Lãnh đạo thời đại kinh tế tri thức
Ngoài tiêu chuẩn Hồng và Chuyên mà từ lâu chúng ta thường nói đến, trong thời đại kinh tế tri thức theo quan điểm “hiện đại”, cán bộ lãnh đạo cần có thêm những tiêu chuẩn gì?
Nhà tương lai học John Najibett đã từng nói (1996) rằng chúng ta đang sống trong thời đại “chìm ngập trong thông tin mà vẫn thiếu tri thức”. Quả thật, chưa bao giờ các phương tiện truyền thông lại phong phú và hiện đại như bây giờ; và vì vậy, thông tin được sản xuất ra nhanh, nhiều đến thế. Tuy nhiên, thông tin mới chỉ là nguyên liệu đầu vào và chỉ sau khi được xử lý và nhận thức thì thông tin mới trở thành tri thức. Do đó, người lãnh đạo trong thời đại mới phải có năng lực tiếp thu, xử lý thông tin, biến thông tin thành tri thức và áp dụng vào công việc hàng ngày. Trong thực tiễn, chúng ta vẫn thấy nhiều người nhắc đi nhắc lại rằng điều X này, điều Y kia là hết sức quan trọng, là quốc sách hàng đầu. Nhưng có lẽ đối với một số người, những điều đó mới chỉ là “thông tin” (biết vậy thôi!) chứ chưa phải là “tri thức” (nhận thức được để chỉ đạo hành động).
Cũng vì có rất nhiều nguồn thông tin được tiếp cận một cách dễ dàng nên những người có chút ít khả năng tổng hợp và phân tích đều có thể trở thành “quân sư” tự nguyện cho các cấp lãnh đạo. Trong số các “quân sư tự nguyện” này chắc phải có đến hơn phân nửa là “quân sư quạt mo”. Vì vậy, người lãnh đạo phải có khả năng nhanh chóng phân biệt được đâu là các gợi ý tốt để suy ngẫm và đâu là các ý tưởng xấu để loạibỏ. Trong thực tiễn, chúng ta vẫn gặp những đồng chí lãnh đạo dễ “xúc động”, vì không nắm chắc được vấn đề nên “quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật”, thành thử công việc cứ rối tung lên.
Trong thời đại thông tin, mọi việc cần phải được quyết định nhanh chóng và dứt khoát. Do đó, người lãnh đạo phải kiên quyết hơn và dám chấp nhận mạo hiểm. Dám nhận trách nhiệm về mình là một phẩm chất cao quý của người lãnh đạo; đặc biệt là trong tình hình hiện nay, bất cứ việc gì muốn cho “chắc ăn” cũng có thể lạm dụng cơ chế dân chủ bàn bạc để hỏi ý kiến “cả làng”, kéo “cả làng” cùng chịu trách nhiệm. Người lãnh đạo dám chấp nhận mạo hiểm một cách thận trọng mới có thể là người thực hiện được những ý tưởng đột phá. Chúng ta còn nhớ sinh thời đồng chí Lê Duẩn đã tùng nói đại ý: làm cách mạng phải chấp nhận mạo hiểm 30%, nếu việc gì cũng đợi “chắc ăn” 100% thì còn làm được việc gì lớn?
Ngày nay, các phương tiện thông tin liên lạc quá thuận tiện. Nhưng thiết bị dù hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế được linh cảm trực giác của con người trong việc suy đoán sự chuẩn xác của thông tin. Linh cảm trực giác chỉ hoạt động có hiệu quả khi tiếp xúc trực tiếp. Trong những trường hợp cần thiết và có thể, người lãnh đạo nên đối thoại trực tiếp với đồng nghiệp và cán bộ cấp dưới của mình. Ánh mắt nồng ấm của người lãnh đạo khuyến khích người đối thoại bộc bạch suy nghĩ của mình. Nét mặt nghiêm khắc của thủ trưởng buộc nhân viên phải báo cáo chính xác và đầy đủ hơn. Trong thực tế chúng ta thường thấy nhiều sự việc tưởng như rất phức tạp và nặng nề khi đọc các văn bản báo cáo, nghe qua điện thoại, hoặc hiện đại hơn, trao đổi qua thư điện tử (e-mail). Nhưng khi gặp nhau trực tiếp với tinh thần cầu thị thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản và nhẹ nhàng hơn nhiều. Vì vậy, người lãnh đạo trong thời đại mới phải coi trọng đối thoại trực tiếp, chớ lạm dụng và ỷ lại các phương tiện kỹ thuật để điều hành công việc.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng đối với người lãnh đạo trong thời đại kinh tế tri thức là khả năng tạo cảm hứng làm việc cho các bạn đồng nghiệp và cấp dưới. Nét đặc trưng cơ bản nhất của kinh tế tri thức và xã hội thông tin là lao động sáng tạo. Dù là lao động trí óc hay lao động chân tay, lao động của người lãnh đạo hay của cán bộ thừa hành cũng đều phải hết sức sáng tạo. Lao động sáng tạo chỉ có thể phát triển được nếu người lao động (kể cả ở cương vị lãnh đạo) có cảm hứng làm việc. Không phải chỉ trong khoa học và nghệ thuật, mà trong cả các hoạt động kinh tế - xã hội, không có cảm hứng thì không thể có sáng tạo. Không ít người lầm tưởng rằng tạo cảm hứng là dễ dãi chứ đừng quá khắt khe, là “chan hòa với quần chúng” theo đủ cách (kể cả các vụ nhậu nhẹt triền miên đến “karaoke đèn mờ”). Tạo cảm hứng trước hết phải bằng tính chuyên nghiệp trong đánh giá chất lượng và hiệu quả công việc, bằng cơ chế dân chủ và công bằng, bằng tác phong văn minh lịch sự, bằng lòng nhân ái và thái độ khoan dung,...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất ThịnhCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên Ngọc