Sống với sách
Có những ngày chợt nhiên thảng thốt nhiều người thành đạt đang sống ở cái xã hội hiện đại dư dật tiện nghi bỗng thấy quanh mình một hoang mang vắng thiếu. Vợ vẫn đủ con vẫn đủ, cổ phiếu đang lên giá và cuối tuần là lời hẹn đi chơi golf. Buồn bã nhìn quanh phòng đột ngột chơ vơ thấy cái kệ sách lâu ngày để hoang lèo tèo dăm cuốn "cẩm nang" này nọ "phương pháp" gì đó thì à lên một nỗi nghẹn ngào thăm thẳm nhớ về cái thuở sinh viên điên dại sống với sách.
Khi tư duy nhân loại đã trưởng thành, chưa bao giờ chưa ở đâu đã có người sâu sắc biết nghĩ mà lại không biết sách. Bỏ tư thế bò, con người sơ khai đứng trên hai chân là chỉ vì muốn dùng tay lật chữ để khát khao được đọc. Có lẽ vì thế, ở một cái thời chưa lâu lắm của phương Đông, khi một người có học (thường thường là con trai) đã nho nhoe lớn thì cha mẹ hoặc người thân bớt ăn bớt tiêu dựng riêng cho anh ta một túp nhà con con ngồi mà đọc sách, cái nhà đấy gọi là trai phòng. Trai có nghĩa gốc là ăn chay, từ điển Hán Việt Đào Duy Anh mở rộng: Trai tâm. Trong sạch ở trong lòng, thanh tịnh tự nhiên "Nói như vậy để thấy nội thất của trai phòng là đơn sơ phóng khoáng lắm. Ngoài bàn mộc giường gỗ án tre thì rườm rợp quanh tường toàn sách là sách.
Theo cuốn kỳ thư "Liêu trai chí dị" nghĩa nôm na dịch "nhưng chuyện kỳ dị viết ở phòng đọc hoang liêu của văn hào Bồ Tùng Linh đầu đời Mãn Thanh thì mùi của sách là vô cùng độc đáo. Nó quyến rũ như mùi thơm mồ hôi của mỹ nhân, nó nghiêm lạnh như mùi sát khí của báu kiếm. Không phải là danh sĩ trót nhỡ sống ngập trong sách sẽ đương nhiên yểu thọ. Cho nên hầu hết những kẻ chỉ biết đọc sách đều là hạng người thanh thoát hoàn thiện bất phàm. Lui tới trai phòng của họ, ngoại trừ một vài bằng hữu quân tử chính khí lâm liệt thì đa phần là các ma nữ. Đám ma nữ này tất thảy đều trẻ trung xinh đẹp, tính khí bao dung nhân hậu, vì hâm mộ kẻ sĩ đọc sách nên thỉnh thoảng có lả lơi ngủ lại. Trí thức bây giờ, nếu dư dật cũng có phòng đọc riêng, nhưng không hiểu sao ít thấy để sách, chỉ thấy ngạo mạn duy nhất một dàn máy computer. Tất nhiên họ chẳng bao giờ gặp được hồ ly tinh, loay hoay tối muộn đành luẩn quản tủi thân âm thầm xem đĩa sex.
Theo giải thích của một số "đầu nậu" có thâm niên làm nghề xuất bản thì sách là một tập giấy có in chữ. Trong chữ hình như có trí khôn hình như có kinh nghiệm, phảng phất hình như còn có cả đạo lý.Chữ trong sách giúp người ta bớt đi tuyệt vọng buồn phiền, tăng thêm yêu thương khoan thứ, vì thế những người biết chữ thường rất thích sống với sách. Từ lâu, sách vẫn được giữ ở hai nơi, nếu để ở ngoài người ta hay cất trong thư viện. Thư viện huyền thoại Alexandne bên bờ Địa Trung Hải, được coi là một trong bảy kỳ quan thời cổ đại.Nó lưu giữ hàng trăm ngàn cuốn cổ thư vô cung hiếm bằng giấy sậy papyrus. Sách quý giống như thần long giống như danh tướng, ẩn hiện vô lường, năm 47 trước Công nguyên nó đột ngột cháy không rõ lý do, để lại sự kinh hoàng tiếc nuối cho bao thế hệ độc giả. Còn nếu để sách ở trong thì người xưa hay đựng chữ bằng bụng. Kẻ sĩ uyên bác là người có đầy một bụng chữ. Thời Tấn (280- 304), trong nhóm "Trúc Lâm thất hiền", có Kê Khang nổi tiếng đọc nhiều.Bụng ông bao la, thường cho bọn trẻ con nghịch đút mận vào lỗ rốn, hết khoảng vài cân ông ham rượu, khi phê phê hay ưỡn bụng nằm khỏa thân giữa trời trưa nắng, bọn nhiều bằng cấp thô tục đi qua tò mò hỏi, ông lè nhè nói là đang phơi sách. Kẻ sĩ thời nay cũng có bụng nhưng hoặc để đựng ba ba rang muối hoặc để đựng cách thức bon chen làm quan nên bắt buộc phải nhét chữ vào đầu. Đầu vốn là nơi chứa âm mưu tính toán, đa thế thể tích lại nhỏ hơn bụng, chữ nằm lâu trong đầu thường mất tuyết, hết sách cả tinh hoa trong trắng.
Chuyện đọc sách giống hệt chuyên tửu lượng, hoàn toàn là thiên bẩm trời cho không ai giống ai. Có người uống một chén đa say, có người uống vài chai chưa say. Có người đọc thiên kinh vạn quyển vẫn điềm nhiên sáng suốt, có người mới ê a dăm tờ đà đầu váng mắt hoa, hỏa khí nhập đường tà quàng xiên ăn nói. Trên ti vi thỉnh thoảng lại hiện hình một vài" giáo sư", như vậy, cả người nồng nặc mùi xác chữ. Đọc sách cũng phải theo tuổi.Có quyển đừng đọc quá sớm, có quyển không nên đọc quá muộn. Khổng phu tử đọc sách từ nhỏ, bất cứ quyển nào cầm lên là trôi chảy, vậy mà phái về già mới dám đọc Kinh Dịch. Sinh viên trẻ hôm nay bỗng đắm đuối xem truyện tranh. Thói quen đọc sách có ít chữ làm bọn họ dễ dàng say mê xem truyền hình. Lúc có tuổi, họ sẽ khóc khi thấy phim Hàn Quốc, sẽ cười nông nổi khi thấy hai danh hài Xuân Bắc, Tự Long. Hỡi ơi, phải chăng sách có nhiều chữ đã hết thời? có vẻ tài lẫn lộn đức tâm huyết lo lắng về văn hóa đọc. Thật là một nỗi lo "hơi bị" sang trọng. Thao tác đọc sách giống như mọi thao tác của tình yêu, nó thong thả trong trắng thầm thì, tuy nồng nhiệt mà không ồn ào. Vượt qua phù phiếm thăng trầm số đông, nhưng người đang biết sống với sách chẳng bao giờ là hết.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường