Bộ mặt Hà Nội dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp
Nhiều công trình kiến trúc tại Hà Nội đã được xây mới, hoàn toàn chịu ảnh hưởng của kiến trúc Pháp. Tuy nhiên, khu phố cổ vẫn giữ nguyên những đặc trưng của kiểu nhà truyền thống Việt Nam, hẹp và sâu. Nhìn vào quy hoạch của Pháp, cũng có thể thấy rõ mục đích muốn biến Hà Nội thành trung tâm quân sự và chính trị (trong tương lai), tạo điều kiện cho công cuộc khai thác thuộc địa.
Giai đoạn trước thế chiến Thứ nhất
Công trình quân sự đầu tiên và lớn nhất về quân sự được xây dựng ở Hà Nội, chịu ảnh hưởng của kiến trúc Tây phương là Thành Hà Nội, xây năm 1805 theo kiểu Vauban. Năm 1873, ngay sau khi chiếm Thành Hà Nội, Francis Garnier đã chiếm toàn bộ những công trình trong Hoàng Thành cũ, đóng quân và luyện tập tại Tràng Thi.
Cũng phải kể tới khu “nhượng địa” ở phía đông thành phố, bên bờ sông Hồng rộng đến hơn 18 ha (ký kết theo Hiệp ước Philastre năm 1874) đã được xây dựng. Nhiều công trình kiên cố do sĩ quan công chính Vareine thiết kế theo nguyên tắc tổ chức các thương điếm châu Âu ở hải ngoại. Chúng có bố cục truyền thống theo trục đối xứng qua cổng chính, xung quanh có xây tường cao để bảo vệ; điều đáng quan tâm là các công trình này xếp theo trục song song với bờ sông Hồng.
Mưu đồ chiếm Bắc Kỳ của thực dân Pháp lộ rõ ngay cả khi họ chưa hoàn toàn bình định được nơi đây. Để biến nó thành trung tâm quân sự (và chính trị) trong tương lai và tạo điệu kiện khai thác thuộc địa một cách mau chóng về sau này, ngay từ tháng 5 năm 1883, họ đã mở một con đường nối từ nhượng địa đến khu vực Tràng Thi và Hoàng Thành cũ (nơi đặt trụ sở bộ máy chỉ huy quân sự).
Từ năm 1884, các phố Tràng Tiền và Hàng Khay đã trở thành một trục của trung tâm buôn bán, mở đầu thời kỳ xây dựng khu phố Pháp ở Hà Nội.
Phố Tràng Tiền - Nhà Hát Lớn Hà Nội
Trước khi người Pháp sang, đường phố Việt Nam có chiều rộng khoảng 3m, hai bên là những ngôi nhà, sử dụng để ở, để buôn bán hoặc sản xuất thủ công (làm hàng gỗ, khảm...). Đây là kiểu nhà đặc trưng ở thế kỷ 19, nhà một tầng mái tranh xen lẫn nhà gạch mái ngói, với chiều rộng khá hạn chế, thường không quá 3 - 4m, có mặt bằng hình ống, phát triển theo bề sâu và có sân trong. Đặc biệt là ở phía đông của phố có cổng, nằm ở vòng ngoài Thành Hà Nội, có hào sâu và xây cầu dẫn.
Tất cả những phố dạng này không còn nữa, bởi từ tháng 10 năm 1886 đã xây thành các phố rộng đến 18m, mặt đường rải nhựa, hai bên phố là cửa hàng buôn bán, là một số khách sạn đầu tiên của người Âu châu ở Hà Nội.
Tiếp đó, các phố vuông góc với Tràng Tiền và Hàng Khay cũng được mở mang và Rue Jules Ferry (phố Hàng Trống) nối với Rue Gia Long (phố Bà Triệu), Rue Francis Garnier (phố Đinh Tiên Hoàng) nối với Rue des Cartes (phố Hàng Bài), Rue Henri Rivière (phố Ngô Quyền) nối với Rue Jacquin (phố Ngô Thì Nhậm). Người Việt Nam lần đầu tiên tiếp xúc được với một hệ thống đường phố được trang bị kỹ thuật hạ tầng.
Những công trình này chính là cơ sở để phát triển khu trung tâm hành chính thời Pháp thuộc ở phía đông hồ Hoàn Kiếm (tức là phía bắc trục đường Tràng Tiền - Hàng Khay). Về sau, đường phố còn phát triển về phía nam để hoàn thiện tiếp khu phố Pháp, vẫn theo dạng ô bàn cờ; đó là Boulevard Rollandes (đại lộ Hai Bà Trưng), Boulevard Careau (đại lộ Lý Thường Kiệt) và Boulevard Gambetta (đại lộ Trần Hưng Đạo).
Chúng ta chưa nói đến phía tây hồ Hoàn Kiếm có gì ? Trước đây là thôn Báo Thiên, năm 1883, giáo hội đã phá chùa Báo Thiên ở đây để xây Nhà thờ Saint Joseph (Nhà thờ Lớn) vào những năm, 1884 -1886. Tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, thực dân Pháp phá hủy gần hết hệ thống di tích văn hóa, di tích kiến trúc nằm rải rác ở xung quanh để xây dựng khu phố Pháp.
Tiếp đó, họ tiến hành “ sờ” đến khu 36 phố phường, mà bắt đầu từ việc lấp đoạn sông Tô Lịch từ Rue du Riz (phố Chợ Gạo), rồi phá dỡ các cổng ngăn giữa các phường trong phố, phá dỡ cả lều quán để mở rộng các con đường: trải đá, lát hè, làm hệ thống cống rãnh thoát nước. Xây dựng các chợ có mái che, một số dinh thự nhỏ dùng làm nơi làm việc tạm thời của chính quyền thực dân...
Mặc dù có sự can thiệp về xây dựng của người Pháp, song người Hà Nội vẫn tiếp tục xây dựng mới và sửa chữa những ngôi nhà của mình theo phương pháp truyền thống tại đây. Vẫn là những ngôi nhà một tầng, khung bằng gỗ, lợp mái ngói ta, mặt nhà rất hẹp và sâu hút vào trong (mà sau này ta quen gọi là nhà ống). Quang cảnh chung của Hà Nội 36 phố phường vẫn lô nhô các lớp mái thấp, vừa tự nhiên, vừa đơn giản, vẫn hệt như mô tả trong các tranh “phố” của họa sĩ tài danh Bùi Xuân Phái sau này. Chúng thật đối lập với khu phố Tây đang dần hình thành với những đường nét quy hoạch đặc trưng của châu Âu. Ba mươi sáu phố phường vẫn là nơi tập trung cư dân, diễn ra các hoạt động buôn bán, sản xuất thủ công như nó vẫn tồn tại như vậy.
Nhà thờ cửa bắc Hà Nội
Sau này, khoảng các năm 1920 - 1945, khu vực này cũng có những biến đổi nhất định. Những người buôn bán mới giàu lên, những công chức làm việc cho Pháp ở trong khu này đã cải tạo hoặc xây dựng mới ngôi nhà của mình hoặc xử lý kiến trúc mặt ngoài nhà theo phương Tây làm cho bộ mặt kiến trúc ngay trong khu 36 phố phường bị ảnh hưởng. Tuy vậy, nhìn chung bộ mặt truyền thống của khu này vẫn khác biệt với khu vực của người Pháp ở Hà Nội
Giai đoạn phát triển xây dựng giữa hai cuộc thế chiến
Để khắc phục những hậu quả chiến tranh và củng cố địa vị của mình trên trường quốc tế, thực dân Pháp đã chủ trương đẩy mạnh đầu tư, khai thác thuộc địa ở Đông Dương với quy mô và tốc độ gấp nhiều lần so với thời kỳ trước đó. Hệ quả là bên cạnh các quan hệ kinh tế tư bản chủ nghĩa vẫn tồn tại các tính chất của một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến. Điều này thể hiện rõ nét trong cơ cấu quy hoạch đô thị Hà Nội, với khu phố Tây và khu phố ta.
Quy hoạch và xây dựng thành phố Hà Nội trong thời kỳ này tuy vẫn theo những nguyên tắc của Tây phương, nhưng đã có những tiến bộ so với thời kỳ trước đó. Về không gian lẫn chức năng đô thị, nguyên tắc quy hoạch có tính tổng hợp hơn. Không dừng lại ở việc xây dựng các công trình phân tán mà tập trung vào từng khu vực dành riêng cho người Pháp tại đây.
Khu này nằm ở vị trí Hoàng Thành xưa, với một hệ thống đường phố hình ô cờ cùng những trục bố trí chính chạy theo đường chéo cắt qua ngang các đường phố kẻ ô bình thường khác được thiết kế xung quanh Phủ Toàn Quyền. Điều dễ nhận biết là các công trình kiến trúc quan trọng đều được bố trí ở chính đầu các trục chính, tạo thành các điểm nhấn quan trọng trong tổng thể không gian của đường phố. Không ai phủ nhận được những ưu điểm của khu phố này: Thoáng đạt, tiện nghi, có tính thẩm mỹ đô thị cao.
Phủ toàn quyền Đông Dương
Bám lấy hồ Hoàn Kiếm, người Pháp tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch ở phần phía Nam hồ Hoàn Kiếm. Nơi này cũng trở thành một trung tâm của Hà Nội, phục vụ cho cư trú và hoạt động kinh tế của người Pháp và một số ít người Việt Nam.
Điều đáng nói thêm là trong thời kỳ này cũng xuất hiện một số cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tiên (nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, nhà máy in, nhà máy sửa chữa xe hơi, nhà máy nước đá...) cũng như một số cơ sở sản xuất thủ công nghiệp trang bị kém, năng lực hoạt động thấp. Những công trình này chưa đủ làm cho Hà Nội trở thành một trung tâm công nghiệp mà vẫn chỉ là một thành phố hành chính.
Người Pháp xây dựng được những công trình gì đáng kể tại Hà Nội? ■ Công trình công cộng:
■ Nhà ở 1. Nhà ở 36 phố phường |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh