Thử nhận diện bóc lột

03:06 CH @ Thứ Bảy - 09 Tháng Bảy, 2005

Câu trả lời mà chúng ta có sẵn là: trả tiền công thấp hơn giá trị mà lao động làm ra là bóc lột. Điều này là hoàn toàn đúng trong một mô hình tĩnh, và trong điều kiện giá trị với giá cả là tương đương nhau. Vấn đề là chúng ta phải áp dụng nó vào thực tế của nền kinh tế thị trường sống động và hiện thực như thế nào?

Trước hết trong một nền kinh tế thị trường, giá trị và giá cả là những thứ khác nhau. Có giá trị chưa chắc đã có giá cả và ngược lại. Bạn có thể bỏ ra hàng ngàn giờ công lao động để sản xuất ra một chiếc ô tô, nhưng chẳng môt ai thèm mua nó cả. Trong trường hợp này, bạn đã tọa ra một núi giá trị (kể cả giá trị sử dụng), nhưng về mặt kinh tế bạn chẳng tạo một cái gì cả ngoài sự lãng phí công sức, tiền bạc và vật liệu. Vấn đề cơ bản là trên thị trường, cầu về một chiếc ô tô “vô danh, tiểu tốt” như vậy hoàn toàn không có.

Hàng hóa, có thứ tốt, thứ xấu, có lúc thiếu, lúc thừa. Giá cả của chúng vì vậy có lúc xuống, lúc lên có lúc cao, lúc thấp. Lao động, chất xám và giá cả của chúng cũng biến đổi bất tận như vậy. Giống như nước thủy chiều lên xuống phụ thuộc vào sức hút của mặt trăng, giá cả lên xuống phụ thuộc vào sự tác động của quy luật cung cầu.

Nếu nhiều gia đình tìm mua dịch vụ giúp việc nhà thì những người làm nghề này sẽ có giá. Nếu nghề này có giá, thì nhiều người sẽ chọn nó làm nghề kiếm sống. Nếu nhiều người chon nó làm nghề kiếm sống, thì giá dịch vụ giúp việc nhà lại sẽ giảm. Đó là cái sự “tít mù nó lại vòng quanh” của cuộc sống và của thị trường.

Xét về mặt kinh tế, giá cao chưa hẳn là xấu, mà giá thấp chưa chắc đã tốt. Trước hết, nếu kinh tế là có mua và có bán, thì tốt cho người bán chưa chắc đã tốt cho người mua và ngược lại. Ngoài ra, đắt là tín hiệu của sự thiếu hụt về cung và là lời mời gọi đầu tư khai thác cơ hội hiếm có đó. Rẻ là tín hiệu của sự dư thừa về cung và là lời cảnh báo hãy thận trọng với việc đầu tư. Tuy nhiên, ở vào một thời điểm bất kỳ, giá cả của hàng hóa, dịch vụ, kể cả giá cảcủa lao động và chất xám đều có thể xác định được trên một thị trường vận hành tự do và thông suốt. Vậy thì đó là giá chuẩn. Trên giá chuẩn đó, chẳng ai dại gì mà mua. Dưới giá chuẩn đó, chẳng ai dại gì mà bán. Tuy nhiên, vẫn có những người dùng các thủ đoạn để mua được sức lao động với giá rẻ hơn so với giá thị trường. Phải chăng những người này là những người bóc lột?

Trên thực tế, tìm cách mua hàng hóa với giá rẻ hơn của thiên hạ là không dễ. Vì khi quyền tự do lựa chọn được bảo đảm, thì ai dại gì mà bán sức lao động cho những người trả trả giá thấp hơn?! Tuy nhiên, vẫn có người sẽ làm như vậy vì mục đích từ thiện, hoặc vì sự hỗ trợ cho một công việc mà họ cho là cao đẹp. Trong trương hợp này, đặt vấn đề bóc lột có thể chưa chắc đã hợp lý. Như vậy, thiếu yếu tố cưỡng bức chưa chắc đã cấu thành sự bóc lột.

Vấn đề của mọi vấn đề là giá cả thường xuyên biến động. Khi bạn đồng ý làm việc với một mức lương nào đó thì đó chỉ là giá chuẩn của một thời điểm. Ngày hôm sau hoặc ngày hôm sau nữa, giá lao động có thể lên và cũng có thể xuống. Người lao động ít khi để ý đến trường hợp giá xuống ; người sử dụng lao động lại ít khi để ý đến trường hợp giá lên. Cả hai vì vậy thường xuyên cảm thấy mình bị thiệt thòi. Những xung đột về quan hệ lao động là rất dễ nảy sinh. Sự anh minh nằm ở khả năng thương lượng và mặc cả hơn là ở cách cư xử theo kiểu “lành làm gáo, vỡ làm làm môi”. Hiệp hội những người sư dụng lao động và công đoàn là những công cụ quan trọng để xử lý các tranh chấp lao động. Và văn hóa, và tình yêu lẽ phải luôn luôn phải đi kèm.

Cuối cùng, nhận diện bóc lột trong điều kiện mời là rất quan trọng để phát triển kinh tế và xây dựng mối quan hệ xã hội lành mạnh và tiến bộ. Bởi vì rằng, chúng ta nhiều khi sợ ma chủ yếu chỉ vì không biết được nó hiện hữu như thế nào.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bóc Lột ngoài kinh tế

    30/04/2016Nguyễn Trần BạtSuy đến cùng, bóc lột ở thời nào cũng đều kéo dài kiếp sống lầm lũi, kém phát triển của cả tầng lớp dân chúng nghèo khổ trong xã hội. Đích cuối cùng của chúng ta không phải là chống lại bóc lột, mà là chống lại chính sự bần cùng hóa con người. Nói cách khác, chúng ta phải giải phóng con người ra khỏi đời sống kém phát triển và tạo không gian tự do sáng tạo để họ có thể phát huy hết năng lực của mình...