Văn minh đô thị vẫn là câu chuyện dài

05:00 CH @ Thứ Bảy - 18 Tháng Tám, 2018

Mặc dù không mới nhưng văn minh đô thị cũng chưa bao giờ được xem là câu chuyện cũ. Bởi xây dựng văn minh đô thị là một tiến trình dài, đòi hỏi sự kế thừa và phát huy liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở đâu có đô thị, ở đó có văn minh.

Tuy nhiên, không phải khi nào cặp bài trùng này cũng phát triển theo một tỷ lệ thuận bất biến. Thực trạng văn minh đô thị ở TP.HCM ngày càng xuống cấp là một ví dụ. Đó cũng là nội dung chính của buổi tọa đàm mà Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần tổ chức trước thềm năm mới với sự góp mặt của các thân hữu.

Từ “văn hóa” xe gắn máy…

Lần đầu tiên tham gia tọa đàm cùng Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, ông Nguyễn Tường Bách, một trí thức Việt kiều từ Đức về ăn Tết, mở đầu bằng một luận điểm:

Ông Nguyễn Tường Bách: “Xây dựng một thành phố mới, thuần túy về mặt hành chính hoàn toàn nằm trong tầm tay


- Là người ở xa về, tôi thấy rằng cách giao thông ở Việt Nam là giao thông của xe gắn máy. Khi chạy xe trên đường, nhiều người thấy chỗ nào trống, có thể lách được là chen lên, thậm chí sẵn sàng leo lề, lấn sang làn đường của xe hơi, miễn sao được việc cho mình. Rồi khi phải xếp hàng để mua một cái gì đó, người ta cũng chen lấn theo cách như vậy. Hình như, việc giành đường khi chạy xe gắn máy là một yếu tố quyết định văn hóa ứng xử hàng ngày, tác động tiêu cực đến văn minh đô thị.

Khác với “người ở xa”, ông Huỳnh Bửu Sơn - Giám đốc đối ngoại Công ty PepsiCO Việt Nam là người thường xuyên tham gia các buổi tọa đàm do Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần tổ chức, hướng về phía người vừa “phát pháo”, ông đưa ra một hình ảnh so sánh:

- Trong lưu thông, người điều khiển xe gắn máy ứng xử giống như nước chỗ nào trũng thì chảy xuống, có chỗ trống thì chen vào. Nếu có thể gọi là văn hóa xe gắn máy thì đặc điểm của nó là những người sử dụng loại phương tiện này ít khi chịu nhường nhau, thường không tôn trọng luật giao thông nếu biết chắc rằng sự vi phạm của mình không bị trừng phạt.

Cách ứng xử này không quan tâm đến quyền lợi của người khác, chỉ nghĩ đến đạt được mục tiêu trước mắt ngắn hạn của mình (đến nơi trước, không bị hít khói xe…) và vô hình trung coi rẻ sinh mạng của chính mình. Điều đáng nói là cách ứng xử như thế không chỉ quan sát được trong khi lưu thông mà còn thấy được ở trong những hoạt động khác, thậm chí trong kinh doanh, trong quản lý…

Tuy nhiên, chúng ta mong rằng cái gọi là văn hóa xe gắn máy chỉ là một hiện tượng, còn đằng sau đó là cái gì, tôi xin nhường lời cho luật sư Nguyễn Ngọc Bích, người đang có vẻ chưa hài lòng về những lý giải của chúng tôi về văn hóa xe gắn máy

Là người điềm đạm và lập luận căn cơ, luật sư Nguyễn Ngọc Bích, tác giả của những bài viết sắc sảo trên nhiều tờ báo, nhìn “hiện tượng” dưới khía cạnh xã hội:

- Cho đến những năm 1987-1988, xe đạp vẫn là phương tiện giao thông phổ biến với người dân Việt Nam ở cả nông thôn và ở nhiều đô thị. Lúc đó, người ta không cảm thấy cần phải tôn trọng luật lệ và cũng không được dạy về luật lệ. Xa hơn nữa, trước khi có xe đạp, người ta chủ yếu đi bộ mà đi bộ thì không phải là đối tượng của luật.

Đến những năm đầu thập niên 1990, xe gắn máy đã qua sử dụng nhập về khá nhiều, thời gian chuyển từ đi bộ lên xe đạp rồi chuyển tiếp lên xe gắn máy quá ngắn, người dân chưa kịp chuẩn bị nhận thức đúng mức khi đi xe gắn máy. Một yếu tố đặc biệt quan trọng, theo tôi, là chúng ta đã sống chung với cái nghèo trong suốt một thời gian dài.

Thời bao cấp, người ta chen nhau xếp hàng, đặt gạch giành chỗ để mua hàng hóa theo tiêu chuẩn tem phiếu. Cái nghèo dẫn đến hai cách ứng xử giữa người với người, hoặc nhường cơm xẻ áo, hoặc tranh giành. Văn hóa xe gắn máy chỉ là một di chứng thể hiện tâm lý tranh giành nảy sinh và hình thành từ cách tổ chức xã hội của chúng ta trong quá khứ.

Những người đã đi qua thời kỳ khó khăn đó ngày càng trở nên già cỗi nên không dễ thay đổi. Có bệnh thì phải trị nhưng việc đưa luật giao thông vào trường học, thậm chí xuống tới bậc tiểu học thì cần phải xem lại; các em sẽ tuân giữ bao nhiêu, nếu ngoài đường người lớn vẫn phạm luật, làm gương xấu cho các em. Thành ra, phải dạy cho người ta bớt tranh giành, đó mới là cái gốc của vấn đề.

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: “Đến giờ, chúng ta đã nhận thức được trong xã hội thiếu nền tảng đạo đức


Lập luận của ông Nguyễn Ngọc Bích khiến các khách mời lao xao. Ông Huỳnh Bửu Sơn đào sâu thêm:

- Tôi nghĩ rằng sở dĩ chúng ta không chịu “an tâm” xếp hàng là vì chúng ta cảm thấy bất an trong tương lai. Chúng ta luôn luôn sợ rằng nếu chịu khó xếp hàng tới lượt mình thì những thứ cần mua đã hết. Đã qua rồi thời hàng hóa được phân phối theo tem phiếu nhưng cho đến hôm nay chúng ta vẫn phải giành nhau để được có trước một cái gì đó, chẳng hạn như vé tàu vé xe những ngày cận Tết. Chưa bao giờ nước Việt Nam giàu có như bây giờ, cuộc sống đã tốt hơn rất nhiều so với trước kia nhưng điều quan trọng là mọi người cần phải tin rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay.

Như thế tâm lý bon chen, tranh giành sẽ giảm, tâm lý kinh doanh ăn xổi ở thì cũng sẽ giảm và cuộc sống trở nên nề nếp hơn. Phú quý sinh lễ nghĩa. Tuy nhiên, yếu tố lễ nghi cũng rất quan trọng. Ngày xưa tuy nghèo hơn nhưng lễ nghi giữ được do giáo dục, người trẻ biết tôn kính người già, thấy đám tang đi qua biết đứng nép sang đường giở mũ chào… Kinh Lễ nói rằng cái lễ là nguồn gốc của mọi việc. Phải xây dựng được cái nền lễ nghi, rồi từ đó lập lại trật tự xã hội.

Ông Trần Sĩ Chương - Giám đốc Tư vấn Chiến lược Doanh nghiệp Công ty Le & Associates - buột miệng:

- Nghe các anh nói, tôi có cảm giác như là chúng ta cần phải thực hiện một cuộc cách mạng văn hóa?

Khẽ sửa lại gọng kính, ông Nguyễn Ngọc Bích quay qua ông Chương, như trả lời:

- Đúng. Đảng đang đẩy mạnh chủ trương học tập đạo đức Hồ Chí Minh để xây dựng nền tảng đạo đức xã hội; tức là đến giờ, chúng ta đã nhận thức được trong xã hội thiếu nền tảng đạo đức. Tôi còn nhớ một câu nói của ông Mai Chí Thọ: “Chúng ta đã xây dựng con người chính trị trước khi xây dựng con người bình thường”.

…Đến xây dựng văn minh đô thị nên bắt đầu từ đâu?

Ông Trần Sĩ Chương - Giám đốc tư vấn Chiến lược Doanh nghiệp Công ty Le & Associates: “Văn minh đô thị nhằm phục vụ con người một cách tốt nhất


Xem ra, nếu cứ tiếp tục men theo văn hóa xe gắn máy, các khách mời sẽ không tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm. Ông Trần Sĩ Chương đề nghị:

- Tất cả chúng ta đều hy vọng có một đáp số cho bài toán văn minh đô thị. Trước hết, chúng ta thử phác họa một phương trình văn minh đô thị bao gồm nhiều ẩn số, từ đó lựa chọn một số vấn đề ưu tiên, đơn giản và có tính khả thi nhất. Theo tôi, mục tiêu cuối cùng của xây dựng văn minh đô thị cũng chỉ là nhằm phục vụ lại con người một cách tốt nhất.

Chẳng hạn như đi ra ngoài đường, mọi người không muốn bị ống xả của xe buýt phụt thẳng vào mặt, ảnh hưởng đến sức khỏe - vốn được xem như tài sản quý giá nhất. Thế thì, giải pháp có thể thực hiện được ngay là quy định xe buýt ít nhất phải chĩa ống xả lên trời, nếu không thì phải có bộ phận lọc khói.

Chuyện đơn giản ít tốn kém như vậy tại sao không làm? Người dân mong muốn Nhà nước phải làm gì để chất lượng cuộc sống của họ được nâng lên. Cứ thế, mỗi ngày nhích một chút, khi môi trường sống đạt đến một mức độ nhất định thì sẽ khiến con người thay đổi hành vi theo chiều hướng tích cực. Bởi, con người là sản phẩm của hoàn cảnh.

Vấn đề xe buýt ông Trần Sĩ Chương vừa nêu khiến mọi người rộ lên. Có lẽ vì tất cả khách mời đều đã ít nhất một lần trong đời từng là nạn nhân của “cái ống khói phụt thẳng vào mặt”. Thực tế, không ít trường hợp người điều khiển xe gắn máy buộc phải len lách để né tránh khói của xe buýt. Chờ không khí lắng xuống, ông Chương quay trở lại với vấn đề đạo đức mà ông Nguyễn Ngọc Bích đã nêu:

- Tôi không thể không đồng ý với quan điểm của anh Bích. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vấn đề rèn luyện đạo đức đã bắt đầu từ mấy thế hệ rồi nhưng vẫn chưa làm được. Cái gốc của giáo dục con người bắt đầu từ môi trường gia đình, cụ thể là các bậc làm cha làm mẹ. Nhưng câu hỏi tiếp theo là phải bắt đầu từ đâu? Nếu phải lật hết lên để rà lại như vậy thì bài toán văn minh đô thị không có cơ may giải được.

Chăm chú lắng nghe ý kiến của các khách mời từ đầu buổi tọa đàm, ông Lê Trọng Nhi, chuyên gia tài chính ngân hàng bây giờ mới lên tiếng:

Ông Lê Trọng Nhi - chuyên gia tài chính: “Giải quyết vấn đề văn minh đô thị nên bắt đầu từ thể chế và định chế

- Đô thị không văn minh và chất lượng đời sống xấu đi là do sự rối loạn và chao đảo về trật tự. Giải quyết vấn đề văn minh đô thị nên bắt đầu từ đâu, từ sự tự nguyện và ý thức của từng cá nhân hay thể chế và định chế? Tôi thiết nghĩ phải bắt đầu từ thể chế và định chế - nơi có quyền hạn và chức năng đưa ra những điều chỉnh phù hợp, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của số đông trong xã hội.

Nếu đa số người dân thành phố quyết định sẽ không ra đường, hoặc thậm chí không đi xe buýt nếu còn để ống xả phụt khói vào mặt người đi xe hai bánh thì các công ty - định chế cung cấp dịch vụ giao thông công cộng chắc chắn phải thay đổi. Sỡ dĩ trong các cộng đồng tôn giáo như nhà chùa hay nhà thờ, con người hành xử với nhau một cách văn minh là do nền tảng đạo đức được xây dựng theo những tiêu chuẩn được mọi người đồng thuận trong suốt một thời gian dài.

Ông Nguyễn Thanh Phong - nguyên Hiệu trưởng trường Nghiệp vụ Du lịch TP. Hồ Chí Minh: “Để dân nói và lắng nghe dân nói cũng là một cách để tập hợp trí khôn cộng đồng



Chuyện “bắt đầu từ đâu” hóa ra không hề đơn giản. Có lẽ bởi vì mỗi khách mời đều có cái lý riêng của mình nên dù buổi tọa đàm đã đi được non nửa thời gian nhưng các khách mời vẫn chưa thống nhất được xuất phát điểm của quá trình xây dựng văn minh đô thị. Ông Trần Sĩ Chương lặp lại đề nghị mục đích của văn minh đô thị là nhằm phục vụ cuộc sống của người dân tốt nhất.

Tiếp lời ông Trần Sĩ Chương, ông Nguyễn Ngọc Bích cho rằng cần tính đến yếu tố chất lượng cuộc sống, nghĩa là người ta sẽ vẫn “tranh giành” nếu điều kiện vật chất không đạt được một mức độ sung mãn nhất định. Còn ông Huỳnh Bửu Sơn lại bày tỏ ít nhiều nghi ngại:

- Văn minh đô thị là phục vụ con người một cách tốt nhất, nhưng tôi nghĩ rằng có rất nhiều loại người cùng tồn tại trong xã hội…

Khi bàn đến vấn đề này, ông Trần Sĩ Chương đã mặc định con người như nước. “Quy luật tự nhiên của nước là chảy từ cao xuống thấp, đầy thì tràn, nhưng khi môi trường sống của người ta được cấu trúc lại, thì như ở công viên, nước chảy thành dòng suối nhỏ, thành thác rất đẹp, phục vụ lại nhu cầu vui chơi giải trí của con người” - ông nói.

Nhà nước và nhân dân - mối quan hệ tương hỗ

Sau một lúc lắng nghe phát biểu của nhiều người, ông Nguyễn Tường Bách mới quay trở lại buổi tọa đàm:

- Tôi nghĩ chúng ta hãy thử điểm qua một số thành quả của nhà nước để thấy chính sách tác động đến đời sống xã hội như thế nào. Chẳng hạn như việc đại đa số người dân nghiêm túc chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy. Nội chuyện đó thôi là dấu hiệu thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng bản thân mình.

Thêm một chuyện nữa mà tôi nghe được từ các tài xế taxi là việc chính quyền thành phố chuyển đổi một số tuyến đường nội ô thành phố từ hai chiều sang một chiều cũng đã ít nhiều giảm bớt tình trạng kẹt xe. Như vậy, rõ ràng là chính sách đúng của nhà nước có cải thiện phần nào văn minh đô thị. Tuy nhiên, tôi có cảm giác các cơ quan công quyền còn khá thụ động, chỉ khi báo chí phản ánh liên tục bức xúc chính đáng của người dân thì họ mới nhúc nhích.

Tỏ ra đồng tình với suy nghĩ này, ông Nguyễn Ngọc Bích phân tích:

- Đúng là văn minh đô thị cần có sự hậu thuẫn từ phía chính sách. Tôi cho rằng nội hàm của một chính sách tốt phải đảm bảo đồng thời hai yếu tố. Một là tạo ra cơ cấu vật chất tốt và hai là một cơ cấu tinh thần tốt. Hai yếu tố này quan hệ tương hỗ, cái nọ đỡ cái kia… Những gì anh Chương vừa nêu chỉ là cơ cấu vật chất tốt.

Gần đây, các nhà giáo dục TP. Hồ Chí Minh ngồi lại với nhau bàn về việc dạy đạo đức trong nhà trường. Có ý kiến cho rằng chúng ta đưa môn triết học vào bậc phổ thông là không hợp lý. Đó là những vấn đề dành cho giáo dục ở các bậc cao hơn. Nghĩa là chúng ta vẫn chưa có câu trả lời xác đáng cho vấn đề xây dựng cơ cấu tinh thần. Về nguyên lý chính trị, các nhà kinh điển tin tưởng rằng nếu cải tạo được toàn bộ xã hội thì sẽ cải tạo được từng cá nhân. Nhưng vấn đề này lớn quá, làm không nổi nên khi nó vỡ ra, không thể ngăn chặn được.

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ - Tổng Giám đốc Công ty Le & Associates: “Hành vi của con người bị chi phối bởi những quy luật của đám đông”


Bà PhạmThị Mỹ Lệ - Tổng Giám đốc Công ty Le & Associates - người phụ nữ duy nhất của buổi tọa đàm - chăm chú nghe từ đầu bây giờ mới nhập cuộc:

- Tôi nghĩ rằng văn minh là những quy ước chung nhất, tốt nhất cho lợi ích của con người. Chức năng của giáo dục trong nhà trường là trang bị kiến thức, nhưng vận dụng chúng như thế nào trong đời sống xã hội thì lại đòi hỏi nền tảng văn hóa gia đình. Tôi nghĩ không cần phải sang đến các nước phát triển như Singapore, Mỹ, mà chỉ cần chạy qua Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng là đã gặp được văn minh.

Người ta không xả rác ra ngoài đường vì xung quanh không ai làm như vậy. Nói như vậy để thấy rằng hành vi của con người bị chi phối bởi những quy luật của đám đông. Muốn điều chỉnh hành vi của đám đông một cách tích cực thì phải có luật chơi mà người tạo ra luật chơi ở đây, không ai khác chính là nhà nước. Nói như vậy liệu có phải “trăm dâu đổ đầu tằm”?

Nhà nước là “đầu trò” nhưng đồng thời nhân viên nhà nước cũng phải là người đầu tiên nghiêm túc thực hiện những quy định được ban hành. Có như vậy mới lấy lại được lòng tin của nhân dân. Ông Trần Sĩ Chương bày tỏ một sự ngạc nhiên là cách tổ chức xã hội như thế nào mà người ta giành nhau từng nửa cái bánh xe. Ông cho rằng một trong những dấu hiệu thể hiện văn minh đô thị là thái độ thong dong của người dân.

Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) mười năm trước cũng chộn rộn như chúng ta bây giờ. “Tôi không nghĩ hàng triệu người dân Thượng Hải có thể lột xác sau bằng ấy thời gian, mà là do cách tổ chức xã hội của nhà nước. Khi những giá trị của nhà nước được khẳng định thì sẽ tác động tích cực về nhiều mặt đến đời sống xã hội. Mặt khác, khi đến cơ quan nhà nước, nếu người dân trù liệu được kết quả từ hành động của họ thì sẽ tạo ra cảm giác an bình” - ông nói.

Làm rõ điều ông Chương vừa nói, ông Nguyễn Tường Bách nhận xét:

- Ở các nước phát triển, mỗi người làm đúng nhiệm vụ của mình. Ví dụ, khi vào nhà hàng, nhiệm vụ của tôi là trả tiền, còn chức năng của người bồi bàn là phục vụ, rất sòng phẳng. Nói cách khác đó là sự vận hành của xã hội theo chức năng của từng cá nhân. Còn ở nước ta, tôi có cảm giác người ta hành xử với nhau dựa trên quyền lực. Bước vào tiệm ăn, nhiều “thượng đế” tự cho mình quyền được la lối, cợt nhả… nhân viên phục vụ. Còn ở một số cơ quan công quyền, nhiều nhân viên nhà nước cảm thấy mình có quyền “hành” dân.

Thực tế cho thấy dù đã có nhiều chuyển biến đáng kể từ quyết tâm của Chính phủ nhưng thủ tục hành chính vẫn là một trong những vấn đề khiến dư luận bức xúc nhất. Nguyên nhân của tình trạng này là tâm lý ban phát, muốn chứng tỏ mình quan trọng - hệ quả của một dân tộc mang thân phận nhược tiểu hoặc mục đích tư lợi từ phía các nhân viên công quyền.

Dường như cảm thấy vấn đề đang bị đẩy đi quá xa, càng lúc càng khó kiểm soát, ông Nguyễn Thanh Phong - nguyên Hiệu trưởng trường Nghiệp vụ Du lịch TP. Hồ Chí Minh - nhẹ nhàng lên tiếng. Ông cũng là người duy nhất giữ thái độ im lặng trong khi các khách mời sôi nổi tranh luận. Thế nên, khi ông đủng đỉnh mở lời, “trật tự” được vãn hồi:

- Tôi nghĩ chúng ta nên mặc định chủ trương của nhà nước đưa ra là tốt, nhưng việc thực hiện chưa tốt, vậy chúng ta có thể đóng góp được những gì để tốt hơn? Tôi thấy những gì chúng ta vừa trao đổi với nhau đều mang tính chủ quan, chưa biết ai trúng ai trật, nhưng đứng trước một vấn đề thì dứt khoát phải có biện và phản biện. Trong chiến thuật của người xưa có một câu mà tôi thấy rất trúng là “tứ khoái nhất mãn”, tức là bốn cái nhanh, một cái chậm. Chậm ở đây là suy nghĩ cho thật thấu đáo, có nghiên cứu đàng hoàng, quyết định xong thì phải làm thật nhanh.

Tôi thấy nhiều việc chúng ta đang làm ngược quy trình này, chẳng hạn như tình trạng đào đường cuối năm đã trở thành chuyện đến hẹn lại lên. Chẳng thà chúng ta ban hành chính sách trễ một chút nhưng trễ mà đúng thì vẫn hơn. Hệ quả của việc “nghĩ nhanh làm chậm” đã và đang gặm nhấm niềm tin của người dân đối với chính quyền. Thêm nữa, suy nghĩ chậm là một cách phát huy tính dân chủ. Để dân nói và lắng nghe dân nói cũng là một cách tập hợp trí khôn cộng đồng. Tôi nghĩ, văn minh đô thị là bảo đảm quyền lợi của tập thể và cá nhân trong mật độ dân số cao nhất.

Ông Huỳnh Bửu Sơn - Giám đốc Đối ngoại Công ty PepsiCo Việt Nam: “Phải xây dựng được cái nền lễ nghi, rồi từ đó lập lại trật tự xã hội


Một trong những yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến văn minh đô thị là vấn đề hạ tầng giao thông. Thực tế cho thấy hạ tầng cơ sở đã trở nên quá tải, không đáp ứng được nhu cầu giao thông của người dân. Ông Huỳnh Bửu Sơn dẫn chứng:

- Nhà tôi ở quận Bình Tân, cách trung tâm thành phố 12km, trước đây lái xe chỉ mất nửa giờ vậy mà nay phải mất một tiếng đồng hồ. Nếu không giải quyết được nạn kẹt xe thì cái giá chúng ta phải trả là rất lớn. Tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn, tiêu tốn thời gian làm việc, ảnh hưởng sức khỏe người dân… tốc độ phát triển kinh tế thành phố sẽ bị kéo lùi lại.

Lời cảnh báo của ông Huỳnh Bửu Sơn là rất đáng quan tâm. Một thoáng trầm ngâm, ông Nguyễn Tường Bách đặt vấn đề:

- Lượng người làm việc trong các cơ quan công quyền tại TP. Hồ Chí Minh và người dân có việc đến đó hàng ngày đã góp phần không nhỏ đến tình trạng ùn tắc giao thông. Tôi nghĩ các cơ quan hành chính không nhất thiết phải đặt tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Nhiều nước trên thế giới đã làm như vậy. Xây dựng một thành phố mới, thuần túy về mặt hành chính là hoàn toàn nằm trong tầm tay của chính quyền địa phương. Tại sao không làm được?

Ông Trần Sĩ Chương lý giải:

- Bởi vì các cơ quan nhà nước không phải trả tiền thuê mặt bằng để ngồi ở trung tâm thành phố nên không thấy được sự lãng phí. Nhà nước chưa có động lực để làm bài toán kinh tế cho các hoạt động của mình. Chỉ cần mỗi năm thành phố dời hai sở ra ngoại ô thì áp lực giao thông sẽ giảm đi đáng kể.

Nghe ý kiến này, ông Huỳnh Bửu Sơn tỏ ra băn khoăn:

- Khác với nước ngoài, đơn vị hành chính cấp cơ sở của chúng ta đi xuống đến phường, xã, nếu dời ra ngoại ô thì đơn vị hành chính này không còn ý nghĩa. Chừng nào thủ tục hành chính không còn nữa thì phương án của anh Bách có thể thực hiện được.

Như vừa tìm được một nửa câu trả lời, ông Trần Sĩ Chương ví von:

- Văn minh đô thị cũng giống như một bức tranh. Khi phát hiện ra bức tranh đó xấu, vẽ sai, ai sẽ là người quyết định gỡ bức tranh đó xuống để thay bằng một bức tranh mới, có thể đúng hơn, dễ nhìn hơn. Chuyện này không dễ. Đó là chưa kể đến việc ai sẽ là người bỏ tiền ra thuê vẽ một bức tranh mới.

Ông Lê Trọng Nhi hỏi vặn:

- Ai gỡ bức tranh sai và ai vẽ bức tranh mới? Chuyện bắt buộc đội nón bảo hiểm khi đi xe gắn máy đã triển khai khá tốt. Tại sao những năm trước đây quy định này không thực hiện được? Và tại sao bây giờ lại làm được? Phải có người nào đó ở đâu trên đó đã muốn làm điều đó. Đó là ai và nhờ ai? Hãy tìm đến người đó.

Còn một số ý kiến khác nữa nhưng ý kiến của ông Lê Trọng Nhi cũng đã khép lại buổi tọa đàm. Thêm một mùa xuân nữa lại về. Hy vọng trong năm mới, người dân cả nước sẽ còn nhiều dịp hưởng ứng những quyết sách đúng và kiên quyết từ Chính phủ.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhận diện con người Hà Nội qua lăng kính văn hóa Thăng Long - Hà Nội

    17/10/2019GS.TS. Trần Văn BínhCon người sáng tạo ra văn hóa, là chủ thể của văn hóa, đồng thời con người cũng là sản phẩm của văn hóa. Vì vậy, thông qua con người có thể hiểu văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc, và ngược lại, qua văn hóa cũng có thể hiểu rõ về con người...
  • Đô thị - thiên đường hay nấm mồ của nhân loại

    31/01/2018Hân HươngDân Đô thị xài năng lượng nhiều hơn nông thôn - các thành phố ngốn tài nguyên hơn bất cứ một loại định cư nào...
  • Văn hóa và đô thị hóa

    27/03/2016GS. Tương LaiPhải huy động ở mức cao nhất sức mạnh văn hóa, xác định rõ văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp phát triển đất nước. Bằng sức mạnh văn hóa ấy mà đến với thế giới, mà hội nhập quốc tế...
  • Hà Nội, di sản nghìn năm và tốc độ của đời sống hiện đại

    09/02/2015Nguyễn Trương QuýBắt đầu câu chuyện về Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến kho "di sản gạch ngói" hay là những thứ "văn vật", thời thượng hơn thì dùng từ "văn hoá vật thể" để chỉ những cấu trúc xây dựng của đô thị, trong đó chủ đề phố cổ luôn nóng hổi và dù nghe đã nhàm tai, đã biết quá rõ những gì gọi là đẹp đẽ, những gì trầm kha của một khu phố luôn được nhắc đến hằng đầu trong những nghị quyết về văn hoá xã hội thủ đô hay những hội thảo chuyên đề về Hà Nội, nhưng hình như vẫn chưa ra được đáp số.
  • Nữ sinh và văn học đô thị

    24/04/2009Trần Hoàng HoàngCó người đã chê văn học Việt Nam chưa phản ánh được nhịp sống đô thị. Không hẳn vậy, thân phận nữ sinh đô thị Việt Nam trong văn học chí ít đã phản ánh nhịp sống ấy, hoặc ngược lại. Có thể thấy xã hội đô thị Việt Nam mỗi thời kỳ qua thân phận các thế hệ nữ sinh trên các trang văn.
  • Đô thị, con người và văn học

    18/01/2009Huỳnh Như PhươngĐô thị đang mở rộng và phát triển dần đến "đại đô thị" và "siêu đô thị", còn con người thì ngày càng thu nhỏ và khép kín lại. Văn học có thể làm gì để con người hòa giải với đô thị, hay ít nhất, không cảm thấy đối nghịch với nó?
  • Dân đô thị phải biết mình có và không có quyền gì

    13/01/2009Cao Tự ThanhĐô thị là một không gian sống nhân tạo, đường sá, cầu cống, hệ thống thắp sáng trên không, thoát và cấp nước dưới đất chằng chịt, mật độ dân số đặc biệt cao... đòi hỏi không những quy hoạch khoa học từ phía chính quyền, mà còn cần tới ý thức cộng đồng của cư dân, mới có thể đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh cũng như thẩm mỹ của môi trường sống...
  • Tự nhiên như người Hà Nội

    08/01/2009Nguyễn Trương QuýChẳng rõ có phải vì mang thân là thủ đô tập quyền về đủ mọi mặt từ xưa đến nay (những đứt quãng không nhiều so với toàn cục) mà Hà Nội mặc nhiên được coi như là khuôn vàng thước ngọc cho các giá trị, nhất là văn hoá của đất nước. Cô gái đẹp thì ai cũng đồng ý là đẹp, nhưng được bầu làm hoa hậu thì khốn khổ, sẽ có ngay ý kiến bình luận liệu cô ấy có xứng đáng chưa, hoa hậu thì phải trả lời ứng xử tốt nữa...
  • Nhân dân Hà Nội “chủ động” vật lộn trong biển nước

    01/11/2008Bùi Quang Minh

    Trận mưa lịch sử ngày 31/10/2008 gây ngập lụt toàn diện trên địa bàn thủ đô. Đường xá ngập chìm trong biển nước. Giao thông đi lại, sinh hoạt của người dân bị đình trệ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Hà Nội bị đảo lộn. Có thể rút ra một nhận xét chính xác: Tắc đường, tắc cống, tắc việc thông tin giữa chính quyền và người dân…

  • Cú va đập văn hóa của đô thị

    28/10/2008Minh QuangViệc chuyển từ một xã hội thuần nông, tiền công nghiệp, hay công nghiệp có trình độ thấp sang xã hội công nghiệp đô thị hiện đại, chắc chắn sẽ tạo ra những biến chuyển xã hội nhanh chóng và mạnh mẽ.
  • Chuyện dài đô thị và nông thôn

    21/10/2008GS. Tương LaiLiệu có người dân thành phố nào không có một gốc gác nông thôn? Người Hà Nội cũng vậy thôi. Chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đã có nhiều công trình nghiên cứu Hà Nội miêu tả và phân tích kỹ về những dấu ấn của làng quê trên gương mặt phố phường Hà Nội, tưởng chẳng phải nói thêm...
  • Mở rộng Hà Nội: Nỗi lo giữ gìn văn hóa thủ đô

    13/05/2008Đan TâmViệc mở rộng Hà Nội cần được tính toán rất kỹ về nhiều mặt và có bước đi thích hợp nhằm thể hiện được thủ đô là tiêu biểu nhất cho chính trị và văn hóa của đất nước
  • Hà Nội ơi!

    25/03/2008Trung Trung ĐỉnhHà Nội ơi, khi nào người được sống bình an thanh lịch như ngàn năm văn hiến, đã từng có nhiều lúc nhiều thời sang trọng nhất trong thiên hạ...
  • Xây dựng văn hóa người Hà Nội: Phải từ ý thức mà nên

    07/05/2007Nhâm TâmNhiều người đã từng đi tham quan nước ngoài đều nhận thấy. Ở Hà Nội hành vi mất an ninh trật tự, gây ô nhiễm môi trường, hàng quán lộn xộn... tại nơi công cộng, đặc biệt tại các khu di tích, điểm du lịch văn hóa còn tồn tại nhiều. Nguyên nhân chính của tình trạng này vẫn là do ý thức của người dân. vì vậy việc tuyên truyền, giáo dục ý thức văn minh đô thị là rất cần thiết.
  • Bàn về các yếu tố thẩm mỹ trong kiến trúc đô thị

    04/05/2007Lương Bửu HoàngKhi đi tìm những bước đầu tiên của kiến trúc, có lẽ trước hết chúng ta thường liên tưởng đến những câu chuyện mang dấu vết của cái hang, cái lều, cái nhà, thành lũy... Những hình thức đó đáp ứng nhu cầu thiết thực của đời sống hàng ngày: nơi cư ngụ, sinh hoạt và mọi hoạt động của đời sống định cư.
  • Bữa cơm gia đình Hà Nội

    01/01/1900Băng SơnPhải là một kẻ cô đơn, một người rơi vào hoàn cảnh gia đình không trọn vẹn, không hoàn chỉnh mới thấy không khí gia đình là quý báu như thế nào, nhất là những bữa cơm gia đình, dù nó là hàng ngày nó quen thuộc với ta suốt một đời... Nó là tình yêu, là sức khỏe, là thương mến, là tình máu mủ ruột rà… hơn thế nữa, nó còn chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa, và thực chất, nó chính là một phần của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
  • “Hà Nội đang được quản như một cái làng”

    25/12/2006Dưới góc nhìn của những người ít nhu cầu ra phố buổi tối, lệnh cấm một số loại hình dịch vụ hoạt động quá 12h đêm mới đây của thành phố Nội không có vấn đề gì. Nhưng với nhiều người khác, đó là sự giới hạn nhu cầu của người dân, quyền tự do buôn bán, thậm chí can thiệp vào một nét văn hóa truyền thống của người Nội.
  • Hà Nội nơi mở cửa những đổi mới văn hoá

    08/02/2006Nguyễn Vinh PhúcKhông kể chuyện xa xưa, khi ở đây từng diễn ra sự tiếp xúc và cải biến văn hoá Ấn Độ - Trung Hoa, mà chỉ kể chuyện 100 năm trở lại đây, việc hội nhập rồi phát triển cùng văn hoá thế giới cũng đủ nói lên Hà Nội là nơi mở đầu những đổi mới trong đời sống văn hoá...
  • Hà Nội “bớt” thanh lịch - Đừng đổ hết lỗi cho giới trẻ!

    15/01/2006Trong thời kỳ đổi mới, Hà Nội tiếp nhận nhiều luồng văn hoá khác nhau, thể hiện rõ nét nhất trong lối sống của giới trẻ. Nét thanh lịch của người Hà Nội đang có phần chìm lắng, và đó không phải là lỗi của riêng giới trẻ!
  • Xây dựng văn hóa người Hà Nội

    20/12/2005… Sẽ có nhiều việc phải làm. Bởi rất nhiều nét đẹp, văn hóa Hà Nội còn… lạo xạo những hạt sạn...
  • Hà Nội: Bao giờ “xuất khẩu”... thanh lịch?

    16/10/2005N.M.HàDịch giả Thúy Toàn trích lời một du khách nước ngoài từng đến HN năm 1987, nay quay trở lại: “Người HN bây giờ không thân thiện bằng người HN hồi đó. Phố xá HN hồi đó sạch sẽ và yên tĩnh hơn bây giờ nhiều”...
  • xem toàn bộ