Tản mạn về tài sản vô hình
Nếu hàng năm có hàng trăm triệu máy tính được bán ra, và mỗi khách hàng mua máy tính đều trả tiền bản quyền phần mềm Windows cho Microsoft thì thu nhập do bản quyền này mang lại có thể lớn hơn GDP của nhiều nước trên thế giới. Như vậy, làm kinh tế trong thời đại mới như thế nào là điều rất phải suy ngẫm. Rõ ràng, tài sản trí tuệ mới có thể làm nên sự khác biệt. Nếu vậy, sáng tạo và quản trị tri thức là cốt lõi của chuyện làm kinh tế trong thời đại mới.
Tài sản trí tuệ là một phần của tài sản vô hình. Tuy nhiên, định nghĩa thế nào là tài sản vô hình là điều không dễ. Nôm na là tất cả những gì không sờ mó được nhưng lại có thể mang lại giá trị thặng dự được tính thành tiền thì đều gọi là tài sản vô hình.
Ai cũng biết “Trăm nghe không bằng một thấy”. Và... “Trăm thấy không bằng một sờ”. Từ trước đến nay, cách thức chiêm nghiệm thế giới khách quan nói trên quả thật là một sự anh minh đáng kính. Tuy nhiên, cuộc sống đang thay đổi nhanh chóng đến mức ngay cả sự anh minh, cho dù đáng kính này, cũng đã hơn 50% là một thứ đồ cổ. Trong nền kinh tế mới (còn được gọi là kinh tế tri thức), có vẻ như những thứ không thấy, không sờ được đang là phần quan trọng hơn của thế giới khách quan. Chúng mới thực sự là nền tảng cho sự tăng trưởng của một doanh nghiệp, cũng như của một quốc gia. Chính những cái “có có không không” này được gọi là các tài sản vô hình (intangible assets). Có người còn gọi chúng là tài sản phi vật thể. Gọi cách nào cũng được, miễn là chúng ta hiểu đúng khái niệm và hiểu đúng thách thức của thời cuộc đối với đất nước ta.
Bạn đã bao giờ thử định nghĩa hình lò xo là gì chưa? Việc định nghĩa tài sản vô hình không khéo cũng vô vọng như vậy. Để tránh việc phải tìm cách định nghĩa cái dễ cảm nhận, nhưng khó mô tả, xin phép được đi đường vòng một ít (Trong cuộc sống, nhiều khi đường vòng lại là con đường ngắn hơn).
Năm 1986, giá trị của Công ty Microsoft là 86 tỷ USD. Thế nhưng toàn bộ những tài sản có thể thấy được và sờ được (còn gọi là tài sản hữu hình, bao gồm bất động sản, máy móc, thiết bị ...) chỉ chiếm 1 tỷ USD. Phần khổng lồ 85 tỷ USD còn lại là giá trị của những tài sản không thấy và không sờ được. Bản quyền của phần mềm hệ điều hành Windows là một tài sản như vậy.
Công ty Microsoft có thể là trường hợp quá đặc biệt đối với thực tiễn còn rất “quá độ” của Việt nam ta. Vậy thì, xin lấy một vài ví dụ khác về tài sản vô hình có tỷ lệ “nội địa hoá” 100% để phân tích.
Ví dụ, sự nổi tiếng là một tài sản. Cát xê cho ca sĩ trẻ Đan Trường, Mỹ Linh... thường cao đến mức làm cho không ít người cảm thấy tấm tức. Rõ ràng, so với mức thù lao dành cho các nghệ sĩ ưu tú, thậm chí cả cho các nghệ sĩ nhân dân, sự ưu ái này có vẻ không được phải đạo cho lắm. Nhưng chúng ta biết làm gì được nếu như sự đánh giá của các hội đồng quốc gia và của công chúng (đặc biệt là công chúng trẻ) không phải bao giờ cũng thống nhất với nhau. Và trong nền kinh tế thị trường, sự đánh giá của công chúng mới là thứ tài sản đích thực có giá trị. Các ông bầu trả tiền cát xê tương ứng với số lượng khán giả mà tên tuổi của các ca sĩ mang lại cho các sô diễn hơn là tương ứng với âm lượng, cũng như danh hiệu của họ. Càng nổi tiếng bạn càng được trả cát xê cao và càng dễ có các hợp đồng quảng cáo béo bở. Quyền tài sản đối với sự nổi tiếng làm cho bạn trở nên giàu có nhanh đến mức ngay cả sự sang trọng-biểu hiện bên ngoài của sự giàu có, không phải bao giờ cũng theo kịp.
Những ví dụ nêu trên cho thấy có rất nhiều thứ vô hình có thể được khai thác để làm ra tiền bạc. Những thứ như vậy chính là tài sản vô hình. Luật Thuế thu nhập của Mỹ tại khoản 1.482-4(b) định nghĩa tài sản vô hình là một tài sản có giá trị thực “độc lập với dịch vụ của bất kỳ một cá nhân nào”. Sáu loại tài sản vô hình dưới đây được kể ra trong đạo luật thuế thu nhập đó:
- Các sáng chế, phát minh, công thức, quy trình,
mô hình, kỹ năng (know-how); - Bản quyền và các tác phẩm văn học, âm nhạc, nghệ thuật;
- Thương hiệu, tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá;
- Quyền kinh doanh (franchise), giấy phép (license), hợp đồng;
- Phương pháp, chương trình, hệ thống, thủ tục, khảo sát, nghiên cứu, dự báo, dự toán, danh sách khách hàng, các số liệu kỹ thuật;
- Các thứ “tương tự” khác. Một thứ được gọi là “tương tự” nếu nó tạo ra giá trị không phải nhờ vào các “thuộc tính vật chất”, mà nhờ vào “nội dung trí tuệ hoặc các quyền tài sản vô hình khác của nó”.
Theo số liệu của Liên đoàn quốc tế các nhà kế toán (IFAC), năm 1998, từ 50-90% giá trị do một công ty tạo ra là nhờ vào việc quản trị các tài sản vô hình. Như vậy, việc quản trị các tài sản hữu hình chỉ tạo ra từ 10-50% giá trị. Sự chênh lệch này sẽ tiếp tục tăng lên khi nền kinh tế tri thức ngày càng trở thành một thực tế khách quan. Nếu trong những năm 70 tương quan giữa giá trị sổ sách (căn cứ vào bảng cân đối tài sản) và giá trị thị trường ( căn cứ vào giá cổ phiếu) của một công ty là 1/1, thì hiện nay tương quan đó là 1/6. Xã hội loài người đang thật sự chuyển dần từ nền văn minh vật chất sang nền văn minh tinh thần. Thách thức đang đặt ra cho các doanh nghiệp là rất to lớn. Các công ty không biết xây dựng một chiến lược để phát triển và quản trị tài sản vô hình sẽ giống như loài khủng long phải đối mặt với rủi ro bị biến mất hoàn toàn khỏi trái đất.
Khi tài sản vô hình lên ngôi, các dân tộc khôn ngoan đã nhanh chóng tập trung mọi nỗ lực đầu tư cho những chú “gà đẻ trứng vàng” mới này. Theo số liệu của Chính phủ Hà Lan, năm 1992, các tài sản vô hình chiếm đến 35% tổng vốn đầu tư của nhà nước cũng như của tư nhân tại Hà Lan. Cũng trong năm này tại Mỹ, vốn đầu tư cho các tài sản vô hình đã vượt vốn đầu tư cho tài sản hữu hình. ở Thuỵ Điển, nguồn đầu tư cho các tài sản vô hình chiếm đến 20% GDP.
Trong một thế giới đã thay đổi, người Việt chúng ta không khéo (xin mượn lời của Ts. Phạm Duy Nghĩa, Trường đại học quốc gia Hà nội) “đang đứng ngẩn ngơ bên ruộng lúa của mình để nghe người Tàu, người Thái chit-chat” (Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số tháng 1 năm 2003). Thách thức có thể là rất to lớn. Tuy nhiên, với tiềm năng trí tuệ và khiếu thẩm mỹ hơn người, dân tộc ta cũng đang có những cơ hội chưa từng thấy để thành đạt trong nền kinh tế mới. Điều quan trọng là cần tránh lặp lại vết xe đổ của vua quan nhà Nguyễn khi nghi ngờ vàphủ định sự tồn tại của “những chiếc đèn treo ngược”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu