Ai là người sống kiểu mẫu?
Bạn thuộc về hai thế giới đó, thành ra bạn chịu gấp đôi các định chế. Về quê, bà con chẳng vẫn tự hào về bạn, người thì lịch sự thơm tho, làm gì cũng có nguyên tắc, chẳng làm đâu bỏ đấy như nông dân, lại hiểu biết về hệ thống trật tự hơn người ở nhà quê. Đến dân thành phố ngồi buôn bán vỉa hè cũng phải ngước nhìn bạn trong chiều cao mét sáu cộng guốc cao gót, váy ngắn tóc duỗi tinh tươm, mà thán phục.
Từ nhà ra đường, từ việc đi lại đến ăn uống, xem ra dân viên chức là mẫu mực và có những nguyên tắc (lại nguyên tắc!) để anh ta theo nhằm đảm bảo cho xã hội đô thị vận hành êm thấm. Nhưng hãy xem anh viên chức đã sống thế nào với chúng.Trước hết là chỗ anh viên chức ở. Nhà anh ta là căn hộ tập thể chẳng hạn, Thành Công hay Trung Tự. Cái tên “khu tập thể” đã nói hết những đặc tính cốt yếu của nó: đồng đều, bình đẳng và ngay hàng thẳng lối, chỉ có lắp ghép các thứ vào mà ở, vậy thôi. Đó là hình mẫu của thập niên 1970, khi căn hộ chỉ cao có 2,8m, lan can thấp dưới 90cm, mà dân thiết kế bật mí rằng các chỉ số bê nguyên xi quy chuẩn Liên Xô lúc ấy về. Nhưng viên chức Việt Nam nhỏ người, kích thước nhân trắc học chỉ bằng 3/4 người Nga, nên các con số cứ tự động bằng ba phần tư mà thành. Theo quy luật phát triển, người Việt bây giờ có to cao hơn (cao hơn 5cm so với hai mươi lăm năm trước), tuy đầu chưa cộc vào dạ cửa vì vẫn chưa qua ngưỡng mét sáu lăm, nhưng nhân khẩu tăng lên, và nhất là nhiều tiện nghi hơn xưa, lại toàn tiêu chuẩn Mỹ. Mà Mỹ thì to. Căn hộ hai buồng thênh thang 36m2 cơ quan phân phối một thuở, vào cuối thế kỷ 20 đã thành chuồng thỏ.
Điều gì đến đã phải đến, khu tập thể anh viên chức ở bây giờ rơi vào cảnh không khác cái mớ bùng nhùng: nhà anh và căn hộ hai bên và trên dưới đều có những cái lồng cấy ra thêm tăng diện tích. Sân chơi thì thành chỗ họp chợ hay chỗ để xe, diện tích chẳng còn gì. Những khoảng lưu không giữa hai dãy nhà hẹp lại vì các hộ tầng dưới xây lấn ra. Nếu anh viên chức ở nhà riêng thì cái nhà anh như một hộp diêm kín mít chỉ hở mỗi mặt tiền. Anh vừa dắt xe ngoài ngõ vào nhà là vội vàng kéo ngay cửa sắt lại, khóa cách biệt với bên ngoài. Nhà anh ta không bao giờ chịu cao bằng hoặc cùng màu sơn với hàng xóm hay cả dãy cả. Nói chung, quy tắc xây dựng đối với anh viên chức không quan trọng bằng việc thể hiện tinh thần làm chủ tuyệt đối không gian cá thể gia đình anh ta, dù trái nguyên tắc quy hoạch đô thị. Hóa ra khu anh cư trú cũng có nhiều người như anh. Nó chẳng khác một cái làng bê tông là mấy.
Khi có cơ hội thoát khỏi cái “làng” này, người viên chức cũng lại chọn cho mình một kiểu mẫu cư trú được cho là “đột phá” hơn: căn hộ chung cư khu đô thị mới. Nói không ngoa, loại căn hộ mới này là chủ lực cơn hôn mê bất động sản ở Hà Nội dăm năm trở lại đây. Tại sao người ta lại chọn nó? Người ta nói, nó có các thiết chế ngăn nắp, có quy củ, có rộng hơn khu tập thể. Nhưng xem xét kĩ, nó cũng chỉ hơn ở chỗ có thang máy, và theo cách nói bây giờ, nó “hoành tráng” hơn! Thảnh thơi bấm nút tầng mười lăm văn minh hơn nhiều so với phì phò dắt xe leo dốc giữa thang bộ lên tầng năm chứ!
Vì đi bằng thang máy nên ở những tòa nhà mới này, dân viên chức về đến nơi thì mắt trước mắt sau tìm mọi cách leo lên căn hộ, nơi sự khép kín đảm bảo tuyệt đối, và kiểu mẫu mới lúc này là đèn nhà ai nhà nấy rạng. Mà có liếc ra đèn nhà khác thì cũng chỉ thấy những cánh cửa nằm im lìm quanh sảnh thang máy.
Trong những căn hộ này, gia đình dân viên chức buổi sáng mở mắt ra, việc đầu tiên là chia sẻ nhà vệ sinh duy nhất, y như lúc còn ở nhà tập thể. Rồi gia đình ấy với hàng chục gia đình khác lại chen chúc sốt ruột đợi thang máy bằng mọi giá thoát ra khỏi tòa nhà. Căn hộ chung cư vắng ngắt suốt một ngày, đợi đến tối mịt mới nhộn nhạo quanh mâm cơm hay TV bốn tiếng đồng hồ. Câu chuyện buổi tối của gia đình viên chức đại để cũng vẫn mang cốt lõi nội dung của một thời giá-lương-tiền. Nó giống như bản tin thời sự trên TV, có khác là loại bản tin gia đình làm lấy này khoanh vùng ở những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến mình. Chị vợ phát lại tin tức thu lượm trong chuyến đi chợ chiều nay về thịt lợn dịch, anh chồng tranh thủ cho cả nhà biết tin tức cổ phiếu vẫn chưa lên, con cái “dự báo thời tiết” trường lớp kì này thi tốt nghiệp nửa số môn học. Có khách đến, chủ đề cũng không có gì thay đổi: “Vâng, hôm nay nhà em cũng không ăn thịt lợn, trứng chồng em vẫn ung (trứng nghĩa là chứng khoán), con em thi vào chuyên ngữ đấy ạ”. Cho dù có update thêm vài chi tiết: chứng khoán, internet,… nhưng cái sườn cơ bản vẫn là một khuôn mẫu quen tai như thời trước.
Chu trình sinh hoạt, tóm lại, không thay đổi gì so với thời bao cấp, cho dù để mua được một căn hộ chung cư mới thời nay gần như là một kì tích. Giá các công ty nhà đất đưa ra khoảng 6 triệu đồng/m2 nhưng tôi chưa thấy ai mua được giá đó cả. Như bây giờ, giá một mét vuông căn hộ khu Trung Hòa Nhân Chính không dưới 14 triệu, nhưng đừng vội đi tìm vì căn hộ từng là niềm ao ước của dân Hà Nội ba năm về trướcthì nay không có mà mua. Tuy thế, kiểu mẫu này cũng không còn tráng lệ nếu so với The Manor hay Ciputra, những nơi có giá lên đến 2000 đôla/m2, tức 32 triệu, nhất là phòng ngủ nào cũng có vệ sinh riêng, khỏi xếp hàng buổi sáng. Một tháng lương viên chức cỡ 3 triệu là khá, vậy thì một căn hộ cao cấp 75m2 là hơn 2 tỷ đồng, bằng 60 năm đi làm. Người viên chức đành giật lùi về căn hộ kém tiện nghi hơn, 700 triệu, hay là 20 năm lương, dù chỉ có một toa-let.
Nếu vấn đề của anh viên chức ở nhà là xoay quanh số mét vuông với số toa-let thì ở ngoài đường là cái đèn đỏ. Thành phố hơn nông thôn ở chỗ có đèn xanh đèn đỏ, hay có nhiều cảnh sát giao thông, rồi các quy định đi lại. Ấy thế mà, rình cơ hội là anh viên chức kia vượt đèn đỏ hay rẽ ngang rẽ ngửa sao cho tiện hoặc nhanh hơn cái thằng cha bên cạnh. Trên đường phố đô thị giờ đi làm hay tan tầm chủ yếu là dân viên chức, tiếng thì hiểu biết luật lệ hơn người khác, nhưng tại sao hở tí là tắc, và khi mỗi xe máy cách nhau chưa đầy nửa mét thì không va quệt mới là lạ. Mỗi lần va quệt là một lần anh viên chức phải vận dụng khéo léo chút tí teo bản năng hung hãn còn sót với rất nhiều sự mưu mẹo để hành xử cho yên thân. Có thể sau này con cháu chúng ta sẽ không hiểu nổi, vì sao phải mất 6 năm từ khi Luật Giao thông đường bộ ra đời, chúng ta mới chịu đội mũ bảo hiểm, mà chỉ đội vì bắt buộc phải đội. Và những kẻ đội mũ bảo hiểm cuối cùng vào cuối năm 2007 này chính là giới viên chức thành thị. Từ trước đến giờ trên phố, cái xe nào mà người cưỡi đội “nồi cơm điện” thì đều là của dân ngoại tỉnh. Anh viên chức không muốn tỏ ra nhà quê đã đành (chẳng hạn “không đội mũ trông ra dáng phóng xe đi chơi hơn”), nhưng tai nạn mà đập đầu xuống đất thì có chừa quê hay tỉnh đâu? Thâm tâm anh viên chức thấy thế cũng phải, nhưng mà còn cứ mượn những lý do ngoài luật để phản đối, như thể người ta đã làm khổ đời mình vì cái mũ bảo vệ cái đời ấy. Anh viên chức phóng xe trên đường phố có khác nào anh nông dân cưỡi trâu ra đồng, đường phố cũng như trong thơ Huy Cận, đường trong làng hoa dại với mùi rơm vậy.Ngay như trong thế giới của chính mình, anh viên chức cũng lắm khi tuỳ tiện. Mỗi khi có việc gì cần giải quyết mà kho khó một tí, điều đầu tiên mà anh nghĩ đến là nhớ xem có ai quen biết làm ở khâu ấy khâu kia để nhờ vả. Thời nay, mấy ai còn đi đường thường, xếp hàng nơi cổng chính, đợi ba tiếng đồng hồ hay mất vài ngày. Thể nào lục máy điện thoại cũng mò ra vài "người nhà" để được chen vào trước. Rồi còn gửi gắm, nào là đi khám bệnh thì phúc đức gặp bác sĩ y tá quen thân, hoặc làm thủ tục dấu má cứ phải mồm năm miệng mười xưng xưng em là A người nhà chị B đây ạ. Tất cả xoay tròn trong một vòng tuần hoàn như thế, móc nối làm thành một hệ thống "nhất thân nhì quen" nhùng nhằng hơn gia phả. Lúc ấy mới nhớ tới cái nguyên tắc chung nào đó lại bị chính cái anh tưởng nguyên tắc nhất là viên chức đem vứt béng đi đâu.
Nguyên tắc thì cũng là do ta đặt ra, trên cơ sở thỏa thuận và phù hợp với nguyện vọng toàn dân, trong đó dân viên chức xứng đáng được trông đợi là người thực thi mẫu mực nhất. Thì đời anh ta ngăn nắp thế kia cơ mà! Vậy mà cái phong thái kiểu mẫu với những nguyên tắc ấy bị vi phạm dễ như không. Mà như thế, nguyên tắc còn có ích gì ở đây nếu như chúng liên tục bị vi phạm như thế? Anh viên chức cũng đã có lúc liều dẹp nguyên tắc đi, anh cũng thấy nó có hơn gì đồ chơi đâu. Mà dẹp được, dễ dàng là đằng khác nếu như vận dụng sự khéo léo như lúc anh đi xe máy ngoài đường ấy. Miễn là có lợi. Dẹp một lần, rồi chả mấy chốc gác luật lại nhiều lần, lâu dần hình thành phản xạ “lách luật có điều kiện”. Điều này thậm chí còn phản ánh ngay từ hệ thống văn bản dưới luật, cái hệ thống mà có nhà chuyên môn tỉ mẩn công bố cuối năm 2006 khiến mọi người ngã ngửa: có đến hơn 400 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Hãy lấy ví dụ cái vật nhiễu sự nhất cho luật liên quan đến dân viên chức - vẫn cái xe máy. Phi xe máy bất thành viên chức, xe máy nhiều đến mức gây tắc đường, ngành cảnh sát giao thông quản lý không nổi nên năm 2003 cơ quan cấp đăng ký phải hãm lại bằng việc tạm ngừng đăng ký xe máy ở các quận nội thành Hà Nội. Trong khi các cơ quan hãy còn tranh luận sự vi phạm Hiến pháp về quyền sở hữu tài sản của công dân, thì dân viên chức đã đổ xô đi đăng ký biển ở các tỉnh khác và mua dưới tên người khác, vì ''đăng ký được là tốt rồi, đít Hà Nội hay đít Hà Tây không thành vấn đề!''. Kết quả là nhà quản lý phải ngậm ngùi mà tổng kết sau hai năm 2003-2004, chính quyền thành phố đã thất thu 100 tỷ đồng, với số xe “đúng tuyến” tăng lên 180.000 xe trong khi số xe biển “trái tuyến” cũng ngang ngửa chừng ấy. Và đến nước này, người ta lại định cấm xe biển ngoại tỉnh vào Hà Nội… May quá (hay là không may), bây giờ không ai cấm gì nữa, nhưng xe máy đã kịp tăng lên hai triệu chiếc, và dân viên chức đã kịp đổi đời xe số tròn Dream lên xe tay ga có cốp rộng đựng đồ đi làm.
Đời anh viên chức loay hoay sống với những cách thức tồn tại “lách luật” như thế, nhiều khi anh ta cũng muốn tìm cách thoát ra khỏi. Nhưng sống quá lâu với sự tùy tiện, anh ta còn biết làm gì hơn là làm xiếc với những định chế mình đang theo. Viết hóa đơn thanh toán cho cơ quan, cốt yếu là phải khớp các sổ sách nhịp nhàng chứ con số thực “chỉ cánh văn phòng chúng mình biết với nhau, thật thà có mà ăn cám”. Kiểu mẫu của anh viên chức, xét cho cùng cũng như những con số dễ thay đổi kia, cộng trừ nhân chia sao cho tương hợp với sự sinh tồn của anh ta. Nếu trách cứ họ làm gương xấu, thì câu trả lời là cái nhún vai mà rằng: “Sự sinh tồn mà đã ổn, thì kiểu mẫu nào chúng em cũng chiều, các bác ạ”.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá