Con người phải hợp lý

08:45 SA @ Thứ Ba - 18 Tháng Ba, 2008

Trong cách ứng xử và trình bày quan điểm của con người này luôn có một cái gì đó tinh tế, nhẹ nhàng, thậm chí gượng nhẹ, như thể không muốn "làm đau dẫu chỉ một chiếc lá trên cành", mặc dầu những vấn đề mà tôi từng được nghe ông nói trên truyền hình hoặc trình bày trong các bài báo đều nóng bỏng...

Trước khi có dịp tiếp xúc ở khoảng cách gần với Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS Nguyễn Sĩ Dũng, tôi cứ đồ rằng, ông chắc chắn phải sinh ra trong một gia đình con nhà nòi và rất phát đạt, quen nhung lụa lắm từ khi còn nhỏ.

Trong cách ứng xử và trình bày quan điểm của con người này luôn có một cái gì đó tinh tế, nhẹ nhàng, thậm chí gượng nhẹ, như thể không muốn "làm đau dẫu chỉ một chiếc lá trên cành", mặc dầu những vấn đề mà tôi từng được nghe ông nói trên truyền hình hoặc trình bày trong các bài báo đều nóng bỏng, đụng tới nhiều sự chí cốt, thiết thân của đời sống chính trị xã hội. Phải có phẩm hạnh của một trí thức gốc thì mới có thể làm như thế được.

Cũng vì đã nghĩ như thế về TS Nguyễn Sĩ Dũng nên tới gặp ông để thực hiện cuộc trò chuyện cuối tháng 2/2008.

Tuổi thơ xứ Nghệ

Phóng viên (PV): Thưa TS Nguyễn Sĩ Dũng! Tôi đã từng tiếp xúc với khá nhiều những người trí thức thành đạt quê ở xứ Nghệ như ông. Và thường là họ đều kể về tuổi thơ của mình rất giống nhau: Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân rất nghèo, ở vùng quê rất túng bấn, tôi đã trải qua một tuổi thơ nghèo khó, đói khát… Hy vọng, hôm nay, ông sẽ là một ngoại lệ?

TS Nguyễn Sĩ Dũng (NSD): Ngoại lệ làm sao được! Tôi cũng như họ thôi. Sinh ra cùng xứ sở, lớn lên cùng thời vận. "Lụt thì lút cả làng", mình có tránh được đâu.

PV: Ông có thể nói cụ thể về gia đình của ông được không, nếu không có gì bí mật?

TS NSD: Chẳng có gì bí mật ở đây. Tôi quê ở Thanh Chương. Bố là giáo viên văn, dạy cấp II xa nhà. Mẹ là nhân viên phục vụ của Trường Y tế. Gia đình thì đông con, 8 anh em. Tôi là con đầu. Lương bổng của cha mẹ như vậy mà nuôi 8 đứa con đều đi học, bây giờ đều lớn khôn, trưởng thành.

PV: Nhờ đâu?

TS NSD: Nhờ cơ chế bao cấp của thời ấy. Một thời chiến tranh có rất nhiều khó khăn nhưng có ưu thế là có bao cấp. Nếu không có bao cấp của Nhà nước thì thực chất hai vợ chồng viên chức nuôi 8 đứa con ăn học gần như là...

PV: Một nhiệm vụ bất khả thi?

TS NSD: Đúng, một nhiệm vụ bất khả thi. Tôi nhớ rằng, hồi ấy tôi vì bị đau mắt nên đi học muộn mất một năm, vào lớp cùng đứa em trai liền kề. Chịu khó học nên cả hai anh em đều được vào thẳng cấp III. Thế nhưng, lúc đó nhà trường đưa ra chỉ tiêu mỗi học sinh phải mang tới nộp 2 cây tre và 10 cái tranh lợp mái nhà. Như vậy là hai anh em phải nộp 4 cây tre và 20 cái tranh.

Nhưng nhà nghèo quá, làm đủ mọi cách cũng chỉ lo được một suất nộp cho nhà trường. Mà quy định của nhà trường là, học sinh nào không có tre và tranh nộp thì phải nghỉ học. Tôi đã định nghỉ học rồi để nhường cho cậu em trai học tiếp. May thay, đúng lúc ấy, tôi lại nhận được giấy gọi lên tỉnh học lớp năng khiếu, chuyên văn. Học ở đó được bao cấp mỗi tháng 10 đồng. Đó là số tiền khá lớn hồi đó.

PV: Tôi nhớ hồi đó, mẹ tôi làm công nhân, lương mỗi tháng chỉ có 40 đồng thôi.

TS NSD: Với 10 đồng một tháng thì mình cũng lo đủ cho mọi nhu cầu của một học sinh. Và yên tâm học. Gia đình cũng không phải phụ cấp gì thêm…

Ngôn ngữ tạo tính cách

PV: Hết cấp III, ông được chọn đi học ở Liên Xô. Ông đã học ở đâu và môn gì?

TS NSD: Tôi thi vào Khoa Văn Trường đại học Tổng hợp nhưng được chọn đi học ở Piatigorsk, Liên Xô, chuyên ngành tiếng Anh.

PV: Tôi nhớ rằng, thời của chúng ta, được sang Liên Xô học là may mắn lắm rồi nên được phân công vào ngành gì thì theo học ngành ấy, dù có hợp với mình hay không. Ông học tiếng Anh nhưng thực ra, ngoại ngữ với một trí thức chỉ là một công cụ mà thôi. Với ông, vốn liếng Anh ngữ đã có sự hữu dụng thế nào trong công việc sau này?

TS NSD: Đúng, ngôn ngữ vừa là nghề, vừa là công cụ. Thực chất con người ta tư duy bằng ngôn ngữ. Và cảm nhận cuộc sống trong nhiều trường hợp cũng vậy. Mỗi một ngôn ngữ lại có những ưu điểm của riêng mình. Biết thêm ngoại ngữ là có thêm công cụ để tư duy và để cảm nhận cuộc sống.

Chẳng hạn như tiếng Việt mình là một công cụ tuyệt vời để diễn tả những cái gì đó rất tinh tế, mong manh. Ví dụ như, xanh thăm thẳm, xanh vời vợi... thì không chỉ là xanh, mà còn là những khía cạnh cảm xúc tinh tế của con người gắn với những màu xanh đó.

Tuy nhiên, tiếng Anh, tiếng Nga lại có những thế mạnh khác, đặc biệt là trong lĩnh vực tư duy lôgíc và trừu tượng. Tiếng Nga chẳng hạn, cũng rất là hay, rất thích hợp với cách tư duy trừu tượng.

Tiếng Anh thì lại là một thứ ngôn ngữ rất thực dụng. Tiếng Anh có thể giúp ta tư duy một cách rất mạch lạc về nhiều vấn đề chính trị - xã hội và pháp lý. Được học tiếng Anh ở Liên Xô với tôi cũng là một may mắn rất lớn, có lẽ là bằng quyết định đó, Nhà nước đã mở ra cho mình một chân trời rộng lớn.

PV: Có ý kiến cho rằng, mỗi ngôn ngữ quy định ra một kiểu tư duy. Có đúng vậy không, thưa ông?

TS NSD: Có một phần sự thật trong nhận định nói trên. Sau này, khi sang học ở Australia, mình thấy cái gì cũng mạch lạc, cái gì cũng sáng tỏ, cái gì mình cũng rất dễ cảm nhận. Có lẽ, đó là cách tư duy của phương Tây, mọi thứ đều rất thiết thực. Còn khi học ở Liên Xô thì cái mình tiếp thu được là lý luận, nào là phủ định của phủ định, đấu tranh giữa các mặt đối lập... Rất trừu tượng!

Còn ở trong cách của phương Tây thì rất cụ thể. Chẳng hạn khi nói về pháp luật, trong tiếng Nga định nghĩa đó là các quy phạm phổ quát điều chỉnh các quan hệ xã hội... Còn ở phương Tây dạy về luật bắt đầu ngay từ câu chuyện về việc, một ông đi săn bắn trúng con nai bị thương, ông ấy đuổi theo con nai, đến đầu kia thì thấy một ông xẻ thịt con nai đó, bây giờ phải làm thế nào?

Có hai cách: một là đánh nhau (dùng bạo lực để giải quyết vấn đề); hai là đề ra một khuôn khổ để phân chia, quyền của ai ở đây lớn hơn, quyền của người bắn hay quyền của người nhặt được con nai? Mỗi anh đều có quyền thì ranh giới của hai quyền là như thế nào và việc xử lý cái đó chính là pháp luật. Người ta đi từ thực tế suy ra lý thuyết như thế nên mình cảm nhận được rất dễ dàng.

Cách đối xử với học sinh ở phương Tây cũng khác giữa Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Chẳng hạn, ở Liên Xô, nếu cho sinh viên đi tham quan thì nhà trường sẽ thuê ôtô, làm danh sách những người đi rồi hẹn ngày giờ đến để ôtô chở đi.

Còn ở Australia khi tôi sang đó học thì hoàn toàn không có cái đó; người ta chỉ bảo là các bạn sẽ đi tham quan vào ngày ấy, giờ ấy, đến cái địa điểm này; và nếu muốn đến địa điểm đó thì có các loại ôtô như thế này, có thể tra cứu các bản đồ ở chỗ này, chỗ kia, và trong tài khoản của các bạn, tiền để phục vụ cho việc tham quan đã được chuyển vào.
Không ai dắt tay mình đi. Hoàn toàn là hai cách thức ứng xử khác nhau. Tính chủ động của sinh viên, trong mô hình dạy và học của Australia rất lớn…

PV: Không ai phủ nhận rằng, biết thêm một ngoại ngữ là biết thêm một thế giới. Dẫu sao, tôi vẫn giữ quan điểm cho rằng, ngoại ngữ chỉ là công cụ. Quan trọng hơn vẫn là việc mình sử dụng cái công cụ đó như thế nào, mình có ý thức hay không về việc sử dụng công cụ đó để bồi đắp kiến thức chuyên môn về những lĩnh vực có ích cho công việc của mình…

TS NSD: Thì đúng là như vậy. Tuy nhiên, không có xe thì cũng khó rèn luyện kỹ năng lái. Công cụ là điều kiện cần, kỹ năng sử dụng công cụ là điều kiện đủ. Nhưng không có cái thứ nhất, khó lòng rèn luyện được cái thứ hai.

Sau này, tiếng Anh đã giúp tôi rất nhiều trong việc tìm hiểu công việc của Quốc hội, của ngành Lập pháp, hiểu các triết lý lập pháp. Tôi từng được đi theo các đoàn ra nước ngoài nhiều lần, lúc đầu với tư cách người phiên dịch và sau với tư cách thành viên trong đoàn. Tôi mới nhận ra một điều, người phiên dịch giỏi thì cùng lắm cũng chỉ dịch được khoảng 75% lượng thông tin, còn thường chỉ được 50-60%.

Bởi vì sao? Bởi vì anh phiên dịch khi dịch dựa chủ yếu vào kinh nghiệm của Việt Nam, tri thức của thực tiễn Việt Nam và anh ta dịch theo cách anh ta hiểu. Nhưng về cơ bản, những điều mà người ta nói nó không phải là như vậy. Đôi khi, ngồi trong đoàn nghe phiên dịch diễn giải những điều mà người ta nói, mình thấy là nội dung nguyên bản nó mất gần hết, hoặc là mất rất nhiều.

Khó là thế đấy! Một nửa cái bánh mì vẫn là cái bánh mì, một nửa con gà vẫn là thịt gà, nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật nữa và một nửa thông tin thì xem chừng cũng chưa ổn lắm.

PV: Tôi muốn nói lại chỗ này với ông: một nửa sự thật mà không mâu thuẫn với toàn bộ sự thật thì tại sao lại bảo không còn là sự thật nữa?

TS NSD: Thực ra, cân đong đo đếm sự thật là một việc làm rủi ro. Có lẽ, cũng có những trường hợp một nửa sự thật sẽ giống như một nửa cái bánh mỳ. Nhưng trong phần lớn các trường hợp, một nửa sự thật sẽ dẫn chúng ta đi lạc mất đường.

Con người phải hợp lý

PV: Có một vấn đề trong chuyện tiếp thu tri thức như thế này: Nếu chúng ta nắm chắc cái của chúng ta và tiếp cận những cái mới trên cơ sở vững chắc nền móng của mình thì sẽ khác hẳn là nếu chúng ta chưa vững chắc nền móng của mình mà tiếp nhận ngay những cái mới.

Có vẻ như hiện nay đang xảy ra tình trạng như thế ở một số trí thức Việt Nam được đi du học ở nước ngoài: Anh tiếp cận với văn minh phương Tây, với lý luận phương Tây và anh cảm thấy rất hay và lập tức cảm thấy cái gì ở phương Đông cũng là đã lỗi thời hoặc không tiến bộ.


Và anh cứ muốn áp dụng ngay những cái mà cảm thấy là tinh hoa phương Tây vào một bối cảnh và những điều kiện rất đặc thù của nước mình. Và thế là mâu thuẫn nảy sinh. TS nghĩ thế nào về hiện tượng này?

TS NSD: Đúng là chuyện đó có thể có, nhưng có lẽ cũng không phổ biến. Ngoài ra, những người Tây học chưa phải là đông, cũng chưa phải là có thế lực. Thực ra, quan hệ giữa cái phổ quát và cái chuyên biệt là một mối quan hệ biện chứng. Cái phổ quát tác động lên cái chuyên biệt và ngược lại cái chuyên biệt cũng tác động lên cái phổ quát. Ngoài ra phương Đông hay phương Tây thì nhiều khi chỉ là các cách tiếp cận chân lý khác nhau. Còn chân lý có thể chỉ là một.

Ưu điểm của cách tiếp cận phương Tây là duy lý. Theo tư duy của người phương Tây thì toàn bộ pháp luật cũng như kinh tế học đều được xây dựng trên một giả thuyết là con người ta hành xử hợp lý. Còn bất cứ lúc nào mà con người hành xử bất hợp lý thì pháp luật chẳng giải quyết được vấn đề gì cả.

Lấy ví dụ, pháp luật sẽ không có nghĩa gì nếu như người ta cứ đánh bom liều chết. Sự trừng phạt cao nhất chỉ có thể có là tước bỏ cuộc sống của con người, nhưng với một kẻ đánh bom khủng bố, sẵn sàng chết vì cái mà họ cho là lý tưởng thì nền văn minh phương Tây dường như bất lực.

Phương Tây với toàn bộ kỹ nghệ của mình, toàn bộ hệ thống pháp luật tỏ ra hoàn toàn lúng túng vì ở đây anh đang phải đối xử với một hệ chuẩn nó khác, và con người họ hành xử không theo giả thuyết là con người ta phải hành xử hợp lý.

PV: Khôn ngoan như Bá Kiến mà lắm khi cũng bất lực với cách hành xử kiểu Chí Phèo…

TS NSD: Người phương Đông hành xử hợp lý hay không hợp lý? Về căn bản là hợp lý. Lợi ích bao giờ cũng dẫn dắt con người. Nó như "cục pin" mà tạo hóa đã gắn vào ngực con người. Bất cứ một chủ trương, chính sách nào mà lại móc "cục pin" đó ra khỏi ngực con người thì con người sẽ không còn động lực. Cái đó căn bản đúng, nhưng còn cái gì khác nữa thúc đẩy người Việt chúng ta? Cái gì thôi thúc người Việt sẵn sàng làm việc này hay việc khác?

Ở đây, có thể có tầm nhìn. Lấy ví dụ một cách ứng xử trong sinh hoạt hàng ngày: Có người muốn nhà mình sạch thì cứ vứt rác ra ngoài đường, vứt ra cả xác chuột chết. Rõ ràng đó là một hành vi xuất phát từ góc độ tầm nhìn hạn hẹp; vì hạn hẹp nên thấy làm như thế là hợp lý, tôi không mất nhiều công sức lắm mà nhà tôi vẫn sạch. Nhưng đó là tầm nhìn rất gần, thì như vậy là đầu độc chính mình, hủy hoại môi trường sống của chính mình. Vì xe cộ sẽ biến rác, chuột thành bụi và bụi lại sẽ bay vào nhà.

Thường là một con người hợp lý nếu bị vướng vào tầm nhìn thiển cận sẽ có thể gây nên những hành vi bất hợp lý. Bởi lẽ túi rác tôi vứt ra đường, xác con chuột chết tôi vứt ra đường nếu có xe cộ đi lại thì chúng sẽ bung ra, tung toé khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường và rất có thể lại bay vào nhà của người đã vứt chúng ra. Thường là một con người hợp lý nếu bị vương vào tầm nhìn thiển cận sẽ có thể gây nên những hành vi bất hợp lý.

PV: Hợp lý với cá nhân nhưng lại bất hợp lý với cộng đồng, rốt cục lại trở về với sự bất hợp lý với chính mình… Theo cảm nhận của tôi, hình như mô hình người Việt Nam thế kỷ XXI mà chúng ta đang cần phải xây dựng là: có cục pin của tạo hóa trong ngực như ông đã nói, nhưng vẫn cộng thêm những cái tâm linh truyền thống của người Việt. Nếu kết hợp hai cái đó thì chúng ta tìm được cách phát triển riêng của chúng ta trong thế giới rất nhiều mô hình, rất nhiều đường đi hiện nay. Ông có nghĩ như vậy không?

TS NSD: Cái đó quá đúng. Hội nhập thì không chỉ có cạnh tranh, mà còn có vấn đề bảo vệ bản sắc. Người Việt sẽ tồn tại với bản sắc của mình như một dân tộc, như một cộng đồng không bị hòa lẫn thì đó mới là vấn đề.

PV: Đóng góp sự đa dạng đầy bản sắc của mình vào thế giới, chúng ta không nhòa đi, không bị tan đi như một cục đường...

TS NSD: Chúng ta sẽ vẫn là chúng ta. Trong đó các yếu tố tâm linh có thể đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng con người ta là một thực thể hết sức phức tạp. Đời sống vật chất chỉ là một phần thôi, một phần rất hữu hạn của con người, đời sống tinh thần, đời sống tâm linh mới là vô hạn.

Tại sao người ta nói kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh hơn? Đó là vì kinh tế tri thức khai thác các nhu cầu về tinh thần, đó là các nhu cầu vô hạn; còn nếu anh khai thác các nhu cầu vật chất thì nó rất hữu hạn, mà một khi nó hữu hạn thì kinh tế không phát triển mãi được.
Kinh tế thực ra chỉ là một hoạt động nhằm khai thác nhu cầu của con người thôi. Vì rõ ràng nếu người ta không có nhu cầu mặc áo thì anh may áo chẳng thể có lợi ích kinh tế. Nhưng nhu cầu tinh thần thì có thể tinh tế hơn, cái áo phải theo mốt, cái áo phản ánh được văn hóa, cái áo phản ánh được lúc vui lúc buồn của con người.

Và như vậy từ giá trị vật chất đã chuyển sang giá trị tinh thần rồi. Và cái đó mới là vô hạn. Những cái như vậy mới làm nên sự phát triển vượt bậc của kinh tế…


Quan trọng là đào tạo

PV: TS là một người đi nhiều, đọc nhiều, biết nhiều. Anh có cảm giác rằng, nói một cách thực chất thì người Việt chúng ta thiếu những cái gì chăng để có thể trở thành công dân toàn cầu? Không nhất thiết cứ phải nhìn thấy điểm xấu của dân tộc mình nhưng mà nếu nhìn thấy được những cái hữu hạn của mình may ra sẽ có cơ hội hơn trong tương lai…

TS NSD: Trước hết, tôi đi, đọc và biết thì cũng vừa phải thôi. Còn về những thứ mà người Việt cần có để trở thành công dân toàn cầu, thì tri thức, hiểu biết, các kỹ năng là rất cần thiết. Trước hết là tri thức, tri thức đầu tiên là sự hiểu biết về thời đại mà chúng ta đang sống. Thời đại chúng ta đang sống có gì khác biệt? Các quy luật nào đang làm cho thế giới chuyển động, đang sai khiến loài người phải hành động như thế này, mà không phải như thế khác?

PV: Tức là những quy luật này có thể đúng, có thể sai tùy theo góc nhìn nhưng phải hiểu rõ những quy luật nào đang chiếm lĩnh cuộc chơi nhất để mình thích ứng hoặc mình tránh, có đúng vậy không ạ?

TS NSD: Đúng là có quy luật chuyên biệt, nhưng có quy luật phổ quát. Một số quy luật là rất phổ quát. Bây giờ chẳng hạn như người ta đầu tư khai thác dệt may ở đây, đến đây nhiều là vì người ta mua lao động giá rẻ ở đây. Như vậy, việc làm nó chạy đến nơi có giá lao động rẻ cho dù lao động thô sơ, lao động được đào tạo hay lao động chất lượng cao, bất cứ chỗ nào cũng thế. Còn hàng hóa nó chạy đến nơi có giá bán cao hơn.

Đó là một quy luật gần như không thể đảo ngược được.

Nhà nước Mỹ cũng muốn giữ lại việc làm cho người Mỹ chứ, nhưng tại sao nhiều công ty Mỹ vẫn cứ tìm cách xây dựng các nhà máy lắp ráp ở nước ngoài? Bởi vì, cũng chất lượng như vậy, giá thành ở đó rẻ hơn. Rõ ràng là các doanh nghiệp Mỹ cũng chạy theo lợi nhuận thôi.

Tinh thần yêu nước cũng đóng một vai trò nào đó, nhưng tinh thần yêu nước của người Mỹ cũng chỉ bùng phát ở những thời điểm nhất định và được kích lên như khi xảy ra vụ tấn công tòa tháp đôi ở New York… Nhưng ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa thì các doanh gia phải nghĩ, phải tính toán theo tư duy hợp lý và phải theo đuổi lợi nhuận. Đó mới là hành vi kinh tế. Như vậy ta sẽ thấy các quy luật bao trùm thế giới này nó đang làm chủ thế giới này như thế thì mình đi ngược sao được! Vấn đề là mình tuân theo những quy luật đó như thế nào cho có lợi nhất…

Nếu bây giờ giá công nhân mình rẻ, nhưng rõ ràng người ta khai thác công nhân không được đào tạo thì tiền mình chẳng có bao nhiêu. Còn người ta khai thác công nhân được đào tạo thì thu nhập sẽ cao hơn, đóng thuế cho nhà nước cao hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn. Rõ ràng ở đây giáo dục đào tạo đóng vai trò quan trọng. Nó là phần cốt lõi của kinh tế. Còn nhiều quy luật khác nữa của việc luân chuyển dòng vốn, của việc thị trường chứng khoán, tâm lý đầu tư... Rất nhiều.

Trong cuốn sách "Sống bằng không khí mong manh" của một tác giả người Anh có nhắc, chúng ta đang sống trong thế giới rất bất định. Cái gì đúng với người Anh thì cũng đúng với người Việt thôi. Việc làm có thể chảy từ nơi này sang nơi kia, tiền có thể chảy từ nơi này sang nơi kia. Quy luật của thế giới này là tốc độ, cũng công nghệ đấy nhưng anh nhanh hơn thì anh thắng. Quy luật của thế giới này là tốc độ sẽ thắng.

Một công nghệ dù tiên tiến đến mấy cũng chỉ sống được một thời gian thôi, một công nghệ khác siêu việt hơn sẽ bóp chết công nghệ đó. Tiếp theo, anh phải chuẩn bị tâm thức của anh trong một thế giới luôn luôn thay đổi. Có những giá trị thuộc về bản sắc anh phải giữ, nhưng cũng có những giá trị khác mà anh cứ cố bám vào là anh chết. Ví dụ như tổ chức xã hội như thế nào để có thể thành đạt? Các thiết chế, các thể chế, nghe nó trừu tượng nhưng bản chất nó là tổ hợp các hành vi.

Trong một mô hình xã hội mới như thế, người Việt cũng phải học cách tổ chức sống theo cách mới. Những cái gì đưa cho làng toàn cầu thành đạt thì mình cũng phải có… Trong mô hình xã hội như thế rất cần anh và tôi sẽ phải hợp tác với nhau. Như vậy người Việt phải học cách hợp tác với nhau để trở thành công dân toàn cầu.

Và cả về tâm lý nữa. Tại sao người phương Tây chiếm lĩnh được nhiều lĩnh vực? Vì người ta thích mạo hiểm. Mình cũng không phải quá phiêu lưu nhưng phải biết mạo hiểm. Cơ hội toàn cầu, thì rủi ro cũng toàn cầu. Nếu anh không chấp nhận cái đó thì cũng rất khó, anh chỉ trở lại với vườn cây ao cá của anh, không chết đói nhưng cũng khó mà giàu…

Một điều nữa là nói đến hợp tác, không phải với nhau mà với người nước ngoài nữa. Vì rằng anh chia sẻ cơ hội với người nước ngoài thì anh cũng phải chia sẻ rủi ro với họ…

PV: Chúng ta đang thay đổi để thích ứng hơn với điều kiện mới nhưng có điều tốc độ thay đổi ấy đạt được đến đâu thì do góc nhìn, có đúng không ông? Và nếu trong cơ chế như ở nước ta, nếu ta không quá hài lòng thì chúng ta cũng không nên bi quan với sự thay đổi đang diễn ra.

TS NSD: Hoàn toàn đang diễn ra rất là tốt đẹp, rất là đúng hướng và có lẽ cũng không thể nhanh hơn được nữa. Đời chỉ thay đổi khi chúng ta thay đổi. Mà chúng ta thì bị ràng buộc bởi trăm mối, trong đó có văn hóa, có pháp luật, có giá trị, có truyền thống, có đạo đức, có quyền lực, có lợi ích... Khi mọi thứ không chuyển động đồng bộ thì đổ vỡ sẽ rất dễ xảy ra...

PV: Thực ra tất cả chúng ta, bất cứ một tầng lớp nào, bộ phận nào của xã hội đều có quyền xứng đáng với tỷ lệ của mình và làm sao để không phải hy sinh cho bất cứ ai, bất cứ bộ phận nào dù là nhỏ nhất cho một thay đổi gọi là hướng tới tương lai. Có đúng vậy không, thưa ông?

TS NSD: Cuộc sống mà tạo hóa cho mọi người đều quý như nhau. Thành thử hy sinh tầng lớp này cho tầng lớp kia, thậm chí thế hệ này cho thế hệ kia xét từ góc độ giá trị, xét từ góc độ đạo lý đều không được. Một ngày mất là một ngày mất, mặt trời chỉ mọc lên chừng đấy ngày cho chúng ta thôi.

Có thể về sinh học, về điều kiện sống, có người sống nhiều hơn, có người sống ít hơn, đó là cái mà tạo hóa cho con người, đó là giá trị cao nhất và giá trị đó phải được trân trọng. Không nên hy sinh lợi ích của tầng lớp này cho tầng lớp kia. Ví dụ như cấm hàng rong thì lợi cho người đi bộ thoải mái nhưng ảnh hưởng đời sống những người nghèo kiếm sống bằng nghề đó.

Có lẽ, một sự cân đối lợi ích là không phải dễ, nhưng tránh phải hy sinh lợi ích của người này vì người kia nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Và muốn cân đối không phải chỉ nói đạo lý, mà cần phải có những thiết chế để làm những chuyện đó. Không ngẫu nhiên người ta nói rằng, triết lý của thị trường là kẻ mạnh phải thắng, còn triết lý của dân chủ là kẻ yếu phải có cơ hội.

PV: Con voi có thể to hơn con kiến nhưng không nên nghĩ rằng phẩm giá của con voi lại lớn hơn phẩm giá của con kiến, tương ứng với trọng lượng của nó.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hai con dê, một chiếc cầu

    24/01/2016TS. Nguyễn Sĩ DũngTự do, Pháp luật và Đạo đức là những thứ rất trừu tượng. Những thứ này đều có vai trò quan trọng trong cuộc sống. Nhưng vai trò của chúng là rất khác nhau. Xin phân tích điều trên từ một bài tập đọc mà chúng ta ai cũng đều biết. Đó là bài tập đọc vỡ lòng về việc hai con dê cùng qua một chiếc cầu...
  • Nguồn cội của pháp quyền

    30/10/2014TS. Nguyễn Sĩ DũngHiện nay, theo nhận thức của đa số người Việt chúng ta, Nhà nước pháp quyền là Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. So với việc quản lý xã hội bằng mệnh lệnh hành chính, cách hiểu này là một tiến bộ to lớn trong tư duy pháp lý của người Việt. Tuy nhiên, pháp quyền là một cái gì đó vĩ đại và tốt đẹp hơn như thế rất nhiều...
  • Thần linh pháp quyền

    20/08/2014Nguyễn Sĩ DũngPháp quyền về bản chất gắn với “thần linh”. Và người đầu tiên không ngại nói ra điều ấy chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ, cũng là người Việt Đầu tiên nói đến pháp quyền. Năm 1919, trong bản yêu sách gửi đến hội nghị Versaille, yêu sách thứ 7 được người đề ra là pháp quyền...
  • Tính tự phán của người mình

    18/11/2013Thái AnGần đây, chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ của Trung Hoa trên trường quốc tế, lại thấy dư luận hâm nóng một cuốn sách được xuất bản cách đây hai thập kỷ. Đó là cuốn Người Trung Hoa xấu xí của Bá Dương...
  • Sự lẽo đẽo của tư duy

    09/01/2011TS. Nguyễn Sĩ DũngMột triết gia đã từng khẳng định: “Mọi thứ dẫn con người đến hành động đều phải đi qua cái đầu của anh ta”. Nghĩa là anh ta phải nhận thức được vấn đề trước khi phản ứng lại với nó. Nhận thức đi trước là một điềm lành, là điều kiện thuận lợi để phản ứng mạch lạc, hiệu quả đối với các thách thức của cuộc sống...
  • Áp lực để khó từ chức?

    24/11/2010Lương Bích Ngọc - Ngọc NhungRất nhiều người cảm thấy khó khăn trước sự lựa chọn: NÊN hay KHÔNG từ chức? Vậy đâu là những lực cản chính? Làm thế nào để việc từ chức được coi là bình thường từ phía người phải từ chức và dư luận xã hội?
  • Chủ nghĩa tư bản thân hữu

    20/10/2010TS. Nguyễn Sĩ DũngNhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), TS Nguyễn Sĩ Dũng có bài bàn về chủ nghĩa tư bản thân hữu, một thứ quan hệ có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia...
  • Tư bản xã hội

    22/01/2008TS. Nguyễn Sĩ DũngBa nguồn lực cơ bản nhất để phát triển là vốn tài chính, vốn tri thức và vốn xã hội. Chuyện phải đầu tư bằng tiền ai cũng hiểu. Chuyện phải đầu tư bằng tri thức rất nhiều người hiểu. Thế nhưng, chuyện phải đầu tư bằng tư bản xã hội thì số lượng những người như vậy chưa phải là nhiều...
  • Làm nhà kinh doanh

    12/10/2007TS. Nguyễn Sĩ DũngLực lượng doanh nhân Việt Nam đã thực sự trở thành một phần cấu thành quan trọng của nền kinh tế đang hội nhập. Họ góp phần làm nên sự chuyển đổi và tăng trưởng của nền kinh tế nói trên. Vai trò quan trọng này được lý giải bởi những thiên chất mà những nhà kinh doanh mới có...
  • Nguyên nhân nhà đổ

    17/09/2007TS. Nguyễn Sĩ DũngMột ngôi nhà bị đổ có thể do lỗi của thi công, mà cũng có thể do lỗi của thiết kế. Trong cái sự đổ nhà, vì vậy, điều quan trọng là cần làm rõ lỗi nằm ở đâu - ở khâu thi công hay ở khâu thiết kế.
  • Thế sự - Một góc nhìn

    16/05/2007TS. Nguyễn Sĩ DũngCuốn Thếsự - Một góc nhìnlà một tuyển tập các bài viết của TS. Nguyễn Sĩ Dũng từ năm 2000 trở lại đây. Ônglà một công chức của QuốcHội, đồng thời là một nhà nghiên cứu. Trước khi làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, ông đã có 6 năm phụ trách cơ quan nghiên cứu của Văn phòng Quốc Hội là Trung tâm thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học. Ở đây, ông đã có điều kiện đi sâu nghiên cứu nhiều vãn đề liên quan đến Nhà nước pháp quyền, pháp luật, chính sách và các mặt của đời sống xã hội.
  • Bài toán năng lực cạnh tranh

    03/03/2007TS Nguyễn Sĩ DũngTrong những món "quà Tết” mà năm 2007 ban tặng cho chứng ta có một thứ mang tính chất hai mặt. Cái thứ mang tính chất hai mặt đó chính là cạnh tranh - cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu và cạnh tranh ngay tại sân nhà của chúng ta. Cạnh tranh là một thách thức, nhưng đồng thời cũng là một cơ hội. Thách thức là vì chúng ta phải đấu nhau với cả những "gã khổng lồ" có tiềm lực to lớn và có kinh nghiệm đầy mình. Cơ hội là vì chúng ta có được một sức ép lành mạnh để vươn lên. Không có sức ép, chắc gì chúng ta đã chịu từbỏ cách nghĩ, cách làm cũ.
  • Cần tư duy mới, hành động mới

    16/02/2007Nguyễn Kim Khánh thực hiệnTiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng là người rất gần gũi với báo chí và công chúng. Ông nhìn nhận, đánh giácác vấn đề xã hội theo cách riêng của mình, thường là với những lập luận sắc sảo và đầy tinh thần trách nhiệm.
  • Phản biện Nguyễn Sĩ Dũng…

    15/02/2007Đỗ Doãn HoàngÔng luận về nhiều vấn đề quốc gia đại sự với một tinh thần thượng tôn khoa học, sắc sảo, đầy trách nhiệm công dân. Ông luôn chủ trương ủng hộ cái mới, tôn vinh giới trẻ và sức trẻ, song cũng không quên trách nhiệm của một người làm khoa học quản lý xã hội. Trong mắt tôi, ông có cái tráng chí của kẻ sĩ đang hành đạo, một thuyết khách thời cổ mang nhiều khát vọng “Rời lều tranh xuống núi”, dâng kế giúp đời. Công việc ấy, xã hội ngày này gọi là phản biện xã hội, một đòn bẩy cho sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào...
  • Gia nhập WTO: Tôn trọng bản quyền

    03/01/2007Tân KhoaViệc Quốc hội VN thông qua Luật Sở Hữu Trí Tuệ là một mốc quan trọng. Vấn đề là làm thế nào để thực thi các điều khoản của Luật này...
  • Thịnh vượng sẽ đến nhanh hơn, nếu...

    10/10/2006TS Nguyễn Sĩ Dũng13 tháng 10 - ngày của các doanh nhân VN, một ngày lễ mới tròn một tuổi. Ngày lễ này được xác lập như vậy là rất muộn, nhưng có lẽ, cũng không thể sớm hơn. Bởi vì rằng trái cây cần thời gian để chín, con người cần thời gian để vượt qua những định kiến của mình...
  • Quyền lựa chọn của dân tộc

    20/08/2006TS Nguyễn Sĩ DũngQuyền thứ nhất được Bác Hồ long trọng tuyên bố 60 năm về trước là quyền độc lập. Với ý nghĩa này, ngày 2-9 đã trở thành Tết Độc lập của đất nước ta. Thế nhưng độc lập là gì?
  • Cải cách phân quyền chi tiêu

    20/05/2006TS. Nguyễn Sĩ DũngThượng sách mà không ít địa phương sử dụng trong quá trình chạy Dự án xin tiền TW là “lấy mỡ nó, rán nó”. Hậu quả là một tỉ lệ lớn “mỡ” của TW bị “rán” ngay trên đường từ địa phương đến Hà Nội và từ Hà Nội trở về...
  • Bài toán xã hội hóa

    03/05/2006TS. Nguyễn Sĩ DũngXã hội hóa và đổi mới tư duy vẫn là hai thứ khác nhau. Mối quan hệ giữa chúng nhiều khi cũng tế nhị như mối quan hệ giữa bình và rượu...
  • Mua bán thông tin

    07/04/2006TS. Nguyễn Sĩ DũngThông tin là thứ có thể mua bán được. Và nhiều người đang sống bằng chính cái nghề mua bán các con số và các ký tự như vậy...
  • Năng lực tư duy toàn cầu

    23/03/2006TS Nguyễn Sĩ Dũng (thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng)Trong một đất nước đang xây dựng hòa bình và chủ động hội nhập, thì việc nâng cao sức chiến đấu không biết sẽ cần thiết và hữu ích đến đâu, nhưng việc nâng cao năng lực lãnh đạo đúng là một đòi hỏi hết sức cấp bách...
  • Biết tự lo lấy

    04/02/2006TS. Nguyễn Sĩ DũngKhông cần phải ai chỉ bảo, các bạn trẻ VN đang tập hợp nhau lại để sáng tạo, chia sẻ kiến thức, sự hiểu biết và cơ hội thành đạt bằng cách sử dụng môi trường Internet và công nghệ số. Không gian thực tế ảo đang giúp việc tập hợp nói trên của các bạn trẻ diễn ra một cách rất nhanh chóng và dễ dàng...
  • Trò truyện thời hội nhập

    27/01/2006Trần Đăng Khoa ghiCâu chuyện chúng tôi là chuyện về thời hội nhập. Một vấn đề lớn, mang tính toàn cầu. Bởi thế không thể nói qua quýt trong mấy vốc chữ...
  • Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

    12/01/2006TS. Nguyễn Sĩ DũngKinh doanh thực chất là khai thác nhu cầu của con người: các nhu cầu đang, sẽ và có thể tạo ra. Bạn không thể bán máy tính trên sao hỏa. Đơn giản vì trên đó không có nhu cầu. Như vậy, sự giàu có của các doanh nghiệp suy cho cùng là do các khách hàng tạo ra...
  • Năng lực thể chế

    03/01/2006TS. Nguyễn Sĩ DũngNăng lực thể chế là năng lực của các cơ quan nhà nước hoàn thành các chức năng hiến định của mình. Chức năng nào thì năng lực ấy. Chức năng càng phức tạp thì năng lực phải càng cao hơn. Rủi ro lớn nhất ở đây là: Hiến pháp chỉ có thể trao cho một cơ quan nhà nước các chức năng, chứ không thể trao cho cơ quan này các năng lực tương ứng...
  • Tản mạn về tài sản vô hình

    02/12/2005TS. Nguyễn Sĩ DũngChúng ta đang sống trong một thế giới đã thay đổi. Chỉ nói riêng về kinh tế, cuộc cách mạng đang diễn ra không phải là cuộc cách mạng về tốc độ, cũng không phải là cuộc cách mạng về năng suất mà là cuộc cách mạng về khái niệm. Thế giới đang được xây dựng theo một hệ thống khái niệm hoàn toàn mới.
  • ICT hay IT? Vấn đề nhận thức

    04/11/2005TS. Nguyễn Sĩ DũngỞ nước ta, công nghệ thông tin đang thực sự là một thứ mốt thời thượng. Sự nghiệp "tin học hóa" được triển khai rầm rộ không thua kém gì phong trào bình dân học vụ trước đây. Tuy nhiên, phong trào bình dânhọc vụ có vẻ thiết thực hơn: nó nhắm vào những nhu cầu có thực và những mục tiêu được xác định rõ ràng.Với "phong trào công nghệ thông tin", những điều ở cấp "bình dânhọc vụ” như vậykhông phải bao giờ cũng được làm rõ.
  • Giò lụa hay xúc-xích: Lại bàn về làm luật

    28/10/2005PGS, TS. Phạm Duy NghĩaChơi chữ theo Bismark, ông Nguyễn Sĩ Dũng khôi hài cho rằng “làm luật khó như làm xúc xích". Cũng như xúc-xích, muốn dùng được, luật pháp phải gần với cuộc đời, phải thoả cơn đói của người dân và từng bước chắp cánh cho họ vươn tới những giá trị ẩm thực ngày một thanh cao. Vốn chỉ quen với giò lụa, nay phải làm luật cho ngôi làng toàn cầu, người nước ta chắc phải nắm bắt lấy những kỹ nghệ tân tiến mà sản xuất ra các quy phạm có giá trị áp dung chung, mang tính khái quát cao, dễ hiểu và tự nhiên đi vào lòng người tới mức chẳng những dân ta mà người ngoại quốc cũng vui lòng cung kính mà tuân thủ. Luật pháp tự thân nó phải sống trong tâm thức và liêm sỉ của con người...
  • “Chủ nghĩa thân hữu”

    26/10/2005TS. Nguyễn Sĩ DũngDoanh nghiệp nhà nước gắn với các cơ quan nhà nước. Sự gắn bó này tạo ra lợi thế. Ít nhất, đó là khả năng tiếp cận các quan chức dễ dàng hơn, khả năng đề xuất nguyện vọng và cung cấp thông tin cho lãnh đạo nhanh chóng hơn...
  • Cá và Ao...

    30/09/2005TS. Nguyễn Sĩ DũngMột nguyên tắc cơ bản của luật dân sự mách bảo cho chúng ta rằng: "Cá vào ao ai là cá của người đó". Theo nguyên tắc này, cây mọc trên đất của ai là cây của người đó; nhà xây trên đất của ai là nhà của người đó. Chuyện của cuộc sống là đơn giản và dễ hiểu như vậy. Tuy nhiên, mọi việc lại có vẻ không hoàn toàn đơn giản và không hoàn toàn dễ hiểu được như vậy trong thực tiễn pháp lý của chúng ta...
  • Mua lấy sự khôn ngoan của người đời

    05/09/2005Nguyễn Sĩ DũngDịch vụ tư vấn phát triển là do nhu cầu của con người về ý kiến thức và về sự hiểu biết ngày một tăng lên. Thực ra, nhà sản xuất bán hàng hóa, thì nhà nghiên cứu bán sự hiểu biết là chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường...
  • Thử nhận diện bóc lột

    09/07/2005TS. Nguyễn Sĩ DũngCâu trả lời mà chúng ta có sẵn là: trả tiền công thấp hơn giá trị mà lao động làm ra là bóc lột. Điều này là hoàn toàn đúng trong một mô hình tĩnh, và trong điều kiện giá trị với giá cả là tương đương nhau. Vấn đề là chúng ta phải áp dụng nó vào thực tế của nền kinh tế thị trường sống động và hiện thực như thế nào?
  • xem toàn bộ