Chúng ta ngủ quên trên kho báu trí tuệ của nhân loại!
Cuộc hội thảo “Người Việt có mê đọc sách?” do PACE tổ chức trong thời gian diễn ra Hội sách TP. HCM lần V đã bất ngờ thu hút được sự tham gia thảo luận của đông đảo trí thức và độc giả. Tuần Việt Nam xin giới thiệu ý kiến riêng của TS. Nguyễn Xuân Xanh để độc giả cùng đọc và suy ngẫm.
Danh nhân và sách…
Thật là hữu ích khi chúng ta bàn về sách. Có rất nhiều điều để nói về sách, có thể viết ra thành nhiều tập.
Triết gia Cicero đã nói: “Tạo thêm một thư viện cho một căn nhà là cho căn nhà đó một linh hồn”.
Nhà triết học người Scotland, Thomas Carlyle cho rằng: “Đại học đích thực của những ngày này chính là một bộ sưu tập sách”.
Hay theo lời của cố tổng thống Mỹ Abraham Lincoln thì “những điều tôi muốn biết đều ở trong sách; người bạn tốt nhất của tôi là người sẽ cho tôi một cuốn sách mà tôi chưa đọc”.
Tại các nước phát triển, mạng lưới thư viện dầy đặc, từ trung ương (thư viện quốc gia) đến địa phương (thư viện đại chúng ở các quận huyện), qua các đại học, cao đẳng, trường học, trường chuyên ngành, tổ chức, hội đoàn… Đó là chưa nói đến thư viện của hàng triệu tư nhân, học giả, khoa học gia, chính trị gia, luật gia, nhà nghiên cứu, văn sĩ… và những người chơi sách.
Các quốc gia, kể cả vua chúa trước đây, hoặc đại học lớn đều hãnh diện về những thư viện bề thế của mình, đầu tư mua sắm rất nhiều, và xem thư viện như biểu tượng của tri thức, bộ mặt văn hóa. Các thư viện lớn đều là những công trình kiến trúc nổi tiếng.
Việt Nam hiện nay muốn đầu tư cho hệ thống thư viện hiện đại cần một số tiền lên đến vài tỉ đô la.
Sự thật về “sự đọc” của người Việt
Bây giờ trở lại câu hỏi, người Việt Nam đọc sách ít hay nhiều? Chắc hẳn mọi người sẽ không khó trả lời câu hỏi này.
Hay chúng ta hỏi ngược lại, Việt Nam có được bao nhiêu sách, bao nhiêu thư viện cổ, so với thế giới? Tại sao một dân tộc được cho là hiếu học mà lại ít sách như thế? Tôi chợt nghĩ ra, có lẽ dân ta hiếu học, nhưng thực sự chỉ một “giai cấp” nhỏ nào thôi.
Và vì có quá ít sách, hay đó lại là cội rễ của việc có ít sách, mà dân ta, hay giai tầng hiếu học kia chỉ biết học từ chương, kinh điển, cứ học đi, học lại, xuyên bao nhiêu thế kỷ, mà không hề thấy cần thiết phải thay đổi nội dung, phải đi tìm cái mới.
Tại phương Tây, sách vở biểu hiện cho quá trình tư duy, cho nên thời nào cũng phong phú.
Với kỹ thuật in của Gutenberg thế kỷ 15, sách dần dần trở thành một “quyền lực”, một sức mạnh tư duy ngày càng được phổ biến đến nhiều tầng lớp dân chúng. Đặc biệt vào đầu thế kỷ 19, với những phát minh máy in nhanh của Đức, sự phát triển lan truyền ấy đạt đến tốc độ bùng nổ.
Phương Tây có rất nhiều sách, và người ta đọc sách và học từ sách cũng rất nhiều (đa số các thiên tài khoa học đều là những người tự học, nghĩa là học từ sách vở), nghiên cứu rất nhiều, viết sách rất nhiều, trí tuệ hầu như không bao giờ ngưng trệ, hay có ngưng trệ trong giai đoạn nào đó nhưng rồi lại bứt phá để tiến lên.
Không phải vì có nhiều sách, và đọc nhiều sách mà người phương Tây đâm ra “giáo điều”, từ chương, như phương Đông. Không phải thế. Có lẽ cũng chính vì thế, vì họ luôn luôn có sách mới, chuyển tải bao ý tưởng mới trên mọi lãnh vực, mà họ không bị giáo điều. Họ luôn luôn động não, luôn luôn sáng tạo ra ý tưởng mới, văn hóa và học thuật luôn luôn đổi mới. Xã hội của họ vì thế là xã hội động.
Trong khi phương Đông, trong đó có Việt Nam, có quá ít sách, vì thế đi vào từ chương, giáo điều. Hay nói cách khác, vì giáo điều, từ chương mà nên sách như phương tiện chuyển tải ý tưởng bị bế tắc! Xã hội phương Đông là xã hội tĩnh.
Ở đâu cũng thế, khi giai cấp thống trị càng giáo điều hay từ chương thì tư tưởng và học thuật không thể phát triển được, và tất yếu công nghệ và văn hóa sách càng không phát triển. Còn ở đâu chính sách càng cởi mở về văn hóa, tư tưởng, tôn giáo, ở đâu những giá trị tinh thần được trân trọng, nâng niu, ở đó tư duy, văn hóa sách phát triển lan truyền mạnh mẽ, thăng hoa, để phục vụ cho học hỏi, trao đổi và nghiên cứu.
Bài học từ việc xây dựng văn hóa đọc của Nhật Bản
Sách là biểu tượng cho óc tò mò học hỏi, sáng tạo, biểu tượng của tài sản văn hóa, học thuật của một dân tộc. Có lẽ Nhật Bản từ ngày tiếp xúc với thế giới phương Tây đã tỏ ra là một dân tộc ham học hỏi cái mới một cách đam mê.
Họ biết thế giới đã phát triển trước họ hàng trăm năm, họ bị tụt hậu, và họ cương quyết muốn đuổi kịp. Và để đuổi kịp, họ muốn biết tất cả những gì phương Tây đã sáng tạo ra trước đó, đã làm nên sức mạnh thần kỳ đó.
Họ say mê hiểu biết một cách cuồng nhiệt, muốn chiếm lĩnh tư tưởng và văn hóa của phương Tây, và muốn chứng minh với thế giới rằng họ cũng biết tất cả, và không thua kém ai.
Chuyện người Nhật sớm dịch vô số sách thuộc loại “kinh điển” của thế giới ra tiếng của họ gần đây đã được nhiều người nói đến. Nhưng điều làm cho những người ưu tư đến công cuộc chấn hưng đất nước không khỏi lo lắng là khi biết rằng: Vào thời điểm này, thế kỷ 21, một số cuốn sách hay thuộc loại “kinh điển” của nước ngoài khi lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt cũng chỉ bán được vài ngàn quyển thôi, trong khi chúng ta có tới hơn 80 triệu dân.
Trong khi đó những cuốn sách ấy đã từng được dịch và được bán đến hàng triệu bản tại Nhật Bản thời Minh Trị, khi đó dân số của họ chỉ vài chục triệu người. Đây chẳng phải là điều gây sốc, nếu ai bình tâm suy nghĩ hay sao? Đó đáng lẽ phải là điều làm thất kinh cho những ai biết lo lắng đến tiền đồ của đất nước.
Bao giờ dân Việt đạt được sức đọc mạnh như sức đọc của dân Nhật hơn một trăm năm trước đây? Bao nhiêu năm nữa? Vì sao chúng ta, một dân tộc bốn nghìn năm văn hiến, mà nay sức đọc quá thấp kém so với dân tộc “võ sĩ” như Nhật Bản? Hệ quả của nó cũng sẽ rất nghiêm trọng, nếu ai bình tâm suy nghĩ.
Nước nào trên thế giới có tuyển tập Các Mác – Anghen qui mô đầu tiên trên thế giới? Xin trả lời rằng: không phải Liên Xô hay Trung Quốc, cũng không phải nước “chủ nhà” là Đức, quê hương của hai vị. Đó chính là Nhật Bản!
Những tập đầu tiên của bộ tuyển tập được nhà xuất bản Kaizosha cho ra mắt1928, và năm năm sau thì được hoàn tất. Nó chính là bộ tuyển tập qui mô đầu tiên của thế giới! Tập đầu tiên của bộ tuyển tập này bán được 150.000 quyển. Trung bình mỗi tập được bán khoảng 120.000 quyển. Số lượng này không thể tưởng tượng được ở Mỹ và ở châu Âu vào thời điểm đó.
Cũng tương tự, tuyển tập đầu tiên của Einstein trên thế giới không phải được in tại Đức, châu Âu hay Mỹ, mà tại xứ sở hoa anh đào này, vào năm 1922, chính tại nhà xuất bản Kaizosha. Nhà xuất bản này cũng là đơn vị có sáng kiến đứng ra mời Einstein sang thuyết trình 6 tuần tại các đại học Nhật và cho công chúng, cùng lúc đó cho ra mắt tuyển tập gồm bốn bộ của Einstein bằng tiếng Nhật, bao gồm những bài của Einstein không phải dễ tìm lúc đó.
Nếu trong tiếp đón, người Nhật muốn biểu lộ họ không thua kém dân tộc nào trong việc ngưỡng mộ Einstein (thực sự họ đã dành cho Einstein một cuộc tiếp đón nồng nhiệt hơn các cuộc tiếp đón ở Mỹ), thì trong học thuật họ cũng muốn chứng minh họ không thua dân tộc nào trong việc nhanh chóng tìm tòi học hỏi cái mới. Phải nói đây là một nỗ lực phi thường của họ vào thời điểm đó.
Chúng ta đã quen với cái tên Fukuzawa Yukichi (1834-1901). Ông là đại biểu quan trọng nhất của Nhật Bản trong thời Minh Trị.
Fukuzawa viết: “Những ai làm những việc khó khăn hôm nay, người ta gọi họ là những người cao thượng; những ai làm những việc dễ, người ta gọi họ là những người thấp kém. Làm một cái gì hữu ích cho con người, như bằng cách dạy người ta cách đọc sách, và suy nghĩ, điều đó có lẽ là khó khăn.
Do đó ranh giới để phân biệt giữa những người cao thượng và thấp kém chỉ nằm ở tính chất khó khăn của công việc mà họ làm. Cho nên hôm nay có rất nhiều Đaimô, Quý phái cung đình, Samurai, và những người khác, họ tuy có trông đẹp đẽ khi họ ngồi trên lưng ngựa và đeo gươm ngắn, gươm dài, nhưng họ hầu như rỗng tuếch bên trong, như một cái thùng tô-nô rỗng… Họ tiêu pha những ngày của họ nhàn nhã và không mục đích.
Thật không có lý do nào để gọi những người như thế là cao thượng, hay của đẳng cấp quan trọng! Chỉ vì họ từ nhiều thế hệ có tiền được tiếp tục truyền lại, và lúa gạo, họ làm ra vẻ đẹp đẽ. Nhưng họ chính là những người thấp kém.”
Vâng, “đọc sách, và suy nghĩ”, nghĩa là đi tìm tòi cái mới cho bản thân và dân tộc, và dĩ nhiên là nghiên cứu và viết sách, làm sao cho văn hóa đọc của đất nước ngày càng thêm phong phú, là những công việc cao thượng mà ngài Fukuzawa Yukichi muốn nhắc nhở mọi người. Chỉ sống với những cái cũ kỹ, ỷ lại, với chân lý thói quen, đó là thấp kém, chỉ làm hại thêm cho đất nước.
Chúng ta không nên “ngủ quên” trên kho báu trí tuệ chứa đựng trong sách vở của thế giới từ hơn 2.500 năm nay. Chính trong đó mà dân tộc Phù Tang đã tìm được thanh báu kiếm của vua Arthur như trong truyện thần thoại Anh. Người Việt Nam cần thiết thay đổi thói quen của mình hôm nay.
Cần tìm ngay đến sách! Bởi chúng ta đã đi quá chậm!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn