Văn hóa và đô thị hóa
Trong tiến trình của sự nghiệp phát triển và hội nhập đi vào chiều sâu, khi mà công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa đang được đẩy tới, thì hệ thống giá trị cũng đang chuyển đổi những gì phụ thuộc vào định hướng của phát triển và cung cách triển khai công nghiệp hóa. Mặt khác, chính hệ giá trị với những chuẩn mực của nó, ở đây là văn hóa và chuẩn mực văn hóa, sẽ tác động trở lại rất mạnh mẽ đến sự nghiệp phát triển, đến công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và đô thị hóa.
Tư tưởng “an bần lạc đạo” của nho giáo nâng tầm triết lý dân gian “đói cho sạch rách cho thơm” từng một thời là chuẩn mực sống của nhà nho quân tử, mẫu hình cho xã hội xưa noi theo. Chuẩn mực đó cao thượng và đẹp đẽ thật song quả là khó thực hiện với số đông khi mà “đói thì đầu gối phải bò”. Ở một hướng tiếp cận khác, thì chính cái triết lý “an bần lạc đạo” ấy ru ngủ con người triền miên trong giấc mộng tiểu nông. Đó là con người "tiểu kỷ" tự bằng lòng và cam chịu, tác giả của sự trì trệ, lạc hậu của nền sản xuất nông nghiệp tự cấp tự túc không sao chuyển được sang kinh tế hàng hóa, đẩy đến kinh tế thị trường. Và thế rồi, dần dà người ta ngày càng “ngộ” ra được một sự thật xót xa “nghèo thường dễ đi liền với hèn”. Giàu trở thành một hướng phấn đấu. Không chỉ với khẩu hiệu “dân giàu nước mạnh”, mà mỗi cá nhân cũng phải tự bươn chải để sống và để giàu. Trên màn ảnh tivi người ta dẫn dụ rằng “làm giàu không khó” và kích thích giấc mơ “trở thành triệu phú”. Mọi “trò chơi”, kể cả sự trau dồi tri thức khoa học trên “đường lên đỉnh Olympia” thì động lực kích thích cũng hiển hiện trắng phớ ra bằng tiền, bao nhiêu, bao nhiêu đồng một bậc! Hoành tráng và hùng hồn hơn là người ta đăng đàn diễn thuyết cho “lý tưởng làm giàu của tuổi trẻ thời đại hôm nay”.
Rồi, cứ theo đà của cái gọi là “lý tưởng” đó, dẫn dụ theo logic đó những phản giá trị từng bị lên án lại đang trở thành sự quen thuộc trong ứng xử của cái gọi là "thời buổi kinh tế thị trường”. Đại loại như: "nén bạc đâm toạc tờ giấy", "có tiền mua tiên cũng được" rồi "miệng nhà quan có gang có thép",“chân lý thuộc về kẻ mạnh” cho nên “cá lớn cứ việc nuốt cá bé”. Người ta quên mất rằng, đó là sản phẩm của một thứ kinh tế thị trường hoang dã buổi sơ khai trong hành trình tích tụ tư bản, chứ không thể là kinh tế thị trường văn minhmà chúng ta đang cố tạo dựng. Đương nhiên, việc đó rất khó. Nó tùy thuộc vào cách chúng ta tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa như thế nào, từ đó quy định phương thức hội nhập với thế giới. Điều này đòi hỏi sự đầu tư trí tuệ và bản lĩnh của cả dân tộc, phải huy động sức nghĩ và sự đóng góp của toàn xã hội, trong đó trước hết là những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, những trí thức tâm huyết...
Tóm lại, phải huy động ở mức cao nhất sức mạnh văn hóa, xác định rõ văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp phát triển đất nước. Bằng sức mạnh văn hóa ấy mà đến với thế giới, mà hội nhập quốc tế. Nội hàm của khái niệm văn hóa cần phải thật tường minh, nhưng để có được sự tường minh đó thì có lẽ phải bác bỏ một lập luận “muốn hội nhập, phải thoát khỏi văn hóa làng xã” như nó từng được tờ báo nọ giật một cái tít rất đậm. Buộc phải nói điều này, vì ở đây liên quan trực tiếp đến những vấn đề cứ tưởng nhớ chẳng liên quan gì đến công nghiệp hóa, đô thị hóa sẽ phải nói dưới đây. Thật ra, xem kỹ nội dung bài báo thì tác giả chỉ muốn phê phán một số thói quen, tập quán xấu “từ văn hóa làng xã mà ra”.
Đấy là chưa nói đến cách đây không lâu, nhân có lệnh cấm hàng rong, một tờ báo đã chỉ ra một cách nhìn tệ hại "đô thị hôm nay là để cho những người có tiền sống và những người nghèo muôn phương xin đừng về Hà Nội kiếm ăn làm nhếch nhác cái đô thị này". Liệu cách nghĩ ấy có dây mơ rễ má gì với chuyện “thoát khỏi văn hóa làng xã” không, song cho dù không thì vấn đề “Văn hóa làng xã” vẫn ăn phải có sự nhìn nhận thật thấu đáo..
Thử hỏi, khi chúng ta nói bản sắc dân tộc, nói đến sự "đậm đà của bản sắc" ấy là muốn nói đến cái gì phải chăng là nói đến cái “hồn dân tộc” tiềm ẩn trong di sản văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của đời sống Việt Nam? Phải chăng câu thơ từng làm lay động lòng người “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”, chính là do đã phần nào khơi đúng nguồn mạch văn hóa dân tộc được nuôi dưỡng trong văn hóa dân gian để từ đó mà được chưng cất, nâng cao lên trong văn hóa bác học. Trong cái nguồn mạch văn hóa dân gian ấy kể cả trong những huyền thoại chuyện cổ tích đều ẩn chứa cái "hồn dân tộc" ấy.
Huyền thoại "Thánh Gióng" là gì, nếu không phải là hình tượng thăng hoa của hiện thực đất nước: ngay khi mới nằm trong nôi đã nghe tiếng vó ngựa ngoại xâm, tuổi thơ Việt Nam phải vụt lớn nhanh lên và tạo được bản lĩnh đủ sức đánh giặc cứu làng, cứu nước. Những “lốt chân ngựa Thánh Gióng” vẫn còn đó trên cánh đồng vùng Kinh Bắc. Phải cảm nhận cho được cái "hồn dân tộc vừa xa xôi trừu tượng, vừa gần gũi sâu lắng ấy, đặng lưu giữ và làm ấm sáng mãi niềm tin vào nguồn mạch vô tận của sức mạnh văn hóa dân tộc.Huyền thoại ấy, chính là tâm thức của dân tộc, là khát vọng sống, là ý chí Việt Nam, làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Mà nói thật gọn và đơn giản, bản sắc văn hóa Việt Nam là "văn hóa nhà – làng - nước" trong đó văn hóa nhà, văn hóa làng và văn hóa nước gắn bó, tương tác với nhau như những phân hệ trong hệ thống làm nên tính độc đáo của văn hóa dân tộc.
Mà xem ra, bản sắc văn hóa dân tộc, không có được bao nhiêu ở nhịp sống gấp hối hả trong bươn chải vì cuộc mưu sinh và vội vã hưởng thụ nơi phồn hoa đô hội kia. Nó thường tiềm ẩn sâu kín ở chốn “thôn cùng xóm vắng”, nơi Nguyễn Trãi mong "sao cho không có tiếng kêu than hờn giận oán sầu để giữ được cái gốc" của văn hóa. Nhờ vậy mới hun đúc, giữ gìn được văn hóa dân tộc trước âm mưu tận diệt văn hóa của các thế lực ngoại xâm. Giữ được văn hóa dân tộc chính là giữ được cái gốc của nước. Cái gốc ấy nằm ở đâu nếu không từ “văn hóa làng”, từ một sự thật lịch sử: khi nước mất thì làng vẫn còn, để rồi từ làng mà gây dựng lực lượng, lấy lại nước. Trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước, nhà và nước, xét đến cùng, cũng quy tụ ở làng.
Đó là một thực tế sống động để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc, tạo nên nét độc đáo Việt Nam mà một học giả Pháp tụng nêu lên: "Lịch sử cổ xưa và hiện đại cho thấy khả năng kỳ lạ của đất nước này trong việc tìm ra những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải". Khả năng kỳ lạ đó do đâu và nằm ở đâu? Chuyện này có liên quan gì đến “văn hóa làng” không?
Liệu có phải hồn dân tộc ẩn chứa trong hình hài văn hóa làng? Để mất cái đó là mất nguồn mạch sống của dân tộc. Khi tiến trình hội nhập đi vào chiều sâu, càng phải biết nuôi dưỡng cái nguồn mạch ấy để từ đó mà đến với thế giới. Thử hỏi, không từ bản lĩnh văn hóa dân tộc ấy từ bản lề Việt Nam ấy, thì có cái gì mà đến với thế giới? Chẳng lẽ cứ đào bới mãi tài nguyên từ lòng đất ông cha từng gìn giữ bằng màu xương của biết bao thế hệ để đem bán? Hay đến với thế giới bằng giá nhân công rẻ mạt của người lao động nghèo vốn không được học hành vì cha anh họ phải cầm súng thay vì cầm bút?Chẳng nhẽ cái logo của "thương hiệu Việt" là cục than đá, thùng dầu thô và cái lưng trần dầu dãi nắng mưa của người nông dân vừa rời quê ra tỉnh để bán sức lao động rẻ mạt?Không! Phải từ văn hóa, từ bản lĩnh văn hóa. Mà xét đến cùng, mảnh đất nuôi dưỡng và đẩy tới sự thăng hoa của những giá trị văn hóa Việt Nam không thể nằm ở đâu khác từ chiều sâu của nền văn hóa làng.
Ấy vậy mà, nền tảng của “văn hóa làng” đó từng bị phá phách trong cải cách ruộng đất khi đình chùa miếu mạo biến thành kho hợp tác, khi các giá trị văn hóa tiềm tàng trong một số thiết chế và phong tục tập quán, trong các lễ hội, các sinh hoạt tâm linh bị phôi pha, bị vùi dập của một thời nay đang cố phục dựng lại. Cũng có cái làm được, cũng có cái trơ thành pha tạp, lại càng cần phải có cách thanh lọc khi phục dựng, kế thừa và nâng cao trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa hôm nay. Điều đáng phải dóng tiếng chuông cảnh báo là những tinh hoa của nền văn hóa làng ấy đang tiếp tục bị đập vỡ, bi băm vụn ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề về một tầm nhìn văn hóa mà “Có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó thì cái còn lại còn gì là đáng giá”(Phạm Văn Đồng, "Văn hóa và đổi mới").
Chính vì thế quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đang dồn dập diễn ra phải làm thế nào để không tiếp tục đẩy tới sự tàn phá hoặc làm suy yếu nền tảng ấy, mà một trong những biểu hiện dễ thấy của nó là nông thôn và nông dân đang là khu vực gánh chịu nặng nề hệ lụy đáng tiếc của một số giải pháp thiếu cân nhắc của công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Để có “hiện đại hóa” một cách chất lượng phù hợp với thực tế Việt Nam, tâm thức Việt Nam thì “công nghiệp hóa, đô thị hóa” phải được hoạch định với một tầm nhìn vượt khỏi kiểu “tư duy nhiệm kỳ” để rồi thường xuyên phải “quy hoạch lại”. Khi quy hoạch đô thị, chỉ thấy đô thị mà quên mất nông thôn, đẩy tới sự phá vỡ tính hài hòa mạch sống đất nước. Một mặt khiến cho không gian tồn tại của hàng triệu cư dân đô thị cứ bị co kéo, méo mó khi mà đặc thù của lối sống đô thị đòi hỏi cơ cấu tổ chức và cung cách quản lý hoàn toàn khác. Mặt khác, không dự liệu được luồng di dân nông thôn – đô thị tất yếu ngày càng dồn dập sẽ phá vỡ toàn bộ cảnh quan cũng như guồng máy vận hành đất nước, trong đó có cả đô thị và nông thôn. Mà nông thôn thường bị bỏ quên và chịu sự thua thiệt, khốn đốn như chuyện người nông dân vào thành phố bị đối xử như những “phó thường dân”. Để đảm bảo mỹ quan của diện mạo đô thị, không thể dễ dàng hạ lệnh cấm hàng rong, khi chính hàng ngàn gánh hàng rong ấy là giải pháp tự xóa đói giảm nghèo của những gia đình nông thôn tìm đến đô thị để kiếm việc làm. Chỉ tính riêng Hà Nội, đã có tới 1,16 vạn người, trong đó có 93% là phụ nữ tuổi từ 40 trở lên, thì gánh hàng rong của những người mẹ, người vợ, người chị ấy sẽ nuôi thân phận khác trong gia đình của họ! Đừng quên Nguyễn Du đã từng xót xa, thông cảm với những “đòn gánh tre chín dạn hai vai” của người phụ nữ sớm khuya tần tảo gánh trên đôi vai gầy còm của mình cả cuộc sống gia đình.
Đương nhiên, không ai dại dột tung hô “hàng rong muôn năm”, lộ trình đô thị hóa, hiện đại hóasong hành với từng bước nâng cao trình độ, thực lực kinh tế và văn minh thương nghiệp, rồi sẽ dẫn đến chuyện đôi vai của người phụ nữ tần tảo không còn phải “chín dạn” với chiếc đòn gánh tre mà suy cho cùng thì cũng vì “nợ áo cơm phải trả đến hình hài”. Xuất phát từ góc nhìn văn hóa đến thấm đượm tính nhân văn thì quy hoạch đô thị phải tính đến chuyện này để đưa ra những giải pháp thích hợp.
Giải pháp ấy chỉ là một trong những giải pháp của một chiến lược văn hóa nhằm ngăn chặn những suy thoái về đạo lý xã hội, những tác động làm xói mòn những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có sự khủng hoảng hệ giá trị xã hội khi cái cũ trở nên lạc hậu còn cái mới thì chưa định hình vững chắc. Đó là một chiến lược lấy con người, hạnh phúc con người làm cốt lõi.
Cái “khả năng kỳ lạ” từng nảy sinh những “giải pháp độc đáo” mà học giả người Pháp nói đến trong câu trích dẫn ở trên không hề là sản phẩm của sự ngẫu hứng cầu may. Đó là kết quả của cả bề dày tích lũy và tạo dựng trong suốt chiều dài lịch sử mà xét đến cùng là sản phẩm của văn hóa Việt Nam, cái làm nên bản lĩnh Việt Nam.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh