Cái nết, cái đẹp trong nền kinh tế tri thức
Từ Tây sang Đông, tư duy của loài người đâu có đối lập giữa đẹp và nết, sự hài hòa giữa cái đẹp thể hình với cái đẹp tinh thần, giữa “sắc đẹp” quan sát được bằng mắt với phẩm chất, nhân cách của con người được cảm thụ không chỉ bằng mắt, đều là thuộc tính của con người.
“Cái nết đánh chết cái đẹp”. Câu tục ngữ một thời tưởng bị chìm khuất đi trong nhịp sống hiện đại của thời hội nhập. Cứ ngỡ như “cái đẹp” đang lên ngôi với hội chứng bắt chước những ngôi sao điện ảnh nước ngoài mà cứ bật tivi lên là đập ngay vào mắt. Rồi hối hả rộn ràng thôi thúc thị hiếu của không ít bạn trẻ bị hút hồn theo những cuộc thi hoa hậu và người mẫu uốn lượn, khơi gợi với những màn trình diễn “cái đẹp” triền miên. “Đánh chết thế nào được, cái nết chào thua trước cái đẹp thì có”, một số bạn trẻ hùng hồn tuyên bố. Thế rồi, trong một phiên tòa xuất hiện cái đẹp nọ đã tạo ra sư phản cảm gây bất bình cho dư luận xã hội. Và rồi người ta nhớ lại câu tục ngữ kia. Hạ một câu “mất nết” để thẩm định hành vi của “người đẹp”, công luận gợi nhớ ý tưởng của Emanuel Kant, nhà triết học lớn đã từng để dấu ấn rất sâu đậm trong lịch sử tư duy của loài người: “Lý tưởng của chân lý là Trời. Lý tưởng của cái đẹp là Người”.
Con người, phẩm chất của con người vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc thức giả. Chẳng thế mà Nguyễn Văn Siêu, một danh sĩ thời Tự Đức, khi bàn về văn chương đãchia làm hai loại, “Có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Ngẫm cho kỹ, khi ông cha ta nói qua đi mối tương quan giữa cái nết và cái đẹp cũng chỉ để đề cao con người, đề cao cái đẹp của con người, chứ không nhằm đối lập giữa cái đẹp và và cái nết đều là những giá trị tuyệt đối cần thiết đối với con người. Chỉ có điều, vì “cái nết là thuộc tính người, chỉ có ở con người. Với một bông hoa, người ta chỉ xét về cái đẹp chứ không xét về cái nết. Ông cha ta đặt trọng nết, thêm cho nết một “quyền uy” trước “đẹp" chắc là vì lẽ đó chứ “cái nết" không đánh chết ai cả.
Người cùng thời và ngang tài với Nguyễn Văn Siêu – “Thần Siêu” là “Thánh Quát”, Cao Bá Quát thì gợi lên hình ảnh con sáo, loại chim được luyện cho nói được tiếng người: “Chỉ vì có thể nói được tiếng người, để đến nỗi cụt mất đầu lưỡi”. Chúng ta cũng hiểu được qua hình ảnh thảm hại của con sáo, Cao Bá Quát muốn nói về ai. Người trí thức, mà không nói được tiếng nói của chính mình, không nghĩ được điều mình cần nghĩ và muốn nghĩ thì suy cho cùng, nào có khác gì con sáo bị cụt mất đầu lưỡi đâu? Sẽ hiểu thêm điều này khi ông cha ta lên án tệ “bắt chước”, chỉ biết “nhắm mắt chép theo người” khiến cho“lề thói thì ưa chuộng lả lướt, dần dần đi tới mất nước, mà kẻ sĩ chuộng nghĩa tử tiết cũng chẳng thấy nhiều”. Lời cảnh báo ấy của Vũ Khâm Lâm, danh sĩ đời Hậu Lê, tưởng như vẫn còn đầy ắp tính thời sự.
Không biết hiện nay, trong số những nam thanh, nữ tú đang hối hả học đòi theo những mốt thời thượng cho thật “sành điệu” bắt chước sao cho giống cách ăn mặc lai tạp, giống những màn trình diễn uốn éo có gốc gác nước ngoài, cố “chép” cho y nguyên bản mà chưa kịp tiêu hóa đó, có ai thuộc kiểu dáng con sáo cụt lưỡi mà Cao Bá Quát đã nói đến không. Mong sao không có ai! Còn hợm hĩnh tự cho là làm người đẹp, người nổi tiếng rất khổ vì phải chịu nhiều áp lực là ngụy biện nhằm bao che cho cách sống buông thả, lệch lạc, dễ gây mơ hồ trong nhận thức của giới trẻ. Cái đẹp hình thể là của trời cho, phải biết giữ gìn tặng phẩm của tạo hóa bằng sự nuôi dưỡng cái đẹp tâm hồn ẩn trong cái “nết”.
Nói đến văn hóa chính là nói đến con người, sản phẩm cao nhất của văn hóa, chủ thể của sự phát triển, trong đó, phát triển kinh tế có ý nghĩa quyết định. Ấy thế mà, điểm xuất phát và đích cuối cùng trong phát triển kinh tế chính là văn hóa. Động lực của phát triển kinh tế cũng phải nhìn thấu vào trong chiều sâu của văn hóa. Trên ý nghĩa đó mà hiểu ra cái lợi thế vẫn đang bị khuất lấp, đó là lợi thế của một dân tộc có truyền thống văn hiến. Những con em của dân tộc ấy được ký gửi thân phậnmình cho một bề dày truyền thống văn hóa mà ông cha mình bao đời gây dựng, nuôi dưỡng, giữ gìn và nâng cao. Đó là một bảo đảm vững chắc cho sự phát triển của chính mình trong một thế giới đầy biến động. Biết hun đúc, biết chấn hưng, biết cách làm cho nguyên khí đó thích nghi và đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong những thách đố của thời kỳ hội nhập với một thế giới đầy biến động bất ngờ này cũng là đòi hỏi của phát triển. Hiểu điều này càng thấm thía với sự mong mỏi của Nguyễn Văn Siêu cách đây ngót hai thế kỷ: “Thăm dòcái gốc của nó, lại phải tưới tắm cái ngọn của nó, mở rộng cái nguồn của nó, lại phải buông lơi cái dòng của nó, kẻ học giả không ngại gì mà không tiến tới về các mặt này”.
Chân trời của ta ngày càng rộng mở, kỹ thuật ngày càng vạn năng thì ta lại phải đánh giá cao cá nhân con người. Những con người đã từng đổ mồ hôi ra xây đắp, đổ máu để bảo vệ giang sơn gấm vóc này. Hậu duệcủa những người con trong thời đại của nền văn minh mới. Trong nền văn minh ấy, sự thay đổi vĩ đại nhất sẽ là sự thay đổi về tri thức, về trách nhiệm của tri thức, về những đặc điểm của con người có giáo dục.
Con người có giáo dục chính là hiền tài của thời đại mới, thời đại của nền văn minh trí tuệ và nền kinh tế tri thức, những con người vừa “đẹp người” lại “đẹp nết”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu