Sự lẽo đẽo của tư duy
Có một triết gia đã từng khẳng định: “Mọi thứ dẫn con người đến hành động đều phải đi qua cái đầu của anh ta”. Nghĩa là anh ta phải nhận thức được vấn đề trước khi phản ứng lại với nó. Nhận thức đi trước là một điềm lành, là điều kiện thuận lợi để phản ứng mạch lạc, hiệu quả đối với các thách thức của cuộc sống. Thế nhưng, vấn đề là nó lại thường xuyên đi sau và đi sau khá xa. Sự tụt hậu này đang làm cho nhiều cố gắng của chúng ta rất giống với việc che mưa cho cá.
Sự lao tâm khổ tứ của nhiều quan chức địa phương về việc lo hàng Tết cho dân là một ví dụ cụ thể. Cho dù Tết chưa đến, nhưng rất nhiều quan chức ở các địa phương đã hăng hái tuyên bố: “Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu hàng Tết cho dân!”. Sự kiên quyết như vậy đáng trân trọng biết bao, nhưng cũng lỗi nhịp biết bao. Đơn giản là vì chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường. Tết không phải là những ngày giáp hạt, Tết là một cơ hội để bán hàng. Đây là cơ hội lớn nhất, đáng kể nhất trong năm nên không một nhà kinh doanh nào không tìm cách tận dụng. Mà như vậy thì hàng Tết sẽ tràn ngập thị trường. Cho dù, các nhà kinh doanh sẽ phải tính toán sao cho cung không vượt cầu quá xa để giá không rớt và họ không bị thua thiệt, thì hàng hoá vẫn sẽ rất dồi dào. Thực tế cho thấy, nhiều năm sau Giao thừa, quất bán không hết vất ngổn ngang trên đường phố. Điều này xảy ra là do sự thiếu hiểu biết thị trường của nhiều nhà kinh doanh, đặc biệt là những nhà kinh doanh nhỏ lẻ, còn khá hạn chế. Trong bất cứ trường hợp nào, “kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu hàng Tết” không khéo chỉ là một sự cố gắng che mưa cho cá. Đây có thể là một nỗi lo mang tính di truyền do thời kỳ bao cấp để lại.
Thực ra, nếu các quan chức nói trên phải lo hàng Tết thật, thì chúng ta cũng không có nhiều lý do để tin rằng, họ có thể làm được điều đó. Đơn giản là vì, đất nước ta đã từ giã nền kinh tế kế hoạch hoá, tập trung quan liêu bao cấp từ lâu, hàng hoá trên thị trường chủ yếu do các doanh nghiệp cung cấp theo kế hoạch của họ, chứ không phải theo mệnh lệnh của các quan chức. Và nếu trong tay các quan chức không nắm hàng hoá thì họ sẽ lo như thế nào?
Tất nhiên, trong nền kinh tế thị trường, các quan chức vẫn có thể làm cho hàng hoá trở nên dồi dào bằng cách tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp; xoá bỏ những rào cản hành chính đối với hoạt động kinh doanh và sự lưu thông của hàng hoá; chống tham nhũng, cửa quyền để hàng hoá không phải cộng thêm các tiêu cực phí không cần thiết…
Cuối cùng, lo Tết là phải lo cho người nghèo. Tuy nhiên, lo cho người nghèo thì tốt nhất cũng nên bằng cách trợ cấp tiền cho họ hơn là mua sắm hàng Tết cho họ. Đơn giản là vì các quan (hoặc bộ máy hành chính) khó lòng mua được hàng hoá rẻ hơn. Hơn thế nữa, những hàng Tết mà người nghèo được cấp phát theo suy đoán chủ quan của các quan chức chưa chắc đã là thứ họ cần và chưa chắc đã là thứ họ khoái. Tuy nhiên, muốn làm được điều này phải biết được chính xác địa phương mình có bao nhiêu người nghèo và những người nghèo đó là ai và phải tổ chức tốt hệ thống dịch vụ cộng đồng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá