Thanh niên quá lười đọc!
Phải chăng văn hóa đọc không còn sức hấp dẫn với giới trẻ? Sự thờ ơ của thanh niên bây giờ đối với sách văn học liệu có nguyên do nào xác đáng không? Sau đây là một số ý kiến, nhìn nhận của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học về thực trạng này.
Nhà thơ Thái Thăng Long: "Tiền nào, của ấy..."
Văn hóa đọc (VHĐ) bị phân tán là do nhiều kênh thông tin lấn át... Lớp trẻ bây giờ hẫng hụt về kiến thức do quá lười đọc. Cũng rất hiếm những người đi tìm những cuốn sách cũ, cổ về nghiên cứu, ngay cả sử nước nhà họ cũng tậm tịt. Tôi càng phiền lòng hơn khi các con tôi chỉ đọc hai tờ báo là Sinh viên và Hoa học trò. Đáng tiếc, những tờ báo này lại chỉ viết về các thú ăn chơi, thời trang, thông tin giải trí cho thanh niên ở thành thị, còn mảng nông thôn thì hoàn toàn bỏ trống. Chính một phần tôi cho rằng công tác giáo dục thẩm mỹ ở các trường đại học còn rất kém trong lĩnh vực văn học, mỹ thuật và âm nhạc. Một khi cảm thụ về văn học kém sẽ dẫn đến nhận thức kém, ứng xử kém. Chúng ta không thể đòi hỏi hơn ở con cháu mình, cũng không thể trách móc chúng, mà cần trách giáo dục trong nhà trường hiện nay mang tính thực dụng quá. Quả là "tiền nào của đấy" trong giáo dục.
Tiến sĩ Lê Ngọc Trà: "Chất lượng việc đọc giảm sút rõ"
Ở đây tôi thấy cần có một cuộc điều tra vì nghiên cứu VHĐ là một vấn đề phức tạp. Muốn đánh giá phải biết tương đối kỹ giới trẻ đọc gì. Nhưng một điều có thể thấy rõ là nhiều người lớn chứ không riêng gì trẻ em, viết sai nhiều lắm. Đẻ ra vấn đề người ta không cần đọc sách. Mà VHĐ chủ yếu dựa vào sách. Do thời gian ít, tốc độ cuộc sống nhanh, mà việc đọc lại đòi hỏi công phu nên VHĐ bị ảnh hưởng nhiều. Song có hai vấn đề cần lưu ý là đội ngũ những người cần đọc thì đọc ít. Chất lượng việc đọc thấp, do đọc dối, đọc ẩu, cùng một số yếu tố khác, không phải là đọc để tìm cái hay cái đẹp trong văn chương.Cũng là đọc, nhưng đọc gì? Trinh thám, kiếm hiệp hay tác phẩm nghệ thuật? Trường đại học không thể đào tạo người dốt thành người giỏi, chỉ hy vọng đào tạo người chưa giỏi thành giỏi thôi. Mà đầu vào với cách tuyển sinh như hiện nay thì không chọn được người giỏi. Người ta mở rộng đào tạo quá nhiều mà ít chất lượng.
Nhà văn Văn Lê: "VHĐ mai một là một nguy cơ"
Văn hóa nghe nhìn cũng có nhiều cái lợi, nhưng mất đi VHĐ là mất đi trí tưởng tượng, sự phong phú của tâm hồn con người. Muốn vực dậy, hệ thống thư viện cần cải cách để thu hút người đọc. Hiện nay hệ thống thư viện không đáp ứng nổi nhu cầu độc giả từ cách phục vụ đến trang bị hiện đại, thậm chí "hành" độc giả khiến không ai muốn vào. Sách giá quá đắt cũng là một vấn đề. Hoạt động đoàn cũng cần thay đổi cách làm, chứ nếu không thanh niên lại thích đàn đúm ở quán cà phê hơn là nghiền ngẫm sách vở. Hơn nữa, công tác phê bình, giới thiệu sách cho người đọc làm chưa đến nơi đến chốn. "Văn hóa" như hiện nay đang góp phần làm hỏng VHĐ.
Nhà thơ Thanh Thảo: "Cần quảng bá, tiếp thị sách tốt hơn"
VH nghe nhìn đang là thứ mốt. Nền tảng văn hóa, thẩm mỹ thực sự trong xã hội ít nhiều thay đổi. Lớp trẻ ít đọc sách, cho những cuốn tiểu thuyết mang tính xã hội, nhân văn là "nặng", khó đọc. Họ đọc sách chuyên môn vì thực dụng hơn là biết hệ thống hoá cho mình những kiến thức rộng rãi. Văn hóa nghe nhìn đáp ứng kiến thức ảo, hời hợt mà nhiều người cứ tưởng là kiến thức thật. Hệ quả là trình độ văn học, mặt bằng dân trí, nền tảng văn hóa ở mỗi con người thấp dần đi. Cách duy nhất có thể làm ngay từ bây giờ là khắc phục mảng tiếp thị sách còn đang kém. Báo chí bớt những mục điểm sách vớ vẩn, thậm chí không đúng sách hay mà biết cách quảng bá tốt hơn. Chấp nhận cạnh tranh với VH nghe nhìn, nhưng để không bị lép, VHĐ phải biết cách tạo sức hấp dẫn riêng.
Ý kiến của: Hiếu
(Nam Thành Công, [email protected])
Đọc bài báo "Thanh niên quá lười đọc", tôi thật rầu lòng. Năm nay tôi chưa đầy 30 tuổi nhưng bị nhiều người, đáng buồn là có cả các ông "sếp", Bí thư Đảng uỷ coi là có cách làm việc "như ông già" chỉ vì không có những thói quen như thanh niên hiện nay.
Trời ơi! Người ta coi như vậy là thời thượng, là phong cách mới, là cấp tiến... Những gì chúng ta trân trọng không phải là tích chương tầm cú như những nhà văn chuyên nghiệp mà chỉ là trong cách tìm hiểu văn hoá, nâng cao kiến thức, làm giàu hiểu biết mà thôi. Đáng buồn là, nếu trong số thanh niên như tôi, có người nói rằng mình hiểu biết rõ về sự nghiệp của Lý Nam Đế hay Khúc Hạo (những nhân vật không nổi trội như Quang Trung, Lê Lợi) thì bị coi là "hâm". Vì sao vậy? Chính là do hệ quả của cả xã hội. Cách sống thực dụng tràn lan khắp nơi. Ở nhà, ở trường, tại văn phòng, ở cơ quan, doanh nghiệp...
Trong số các thanh niên chỗ tôi, nếu có ai hết giờ làm mà vội vã ra về để vào lớp học buổi tối, mà không ở lại làm mấy séc bóng bàn với "sếp" thì đều bị coi là không thức thời! Bài báo phản ảnh chuyện các sinh viên, nhưng tôi nhận thấy thời tôi là sinh viên, sinh viên cũng như vậy. Nghĩa là căn bệnh này đã trở thành trầm kha. Và xem, sau này những người được phỏng vấn hôm nay, khi ra công tác, sẽ giống như đại đa số thanh niên ở chỗ tôi đó!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn