Mạng lưới và sự hình thành "Thế giới thứ 4"
Xã hội hiện đại được cấu trúc trên nền tảng công nghệ thông tin như là những xã hội mạng lưới trong thời đại toàn cầu hóa. Tuy nhiên, thế giới không hề phẳng, sự kết nối không hề diễn tiến theo chiều ngang. Bất bình đẳng nảy sinh và sự phân chia giai cấp mới từ đây.
Ở Trung Quốc, mặc dù Internet phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn chỉ có chừng 10% dân số tiếp cận với nó.
Ở cấp độ quốc gia, sự phân biệt rõ rệt nhất đó chính là các nước giàu có về sở hữu thông tin trong khi các nước lạc hậu hơn thì cơ sở hạ tầng thông tin hạn chế. Các quốc gia nghèo thông tin này được xếp vào nhóm ‘Thế giới Thứ tư’.
Bạn đã kết nối chưa?
Đó là câu hỏi thường nhật đến mức chúng ta có thể không để ý tới. Đọc báo, xem tivi, nghe đài đã trở thành chuyện xưa cũ. Ngày nay vây quanh chúng ta là hàng loạt các phương tiện điện tử, viễn thông, những công cụ kết nối bạn với cuộc sống, và đặc biệt là Internet.
Nếu blog không có bài mới, nếu Facebook lâu quá rồi không cập nhật dù chỉ một dòng ‘status’, nếu hộp chat nguội lạnh một tuần, bạn sẽ bị coi là biến mất khỏi mạng lưới.
Nói cách khác, nếu tôi chỉ có thể kết nối với bạn qua phương tiện thì tình trạng mất kết nối dẫn đến bạn và tôi không tồn tại trong nhau, thậm chí trong ‘thế giới’ này.
Có cái gì trong cuộc sống mà trên Internet không có? Không thể trả lời được, vì kiến thức của chúng ta về thế giới phần lớn do phương tiện đem lại. Chúng ta không tách ra khỏi Internet bởi đó chính là ‘cuộc sống’.
Kevin Wayne Jeter, nhà tiểu thuyết khoa học của Mỹ bi quan đến mức mô tả kết nối như là một hành vi giao cấu. Bạn phải được nối với một cái gì, một ai đó, trực tiếp hay gián tiếp.
Trong cuốn tiểu thuyết ‘Noir’, Jeter nói đó là điều tồi tệ nhất xảy ra với chúng ta. Nó giống như một sự thỏa mãn tâm-sinh lý mà mỗi người cần phải giải tỏa. Và mọi kết nối đều có giá của nó.
Ông Mutar Kent, Chủ tịch tập đoàn Coca-cola mô tả: “Ngày nay, con người trên khắp toàn cầu đều được kết nối bởi những thương hiệu hàng hóa lớn hơn là bởi bất cứ cái gì khác!”.
Theo Jeter, phải luôn biết rằng sớm hay muộn bạn cũng phải trả giá. Cách này hay cách khác, chúng ta luôn đánh đổi để được kết nối: nếu không quá thực dụng bằng nhu cầu kinh tế, vật chất thì cũng là bằng thời gian, trí lực.
Còn Manuel Castells cho rằng, ý niệm thời gian cũ cũng biến mất, thay vào đó là thời gian của mạng lưới, cũng như không gian của nó. Đó là thời gian không gian co giãn, do mỗi chúng ta góp phần tạo ra, thúc đẩy nó vận hành nhưng nó lại luôn tồn tại bất chấp sự tồn tại của chúng ta.
Mỗi người là một mã số, một ký hiệu bảo mật
Manuel Castells là nhà xã hội học người Tây Ban Nha, hiện sống ở Mỹ. Ông đặc biệt nổi tiếng với hệ thống khái niệm và lý thuyết xã hội mạng lưới (network society) được giới nghiên cứu sau này liên tục phát triển và đi theo.
Nhận định bao trùm của ông ở lý thuyết này đó là: xã hội mạng lưới chính là cấu trúc xã hội của thời đại thông tin, tương tự như xã hội công nghiệp là định dạng của thời đại công nghiệp.
Đó là một mạng lưới của sản xuất, kinh nghiệm và quyền lực. Mạng lưới là tập hợp của những mắt xích được kết nối lẫn nhau (interconnected nodes). Một từ mới được dùng đó là những điểm giao dịch (transectional venues). Khi những điểm này được kết nối, nó hình thành nên mạng lưới.
Ảnh nguồn: heureka.kulando.de
Nói ngược lại, chỉ khi mạng lưới hình thành thì các hoạt động mới được diễn ra. Tương tự như khi bạn truy cập vào một trang web hay lúc đưa cái thẻ nhà băng để rút tiền, bạn được hiểu là một mã số, một ký hiệu bảo mật.
Mặc dù đề cao Internet là “công cụ xã hội và mô thức có tổ chức nhằm phân phối quyền lực thông tin, tổng hợp tri thức và năng lực kết nối trong mọi lĩnh vực hoạt động con người” nhưng theo Castells và nhiều nhà nghiên cứu sau ông, xã hội mạng lưới không phải chỉ có nghĩa là Internet.
Xã hội ngày nay không phải chỉ chịu sự tác động, can thiệp của công nghệ thông tin (information society), mà Castells nhấn mạnh, đó là xã hội được cấu trúc trên nền tảng của mạng lưới thông tin (infomationed society).
Thế giới không phẳng
Lý thuyết xã hội mạng lưới không phải đưa ra một ý niệm mới về kết nối nhưng nó chỉ ra sự biến đổi về chất của văn minh nhân loại, một sự tái cấu trúc xã hội. Theo đó, trật tự xã hội không phải phụ thuộc vào thứ bậc của người sở hữu phương tiện sản xuất, mà là sở hữu các điểm đầu mối của mạng lưới.
Ở góc độ kinh tế, Trung Quốc vốn được coi là công xưởng sản xuất hàng hóa của thế giới ở đầu thế kỷ 21, tương tự như vai trò đó của Châu Âu ở thế kỷ 19, Mỹ và Nhật Bản ở thế kỷ 20.
Tuy nhiên, những công xưởng này khác trước ở chỗ nó được kết nối với toàn cầu. Phương thức phát triển bằng thông tin là cái nó được xây dựng lên. Hàng hóa được tạo ra bởi sự kết nối và xử lý thông tin vào quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, Castells cũng thừa nhận rằng “thế giới không phẳng”. Theo ông thì chỉ có thị trường toàn cầu mới có xu hướng phẳng, trong khi văn hóa, đặc thù xã hội và các thiết chế thì không bởi sự khác biệt về lịch sử và địa lý. Do đó, mỗi xã hội là một mạng lưới bởi bản thân nó đồng thời là một mạng lưới đặc thù trong tổng thể mạng lưới toàn cầu.
‘Thế giới Thứ tư’
Ảnh nguồn: seekingthesacred.org |
Điều mà Castells gọi là sự mỉa mai của lịch sử đó là bất kỳ phương tiện nào sinh ra cũng gắn liền với sự sở hữu. Trong các thời đại trước, theo quan điểm của Mác, sự phân chia giai cấp chủ yếu dựa trên sở hữu về tư liệu sản xuất.
Trong xã hội ngày nay, Castells một lần nữa thừa nhận giống như Mác, phân chia giai cấp đã và đang dựa trên sự bất bình đẳng về sở hữu phương tiện. Theo đó thì xã hội hiện đại có hai loại giai cấp: có và có ít hoặc không có phương tiện (have and have-less).
Castells nhân bản ở chỗ, ông nhận định: “Trong bất kỳ mạng lưới nào cũng có những người bị gạt ra khỏi mạng lưới”. Ở cấp độ quốc gia, sự phân biệt rõ rệt nhất đó chính là các nước giàu có về sở hữu thông tin trong khi các nước lạc hậu hơn thì cơ sở hạ tầng thông tin hạn chế. Các quốc gia nghèo thông tin này được xếp vào nhóm ‘Thế giới Thứ tư’.
Theo giáo sư 37 tuổi Jack Linchuan Qiu, người vừa xuất bản năm ngoái công trình nghiên cứu về xã hội mạng lưới và tầng lớp lao động, thì ở Trung Quốc, mặc dù Internet phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn chỉ có chừng 10% dân số tiếp cận với nó.
Qin tập trung vào nhóm dân nhập cư từ nông thôn ra thành thị làm việc, họ chiếm số lượng khá lớn nhưng rất ít có điều kiện sử dụng các phương tiện truyền thông do điều kiện thu nhập và tình trạng lao động, sinh hoạt tạm bợ, thường xuyên dịch chuyển.
Tỉ lệ người dùng Internet ở Việt Nam cũng tương đương. Theo cuộc phỏng vấn sâu cuối năm ngoái với gần 100 người nhập cư đủ mọi thành phần ở Hà Nội thì có đến 85% người trả lời không hề biết sử dụng Internet.
Trái chiều
Hiện nay ở Việt Nam, mức độ tin học hóa hệ thống tổ chức xã hội còn hạn chế, ví dụ như chưa có thanh toán điện tử ngân hàng, chưa có giao dịch mua bán bằng thẻ, nên mức độ tổn thương giữa tầng lớp có và ít có phương tiện chưa mấy sâu sắc, chủ yếu trên phương diện lĩnh hội tri thức và phát triển tư duy.
Tuy nhiên, đúng như dự báo của Castells, trong tương lai gần, khi xã hội ngày càng được cấu trúc sâu trên nền tảng công nghệ thông tin thì tầng lớp bị gạt ra ngoài hệ thống ngày càng chịu thiệt thòi nhiều hơn.
Vấn đề thú vị ở chỗ là luôn có quan điểm trái chiều xung quanh Internet và mạng lưới xã hội.
Mở đầu bài viết đã đề cập đến vấn đề kết nối. Điều quan trọng hàng đầu hiện nay là chúng ta làm thế nào để mọi người đều được hưởng thụ và sử dụng phương tiện kết nối, đều được ở trong mạng lưới, hạn chế thấp nhất sự bất bình đẳng phân phối thông tin.
Thế nhưng cũng có những nhà văn như Jeter thì lại nghĩ ngược lại: vấn đề không phải làm thế nào để tham gia vào mạng lưới mà là làm sao để thoát ra khỏi nó! Điều đó còn khó khăn hơn nhiều. Ông này cùng một số nhà khoa học phê phán Internet cho rằng con người ngày càng bị bao vây bởi phương tiện từ khi ngủ dậy tới lúc hết ngày.
Nói thế này để kết được không: đúng là người ăn không hết, người lần không ra?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh