Hà Nội: Bao giờ “xuất khẩu”... thanh lịch?
Dịch giả Thúy Toàn trích lời một du khách nước ngoài từng đến HN năm 1987, nay quay trở lại: “Người HN bây giờ không thân thiện bằng người HN hồi đó. Phố xá HN hồi đó sạch sẽ và yên tĩnh hơn bây giờ nhiều”.
GS Kiều Thu Hoạch không phải là người duy nhất nói rằng người Hà Nội (HN) càng về trước càng hồn hậu hơn.
Đó là 2 trong nhiều ý kiến được nêu ra trong cuộc hội thảo “người Hà Nội thanh lịch, văn minh” vừa diễn ra.
Bấy lâu nay, nói đến hai chữ thanh lịch, ta nghĩ ngay đến người HN. Thanh nghĩa là không tục, không thô lỗ; lịchlà lịch thiệp, lịch sự…
Đi xa hơn, GS Vũ Ngọc Khánh cho rằng, thanh bao gồm: thanh cao, tươi tắn, trong trắng, dịu hiền, êm ái mà vẫn khêu gợi, hấp dẫn; lịch: khéo léo, thông thoáng, cởi mở, từng trải, hiểu biết…
GS Phạm Đức Dương thì phát biểu, không nên bị khống chế bởi khái niệm và quá tập trung vào minh giải khái niệm.
Dưới con mắt của các nhà nghiên cứu, câu “cửa miệng”:… Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An - là cả một vấn đề. GS Phạm Ngọc Dương nhấn mạnh, người Tràng An là ở Trung Quốc, cố đô Hoa Lư còn được gọi là Tràng An trước Hà Nội! Ý kiến của GS Vũ Hy Chương: “Không nên dùng câu đó nữa!”.
Thanh lịch không tự nhiên mà có
Tham luận 4 trang của nhà văn Tô Hoài tập trung vào vấn đề giáo dục lịch sử địa phương, học sinh HN phải được học môn Hà Nội học. Ông kể, ở Vác-xa-va (Ba Lan), nhiều di tích bị phá hủy trong chiến tranh đã được xây lại nguyên, và có gắn bảng đồng, ngày kỷ niệm, đầy nến thắp và hoa.
Trong khi, HN ghi dấu nhiều chiến công của quân và dân, nhưng rồi không biết ở chỗ nào. Đây là điều mà thực dân Pháp ở HN từng rất chú ý. Trước cổng đền Voi Phục ở Thủ Lệ, trước đây Pháp còn gắn biển “chùa Pa-vi” để tưởng niệm viên quan Pháp chết trận tại đây. Gần đây, mới mở ra CLB Ha-le, khác nào mồ ma viên đốc lý Pháp sống lại!
Ông còn nêu nhiều ví dụ, trong đó một đài tưởng niệm Pháp xây mà cứ tưởng là nơi dân đánh trống kêu oan- suýt nữa được trùng tu. Kết luận: “Biết Sử HN mới thực sự là con người HN văn minh, thanh lịch!”.
Phát biểu tại hội thảo, TS Đào Duy Quát nhấn mạnh sự xâm lăng của văn hóa từ bên ngoài. Ông báo động về việc các tập đoàn kinh tế đang tấn công, nắm lấy các phương tiện truyền thông. Bằng việc tài trợ vào giờ vàng, nhà tài trợ có thể gây sức ép khiến đài truyền hình phải đưa theo kiểu của họ.
Thanh lịch từ chuyện nhỏ…
Hóa ra phong trào cuối tuần nhà nhà dậy sớm quét đường được phát động từ tận 1955 nhưng chưa bao giờ thành công. GS Vũ Hy Chương có ý kiến, chỉ cần xây dựng và thực thi đồng bộ quy chế tổ chức quản lý đô thị HN là… rác rưởi đâu vào đấy. Cần có một phòng kế hoạch thuộc UBND TP chuyên phối hợp lịch đào đường của các cơ quan nước, điện…
GS Chương từng tiếp cận bản đồ 300 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) của Seoul (Hàn Quốc). Càng vào trung tâm, hệ thống NVSCC càng dày đặc, có khi 0,5km2 lại có một cái, tiện nghi hiện đại, kiến trúc hài hòa.
Còn ở ta, việc xây dựng NVSCC ở Hồ Gươm hay Văn Miếu được bàn luận hết sức rôm rả, còn… đi bậy trên đường phố vẫn phổ biến hàng ngày.
Biết làm giàu mới là thanh lịch
GS Phan Ngọc nhắc lại câu trả lời của mình trước câu hỏi của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Làm sao để nước ta giàu có? “Xem toàn bộ lịch sử loài người có xã hội nào không buôn bán mà giàu có! Cày, không- khỏi chết đói là giỏi!
Người xưa chủ trương sĩ nông công thương nghĩa là chấp nhận nghèo khổ…”. GS khẳng định, thanh lịch phải đem đến giàu có, văn hóa không phải để mà chơi.
Buôn bán, người HN phải giỏi nhất nước, người giàu trong Nam toàn dân Bắc. “Phải biến Thăng Long thanh lịch thành hàng hóa, cách nào không biết, phải bán cho thế giới để giàu có! Trước tiên, phải thanh lịch hóa ít nhất ở Đông Nam á!”
GS Phan Ngọc phân tích, buôn bán là quan hệ. Hiểu cả thế giới để giải quyết vấn đề VN, hiểu VN để giao lưu với thế giới. Buôn bán là không ngừng thay đổi mặt hàng, chấp nhận bị phê phán, sửa đổi một cách vui vẻ, miễn là đời sống nhân dân lên.
Buôn bán dựa vào những khái niệm, chứ không dựa vào kinh nghiệm. Ông cho rằng, biến VN thành giàu có không khó khăn, vấn đề là Đảng phải giúp dân hiểu pháp luật.
Người Pháp có câu: Không ai được phép quên pháp luật. Có pháp luật mới chống được tham ô lãng phí. Còn ở ta xưa nay chỉ chấp nhận mệnh lệnh, mà chưa theo pháp luật.
GS chỉ ra một trong những lý do khiến VN nghèo khổ là ham thành tích, ít chú ý khuyết điểm. Thắng lợi chính là dựa trên nhiều khuyết điểm sau khi đã được sửa chữa!
Ngủ quên trên… thanh lịch
Tác giả Giang Quân lại báo động về tệ sùng bái nước ngoài, nêu cao lối sống thực dụng cá nhân, yêu đương sớm, sống thử, dẫn tới nạo phá thai vị thành niên.
Ông Quân để ý tới cả việc ăn uống xô bồ, đứng lên dzô dzô nơi quán nhậu. Và không quên nhắc tới cách ăn mặc, cách hát của một số ca sĩ, nhảy múa phụ họa uốn éo, khoe đùi, ngoáy mông, hở rốn, rồi nhạc chế, nhạc sến… Và đưa ra kết luận, lối sống đẹp phải nhiều năm mới xây dựng được, còn bắt chước hành vi vô văn hóa chỉ trong chốc lát.
Dịch giả Thúy Toàn đem đến những ý kiến đáng suy nghĩ của bạn bè quốc tế về HN. Du khách định cư tại HN không còn là chuyện hiếm, chính vì thế họ càng hiểu người HN hơn. Hình như người HN có hơi khép mình, không thấy ý nghĩa của những ý kiến đóng góp từ bên ngoài.
Viện Goethe tổ chức hội thảo về bảo tồn phố cổ HN đến lần thứ 4 thì dừng lại, cũng vì gửi giấy mời đầy đủ tới các cơ quan chức năng- không cơ quan nào đến, cũng không cho biết lý do.
Có phải đàn ông HN hơi nhu nhược? trong khi phụ nữ luôn chăm chỉ, hơi mạnh mẽ, nhiều khi đến mức đanh đá. Cụ thể, cô giáo cãi nhau với chồng đến trút giận vào học sinh - là người nước ngoài, lớn tuổi.
Hiện tượng ô dù ở VN xem ra còn mạnh hơn cả Nhật Bản, từ đó dẫn đến hối lộ; công an, giáo viên cũng nhận hối lộ. Một học giả Nhật Bản sau 2 năm sống ở HN đã viết một cuốn sách về HN, trong đó có nói: “Quả là một sự khó khăn trong quan hệ giữa người với người ở HN!”.
Ý kiến bạn đọc
Nguyễn Sơn ([email protected])
Hà Nội và sự thanh lịch con người Tràng An nay còn đâu !
Ngày xưa con người Hà Nội thật thanh lịch. Đi thưa về gửi, tôn trọng bề trên, tôn sư trọng đạo, hiếu nghĩa với mẹ cha, chung thuỷ tình chồng vợ. Mọi người nhất là lớp trẻ được giáo dục tốt, ra đường luôn giữ gìn đúng phép lịch sự, tôn trọng mọi người. Những nét đẹp ấy không phải tự nhiên mà có được, nó là quả một quá trình dài lâu tích luỹ đúc kết tinh hoa của nhiều thế hệ mới dần định hình được, ví như một thứ quả ngọt phải qua một chặng đường chọn lọc gian nan của tạo hóa mới tạo thành.
Tôi biết rằng hầu như mọi gia đình Hà Nội xưa, không kể sang hèn đều ngày đêm răn dạy con em mình điều hay lẽ phải, em trai học tài , em gái học nữ công gia chánh, ra đường không thể nói cười hô hét ầm ĩ quá lố thoải mái như bây giờ. Hà Nội thật bé nhỏ, đẹp đẽ tinh khiết nhưng quá mong manh. Nó đúng là hạt giống tốt để đâm hoa kết trái ngọt lành cho toàn xã hội. Nhưng cũng vì nó quá mong manh, sự bảo lưu bảo tồn lớp người thuần Hà Nội để giữ những nét đẹp, văn minh cho mai sau lại bị xem nhẹ nên Hà Nội hiện nay thực sự đã được thay thế gần như hoàn toàn bằng một lớp dân di cư, sự mất dần đi cái đẹp thanh lịch, nét văn hóa tốt đẹp xưa cũng là điều dễ hiểu.
Tìm lại cho Hà Nội cái đã mất việc đầu tiên là tìm ra và tạo điều kiện để những gia đình Hà Nội còn rải rác đâu đó thực sự có nhiều điều kiện và không gian Hà Nội để họ lại tìm lại được chính mình và cũng là tìm cho thủ đô những chủ nhân xưa nhằm tạo dựng không gian du lịch cho Khách thập phương và nhất là quốc tế, lâu dần giáo dục lớp thanh niên mới tiếp nhận cái hay cái đẹp của hồn thủ đô.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu