Câu chuyện về cư xử trong gia đình
Xin gửi các bạn 3 mẩu chuyện tôi đã gặp trong cuộc sống. Sau từng câu chuyện này, tôi cũng muốn bạn đọc liên tưởng đến những gì có thể, tự đặt ra những câu hỏi với xã hội, con người, cuộc sống xung quanh mình. Bởi quan niệm, hành vi, phong cách, tư duy của mỗi người đều là sản phẩm tất yếu của xã hội chúng ta đang sống trong đó, và con người nào thì xã hội ấy. Những trăn trở, những câu hỏi, muôn thuở là sự khởi đầu của những thay đổi cho dù rất nhỏ...
Không còn gia đình
Gần nhà tôi có một gia đình, chồng hơn 50 tuổi làm thủ trưởng một cơ quan lớn, vợ làm giáo viên tiểu học. Họ có 1 đứa con trai 5 tuổi. Ông thủ trưởng có lái xe của cơ quan hàng ngày đến đưa đón đi làm việc. Nhưng hơn cả công việc người lái xe còn phải thường xuyên đưa đón gia đình họ đi chơi. Bản thân anh lái xe có vợ và 2 con nhỏ chạc tuổi đứa con trai của thủ trưởng.
Vào một ngày Chủ Nhật nọ, như thường lệ, người lái xe đánh xe đến nhà thủ trưởng đưa cả gia đình họ đi chơi công viên. Hai vợ chồng thủ trưởng ngồi trên ghế đá quàng vai nhau trò chuyện tình tứ, còn ở góc xa kia anh nô đùa trông nom đứa con trai của họ, rất mực chiều chuộng. Tình cờ hôm đó vợ anh cũng đưa 2 đứa con của mình đi chơi công viên. Từ xa chị nhìn thấy anh như vậy, lặng đi, buồn bã và uất ức, về nhà không nói gì nhiều chị tuyên bố li dị anh và nhận nuôi 2 con nhỏ. Anh không biết nói sao đành chấp nhận.
Một thời gian sau đó, tôi đi ngang qua tình cờ thấy anh ngồi trên bục cửa nhà thủ trưởng anh, chống tay lên cằm, chăm chú nhìn đứa con trai của thủ trưởng đang chạy nhảy vui vẻ. Anh đăm đăm hướng nhìn vào đôi giày rất đẹp của nó đang đi, ánh mắt xa xăm và toát ra một vẻ ai oán, buồn thương khôn tả.
Tôi đi về nhà và cứ bị ám ảnh mãi bởi dáng vẻ, ánh mắt và cuộc sống của anh.
Ý nghĩa của Trí thức
Một công chức nọ được tiếng là học giỏi từ nhỏ, anh ta tốt nghiệp đại học và giành được một học vị cao tại nước ngoài, thời mà việc đào tạo được thực hiện bởi các hiệp định tương trợ giữa vài nước trong cùng một hệ chủ nghĩa với nhau.
Anh ta lấy vợ cũng khá sớm, vốn là cô gái ưa thích mẫu người đàn ông thông minh giỏi giang. Nhiều năm trôi qua, không ai hiểu thực ra anh ta làm gì trong những công việc hàng ngày, những chuyến đi công tác nước ngoài vì nếu có hỏi thì cũng chỉ nhận được câu trả lời ‘làm việc’, hay là ‘đi công tác’. Người ta muốn hỏi anh như là một sự tín nhiệm đối với cái CV của anh, nếu có nghe được câu gì từ anh thì đó thường là sự gật gù: cái tồn tại là cái có lí, cái có lí là cái tồn tại, điều này khá là phức tạp và tế nhị đấy…
Nhưng ai cũng thấy anh ta là người giỏi chịu nhịn vợ và chu đáo vô cùng. Trong bữa ăn, vợ tức giận tam bành, anh vẫn yên lặng ngồi ăn, và giục vợ ăn cho đủ 3 bát cơm mỗi bữa. Đi chơi xa, vợ con ăn uống xong những đồ mà anh dày công chuẩn bị mang đi, quay ra ca thán không có tăm xỉa răng, anh bèn lấy ra từ trong túi áo ngực một mảnh giấy ăn kẹp trong đó số tăm đủ cho mỗi người trong gia đình một cái. Anh cười tươi khi vợ bảo: anh chính là cái tăm trên miệng tôi. Ngày trước chị vợ còn hay có ý chê chồng không có tác phẩm khoa học gì, đến nay người ta hay nghe thấy chị bảo: bao nhiêu tác phẩm khoa học mà tớ đọc được của những bậc đồng nghiệp, cũng chả hiểu chúng vì cái gì, giá như có ý nghĩa như que tăm thôi thì cũng đã là phúc đức cho nước non quá.
Sự tan vỡ từ cách cư xử
Hai vợ chồng nhà kia, bằng tuổi nhau và thuở sinh viên cùng được đi du học tại một trường đại học nước ngoài. Khi đó cuộc sống thật vô vàn khó khăn. Đến khi tốt nghiệp về nước họ chung nhau mua được căn hộ 2 phòng, 1 bếp, mỗi người có 1 chiếc xe để đi làm, ngoài ra lại còn để dành được 3 chỉ vàng. Ngày ấy được thế là niềm mơ ước của bao nhiêu người.
3 chỉ vàng ấy họ để trong chiếc lọ thủy tinh nhỏ, cất dấu bằng cách dìm vào bể nước xây trong nhà. Một lần họ cãi nhau rất to ( tuy là trước đó vẫn có những cuộc cãi nhau nho nhỏ và trung bình ), đến mức 2 vợ chồng li thân nằm ngủ riêng. Chị vợ thao thức : lần này có lẽ đến mức bỏ nhau mất, nên chị nghĩ cần thủ thế phòng thân. Sáng hôm sau dậy nấu cơm sớm hơn thường lệ, việc đầu tiên là chị vục mặt vào bể nước tìm cái lọ cất 3 chỉ vàng, nhưng không thấy. Thấy kì lạ và hơi lo, nhưng cũng không thể hỏi ngay chồng. Một tuần sau họ đã hòa thụân trở lại. Đêm nằm bên nhau chi vợ hỏi chồng : Anh à, cái lọ thủy tinh nhà mình cất 3 chỉ vàng ở đâu nhỉ, sao em tìm không thấy? Chồng cười khì khì đắc thắng: Này, đằng ấy cứ tưởng mình khôn, nhưng anh còn khôn hơn mình nhé. Đằng ấy dậy 5 giờ sáng để lấy, nhưng anh đây đã dậy từ 2 giờ sáng lấy nó trước rồi nghe chưa.
Chị vợ bỗng nhiên cảm thấy hụt hẫng, sụp đổ tất cả tình cảm với chồng, lúc ấy cụ thể là gì, ra sao chị không thể tự giải thích được rõ ràng. Sáng hôm sau dậy sớm, chị viết sẵn 1 đơn li dị chồng, không một lời giải thích, không một lời yêu cầu, chị ra đi. Bây giờ chị kể cũng là người giàu có, thành đạt nhưng ở một mình, không ai có cách gì khiến chị muốn lấy chồng nữa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn