Hà Nội phố, Hà Nội quê
Ba mươi mấy năm rồi, Hà Nội với tôi chỉ còn là những chuyến đi, về. Bởi chừng ấy tháng năm, giã từ tuổi thơ bắt ve trèo sấu, giã từ tuổi niên thiếu bắt đầu chớm biết xao lòng buổi cắp cặp đi học ở ngõ Quỳnh, tôi về phố biển miền Trung.
Nhưng, dẫu là Hà Nội phố phong rêu hay Hà Nội quê mênh mang bừa bộn, với tôi, vẫn chỉ một Hà Nội như ngăn kéo chật đầy ký ức.
Tôi nhớ cây cầu Long Biên với những vai cầu khum khum mang dáng người đàn bà đang gò lưng đạp xe sang sông Hồng. Cái lưng gù, cái đầu chúi. Lam lũ, lạ lùng ... Bom Mỹ thả tơi bời, ba tôi sốt ruột từ công trường bên Đức Giang đạp xe về Hà Nội chở tôi sơ tán.
Tháng Chạp, mưa phùn, tôi áo bông sù sụ ngồi sau ngủ quên tự khi nào. Ba tôi kể, khi quài tay không thấy tôi đâu, ông mới hốt hoảng quay lại, đã thấy tôi ngủ khì như củ khoai trên mặt cầu! Ba tôi giờ đã đi xa. Lỗi tại mấy cái “ổ voi” bom Mỹ nó thả xuống Long Biên nhiều quá, không phải lỗi của ba đâu, ba ơi!
Tôi nhớ cái ao tôi lặn ngụp suốt những tháng năm sơ tán. Mảnh ao nhà ngoại tôi cách hồ Hoàn Kiếm 38 cột cây số, thuộc Phú Xuyên - Hà Tây, giờ vẫn còn nguyên đó. Chỉ khác, ao làng nay đã trở thành một phần của Hà Nội.
Những buổi chiều dong trâu về, nổi rơm nấu cơm. Cái sân gạch thênh thang rôm rả mâm cơm với canh cua đồng, tép rang, quả cà pháo ròn tan. Bác dâu, bắt chước các anh, tôi cũng gọi bằng “U”.
Mùa gặt về, vàng ngồn ngộn sân. Tôi khi ấy cao chưa tầy bó lúa, cũng tìm cho được một cái néo tre cuộn mấy gié lúa lại để đập. Ùynh uỵch nện xuống cái cối đá vẹt mòn, lúa bay tung toé. Rồi bám lưng các anh đứng bập bõm trên cái cần giã gạo.
Những buổi chiều nằm bên cầu ao, ngó trời chiều chạng vạng, chờ tầu hoả chạy qua những rặng tre phía xa xa. Thời ấy tầu chạy bằng than, cột khói đen ngòm dài ngun ngút. Thê thiết tiếng còi tàu rúc chốn đồng quê tịch vắng. Bao năm đi về, khi mái đầu đã pha sương, vẫn tìm nơi ngả lưng bên cầu ao ấy. Đó là nơi thật hiếm hoi cho ta những phút giây chẳng nghĩ ngợi gì...
Hà Nội giờ rộng lắm rồi, có cả quê lẫn phố. Đây đó nghe không ít tiếng than phiền về Hà Nội quê không còn là quê, Hà Nội phố mất dần chất phố.
Thời hiện đại, người ta bắt đầu giật mình nhận ra những “thành phố không ký ức”. Thực ra vùng đất, thành phố nào cũng chất chứa kho tàng văn hóa vật thể lẫn không vật thể. Nhưng nó đã bị những nhà quy hoạch gạt bỏ xóa mờ dần bằng cơn lốc giải tỏa, xây dựng.
Ký ức về Hà Nội luôn mãnh liệt cả với những người đang sống trong nó và những người đi xa.
Những góc phố mái hiên hàng mang hồn vóc Hà Nội, xin đừng chạm đến.
Một mảnh ao làng dẫu mang địa danh Hà Nội, thì xin hãy cứ là một mảnh ao quê.
Bởi giá ai đó cũng đều biết rằng, người ta có thể giàu có biết bao nhiêu nhờ ký ức...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh