Đô thị, con người và văn học
Đô thị đang mở rộng và phát triển dần đến "đại đô thị" và "siêu đô thị", còn con người thì ngày càng thu nhỏ và khép kín lại. Văn học có thể làm gì để con người hòa giải với đô thị, hay ít nhất, không cảm thấy đối nghịch với nó?
Trận mưa lũ lịch sử gây ngập úng nặng trên địa bàn thủ đô Hà Nội cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua, theo đề nghị của Bộ Xây dựng, có thể trở thành một đề tài nghiên cứu khoa học. Công trình này chắc hẳn sẽ rút ra được nhiều bài học thực tiễn có giá trị về mặt kinh tế, xã hội và văn hoá.
Trận lụt ấy và những hệ lụy cho đời sống đô thị cũng có thể là đề tài của một tác phẩm văn học giàu yếu tố ký sự hay là bối cảnh cho một câu chuyện đời trong tiểu thuyết. Ai biết được là đến một lúc nào đó sẽ không xuất hiện những trang văn miêu tả những phận người lênh đênh trên biển nước giữa thủ đô nghìn năm văn vật, vào cuối thập niên đầu của thế kỷ 21?
Ngày Hà Nội ngập chìm trong biển nước, nhà văn Nguyễn Quang Thân đã viết những dòng văn cay đắng mà kêu gọi rằng tại sao người ta lại không dùng tiếng trống ngũ liên để báo động nguy cơ cho nhân dân, khi mà các phương tiện truyền thông đại chúng tỏ ra không hiệu quả. Cứu người là trên hết, phương tiện nào cũng tốt, nhà văn quả có lý .Nhưng bây giờ mà hình dung tiếng trống ngũ liên báo động giữa lòng thủ đô, tự nhiên nhớ đến cảnh lụt lội và hộ đê trong Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn và Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng những thập niên đầu thế kỷ trước! Nhưng cơ sự nào đã khiến đô thị Việt Nam ra nông nỗi ấy? Hình như cùng lúc, và có thể trước cả khi diễn ra quá trình đô thị hóa nông thôn, lại là quá trình "nông thôn hoá đô thị". Đó không chỉ là việc chăn nuôi và tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống như những tháng năm khó khăn thời kinh tế bao cấp. Đó cũng không chỉ là việc phơi phóng, cơi nới và tranh chấp một chút không gian ở các chung cư mà có lẽ đến nay vẫn còn tồn tại.
Tình trạng "nông thôn hoá" đô thị này đã chuyển từ cấp độ lối sống sang cấp độ tư duy quản lý và để lại hậu quả nặng nề trong quy hoạch, phát triển các thành phố. Khi những người quản lý đô thị còn giữ não trạng của người điều hành công việc ở làng xã, thì đô thị càng mở rộng, hậu quả sẽ càng tăng theo cấp số nhân.
Không thiếu những thí dụ về tình trạng đó ở các thành phố hiện nay: nạn đào đường và dựng "lô-cốt" bừa bãi, quy hoạch giao thông tùy tiện và phản khoa học dẫn đến kẹt xe, việc xây dựng trái phép phá vỡ cảnh quan và môi trường, nạn san lấp ao hồ, sông rạch theo đà đô thị hóa cấp tập gây ngập nước lai láng trên diện rộng, mặt đất bị bê-tông hóa, sự ô nhiễm khói bụi và âm thanh đã quá mức báo động, tỉ lệ mét vuông cây xanh trên đầu người ngày càng giảm.... Tình trạng đó tác hại đến kinh tế - xã hội thì ai cũng thấy rõ, những tác hại đến tâm hồn và tâm lý con người một cách thầm lặng và dai dẳng thì không dễ nhận ra ngay.
Không gần thì xa, những ứng xử lệch chuẩn của một bộ phận cư dân trẻ hiện nay ở đô thị có nguyên nhân từ áp lực của một đời sống đô thị mất quân bình và gây căng thẳng. Những phản ứng thiếu kiềm chế trong các mối quan hệ không những không được giải toả mà còn tăng thêm chất xúc tác từ một môi trường sống thiếu sự hoà hợp, như dầu đổ thêm vào lửa. Không chỉ ngoài đường phố, mà ngay dưới mái trường, ngày càng xuất hiện nhiều hơn những tính cách thích chọc phá, gây hấn, "nổi loạn", dù thường khi chỉ là "nổi loạn" trong một tách nước trà.
Trèo qua hàng rào vào phía trong các tác phẩm hoa đang trưng bày để chụp ảnh, liệu thiếu nữ này có nhận thức được đó là hành vi thiếu văn hóa? |
Những thành phố lớn hiện đang là lực hút cư dân ở vùng nông thôn xa đến kiếm sống, may mắn thì tập trung trong những nhà máy và xí nghiệp, còn không thì phân tán trên những chiếc xe đạp bán rau quả, mua ve chai, rao "tẩm quất"... Họ sống tản mát trong các ngõ hẻm hay các khu dân cư mới hình thành ở vùng ngoại ô, mỗi ngày từ sớm tinh mơ đã nhập vào cuộc sống tất bật ở nội thành cho đến khi tối mịt. Liệu xã hội đã có những chính sách gì để giúp họ hoà nhập vào cuộc sống đô thị vả trở thành một phần của mạch đập văn hoá ở đây?
Đọc Lý Xương Bình, người cán bộ thấu hiểu nỗi khổ của người nông dân ly hương ở Trung Quốc, thấy nhiều vùng nông thôn ở ta chưa đến nỗi chịu cảnh o ép như phụ nữ trước khi rời khỏi làng ra thành phố mưu sinh, phải đóng đủ thứ lệ phí, trong đó có "phí sinh đẻ lưu động"? Tình trạng ly nông và ly hương hẳn là điều tất yếu của quá trình đô thị hoá, vấn đề là làm sao để con người có thể thích nghi với đô thị mà không cảm thấy mình như những kẻ đứng bên lề một vận hội mới của dân tộc. Công nghiệp hoá và hiện đại hóa chỉ có thể thực sự là niềm tự hào của đất nước, nếu nó phát huy ưu thế của đô thị và nông thôn thay vì làm phai nhạt đi vẻ đẹp của cả hai. Nhìn thấy ý nghĩa xã hội sâu xa trong kiến trúc và xây dựng, Leon Battista Alberti dưới thời Phục hưng đã từng đòi hỏi người kiến trúc sư phải có kiến thức và tầm nhìn cả về lịch sử, toán học và thơ ca. Không phải ngẫu nhiên mà khi nói đến những thành phố hài hòa, người ta thường dùng hình ảnh "những bài thơ đô thị". Bây giờ trong những trang văn xuôi viết về cuộc sống đô thị, không khó tìm hình tượng những con người mệt mỏi và hờn tủi trong đà quay cuồng của nhịp sống phố xá.
Hơn mươi năm trước điều này chỉ thoáng thấy trong văn Nguyễn Quang Thiều, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải...; nay hiện ra đậm nét và dữ dội trong tác phẩm Nguyễn Vĩnh Nguyên, Trần Nhã Thụy, Vũ Đình Giang, Nguyễn Danh Lam... Nhân vật của họ có nguy cơ đánh mất mình trong cuộc sống ngổn ngang ở đô thị và quá trình tìm lại chính mình là một cuộc vật vã đầy đớn đau. Điều nghịch lý là ở chỗ để tìm nguồn cảm hứng cho sức mạnh kháng cự lại tình cảnh vong thân đô thị, một số nhân vật ấy lại cầu viện ở kỷ niệm và ảnh tượng trong sáng thời thơ ấu ở nông thôn, chính nơi mà trong những thiên truyện hiện thực khác của những tác giả cùng thời lại cho thấy một sự thay đổi và biến dạng đến chóng mặt với những tệ nạn mang về từ thành phố.
Lúc sinh thời, nhà văn Sơn Nam có lần nói rằng lịch sử cho nước mình một thành phố Sài Gòn thì cũng như cha mẹ cho con một ngôi nhà mặt tiền, lại cho thêm một cái kiosque để kinh doanh buôn bán kiếm lời. Ai cũng biết một cái kiosque ở đô thị còn quý hơn mấy mẫu đất ở nông thôn. Nhưng vì là mặt tiền nên phải có "văn hoá mặt tiền" để qua đó người ngoài nhìn vào đất nước mà thấy được cốt cách của dân tộc. Dân tộc phải làm ăn để tồn tại và phát triển. Nhưng một dân tộc, một đất nước trước hết là một nền văn hoá, chứ không phải là một "thương hiệu', dù là "thương hiệu" theo nghĩa bóng. Than ôi, không phải ai khác, mà chính một số nhà hoạt động văn hoá và giáo dục, một số nhà Việt Nam học có "cầu chứng" hẳn hoi, đang quảng bá rầm rộ cho cái "tư duy thương hiệu" đó?
Đô thị bây giờ là nơi bộc lộ những thang giá trị mới của các tầng lớp xã hội, nó như một guồng máy khổng lồ mà những bộ phận cư dân là những khớp vận động. Nó cũng có thể xem là nơi thắt nút của những dự đồ và mưu tính của một số công dân được chọn lọc, có khả năng chi phối sự vận hành của xã hội. Mỗi ngày guồng máy đó nuốt chửng những con người tràn đầy sinh lực và ham muốn để rồi trả lại những hình hài mệt mỏi và kiệt sức. Và những trục trặc trong đời sống đô thị đã dần dần bào mòn niềm sùng bái đô thị và công nghiệp nơi những người nhà quê quanh năm trong cuộc sống chật vật, muốn thoát ra phố thị với ước mong làm cuộc đổi đời.
Những sáng những chiều, nhìn hàng hàng lớp lớp người nối đuôi nhau trên những chiếc xe gắn máy ở các ngả đường vào ra thành phố, mặt trùm kín mít, chen lấn nhau để giành từng tấc đường, thì thấy cuộc sinh tồn ở các đô thị thật là gian nan. Thoát ra khỏi cái mê cung đó, người ta lại chui vào cái vỏ ốc của mình, xả những nỗi bực dọc trong giấc ngủ, để rồi hôm sau lại tiếp tục một ngày quần thảo nơi phố thị. "Đời sống đã thiết lập những điều bí mật thầm kín không thể chia sẻ cùng ai", như Trần Nhã Thụy viết trong một cuốn tiểu thuyết. Đô thị đang mở rộng và phát triển dần đến "đại đô thị" và "siêu đô thị", còn con người thì ngày càng thu nhỏ và khép kín lại. Văn học có thể làm gì để con người hòa giải với đô thị, hay ít nhất, không cảm thấy đối nghịch với nó?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005