"Bệnh lười đọc" của sinh viên
"Lười đọc... " là lời tự thú của nhiều sinh viên thời hiện đại. Khảo sát ngẫu nhiên một số sinh viên các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM về việc đọc sách báo của họ, số đông đều ngắc ngứ rằng "có đọc", nhưng chỉ đọc một số cuốn theo phong trào, và chỉ xem sách chuyên ngành khi bị thúc bách về mặt bài vở, có sinh viên... sắp ra trường vẫn chưa một lần ghé thăm thư viện.
Ngẫu hứng... đọc
Thi xong môn cuối cùng, Châu Giang - sinh viên khoa Ngữ văn Anh trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã bắt tay vào việc sưu tập tài liệu cho các môn học kỳ mới. Nghỉ hè, nghỉ tết là thời gian vàng ngọc để Giang tranh thủ tìm tòi trước bài vở. Ấn tượng nhất ở Giang, có lẽ là khả năng đọc sách bằng tiếng Anh.
Đi đâu, giỏ xách của Giang cũng có vài cuốn sách, không phải một truyện vui ngăn ngắn thì cũng tiểu thuyết dài tập. Ít quan tâm đến sách chuyên ngành, nhưng Mai - sinh viên trường ĐH Luật TP.HCM lại rất quan tâm đến việc cập nhật những kiến thức xã hội. Đặc biệt là những cuốn sách hay, có giá trị như Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Thế giới phẳng, Đắc nhân tâm... Mai cho biết: "Đọc để bắt nhịp thế giới xung quanh mình, để khi nói chuyện với bạn bè không bị lạc lõng. Nhưng quan trọng, mình học được nhiều kinh nghiệm về cuộc sống, có khi những vận dụng thực tế vào bài vở. Nhất là qua việc đọc tạo cho mình một tư duy độc lập".
Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng có thói quen đọc sách như Giang, Mai. Thực tế, đa số sinh viên đều rất ít ngó ngàng đến sách chuyên ngành, và không phải bạn nào cũng quan tâm đến những chuyện không phải là của mình - những vấn đề xã hội. Đại - sinh viên trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đưa ra một thông điệp buồn, như một tiếng nói chung cho các bạn của mình: "Đọc sách cũng còn phải... tùy hứng.
Thường khi phải thuyết trình hoặc chuẩn bị cho kỳ thi tụi em mới ghé thư viện đọc sách. Bình thường thì hiếm lắm". Hay như Quang - sinh viên trường ĐH dân lập Kỹ thuật - Công nghệ TP.HCM, không biết mặt mũi thư viện trường như thế nào nhưng lại rất thường "thăm nom" mấy tiệm truyện tranh gần nhà. Cũng bởi, những Phong vân, Thủy hử, Yokohama... "vừa ngắn gọn, lại vui mắt chứ không thiếu sắc màu như sách học".
Lý do: Chín người mười ý
Là sinh viên, ai cũng biết sách báo chứa đựng trong nó cả kho tàng tri thức, nhưng nhiều người vẫn không lý giải được "bệnh lười đọc", cũng như những hiệu ứng kỳ diệu mà sách mang lại trong thực tế cuộc sống. Nên khi được hỏi về nhân tố "gây bệnh", mỗi người một cách trả lời. Số đông cho rằng: cuộc sống hiện đại với đa dạng kênh thông tin thì xem ti vi, nghe đài, lướt web... hấp dẫn hơn nhiều so đọc sách. Hấp dẫn hơn bởi những sự thưởng thức đa dạng từ âm thanh, hình ảnh chứ không đơn thuần là bằng mắt.
Với những người hay đọc ké tại các nhà sách thì "vấn đề nằm ở chỗ, giá cả của nhiều loại sách không phù hợp với túi tiền của sinh viên, nhất là những sách hấp dẫn vừa dài vừa đắt thì không thể đọc theo kiểu chớp nhoáng tại nhà sách, mà càng không thể mua được về nhà". Có bạn lại cho rằng, với một số sinh viên phải chật vật với cơm áo gạo tiền, thời gian là vấn đề quyết định sự lựa chọn cách họ tiếp cận thông tin. "Chị tính coi, sáng tới trường, chiều và tối tranh thủ vài sô làm thêm, đêm về chỉ còn thấy mỗi cái giường, đầu óc đâu mà nghiền ngẫm sách báo hả chị", được hỏi, cô bạn Dung trọ học tại Thủ Đức tuôn một tràng về lý do rất... khó bình luận.
Ý kiến khác thì cho rằng, chương trình học dày đặc là "thủ phạm" không cho phép sinh viên dành thời gian nhiều cho đọc, đặc biệt là đọc theo kiểu tìm tòi, suy luận và nghiên cứu vấn đề. Một so sánh khá thuyết phục, sinh viên nước ngoài, cụ thể ĐH Auckland (New Zealand), chỉ lên lớp 6 - 8 tiếng mỗi tuần để giáo viên định hướng cách nghiên cứu, thời gian còn lại họ tự học theo cách tự đọc và tự nghiên cứu.
Chính môi trường học và phương pháp đào tạo đã tạo điều kiện và cả thói quen bắt buộc cho việc đọc của sinh viên. Đồng tình với ý kiến trên, một giảng viên dạy môn chuyên đề Luật báo chí - xuất bản kể một câu chuyện thoạt nghe hài hước: "Một sinh viên đã thú thật là không biết chọn sách nào khác ngoài bộ truyện tranh Bảy viên ngọc rồng để làm bài tập khảo sát về đọc sách và tìm hiểu về các quy định pháp luật trong xuất bản cuốn sách mà bạn chọn đọc gần nhất".
Dù là lý do gì, và dù có thêm những kênh thông tin khác, lợi ích của việc đọc vẫn không gì thay thế được. Và một thực tế hiện nay, ngoài sự vững chắc về chuyên môn, kiến thức nền, những hiểu biết xã hội là điều nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi ở nhân viên của mình.
TS Huỳnh Thị Hồng Hạnh - giảng viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: Việc số đông sinh viên mình ít đọc có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nhưng nói chung họ rất thụ động trong việc đọc. Thụ động bởi sinh viên chỉ đọc khi được giảng viên yêu cầu thuyết trình về một đề tài, viết một bài tiểu luận hoặc khi được khuyến khích bởi một người khác về một cuốn sách hay nào đó, tức chỉ khi bị áp chế hoặc được truyền cho niềm tin thì họ mới đổ xô đi đọc. Họ chưa có thói quen đọc một cách chủ động, đọc theo nhu cầu hoặc sở thích. Do vậy, nên chăng không phải đợi đến bậc ĐH - CĐ, mà ngay từ phổ thông, các em cần được tạo một môi trường học tập, cũng như phương pháp học tập phù hợp để có thời gian cho việc đọc, nghiền ngẫm và nghiên cứu kiến thức. Việc đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng giảm tải chương trình, tăng cường sự chủ động của người học, hạn chế tình trạng thầy đọc trò chép trong lớp là một trong những hướng đi chiến lược góp phần giải quyết một cách dây chuyền những hạn chế có liên hệ với nhau, trong đó có việc lười đọc của sinh viên. Trần Văn Huấn - sinh viên khoa Châu Á - Thái Bình Dương, ĐH dân lập Hồng Bàng: Theo tôi, việc đọc sách của sinh viên bị hạn chế một phần cũng do họ chưa thực sự có được điều kiện lý tưởng để đọc sách ở một vài trường. Một chuyên đề học, trong thư viện chỉ có vài cuốn tài liệu, bạn này mượn thì bạn kia không có. Sách mới bán ra thì không hợp với túi tiền sinh viên. Dạng thư viện công cộng như Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM thì không nhiều, mà không phải bạn nào cũng có thể ngồi liên tục mấy tiếng đồng hồ tại đó để đọc sách. Có lần, tôi đã không thể mượn được sách từ thư viện các quận trong nội thành chỉ vì tôi không phải là người dân cư trú tại địa bàn đó. Hà Hồng Nhung - sinh viên khoa Quản trị khách sạn quốc tế trường ĐH Công nghệ Auckland (New Zealand): Ngay từ nhỏ, ba mẹ đã tập cho tôi một thói quen đọc sách. Không nhất thiết cứ phải đọc sách, mà sách cũng không nhất thiết cứ phải là chuyên ngành, bởi sinh viên thời hiện đại có nhiều con đường để đọc và cập nhật thông tin khác nhau. Dù là đọc một mẩu báo, lướt qua một trang web, hay nghe một bài viết trên đài... tất cả đều tốt. Đừng nghĩ mình không phải là người thích sách báo, mình không có thời gian đọc, hãy cứ dành ra một số giờ nhất định trong tuần cho việc đọc, bạn sẽ thấy rằng sách báo ẩn chứa điều kỳ diệu. Một kinh nghiệm đơn giản từ bản thân, một lần nhờ tình cờ đọc được một mẩu tin trên tờ báo du lịch cũ tôi đã giúp khách sạn nơi tôi làm việc tháo gỡ tình huống cam go với khách hàng. Chỉ cần thấy được sự cần thiết thực sự từ việc đọc, thì bạn sẽ có thời gian để đọc cũng như tìm được niềm đam mê với sách. |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015