Về “con người có giáo dục”
Đẩy lùi thế kỷ XX, cái “thế kỷ ngang ngạnh, cái thế kỷ nổi loạn” như có người đã đặt tên, loài người bước vào thế kỷ XXI dường như còn “ngang ngạnh” hơn, “nổi loạn” hơn ! Hai năm đã trôi qua trong những sự biến “ngang ngạnh”, “nổi loạn” với những sắc thái mới.
Suy nghĩ: “Cái sọt rác của lịch sử loài người chứa đầy những quan điểm sáng, lý luận hay, kế hoạch tốt, chỉ có mỗi khuyết điểm là không thực hiện được hoặc không được thực hiện” (Trích trong một báo cáo của Liên Hiệp Quốc về kinh tế).
Bình minh yên tĩnh của buổi đầu thiên niên kỷ mới sớm bị chấn động bởi sự kiện 11-9, thế giới dường như bất an hơn, dễ bị kích động hơn. Bất an, bất định, nhưng không quá bất ngờ, vì trước khi bước vào thiên niên kỷ mới, người ta đã dự báo về tính bất định của cái thế giới mới khởi đầu bằng thế kỷ XXI. Đã có những cố gắng vạch ra “những xu thế lớn cho thiên niên kỷ tới” như John Naisbitt và Patricia Aburdene đã làm với Megatrends 2000 xuất bản năm 1990 . Tác giả của Megatrends 2000 đã chỉ ra rằng những xu thế ấy “đang khuyếch đại những xúc cảm, gia tốc những đổi thay, nâng cao tầm ý thức và buộc chúng ta phải xem xét lại chính mình, các giá trị và các định chế của mình”. Nhưng rồi, cũng chính tác giả của những dòng trên lại viết rằng: “Những đột phá hào hứng nhất của thế kỷ XXI sẽ xảy ra không phải do kỹ thuật mà do sự truyền bá quan niệm làm người nghĩa là gì... Loài người sẽ không được cứu vớt nhờ “một ông Bụt từ trên Trời xuống” dưới hình thức giáng thế lần thứ hai (như mong đợi của Chính thống giáo) hay nhờ phi thuyền từ vũ trụ tới (theo kiểu hiện đại). Mặc dù chúng ta được một tinh thần mới phục sinh hướng dẫn thì những câu trả lời dù sao cũng phải xuất phát từ chính chúng ta... Các chân trời của ta ngày càng rộng, kỹ thuật ngày càng vạn năng thì ta lại phải càng đánh giá cao cá nhân con người” (1).
Con người: Phải sáng tạo và linh hoạt.- Công nghệ thông tin và viễn thông dẫn đầu một tập hợp công nghệ thực sự đã khởi động một quá trình quá độ chuyển từ văn minh công nghiệp sang văn minh tri thức. Không phải là không có lý khi người ta cho rằng quá khứ dừng lại ở đây, tương lai không phải là sự tiếp nối của quá khứ, thế giới đã thay đổi và kiểu tư duy tuyến tính không còn thích hợp với một thế giới phi tuyến. Không có một bản đồ vạch sẵn cho con đường phía trước. Ấy thế nhưng, cho dù công nghệ thông tin có quan trọng đến đâu đi chăng nữa, cho dù máy tính có thể tính hàng tỉ phép tính trong một giây thì điều khiển nó vẫn là con người. Cho nên, sáng tạo và linh hoạt trong tư duy cũng như trong hành động phải là phẩm chất hàng đầu của con người đang sống trong thế kỷ XXI. Những sự biến diễn ra trong hai năm đầu của thế kỷ càng khẳng định lại điều đó.
Quả thật, “một tương lai bất định đến vu vơ và phi lý thì phi nhân tính và dẫn thẳng đến sự tôn sùng những lực lượng siêu nhiên. Một tương lai nhìn thấy trước như lời giải một bài toán bậc tiểu học, thì cũng quái đản không kém, nó đơn điệu và tẻ nhạt” (2). Khi đẩy lùi thế kỷ XX vào quá khứ, con người của thế kỷ XXI đã có điều kiện để tỉnh táo cảm nhận được về “sự xé toang một tấm màng bưng bít, sự hiện ra và sáng lên của sự thật, sự tan vỡ một số huyền thoại, sự phá sản nhiều giáo điều, sự bộc lộ những sai lầm trầm kha, sự nhận thức mới, không phải về lý tưởng mà về lý luận cách mạng, thực tiễn hoạt động và thực tế đời sống, sự khơi dậy những niềm hy vọng mới, sự bắt đầu một quá trình thanh lọc và tái tạo đầy hứa hẹn” (3).
Khi tiếp nhận những thành tựu kỳ diệu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, mà quan trọng nhất là cách mạng về công nghệ thông tin và viễn thông, thì điều chính yếu phải nhận thức lại là “đó không phải chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ, về máy móc, về kỹ thuật, về phần mềm hay về tốc độ. Mà đó, trước hết là cuộc cách mạng về quan niệm”(4). Những diễn biến của cuộc sống ở buổi bình minh của thiên niên kỷ đang khẳng định một sự thật: Chuẩn mực chính là sự thay đổi! Cánh cửa của những định kiến về “sự vững chắc không thể nào thay đổi” của một thời tin vào sự phát hiện quy luật tất yếu cũng đơn giản như việc giải một bài toán bậc tiểu học dường như đã khép lại. Người ta hiểu được ra rằng cái môi trường mà ta đang sống không còn có thể coi là tất định, vì thế không còn có thể điều khiển nó theo những con đường vạch sẵn. Môi trường ấy chứa đầy những yếu tố biến động và bất định, là không ổn định và không tiên đoán được. Việc phải thường xuyên đánh giá và kiểm định lại tri thức cũ, giải pháp cũ để có những tri thức mới, giải pháp mới cho tình hình đã thay đổi là một đòi hỏi sống còn.
“Thời đại của bộ não”.- Người thắng cuộc trong thế kỷ XXI sẽ là người có năng lực thích nghi với những biến đổi như vũ bão của nền văn minh, có khả năng phản ứng nhanh để có thể biến cách tổ chức sự hoạt động của mình theo kịp với những chuyển biến đột ngột và bất định không sao lường trước được hết của cuộc sống. Chẳng thế mà tác giả của Tấm hộ chiếu đi vào thế kỷ XXI đã nói rất hay rằng thế kỷ XXI là “thời đại của bộ não”. Thế kỷ XXI là “thế kỷ của sự khai thác những tiềm năng cực lớn của bộ não”. Có lẽ không là ngẫu nhiên khi giải Nobel Y học năm 2000 lại được trao cho ba nhà khoa học tiên phong trên lĩnh vực nghiên cứu và khám phá về hoạt động não bộ, hệ thần kinh, về cơ chế giao tiếp của các tế bào thần kinh trên bình diện hóa sinh, những thông tin về cách thức mà chất dopamine tác động lên não bộ, cách thức mà các loại dược chất ảnh hưởng đến sự hoạt động của não, những cơ chế phân tử trong ký ức ngắn hạn và dài hạn (5). Sự quá độ sang nền văn minh tri thức trên cơ sở công nghệ thông tin có một ý nghĩa sâu sắc về mối quan hệ biện chứng giữa xã hội loài người và giới tự nhiên. Chỉ có thể hiểu được ý nghĩa sâu sắc về mối quan hệ biện chứng đó khi khẳng định vai trò của con người, nhân tố quyết định của mọi thành tựu.
Thách thức của văn minh tri thức.- Chỉ đơn giản là vì tri thức không là vật vô tri giống như đồng tiền. Tri thức cũng không trú ngụ trong sách vở, trong ngân hàng dữ liệu hay trong phần mềm của máy tính. Những thứ ấy chỉ là vật chứa đựng thông tin mà thôi. Chẳng thế mà cũng chính tác giả đã dẫn ở trên đã từng cảnh báo rằng: “Chúng ta đang chết ngộp trong khối lượng thông tin nhưng lại thiếu thốn tri thức” (6). Tri thức chỉ tồn tại trong con người, được tạo ra , sửa đổi và hoàn thiện bởi bộ óc của con người, được con người sử dụng và truyền đạt. Do vậy, việc tiến vào nền văn minh tri thức sẽ đặt ra những thách thức mới, câu hỏi mới về người đại diện của nền văn minh mới đó là ai, phải chăng là con người có giáo dục, một thuật ngữ của Peter F. Drucker, tác giả của những công trình nghiên cứu nổi tiếng thế giới về kinh tế và xã hội mà chúng ta có thể tham khảo. Theo P. Drucker: “Sự thay đổi vĩ đại nhất sẽ là sự thay đổi về tri thức, về hình thức và nội dung , về ý nghĩa của tri thức, về những trách nhiệm của tri thức và về những đặc điểm của con người có giáo dục”. Con người đó là một “nguyên mẫu xã hội”, theo cách nói của các nhà xã hội học, “con người có giáo dục sẽ quyết định khả năng hoạt động của xã hội. Con người này cũng là hiện thân của các giá trị, niềm tin và trách nhiệm của xã hội (7).
Dồn sức cho giáo dục - đào tạo.- Liệu có phải là quá sớm khi đặt vấn đề nói trên khi chúng ta đang đối diện với tầng tầng lớp lớp những khó khăn về kinh tế và xã hội trước thách thức của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế? Chẳng những không sớm mà còn là quá muộn khi chúng ta đang phải bức xúc về chất lượng của sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước ta. Không nhanh chóng bứt lên khỏi thực trạng yếu kém và lạc hậu của hệ thống giáo dục và đào tạo hiện tồn thì khó mà nói đến sự phát triển bền vững của kinh tế và xã hội.
Chúng ta đang ngày ngày phải trả giá cho sự không tương thích giữa nguồn nhân lực chưa được đào tạo có bài bản, có chất lượng với những đòi hỏi ngày càng cao của công việc phải đảm đương và sẽ đảm đương. Chúng ta đang thiếu và quá thiếu những con người thành thạo về chuyên môn và nghiệp vụ ở trình độ cao. Đây không là chuyện ngày một ngày hai, mà là hậu quả của cả một thời đoạn của những sai lầm, hạn hẹp của cách phê phán một chiều cái gọi là “chuyên môn thuần túy”và đề cao một cách cực đoan quan điểm “chính trị là thống soái”, mà quên rằng khi bàn về chính sách kinh tế mới, Lênin đã từng đòi đổi hàng tá những anh chính trị suông chỉ biết làm hỏng việc để lấy những “chuyên gia tư sản” thành thạo nghiệp vụ. Khi đi vào thời đại của những bước tiến như vũ bão của khoa học và công nghệ thì vấn đề giáo dục và đào tạo lại càng là bức xúc. Và chỉ khi xã hội cảm nhận được sâu sắc sự bức xúc ấy thì vấn đề “con người có giáo dục”, hiện thân của giá trị, niềm tin và trách nhiệm của xã hội mới có thể hình thành và phát triển. Có lẽ đó chính là vấn đề của mọi vấn đề cho giai đoạn lịch sử mới.
1 & 6 Megatrends 2000. NXBTPHCM. 1992.tr11, tr.16
3. & 4 Việt Phương: Một số điều suy nghĩ về thế kỷ XX...
4. & 7 Peter F. Drucker: Xã hội hậu tư bản 1993.,tr.250 và tr.240..
5. Theo Vũ Đình Cư
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm