Tính tự phán của người mình

09:36 CH @ Thứ Hai - 18 Tháng Mười Một, 2013

Gần đây, chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ của Trung Hoa trên trường quốc tế, lại thấy dư luận hâm nóng một cuốn sách được xuất bản cách đây hai thập kỷ. Đó là cuốn Người Trung Hoa xấu xí của Bá Dương.

Dường như có sự liên tưởng giữa sự dũng cảm nhận ra những yếu kém sẽ mang lại sức vươn lên mạnh mẽ cho một dân tộc. Trước cuốn sách của Trung Hoa, thì nước Pháp, nước Mỹ, nước Nhật Bản đều từng có những cuốn sách tương tự, nhận mình là xấu xí... Còn người Việt, một “Người Việt xấu xí”- tại sao chúng ta không bàn đến? Chúng tôi mời nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà phê bình Vương Trí Nhàn và tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cùng bàn về vấn đề này.

Phóng viên: Vì sao chúng ta đã có một “Người Việt cao quý” mà mãi gần đây mới đề cập đến khía cạnh ngược lại?

- Ông Dương Trung Quốc: Một công bố gần đây của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn lục tìm trong sách báo cũ cho thấy, người Việt Nam ta đâu phải không biết tự phán. Ngay trong thời cận đại cũng từng có hai nhà chính trị, cũng đáng là hai nhân vật lịch sử quan trọng đã tự tay viết sách tự phê bình đường lối chính trị của mình. Tác giả Tự phán là nhà ái quốc nổi tiếng Phan Bội Châu, còn Tự chỉ trích là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Nguyễn Văn Cừ...

Nhưng tự phán và tự trào tính cách của dân tộc thì phải nói đến một nhân vật nổi danh trên trường văn học và báo chí là Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) ở đầu thế kỷ 20 mà năm nay chúng ta sẽ kỷ niệm 70 năm ngày mất của ông. Như vậy là việc dám nhìn vào gương để tự soi mình, vạch ra những thói hư tật xấu để phê phán và khắc phục đâu phải là chưa từng có ở ta. Tự phê phán đã từng được coi là một vũ khí để tu thân... Vấn đề hình như ở chỗ khác!

Biết nhận thức cái xấu, biết tự phê phán là thái độ khôn ngoan

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Khác ở chỗ nào, thưa nhà sử học Dương Trung Quốc?

- Tôi nhớ đến một cách quảng cáo của một bà chủ cửa hàng tiên phong trong việc mở mỹ viện tại Hà Nội: “Không có người đàn bà xấu, chỉ có người đàn bà chưa biết cách làm đẹp”. Một con người đã vậy, với một dân tộc có vậy không?

Khi nói về biểu tượng “con cá gỗ” gắn với một xứ sở nổi tiếng nghèo nhưng cũng nổi tiếng có học ở miền Trung, cái biểu tượng ấy có thể gắn với tính bủn xỉn, keo kiệt ở người này nhưng lại là tính hiếu học, ý chí phấn đấu vượt khó ở người khác...

Vì vậy khi nói về một sự khác biệt trong tính cách của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng, ta có thể nói về một số tính trội hay những tiềm năng mang các khuynh hướng khác nhau chứ không nên hiểu như những hằng số phản ánh một tính cách tuyệt đối, bất di bất dịch.

Trong sách du ký Hành trình Xứ Đàng Trong năm 1621 của cố đạo Alexandre de Rhodes có thuật lại trải nghiệm của một thương nhân Bồ Đào Nha. Ông ta đến Đàng Trong (vùng Hội An) và được nhiều người nước ngoài khác cảnh báo về một thói xấu của người bản địa là hay xin xỏ. Rằng người Đàng Trong rất chuộng của lạ, thấy ai có cái gì cũng ngỏ lời “Xin một cái”, do vậy ai có gì thì chớ để lộ ra kẻo họ lại xin. Sự việc diễn ra đúng như vậy. Nhưng một lần, ông thương gia này quyết định thử xem có đúng hoàn toàn như vậy không, bèn đến một gia đình thuyền chài nghèo và để tay lên cái rổ đầy cá rồi nói bằng tiếng bản địa “Xin một cái!”. Điều bất ngờ là người thuyền chài chẳng nói chẳng rằng đưa luôn cả cái rổ cá cho người ngỏ lời xin mặc dùcó thể đó là cả bữa ăn của gia đình mình. Thế là ông thương gia người Bồ lại phát hiện một tính cách đối lập với những thiên kiến về người Đàng Trong...

Còn hiện nay thì sao?

- Ông Vương Trí Nhàn: Về chuyện ngại ngùng thì không phải nói nhiều. Sự thực là khi bắt tay vào công việc tìm hiểu người Việt xấu xí, bọn tôi nhìn chung quanh đã thấy nản lòng. Có người bảo thiếu gì việc cần làm sao lại đi vào bới lông tìm vết thế này. Có cả những người rất tốt cũng nói rằng không nên làm. Nói chung mọi người nhìn mình hình như không được thiện cảm lắm. Đôi lúc chúng tôi cảm thấy hình như mình có lỗi.

Tuy nhiên, gần đây tình hình có khá hơn, dân tình thông cảm hơn và đề tài càng ngày càng được mọi người cho là cần thiết. Tôi nghĩ đây là mình làm một việc không người này làm thì người khác phải làm.

Tại sao lại nảy sinh cái tâm lý ngại ngùng này và nó bắt rễ sâu vào lòng người như vậy?

Thời đại ngày nay không thể tính khôn vặt như trước được nữa. Làm ăn muốn lâu dài phải sòng phẳng

Nhà phê bình Vương Trí Nhàn

- Ông Vương Trí Nhàn: Có thể có nhiều lý do. Trước tiên phải thông cảm với nhau, đây kể ra cũng là một nét tâm lý thông thường của con người. Nhà văn Triệu Bôn có lần kể với tôi: Nguyễn Minh Châu viết một truyện hơi yếu, Triệu Bôn viết bài chê và nhận ra ngay là ông Châu giận, không muốn nhìn mặt người phê mình nữa. Tới buổi hai người gặp nhau trong nhà tắm (trước năm 1975, tòa soạn Văn Nghệ Quân Đội chỉ có một căn phòng tắm chung, đặt bên cạnh cái bể to). Triệu Bôn bảo: “Chẳng nhẽ tôi nói thế không đúng sao?”. Nguyễn Minh Châu mới thủng thẳng trả lời: “Đúng, nhưng người bị đòn đau bỏ mẹ, ai mà chịu nổi!”.

Đấy, với một cá nhân là thế, với cả xã hội lại càng như thế. Tản Đà từng đúc kết: “Dân hăm lăm triệu ai người lớn – Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”.

- Ông Dương Trung Quốc: Từ những câu chuyện về bà chủ thẩm mỹ viện và thương nhân Bồ Đào Nha, suy cho rộng ra thì phải trở về cái nguyên lý “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Những cái xấu,những cái đi ngược lại với thiện tính của con người không thuộc về tính cách của một dân tộc mà chủ yếu chỉ là biểu hiện của những con người trong những hoàn cảnh cụ thể đã để mất cái thiện căn của mình. Biết nhận thức cái xấu, biết tự phê phán là thái độ khôn ngoan không chỉ với một cá nhân, một cộng đồng hay một dân tộc. Và đó cũng là ý niệm cốt lõi của hai chữ “giáo dục” như bài thơ Nửa đêm (Dạ bán) của Cụ Hồ:

“Ngủ thời ai cũng hiền lương
Tỉnh ra mới rạch hai phương dữ lành
Dữ lành bá tánh trời sanh
Thường do giáo dục mà thành thói quen”

(Bản dịch của Quách Tấn)

Đâu là thói xấu đáng sợ nhất?

- Ông Vương Trí Nhàn: Xét trong lịch sử, sự ngần ngại nói trên là một tâm lý hình thành từ lâu. Dân gian ai cũng thuộc cái câu: Tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại. Trong thâm tâm ta thừa biết mình không thiếu gì thói xấu. Song ta nhát, không muốn nhìn thẳng vào bản thân. Cái gì bê bối chỉ tính chuyện giấu nhẹm chứ không muốn giải quyết. Bởi bận bịu, mệt mỏi. Bởi quen dễ dãi với mình, không có nhu cầu hướng thượng, không cần đạt tới trình độ hoàn hảo. Sau hết bởi cảm thấy hình như không bao giờ giải quyết nổi. Tức là có phần tự ti nằm rất sâu trong ta mà ta không biết. Tự ti trong lòng, tự tôn ngoài miệng, cả hai đều thâm căn cố đế!

- Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Có ai đó trong số những người ngoại quốc đã từng nhận xét: “Một người Việt thì hơn một người Nhật. Hai người Việt thì khó lòng hơn hai người Nhật. Ba người Việt thì chắc chắn thua ba người Nhật”. Đây có lẽ là một lời khen để chê cho dễ. Bởi vì rằng có bao giờ người Việt chúng ta sống riêng rẽ từng người một như Rôbinxơn Cruzô trên hoang đảo đâu. Hơn thế nữa, chúng ta lại rất chuộng tinh thần tập thể. Mà tập thể thì ba người chỉ là con số tối thiểu. Và nghĩa là, chúng ta chẳng có mấy cơ hội để cạnh tranh với người Nhật cả.

Việc một người Việt có hơn một người Nhật hay không là chuyện còn phải bàn. Thế nhưng, việc “tam nhân bất đồng hành” giữa ba người Việt thì không khéo là chuyện có thật. Điều này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những đặc tính nằm trong “gien” di truyền văn hóa của người Việt chúng ta.

Tuy nhiên, “tự ti trong lòng, tự tôn ngoài miệng” cũng đã từng phát huy tác dụng trong quá khứ?

- Ông Vương Trí Nhàn: Vả chăng, đối với một dân tộc, khả năng biết nói về mình một cách chính xác phụ thuộc rất nhiều vào khâu tiếp xúc với nước ngoài. Mà ở ta thì lịch sử đối ngoại quá nặng nề. Sống với những người hàng xóm mạnh, việc giữ nước đặt ra cái nhu cầu tâm lý phải khẳng định mình, phải khẳng định cái sự có quyền tồn tại của mình. Nói quá nhiều đến cái dở của mình có khi không còn sức mà đánh giặc.

Ngay cả sau chiến tranh, bước vào làm ăn kinh tế và thực thà muốn làm bạn với mọi nước trên thế giới, như những ngày này, thì cũng không dễ để sòng phẳng ngay được. Ta ở vào thế xuất phát quá kém. Thậm chí có người nghĩ mình không bao giờ đuổi kịp người. Vậy phải động viên nhau, nhấn mạnh cái phần thuận lợi vốn có cùng nhau. Sự lảng tránh khuyết tật giống như một nhu cầu tự vệ.

Chúng ta đã từng hợp tác được với nhau rất chặt chẽ trong chiến tranh... Sự hợp tác như vậy chưa chuyển giao được cho sự nghiệp xây dựng hòa bình

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng

- Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Trước hết, đó là cái tâm lý “Trúc xinh trúc mọc đầu đình. Em xinh em đứng một mình cũng xinh”. Kiểu gì thì kiểu, cứ đứng một mình mới xinh. Như những cây “trúc” riêng rẽ, người Việt chúng ta thật sự có những phẩm chất trí tuệ khá cao siêu. Cứ nhìn vào những giải thưởng quốc tế mà người Việt giành được trong các kỳ thi olympic quốc tế về toán, lý, hóa... thì chúng ta sẽ rõ. Thế nhưng cứ gom những cây “trúc xinh” này lại với nhau thì chúng ta sẽ có cả một khóm trúc mịt mùng, rối rắm: Mọi lý lẽ,mọi cố gắng đều bị vô hiệu hóa trong sự bùng nhùng của các mối quan hệ.

Cha ông ta đã từng dạy “Xấu đều hơn tốt lỏi”. Khổ nỗi không hợp tác được với nhau thì “xấu” cũng rất khó mà đều. Thực ra, nói người Việt chúng ta không hợp tác được với nhau là chưa thật hoàn toàn chính xác. Chúng ta đã từng hợp tác được với nhau rất chặt chẽ trong chiến tranh. Càng bom rơi, đạn nổ, người Việt càng cố kết chặt chẽ với nhau hơn. Rất tiếc, sự hợp tác như vậy chưa chuyển giao được cho sự nghiệp xây dựng hòa bình.

Thói xấu đáng sợ nhất vẫn là sợ không dám nhìn thẳng vào những thói xấu có thực của mình. Nó là thói xấu mẹ có khả năng đẻ và nuôi dưỡng mọi thói xấu kinh khủng khác?

- Ông Vương Trí Nhàn:Người Trung Quốc xấu xí được nói nhiều nơi chứ không chỉ trong sách Bá Dương. Có lần qua tiếng Nga tôi thấy nói một nhà xuất bản ở London có chủ trương cả một xê-ri sách người mỗi dân tộc tự viết về thói xấu của mình, riêng hai bản tiếng Anh và tiếng Nga cuốn Những người Nga kỳ cục cùng lúc được phát hành ở London và Moskva. Sách người Anh người Mỹ tự nói về tật xấu của mình càng nhiều. Vậy thì tại sao ta không tìm để dịch?

Nghĩ kỹ thì thấy chính nhu cầu chung sống với mọi người, bạn bè với mọi dân tộc trên thế giới lại đang đòi hỏi chúng ta tỉnh táo nhìn lại mình. Xưa các cụ có thể theo chính sách “nội đế ngoại vương”, đưa vua giả đi triều cống. Thời đại hiện nay không thể tính chuyện khôn vặt như trước được nữa. Làm ăn muốn lâu dài phải sòng phẳng. Ngay đối với quá khứ cũng phải sòng phẳng. Do kém nên phải học, không có gì là ngượng nếu ham học hỏi. Chỉ không chịu học không biết học và chưa học đã lên mặt thành thạo mới đáng xấu hổ.

- Ông Dương Trung Quốc: Khi còn bỉnh bút cho tờ báo quốc ngữ ra đời sớm nhất ở Bắc Kỳ Đăng cổ tùng báo, Nguyễn Văn Vĩnh dưới bút danh giả nữ là Đào Thị Loan, ông đã viết những bài phê phán về tục đốt vàng mã, thói hư danh, nạn cờ bạc... Đến khi trở thành chủ bút tờ Đông Dương Tạp chí trong 2 năm 1913 và 1914, ông mở một chuyên mục lấy tên là “Xét tật mình” lấy cảm hứng từ một câu của văn hào Pháp Emile Zola: “Nói hết, để biết hết, để chữa hết” (Tout dire pour tout connaitre, pour tout guérir) và giải thích thêm rằng: “Các nết xấu, các hủ tục của người Việt Nam ta, cần nói hết ra, đừng có giấu giếm, ai cũng biết thì mới sửa được. Luân lý là phải dạy người ta biết gốc rễ điều ác để tự nguyện tránh, mầm mống điều thiện để tự giác làm điều thiện”.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Việt Nam: Ô, ta tự đóng cửa ngắm mình!

    04/02/2018Mỹ HằngTừ trước đến nay, chúng ta luôn tự khen Việt Nam rừng vàng biển bạc, tự khen... chính chúng ta thân thiện. Nhưng tại sao khách du lịch vẫn ùn ùn đổ về Thái Lan, Malaysia, Indonesia... mà không hào hứng ghé thăm quốc gia Việt Nam nằm cận kề ngay đó - nơi vẫn được người Việt tự hào là "hòn ngọc Viễn Đông"?
  • Suy nghĩ về đặc tính dân tộc Việt Nam

    13/07/2017Bùi Quốc ChâuNghiên cứu về tâm lý dân tộc là mặt việc thú vị đối với tôi. nhưng trước hết cũng xin nói rõ bài viết dưới đây không phải là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc về bản tinh của dân tốc Việt Nam: mà chỉ là một số nhận xét có tính chủ quan (ở đây tôi chỉ đề cập đến tính cách của người Kinh)...
  • Trí thức và nửa trí thức: Đến cả sự nhợt nhạt cũng giống nhau đáng sợ

    16/05/2016Ngô Tự LậpTrích đăng từ bài “Giáo dục, Trí thức và nửa đường còn lại” của Ngô Tự Lậpbàn về trí thức và nửa trí thức.
  • Chỗ mạnh, chỗ yếu trong tâm lý con người Việt Nam khi đi vào thời đại văn minh trí tuệ

    09/12/2015GS.TS. Hoàng TụyPhân tích để hiểu rõ những đặc điểm văn hoá, tâm lý của dân tộc, những truyền thống tốt, những yếu tố tích cực, thúc đẩy sự phát triển, cùng với những nhược điểm, những yếu tố chưa tốt, thậm chí tiêu cực, đang hoặc sẽ níu kéo chúng ta lại sau, là việc làm hết sức cần thiết để giúp xây dựng một chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp hoàn cảnh và điều kiện thế giới ngày nay...
  • Ai dám nhận là mình xấu xí?

    14/07/2014Phan Thị Vàng AnhNếu coi mỗi dân tộc gần như cá tính một con người: anh Pháp hào hoa làm thơ hay, anh Trung Quốc buôn bán giỏi và mưu lược, anh Lào hiền lành... thì nếu chỉ nhìn vào chuyện giữ gìn vốn cổ không thôi, tôi vẫn nghĩ, anh Việt Nam là người hay nói dối. Dối mình và dối người. Họ quyết tâm giữ gìn bản sắc dân tộc cho đậm đà bằng cái cách cho phép xây nhà hộp tràn lan và nói đơn giản là "thí điểm"?
  • "Cần nhìn lại văn hoá Việt Nam một cách sòng phẳng"

    10/07/2014Minh ThiChúng tôi nghĩ, trước một thực trạng văn hoá đang xuống cấp về mọi mặt, điều quan trọng là phải bắt đầu từ một nền giáo dục toàn diện & tiên tiến. Giáo dục tiên tiến dạy cho con người ta khả năng đầu tiên là khả năng phản đối trước khi đồng ý, với nguyên lý cơ bản là tạo ra con người độc lập, tự do cho xã hội
  • Người Việt có “văn hóa đọc”?

    14/05/2014Yên HàNhìn lại tình hình sách in quá khiêm tốn của chúng ta hiện nay, người thì cho là lỗi của xã hội thờ ơ với sách, người thì gán tội cho người viết không thể sáng tạo ra những đứa con tinh thần xinh đẹp để người đọc phải đổ xô đi tìm, người thì đổ lỗi cho sự bành trướng của báo trí, truyền hình, Internet…
  • Chuẩn bị hành trang

    08/11/2010Vũ KhoanLớp trẻ Việt Nam cần nhận ra những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam để rèn những thói quen tốt khi bước vào nền kinh tế mới. Sức mạnh: thông minh, nhạy bén với cái mới, cần cù sáng tạo, rất đoàn kết đùm bọc nhau thời kỳ chống ngoại xâm Cái yếu: thiếu sót kiến thức cơ bản, kém khả năng thực hành; thiếu đức tính tỉ mỉ; không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, thiếu tính cộng đồng trong làm ăn.
  • Thanh niên Việt Nam đã sẵn sàng đối thoại văn hoá?

    25/12/2005Đình NamLàm thế nào để đối thoại văn hoá trở thành công cụ tăng cường hoà bình và an ninh, thúc đẩy phát triển bền vững là những vấn đề cơ bản được thảo luận tại Hội nghị "Đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh vì hòa bình và phát triển bền vững". Trong đó không ít nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi về mức độ sẵn sàng của thanh niên Việt Nam trong tiến trình đối thoại văn hoá, văn minh...
  • Bóng đá Việt Nam và khoảng trống văn hóa

    23/12/2005Thanh Thảo... phải ngẫm nghĩ rất nhiều khi muốn cắt nghĩa tại sao bóng đá Việt Nam lại nhiều tiêu cực như vậy, tại sao cầu thủ VN lại "bán mình" một cách dễ dàng và rẻ rúng như vậy ? Câu trả lời chính là cái "khoảng trống văn hóa" ấy đang cư ngụ ngay trong lòng bóng đá VN, trong hành trang vào đời và vào nghề của nhiều cầu thủ.
  • Xây dựng văn hóa người Hà Nội

    20/12/2005… Sẽ có nhiều việc phải làm. Bởi rất nhiều nét đẹp, văn hóa Hà Nội còn… lạo xạo những hạt sạn...
  • Tài sản của chúng ta: nỗi nhục nghèo khó!

    06/10/2005Trương Bảo ChâuTự nhận tài sản lớn nhất của mình là sự nghèo khó, thấy “nhục khủng khiếp” khi xin visa đi dự hội nghị đều nhận được câu hỏi: “Anh có tính ở lại luôn không đấy?”. Bức xúc, ray rứt… anh viết thư cho Thủ tướng để chia sẻ “nỗi nhục của thanh niên một đất nước nghèo”
  • Biết mình yếu để mạnh hơn

    01/09/2005Trần Hữu QuangBài viết sau nêu ra một số điểm yếu trong tư duy quản trị của tầng lớp doanh nhân Việt Nam hiện nay và thử đi tìm căn nguyên của chúng, mong góp phần vào việc xây dựng một đội ngũ doanh nhân ngày càng mạnh và bản lĩnh...
  • Cái tánh di truyền của dân tộc ta

    31/08/2005X.T.T. (Tiếng Dân, số 179, ngày 15-05-1929)Trong mục “Lật chồng báo cũ” chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu với độc giả trích đoạn các bình luận về đạo đức xã hội của các nhà văn hóa thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám 1945 trên các báo chí công khai. Trước hết là một số bài của báo Tiếng Dân do nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút...
  • Văn minh giao tiếp thời hội nhập

    04/08/2005Diệu TrangVăn hoá thấm từng giọt, còn tiền thì có thể đến một cách ào ạt chẳng hạn như ngày mai anh trúng số độc đắc bỗng nhiên trở thành người giàu có. Đánh giá một con người văn minh, văn hoá, người ta không nhìn theo kiểu cứ là quan chức thì phải bút Monblank, ví Cartier, giày Christian Dior... Cái đó không quan trọng vì họ cũng rất biết về Việt Nam và không phải là mong đợi sự sang trọng đập vào mắt họ mà là người này tầm nhận thức thế nào, hiểu bên ngoài ra sao và mục đích anh đi ra thế giới để làm gì? Vậy nên "văn minh" ở đây là nắm bắt xu thế của thế giới đồng thời khẳng định được đặc thù của bản thân.
  • 10 đặc điểm của người Việt

    22/08/2005Đây là bộ 10 đặc điểm của người Việt do người nước ngoài nhìn và bộ 9 đặc điểm khác do người Việt tự nhìn mình (tham khảo)
  • Đi tìm nhân cách người Việt Nam

    05/01/2004KS. Trần Quốc KhảiThực sự mới ra khỏi chiến tranh hơn chục năm nay, người Việt Nam vẫn sống trong hào quang của chiến thắng. Kém về thể lực và trí lực, cộng với niềm tự kiêu đôi khi không tỉnh táo, thế hệ trẻ Việt tuy đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bứt phá trong tương lai, nhưng chỉ số nhân cách của người Việt Nam hiện đại đang ở đâu? Dưới kết quả nghiên cứu khoa học về nhân văn trên cơ sở vật lý và toán học, câu trả lời ấy là...
  • Đọc "Người Trung Quốc Xấu Xí"

    13/11/2003Người Trung Quốc xấu xí (Chõu lòu de Zhong Guó rén) tập hợp những bài viết và nói chuyện từ năm 1977, và lần đầu được dịch ra tiếng Việt vào đầu hè 1998 tại Paris do dịch giả Nguyễn Hồi Thủ dịch từ một bản in ở Trung Quốc (TQ) của tác giả Bá Dương (Bo Yang) sau một chuyến đi TQ cách đó năm năm. Sau đó cộng đồng người Việt ở Pháp, Mỹ... đã tham gia tranh luận rất nhiều về "Người Trung Quốc xấu xí" và "Người Việt xấu xí". ChúngTa.com xin đăng tải một bài viết tóm tắt về "Người Trung Quốc xấu xí" và tâm sự của một người Việt đã xa quê hương đất nước 30 năm.
  • Những tính cách trì níu dân tộc Việt

    11/11/2003Giáo sư Nguyễn Chung TúChúng ta hay thắc mắc về dân tộc mình. Tính cách nào mang lại cho dân tộc Việt Nam một sức sống mãnh liệt đến thế, để vẫn tồn tại, vẫn chiến đấu và chiến thắng mọi cuộc xâm lăng bạo tàn? Để mình vẫn là mình - Một dân tộc biết cách sống còn bên một dân tộc lớn, ngay cả trong 1000 năm Bắc thuộc...Nhưng sau những chiến công hiển hách ấy, những tính cách nào đã có "trong ta", để trở thành một lực cản, một sự níu kéo, làm ta bước khó khăn hơn trên con đường mới?
  • xem toàn bộ