Mở rộng Hà Nội: Nỗi lo giữ gìn văn hóa thủ đô
Việc mở rộng Hà Nội cần được tính toán rất kỹ về nhiều mặt và có bước đi thích hợp nhằm thể hiện được thủ đô là tiêu biểu nhất cho chính trị và văn hóa của đất nước...
Tôi đã sống liên tục chẵn 50 năm ở thủ đô Hà Nội nhưng vẫn còn tự hỏi: “Mình đã là người Hà Nội thực sự chưa?”. Hỏi như thế bởi trong tổ chức cuộc sống gia đình cũng như trong giao tiếp xã hội, tuy đã có nhiều cố gắng theo khuôn phép của con người Hà thành, nhưng vẫn tự thấy mình và gia đình mình chưa đạt được độ chín thanh lịch của người Tràng An theo người gốc Hà Nội kể lại.
Giao thoa và lai tạp
Về nếp gia phong, phải kiên trì lắm mới giữ được “đạo nhà” vốn có của nơi chôn nhau cắt rốn. Trong giao tiếp, ứng xử, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình tương tự, tuy không cục cằn, thô bạo, nhưng chưa phải lúc nào và với mọi người đều giữ được vẻ ngọt ngào, dịu dàng cả. Nhìn ra “xã hội” Hà Nội, so với vài ba chục năm về trước, thấy ít dần đi cảnh “chị ngã, em nâng”, “tắt đèn tối lửa có nhau”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, mà thấy nhiều hơn cảnh “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, sửng cồ, gây gổ, đánh chém... nhiều khi hết sức vô cớ; hoặc cảnh người ngay sợ kẻ gian, nói tục chửi bậy và giọng nói pha tạp lấn dần sự rành rẽ, chuẩn xác, tròn vành rõ chữ, dịu ngọt là đặc trưng lâu đời của tiếng nói người “Hà Nội gốc”. Hiện thời, Hà Nội đã tràn lan cách phát âm không phân biệt nặng - ngã, l - n, rồi đây lại thêm không dấu huyền nữa nếu Hà Nội được mở rộng theo dự kiến, thì âm vựng Hà thành sẽ pha tạp biết chừng nào!
Vì chính trị-văn hóa hay vì kinh tế?Câu thơ đi vào lòng người Việt Nam của Huỳnh Văn Nghệ: "Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long", chắc không phải là nhớ cái rìu, cái búa, Hàng Chiếu, Hàng Thùng... mà là nhớ Hồ Gươm - Tháp Rùa, tượng trưng cho văn hóa và tâm linh của người Hà Nội, cũng là của người Việt Nam...
Cái cốt cách văn hóa truyền thống của thanh lịch Hà Nội đã từng được tiếp sức bằng đỉnh cao của văn hóa tâm linh qua truyền thuyết và hiện đại. Đó là đất rồng bay (Thăng Long) với địa thế “rồng cuộn hổ ngồi”, là “trả lại kiếm” (Hoàn Kiếm)... Thăng Long phi chiến địa với Bút tháp đài nghiên, từng được thế giới ngợi ca là tiêu biểu cho nhân phẩm và lương tri của nhân loại, là “Thành phố vì hòa bình”. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - biểu tượng của văn hóa thời đại kề bên chùa Một Cột tiêu biểu cho văn hóa tâm linh người Việt, là dòng chảy văn hóa từ trung đại đến hiện đại của thủ đô.
Tôi hơi dông dài một chút về một vài nét văn hóa đặc trưng của thủ đô từ Thăng Long đến Hà Nội, để mong góp một cách nhìn nhận dạng ra cái gì là tiêu chí hàng đầu của một thủ đô đất nước. Phải chăng, đó phải là chính trị và văn hóa. Chính trị là nơi hội tụ các cơ quan đầu não của đất nước thì đã rõ. Văn hóa là hội tụ và kết tinh hồn thiêng dân tộc, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc với những di tích văn hóa - lịch sử hữu hình và truyền miệng cùng với tiếng nói chuẩn xác và thông dụng mà bất cứ vùng miền nào cũng nghe được, hiểu được và giao lưu được. Còn về mặt kinh tế, muốn là hàng đầu thì phải mở nhiều hơn nữa các khu công nghiệp, khu chế xuất; mà như thế sẽ biến thủ đô thành đại công trường, công xưởng. Nhìn ra thủ đô nhiều nước cũng thế. Nói đến thủ đô Bắc Kinh, người ta nghĩ ngay đến Thiên An Môn, Di Hòa Viên..., ít ai nghĩ đến công nghiệp này nọ, bởi sao so được với Thượng Hải, Quảng Châu; hay Washington khác hẳn New York...
Do vậy, mong rằng việc mở rộng Hà Nội cần được tính toán thiệt – hơn rất kỹ về nhiều mặt và có bước đi thích hợp nhằm thể hiện được thủ đô là tiêu biểu nhất cho chính trị và văn hóa của đất nước; đồng thời phù hợp với tư duy và trình độ quản lý của người VN, nhất là cán bộ thủ đô, trước mắt là đến năm 2020 và 2050.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005