Dân đô thị phải biết mình có và không có quyền gì
Đô thị là một không gian sống nhân tạo, đường sá, cầu cống, hệ thống thắp sáng trên không, thoát và cấp nước dưới đất chằng chịt, mật độ dân số đặc biệt cao... đòi hỏi không những quy hoạch khoa học từ phía chính quyền, mà còn cần tới ý thức cộng đồng của cư dân, mới có thể đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh cũng như thẩm mỹ của môi trường sống.
Trong phần trước, chỉ là ba trong hàng ngàn nghị định nhỏ nhặt về việc quản lý đô thị của chính quyền thuộc địa ở Sài Gòn trước Cách mạng Tháng Tám, nhưng chính từ những quy định nhỏ nhặt ấy, mà họ đã từng bước xây dựng cho cư dân Sài Gòn ý thức văn minh đô thị, nổi bật là ý thức tôn trọng lợi ích của cộng đồng. Hơn ai hết, cư dân đô thị phải ý thức được mình có quyền gì, và không có quyền gì, tức phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hành chính từ lớn tới nhỏ, vì phương thức sống đô thị luôn mang tính định hướng, mẫu số chung cho phương thức sống của cư dân toàn quốc. Nam Kỳ địa phận số 270, ngày 19.3.1914 có đưa một tin như sau:
Cột vợ. Có thị Xẩm kia tới sở tuần thành mà cáo chồng nó, vì cột chơn nó lại không cho đi đâu, và chơn nó còn sợi dây cột nó, tra hỏi thì chồng nó chịu có cột vợ lại, vì con ấy hay đi hoài, bỏ không lo việc nhà cửa, nên làm vậy mà răn dạy nó, chớ không có đánh đập nó, hay là làm thế nào khác, làm như vậy cho nó ở nhà mà thôi. Song tên Khách ấy phải toà phạt tù giam hậu một tháng vì tội ấy.
“Tù giam hậu” đây tức tù treo, chỉ bị ghi vào lý lịch tư pháp, tóm lại chỉ là xử phạt tượng trưng. Nhưng điều quan trọng là pháp luật thuộc địa ở Sài Gòn lúc ấy nghiêm cấm sự bạo hành trong các quan hệ xã hội, một cái lỗi nhỏ trong quan hệ gia đình như thế cũng có thể bị chế tài để không phát triển tới mức phá rối trật tự trị an xã hội. Khác với nông thôn, ở đó con người bị chi phối nhiều bởi các quan hệ nguyên thuỷ (gia đình, gia tộc, láng giềng), đô thị là nơi con người bị hút vào các quan hệ chức năng (nghề nghiệp, công việc). Điều này khiến đô thị trở thành một nơi, ở đó con người có hệ thống giao tiếp vô danh, chẳng hạn một người có thể cư trú suốt nhiều tháng trong một ngôi nhà mà tất cả láng giềng đều không biết tới cả tên y. Đặc điểm về hệ thống giao tiếp xã hội ấy, khiến các chuẩn mực đạo đức khó có thể phát huy tác dụng toàn diện và triệt để đối với cư dân đô thị, nên việc quản lý đô thị tất yếu phải hướng tới việc dùng các chuẩn mực pháp luật để định hướng và kiểm soát hành vi của cá nhân trên tất cả các mặt sản xuất, sinh hoạt và giao tiếp, thậm chí ngay hoạt động quản lý của lực lượng quản lý đô thị. Sau đây là một đoạn trong bài “Phép luật cần nên biết” in trên Nam Kỳ địa phận số 49, ngày 28.10.1909:
Lính tuần thành không phép xét nhà người ta, trừ ra khi bề trên của chúng nó cho phép riêng thì mới đặng. Dầu chúng nó biết chắc trong nhà nào, hoặc dưới ghe, có chứa đồ gian của ăn trộm ăn cắp, hoặc khí giái, vân vân, thì phải cáo báo, có một người lính Langsa đến mới đặng phép xét. Chớ chúng nó chẳng đặng tự ý mà xét nhà ai.
Lính chẳng đặng vào nhà ai, khi chủ nhà ngăn cản, thì nó chẳng đặng vào.
...
Có một tên Biện Chà thuật lại rằng:
– Bữa kia ông cò sai tôi đi hỏi biên tên mấy người Tây lai, tôi vô nhà kia, thấy một người đờn bà An Nam mặc áo cụt ngồi trên ghế, tay cầm trái ổi mà ăn. Nó thấy tôi vô, nó cũng cứ ngồi cạp ổi, nó hỏi tôi đi đâu. Tôi nói tôi là lính phú lít (police). Nó lấy tay khoát, nói:
– Phú lít thì a la bót (à la porte - đi ra)!
– Ông cò sai...
Nó ngồi dậy, khoát nữa, nói:
– A la bót!
Tôi giở nón xá sâu, nói:
– Xin lỗi cô...
Nó miệng nói và tay khoát, chơn hách búng ngay ra cửa, “a la bót” nữa. Tôi phải lui ra mà đi về.
Người nghe nó thuật chuyện này thì hỏi:
– Sao chú không cắt nghĩa nói ông cò biểu...?
– Thì tôi đã giở nón, xin lỗi, làm đủ, mà nó có chờ cho tôi nói đâu, cứ “a la bót” mãi. Phải nói không, thì ít giận, nó lại thêm chơn hách, tay chỉ ra cửa, xấu hổ tôi quá, mắc tôi không có giấy quan cho, chớ phải bên Pondichéry tôi đánh chết, mà đây không dám. Con mẹ dữ thiệt, mà nó trúng phép…
Người cảnh sát Ấn Độ trên đây tiếc là y không ở quê nhà để có thể lộng quyền cảnh sát vì đây là Nam Kỳ thuộc Pháp, nhưng cũng thừa nhận người phụ nữ Việt Nam hung dữ kia có quyền theo pháp luật tống cổ y ra cửa. Cách nay đúng một thế kỷ, con người Việt Nam ở Sài Gòn đã có ý thức về quyền lợi pháp lý của mình như thế, và đó chính là sản phẩm ý thức của việc điều hành hệ thống hành chính nghiêm minh của chính quyền thuộc địa thời Pháp thuộc ở Sài Gòn.
Không ai phủ nhận rằng, với sự áp đặt hệ thống chính trị, người Pháp đã gây ra cho dân tộc Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám rất nhiều thảm hoạ. Nhưng cần sáng suốt và công bằng để nhìn nhận rằng, trong việc quy hoạch và quản lý đô thị ở Sài Gòn trước đây, họ đã xây dựng được một hệ thống hành chính khá hoàn thiện, từ các quy định pháp luật tới bộ máy hành chính, nên về khách quan, đã góp phần đưa con người thành phố này bước nhanh hơn, sớm hơn vào quỹ đạo của xã hội hiện đại. Hệ thống hành chính vẫn độc lập tương đối với hệ thống chính trị, nên trong nhiều trường hợp, hệ thống hành chính tiên tiến vẫn có tác động tích cực khách quan tới lối sống và ý thức của người dân, mặc dù phải phụ thuộc vào các định hướng chính trị lạc hậu hay phản động. Ngược lại, một hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa đỉnh cao của trí tuệ nhân loại như ở Việt Nam hiện nay, mà không có hệ thống hành chính tiên tiến với quy định nghiêm minh và bộ máy trong sạch, thì cũng không lấy gì mà thể hiện được bản chất tốt đẹp, càng không thể phát huy quyền làm chủ, và nói rộng ra là quyền dân chủ của người dân.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005