày càng thành đạt”(5). Dân tộc Việt Nam phải đứng lên làm chủ vận mệnh bằng chính sức mạnh của mình, chứ không nên ỷ lại, trông cậy sự giúp đỡ ở bên ngoài, không nên cúi đầu, cam chịu, nằm gai nếm đắng, chứa giận chờ thời. Tư tưởng này có tác dụng thức tỉnh và phát huy sức mạnh của con người Việt Nam hướng vào mục đích cứu nước, giải phóng dân tộc.
Tự lực, tự cường là truyền thống, là sức sống mãnh liệt của dân tộc ta, là yếu tố cơ bản tạo nên nội lực của dân tộc ta; sức mạnh quyết định để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh quyết liệt là ở chính sức mình. Xuất phát từ nhận thức đó, nên tự lực, tự cường luôn thấm đượm trong từng tác phẩm của Phan Bội Châu và trở thành điều thường trực trong tư tưởng của ông.
Một trong những nét đặc sắc trong tư tưởng của Phan Bội Châu về nội lực là ở chỗ, ông chẳng những đã biết dựa vào truyền thống tự lực, tự cường của dân tộc, mà còn biết dựa vào tinh thần dân chủ để khơi dậy và phát huy sức mạnh của nội lực. Dưới ảnh hưởng tư tưởng của Vonte, Môngtexkiơ và đặc biệt là tư tưởng của Rútxô, cùng với quá trình hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu, tư tưởng dân chủ ngày càng thấm nhuần trong ông. “Tôi từ khi đến Nhật Bản, từng nghiên cứu nguyên nhân cách mệnh ngoại quốc và chính thể ưu việt ở Đông Tây càng nhận thức lý luận của Lư Thoa là tính đáng lắm! Vả lại kết hợp với bạn đồng chí Trung Hoa, thì từ lâu chủ nghĩa quân chủ đã đặt ra ở sau ót”(6).
Năm 1912, Phan Bội Châu giải tán hội Duy Tân và thành lập Việt Nam Quang phục hội. Việt Nam Quang phục hội ra đời đánh dấu sự tăng tiến trong tư tưởng của Phan Bội Châu trên con đường dân chủ tư sản - từ chế độ quân chủ lập hiến đến chế độ dân chủ tư sản. Tôn chỉ của Việt Nam Quang phục hội khẳng định: “Chính thể dân chủ cộng hoà là một chính thể rất tốt đẹp. Quang phục quân trong khi vừa đánh đuổi giặc Pháp, đồng thời cũng vừa xây dựng một nước cộng hoà dân chủ. Quyền bính của nước là của chung toàn dân do nhân dân quyết định. Những dấu vết độc hại của chính thể chuyên chế không còn nữa”(7). Có thể nói, đến đây, trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam đã hình thành một quan niệm mới về quyền lực của nhân dân. Quyền lực của nhân dân là yếu tố quan trọng để xây dựng và phát triển nội lực.
Nền cộng hoà dân chủ là mục tiêu hướng tới khi dân tộc ta đang tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tư tưởng đó đã phần nào phản ánh được tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Và đó cũng chính là cống hiến của Phan Bội Châu với tư cách nhà tư tưởng chính trị. Sự ra đời của Việt Nam Quang phục hội là sự thể hiện Phan Bội Châu đã dứt khoát từ bỏ quân chủ để đi theo con đường cách mạng dân chủ.
Phát huy nội lực từ nguồn sức mạnh của tinh thần dân chủ và quyền lực nhân dân, của ý chí tự lực, tự cường và kết hợp với tranh thủ khai thác mọi nguồn lực bên ngoài là một trong những chủ trương lớn của Phan Bội Châu nhằm tăng cường thực lực để vũ trang bạo động, diệt trừ dị tộc, giành lấy chính quyền về tay nhân dân, xoá bỏ tận gốc chính thể quân chủ xấu xa, lập nên chính thể dân chủ cộng hoà tốt đẹp. Tư tưởng hướng đến một xã hội mới cao hơn xã hội phong kiến đương thời đã có tác dụng kích thích, khuyến khích mọi người phát huy sức mạnh vì sự sống còn và tương lai của đất nước.
Dân tộc phải độc lập, quyền lực phải thuộc về nhân dân. Đường lối đó đã trở thành ngọn cờ tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tiến hành đấu tranh cách mạng ở nước ta trong khoảng hai thập niên đầu của thế kỷ XX, đồng thời đã huy động được các nguồn lực trong nước phục vụ cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc, cũng như góp phần thắp sáng thêm niềm hy vọng của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh đầy cam go và thử thách.
Sức mạnh bên trong là nhân tố quyết định. Sức mạnh để cứu nước, giải phóng dân tộc là sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc. Đồng lòng là vũ khí tạo nên sức mạnh của dân tộc, là bí quyết của thành công. Quy luật của cạnh tranh cũng như chiến tranh là “mạnh được yếu thua,… Anh không tiêu diệt được người ta, thì người ta sẽ tiêu diệt anh”(8)“ưu thắng, liệt bại”. Vậy, làm thế nào để chiến thắng trong cuộc đọ sức quyết liệt với một đội quân xâm lược nhà nghề được trang bị vũ khí, kỹ thuật hiện đại và có tiềm lực kinh tế hơn ta nhiều lần? Bằng kinh nghiệm lịch sử dày dặn và trí tuệ sắc sảo của mình, Phan Bội Châu đã chỉ ra rằng, tuy yếu hơn thực dân Pháp về tiềm lực kinh tế - kỹ thuật, song chúng ta có lợi thế, bởi sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc luôn sáng ngời chính nghĩa và quy tụ được lòng dân. Qua đối chiếu so sánh tương quan lực lượng giữa ta và thực dân Pháp, Phan Bội Châu khẳng định: “Người Pháp có hải lục quân, thì chúng tôi có lòng dân toàn quốc Việt Nam; người Pháp có viện trợ của các nước đế quốc chủ nghĩa trên thế giới, thì chúng tôi có sự viện trợ của các nước bình dân chủ nghĩa trên toàn thế giới. Thắng lợi cuối cùng thuộc về Đảng chúng tôi”(9).
“Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” là các yếu tố cấu thành nội lực. Các yếu tố đó có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó nhân hòa là yếu tố đóng vai trò quyết định. Phan Bội Châu cho rằng, lòng người có quyền nắm tất cả thiên thời địa lợi. Vận thời sẽ trở về và thành công sẽ đến, khi mọi người đồng lòng chung sức. Ông viết: “Nếu nhóm họp nhiều người cùng chung sức đồng lòng, thì vận thời có thể chắc chắn trở về, thì các công trung hưng rực rỡ sẽ về tay chúng ta, xin bà con cô bác hãy gắng hết sức”(10). Đồng lòng thì việc dù khó đến đâu chúng ta cũng đều làm được, đó là một tất yếu mà Phan Bội Châu muốn khẳng định với mọi người.
“Nếu cả nước đồng lòng như thế,
Việc gì coi cũng dễ như không.
Không việc gì việc không xong
Nếu không xong, quyết là không có trời”(11).
Đồng lòng là lực lượng tất thắng, là yếu tố cơ bản làm nên nội lực. Đó là một lợi thế của chúng ta. Nhận thức rõ điều đó, Phan Bội Châu luôn quan tâm đến việc cổ vũ và xây dựng sự đồng lòng nhất trí của cả dân tộc. Trong Hải ngoại huyết thư (1906), ông đã nêu lên “mười hạng người đồng tâm”. Bởi, “đồng lòng tất có thể bảo vệ được đất nước. Không đồng lòng tất dẫn đến nước bị diệt. Đồng lòng tất có thể nô dịch người; không đồng lòng tất cuối cùng bị người nô dịch”(12). Muốn huy động và quy tụ được nguồn lực bên trong thì phải đồng lòng, phải:
“Sao cho cái sức cho cùng,
Sức cùng là bởi cái lòng cùng nhau”(13).
Phải cùng đồng lòng thì mới cùng sức, cùng sức thì mới mạnh, mạnh thì mới chiến thắng được quân thù; còn khi lòng đã chia lìa thì tất sẽ thất bại. “Sức chia ra thì yếu, lòng chia ra thì lìa. Mà đã yếu, đã lìa thì tất cô lập; đem cái thế mình cô lập tranh với cái thế họ liên quần, thì thế liên quần bao giờ cũng thắng, thế cô lập bao giờ cũng thất bại. Một nắm đũa thì khó bẻ, rời từng chiếc một thì dễ gãy, lẽ đó quá rõ”(14). Đối với Phan Bội Châu, đồng lòng là yêu cầu tất yếu để xây dựng, huy động và phát huy nội lực. “Muốn cho đất nước ta mạnh giàu, thì chỉ cần người nước ta một lòng một chí. Như vậy thì việc xoay trời chuyển đất đều làm được hết”(15).
“Lòng dân toàn quốc Việt Nam” là lợi thế của chúng ta, là sức mạnh của chúng ta, là điều kiện để phát huy nội lực. Sức mạnh đó, lợi thế đó, điều kiện đó vốn đã được động viên trong suốt hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Và giờ đây, lòng dân của toàn quốc Việt Nam vẫn là chỗ dựa cần thiết để đưa nước ta vùng dậy “rửa cái nhục mất nước”, là bí quyết thành công. Bởi vậy, đối với Phan Bội Châu, đồng lòng chẳng những là một yêu cầu tất yếu để xây dựng thực lực cho cách mạng, mà còn là một điều ghi lòng tạc dạ. “Đồng tâm chữ ấy nên biên vào lòng”(16).
Tăng cường sự đồng lòng là tăng cường sức mạnh, vì thế Phan Bội Châu đã tranh thủ mọi điều kiện để củng cố và mở rộng sự đồng lòng này. Trong những năm tháng bôn ba hoạt động ở nước ngoài, ông đã đứng ra thành lập Hội Đông Á đồng minh, Hội Điền – Quế - Việt liên minh và Hội Chấn Hoa hưng Á nhằm tăng cường thực lực để cứu nước, giải phóng dân tộc. Sự mở rộng này mới chỉ dựa trên cơ sở “đồng chủng thì đồng cừu”, “đồng bệnh thì tương liên” nên có nhiều hạn chế. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, tư tưởng đó đã vượt qua tầm nhìn hạn chế của nhà Nho và nó có tác dụng tích cực trong việc xây dựng và phát huy sức mạnh nội lực kết hợp với tranh thủ khai thác, tận dụng và huy động các nguồn lực từ bên ngoài hướng vào mục đích cứu nước, giải phóng dân tộc.
Trình độ học vấn và dân trí của một nước có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quyết định trong việc sử dụng các nguồn lực khác. Do đó, có thể nói, tri thức là nguồn nội lực - nguồn lực chất xám. Phan Bội Châu cho rằng, con người không có tri thức thì chẳng khác gì súc vật, chỉ biết ăn, uống, hay chỉ là “giá áo túi cơm” mà thôi. Tri thức là dấu hiệu cơ bản để phân biệt, so sánh con người với vạn vật và đưa con người lên vị trí ưu đẳng, đóng vai trò là “bậc tôn trưởng ở trong vạn vật”. Tri thức chẳng những mang lại sức mạnh cho con người, mà còn mang lại sự phát triển cho từng dân tộc. Quy luật của cạnh tranh là mạnh được, yếu thua, mà theo Phan Bội Châu, trong cạnh tranh thì “cạnh tranh bằng tâm trí” ngày càng đóng vai trò quan trọng: “Cuộc cạnh tranh của thế giới hiện nay, tri thức với kinh tế chiếm phần rất lớn, còn dũng lực thì chỉ bộ phận mà thôi”(17). Chính vì thế, trong cuộc đua tranh quyết liệt giữa các dân tộc, chiến thắng tất yếu sẽ thuộc về những dân tộc nào có tri thức cao hơn. Điều này cũng nói lên rằng, tri thức là sức mạnh, là thành tố quan trọng của nội lực.
Phan Bội Châu đã chỉ cho mọi người thấy rằng, ngu thì mê muội, ngờ vực nhau, ghét nhau, chia lìa nhau, ngu thì dại, ngu thì hại nhau, ngu thì bạc nhược, cam chịu, yếu hèn… Mà yếu thì mất, mất thì diệt, diệt thì tuyệt. Vì thế, để thoát khỏi họa diệt chủng thì dân tộc Việt Nam phải vươn lên để tự khẳng định bằng tài năng và trí tuệ của bản thân mình. “Gương tri thức ta nếu không mài cho trong còn ai là người mài hộ; đèn tri thức ta nếu ta không khêu cho rạng; còn ai là kẻ khêu giùm?... Dùng sức đầu óc mình thề đua đuổi với bạn văn minh, dùng cái sức tự động của mình, mà mở mang lấy tri thức mình”(18).
Càng cạnh tranh khốc liệt bao nhiêu thì vai trò của tri thức càng thể hiện rõ bấy nhiêu. Phan Bội Châu đã ý thức rằng, trong cuộc cạnh tranh của thế giới hiện nay thì ngu dốt không thể thích ứng được và sớm hay muộn tất phải đào thải. Ông đã từng khuyến cáo: chết vì “bụng đói” vốn là một thảm hoạ, còn chết vì “óc đói” thì là thảm họa thật khôn lường, vì nó sẽ để lại nhiều di chứng tai hại, lâu dài cho các thế hệ tiếp sau.“Cái họa chết bằng óc đói, thiệt tai hại hơn cái chết bằng bụng đói không biết bao nhiêu”(19).
Phan Bội Châu tin tưởng rằng, trong cuộc cạnh tranh giữa Việt Nam với dân tộc khác thì chiến thắng sẽ thuộc về dân tộc ta. Bởi lẽ, người Việt Nam vốn có tư chất thông minh. Trong Việt Nam vong quốc sử, Phan Bội Châu viết: “Người Việt Nam nhờ được chính khí của ly hỏa sẵn thông minh dễ dạy”(20).
Từ thực tế trên con đường hoạt động cứu nước của mình, Phan Bội Châu đã thấy rõ nguồn lực chất xám của dân tộc Việt Nam. Nguồn lực đó cần phải được bồi bổ và phát huy để đủ sức giúp dân tộc giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Chính tư tưởng này đã đặt cơ sở lý luận cho một số chủ trương của Phan Bội Châu, như chủ trương du học, thực hiện cải cách giáo dục, nâng cao dân trí và đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên trong cảnh “nước sôi, lửa bỏng” lúc bấy giờ, mà ông vẫn dành nhiều tâm huyết đối với việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước; trực tiếp lãnh đạo phong trào Đông Du, kêu gọi mọi người đoàn kết hỗ trợ nhau để nâng cao dân trí.
Nâng cao trình độ dân trí, phát triển giáo dục là một trong những giải pháp chủ yếu để tăng cường sức mạnh nội lực - nhiệm vụ cần kíp của sự nghiệp cứu nước. Con người muốn có tri thức phải thông qua con đường học tập và rèn luyện; giáo dục là biện pháp hữu hiệu nhất, là phương thuốc tốt nhất để nâng cao trình độ dân trí. “Phàm người trong một nước mà giàu mạnh được có thể cùng thế giới tranh đua, giành sự sống còn phải lấy giáo dục làm cơ sở”(21). Dân trí phát đạt thì kinh tế mới được mở mang, dân trí lên cao thì dân quyền được tôn trọng. Vì vậy, sức mạnh nội lực sẽ được tăng cường trên cơ sở nâng cao dân trí, vun đắp nhân tài.
Đối với Phan Bội Châu, giáo dục là khuôn đúc con người, là sinh mệnh của dân, còn dân là sinh mệnh của nước; sự tồn vong và hưng thịnh của đất nước một phần phụ thuộc vào sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Ông viết: “Thời bao nhiêu sự nghiệp to lớn thảy ở tay bình dân làm nên; mà bình dân sở dĩ làm được sự nghiệp lớn tất trước phải có giáo dục”(22).
Giáo dục là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho mọi sự thành công. Nếu không có giáo dục thì yếu tố quan trọng nhất để gia tăng nội lực là con người Việt Nam sẽ không được phát huy. Ở đây, cũng cần phải nói thêm rằng, các yếu tố ở bên ngoài con người chỉ có thể trở thành phương tiện hữu hiệu để tăng cường sức mạnh khi được con người sử dụng. Chính vì thế, mọi người Việt Nam phải được giáo dục, phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với giáo dục, vì đó là cách khơi lực và hợp lực nhằm tạo nên sức mạnh bên trong - sức mạnh nội lực.
Năng lực sáng tạo của con người là vô tận và đó chính là trung tâm sức mạnh của con người. Do đó, giáo dục phải khử trừ tính ỷ lại, cách suy nghĩ theo lối tầm chương, trích cú cũng như cách học theo “đạo nghĩa suông”; giáo dục phải tạo cho con người có “não chất độc lập”, dám nghĩ, dám làm, tự tin ở chính mình. Phan Bội Châu viết: “Cái lo của người học giả không gì hơn là tự mình không có tai mắt, mà phải nhờ tai mắt người làm tai mắt mình, không có chân tay mà phải mượn chân tay người làm chân tay mình, không có tâm tư mà phải nhờ tâm tư người làm tâm tư mình. Các học phái của nước ta đã khỏi bệnh ấy chưa? Không có não chất độc lập nên mới như thế đấy”(23). Khử trừ tính ỷ lại, xây dựng não chất độc lập trong mỗi con người là giải pháp quan trọng để khơi dậy và phát huy ý chí tự lập, tự cường, tài năng, thông minh và sáng tạo của con người Việt Nam vào sự nghiệp cứu nước giải phóng dân tộc, làm gia tăng sức mạnh nội lực.
Quan tâm đến việc xây dựng nguồn nội lực, giải quyết mối quan hệ giữa nội lực và ngoại viện nhằm tăng cường thực lực để tiến hành cứu nước, giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân là tư tưởng quán xuyến trong suốt cuộc đời hoạt động của Phan Bội Châu. Theo ông, nội lực là cái đóng vai trò quyết định để “xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”, giành lấy quyền bính về tay nhân dân, xóa bỏ những dấu vết độc hại của chính thể chuyên chế, xây dựng chính thể cộng hoà; còn ngoại viện chỉ đóng vai trò phụ trợ, làm thanh thế cho nội lực mà thôi.
Tư tưởng của Phan Bội Châu về nội lực không tránh khỏi những hạn chế nhất định do hoàn cảnh lịch sử chi phối và do điều kiện chủ quan mà bản thân ông chưa thể vượt qua được. Nhưng những hạn chế ấy không thể làm lu mờ những giá trị tích cực trong tư tưởng của ông về nội lực. Tư tưởng này, đến nay, vẫn còn ánh lên những yếu tố hợp lý và có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện chủ trương phát huy nội lực, trước hết là phát huy nguồn lực con người../
(1) Phan Bội Châu. Toàn tập, t.6. Nxb Thuận Hoá, Huế, 1990, tr.209.
(2) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.316.
(3) Phan Bội Châu. Sđd., t.6, tr.74.
(4) Phan Bội Châu.Sđd., t.2, tr.256.
(5) Phan Bội Châu.Sđd., t.1, tr.149.
(6) Phan Bội Châu. Sđd., t.6, tr.211.
(7) Phan Bội Châu. Sđd., t.3, tr.135.
(8) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.448.
(9) Phan Bội Châu. Sđd., t.3, tr.602.
(10) Phan Bội Châu. Sđd.,t.2 ,tr.75.
(11) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.245.
(12) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.216.
(13) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.233.
(14) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.204.
(15) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.275.
(16) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.237.
(17) Phan Bội Châu. Sđd., t.3, tr.467-468.
(18) Phan Bội Châu. Sđd., t.4, tr.93-94.
(19) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.146.
(20) Phan Bội Châu. Sđd., t.4, tr.254.
(21) Phan Bội Châu. Sđd., t.3, tr.525-526.
(22) Phan Bội Châu. Sđd., t.10, tr.173.
(23) Phan Bội Châu. Sđd., t.1, tr.168.
Nguồn:t/c Triết học(6/2008)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn