Điều tâm niệm thứ năm. Luyện tính khí
Bài trước:
- Điều tâm niệm thứ nhất. Theo Mới
- Điều tâm niệm thứ hai. Tin ở sự tiến bộ
- Điều tâm niệm thứ ba. Sống theo một lý tưởng
- Điều tâm niệm thứ tư. Làm việc xã hội
- Điều tâm niệm thứ năm. Luyện tính khí
- Điều tâm niệm thứ sáu. Phụ nữ ra ngoài xã hội
- Điều tâm niệm thứ bảy. Luyện lấy bộ óc khoa học
- Điều tâm niệm thứ tám. Cần sự nghiệp không cần công danh
- Điều tâm niệm thứ chín. Luyện thân thể cường tráng
- Điều tâm niệm thứ mười. Cần có trí xếp đặt
Mở mang trí thức là một điều cần thiết cho người ta, đó là một sự cố nhiên. Nhưng không phải chỉ có bộ óc thông thái là đủ thành một người hoàn toàn.
Học thức đem lại cho người ta những điều biết. Học thức đem lại cho người ta cách bàn luận nghiên cứu theo lý trí. Học thức là cái thìa khóa mở cho người ta cánh cửa những kho tàng bí mật của tạo hóa. Học thức là cái then chốt để cho người ta tìm nghĩa của sự sống… Nhưng học thức không đem lại cho ta chí quả quyết và những đức tính khác cần cho ta trong cuộc đời tranh sống này.
Biết bao nhiêu người có học thức và thông minh đem tài trí của mình dùng vào việc ca tụng những nơi quyền quý đặng mong một chút hư danh, một nơi nương nhờ, một chỗ ấm thân, no dạ, phè phỡn với vợ con.
Biết bao nhiêu người có học thức đem những điều sở hữu của mình ra để tìm các mánh khóe lạ lùng đặng bóc lột, áp chế những người khác yếu hèn hơn mình, những người đáng lẽ mình phải bênh vực.
Biết bao nhiêu người có học thức, trông rõ những việc đáng làm nhưng vì nhu nhược, sợ hãi không dám dung tay vào những việc mà họ cho là hay, là cần thiết. Những nhà bác học, trong đời thực tế, thường là những người hiền lành, lơ đãng, có khi không đủ nghị lực mà sai khiến nổi vợ trong nhà nữa.
Là vì tính khí họ không có luyện.
Luyện tính khí, theo ý chúng tôi, là một điều cần thiết không kém gì luyện trí não: Tính khí không có luyện, thì dẫu cho thông minh đến tuyệt vời đi nữa, tư tưởng của mình cũng đến hoặc rơi vào nơi không đáng kể, hoặc không ăn nhịp với hành vi của mình.
Tính khí phải luyện nên cương cường quả quyết. Phải tập ý chí cho mạnh mẽ linh hồn thành rắn rỏi. Ta phải tự sai khiến được thân thể ta, định được dục vọng của ta, chỉnh được tâm ta, rồi mới có thể sai khiến được người khác, cải tạo được xã hội. Trong người ta, bao giờ cũng có cuộc xung đột kịch liệt của khuynh hướng xả kỷ ái nhân với lòng ích kỷ, với những dục vọng đáng bỉ. Một bên thắng tất có một bên bại. Ta phải luyện tâm hồn ta thế nào cho cuộc xung đột ấy hóa ra một cuộc chiến thắng không cùng của những tính tình cao thượng. Ta nên tâm tâm niệm niệm rằng những phút ta đáng sống là những phút ta đã quên hẳn ta.
Luyện được tâm hồn trở nên mạnh mẽ, ta sẽ vui vẻ mà hành động: và lòng vui là đóa hoa tự nhiên của trời cao cho những người có linh hồn cứng cáp.
Ta sẽ vui vẻ mà quyết đoán, thái độ ta sẽ rõ ràng, khúc triết đối với mọi sự, không có cảnh tượng nào buồn, chán hơn cảnh tượng một linh hồn do dự, hay linh hồn thờ ơ, lãnh đạm với mọi việc. Ngán nỗi những linh hồn ấy ở nước ta lại gặp được hàng ngày. Trước một vấn đề quan trọng như vấn đề mới, cũ, mà biết bao nhiêu người lưỡng lự trong biết bao nhiêu năm!
Với một tấm linh hồn luyện nên cứng cáp, rắn rỏi, ta sẽ lúc nào cũng giữ vững được nhân phẩm.
Ta sẽ không sợ ai, không sợ, thực là một đức tính quý hóa nhất cho dân tộc ta.
Từ nay trở đi, ta phải xóa bỏ hai chữ nhẫn nhục. Ta phải đặt nhân phẩm lên trên những nỗi đau đớn.
Luyện linh hồn ta trở nên can đảm rồi, ta cần luyện cho ta và cho những người chung quanh có một linh hồn cao thượng nữa.
Ta sẽ không nịnh ai. Ai cũng vậy, ta sẽ coi là người như ta, ngang hàng với ta. Ta không khinh thị, cũng không tang bốc ai. Ta nên nhớ rằng chức phận có khác, nhưng hơn kém nhau không phải ở chỗ sang hèn, giàu nghèo, hơn nhau chỉ vì nhân phẩm mà thôi.
Ta sẽ không ghen ghét ai. Ta cần phải bỏ cái tính đố kỵ, thông thường ở nước ta, cái tính xấu ấy, xui ta trở nên cay nghiệp như một bà mẹ chồng đối với những người hơi có chút tài năng trong xã hội. Dìm nhau đã không có ích gì cho ta. Trái lại nữa, lại có hại cho sự tiến hóa của dân nước. Nếu cả một dân tộc cứ nghi ngờ lẫn nhau thì còn mong kiến thiết gì được nữa.
Không sợ, không nịnh; không ghét, vui vẻ và quyết đoán, luyện được ngần ấy đức tính, dân tộc ta sẽ có can đảm của người Nhật, ý chí của người Anh, nước ta sẽ là một nước có diễm phúc tuyệt vời vậy.
Cường tráng
Luyện thân thể cho chí linh hồn trở nên cường tráng, đó là một điều quan trọng của nền giáo dục hoàn toàn.
Thanh niên ta cần phải luôn luôn nhớ rằng người Âu Mỹ hơn ta về trí thức thì ít. Mà họ hơn ta về tính khí thì nhiều.
Họ biết rõ hơn ta trách nhiệm của con người trong cõi đời này, của một người hoàn toàn. Họ quả quyết đi trên đường đời, mạnh mẽ mà sống.
Còn ta, linh hồn của dân ta ủy mị, yếu ớt, kết quả của mấy trăm năm đời văn nhược. Vậy ta cần phải luôn nhớ rằng thế kỷ này không phải là thế kỷ của sự nhu nhược. Ta cần phải đặt ngược câu châm ngôn chữ Nho mà nói rằng: “Cương thắng Nhu”.
Ta cần phải luôn luôn tự nhắc rằng ta là một người, một người đủ nhân phẩm để người ta phải kính trọng – một người không hơn nhưng cũng không kém gì – người khác.
Vậy ta cần phải luyện tính khí để luôn luôn giữ được giá trị của con người.
Tóm tắt “Mười điều tâm niệm”
(Hoàng Đạo - Tự Lực Văn Đoàn, Báo Ngày Nay, 1939)
1. Điều tâm niệm thứ nhất: Theo mới, hoàn toàn theo mới không chút do dự
(Tuyệt đối bỏ văn hóa cũ để theo văn hóa ở Âu Tây. Tinh thần riêng của dân tộc sẽ đào thải những cái gì không thích hợp)
2. Điều tâm niệm thứ hai: Tin ở sự tiến bộ một ngày có thể một hơn.
(Công kích phái thủ cựu tin tưởng một cách quá đáng vào các khuôn phép cũ)
3. Điều tâm niệm thứ ba: Sống theo một lý tưởng
(Hoàng Đạo cho rằng các sĩ phu ngày trước không có lý tưởng vì họ bình thản bước theo con đường do các bậc thánh hiền xưa vạch sẵn)
4. Điều tâm niệm thứ tư: Làm việc xã hội
(Xã hội cũ là một xã hội đóng kín, trong đó người ta có óc vị kỷ vì chỉ nghĩ đến thân danh, gia đình, họ hàng, làng xóm, mà không có tinh thần xã hội rộng rãi)
5. Điều tâm niệm thứ năm: Luyện tính khí
(có học thức không đủ, còn cần phải có một ý chí hùng mạnh vững vàng. Bởi vậy cần phải luyện tính khí để nâng cao nhân phẩm)
6. Điều tâm niệm thứ sau: Phụ nữ ra ngoài xã hội
(Phụ nữ phải bình đẳng với nam giới không những về quyền lợi mà cả về nghĩa vụ nữa)
7. Điều tâm niệm thứ bảy: Luyện lấy bộ óc khoa học
(Hoàng Đạo nêu ra những tai hại trầm trọng của óc mê tín, và trình bày sự cần thiết và công dụng của khoa học)
8. Điều tâm niệm thứ tám: Cần sự nghiệp không cần công danh
(Người xưa thường lẫn công danh với sự nghiệp. Ngày nay thanh niên cần phải tẩy trừ óc chuộng hư danh để mà xây dựng sự nghiệp bằng cách làm ích cho người chung quanh)
9. Điều tâm niệm thứ chín: Luyện thân thể cường tráng
(Công kích tinh thần văn nhược thuở xưa và khuyến khích thanh niên siêng năng thể dục)
10. Điều tâm niệm thứ mười: Cần có trí xếp đặt
(Chỉ trích thói cẩu thả, luộm thuộm, và nêu ra sự quan trọng của óc tổ chức, làm việc có phương pháp kiểu phương Tây)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn