Bảo tồn nhưng phải thích ứng
>> Bài trước:
Đây là hai vấn đề gắn bó mật thiết, xuyên suốt loạt bài phố cổ, đồng thời cũng là thông điệp trong bài 3 - bài viết tạm khép lại loạt bài "Phố cổ Hà Nội: Ứng xử thế nào cho phải?" của Hà Nội Mới. Với mong muốn "xới" lên những vấn đề đang có tính thời sự trong việc bảo tồn và phát huy giá trị phố cổ, xin bạn đọc xem như loạt bài của Hà Nội Mới là lời mời gọi cùng tiếp tục đóng góp cho việc ứng xử với "khu băm sáu phố phường" của chúng ta.
Trông tới, trông lui
Theo đánh giá của các chuyên gia, phố cổ Hà Nội hay khu đô thị cổ Hội An của Việt Nam cùng một số khu phố cổ (KPC) khác trên thế giới như Bắc Kinh (Trung Quốc), Damascus (Syria) tuy có điểm khác biệt, nhưng lại có chung tính chất của di sản văn hóa đô thị. Mỗi ngôi nhà dân sinh đồng thời là địa chỉ tham quan hay điểm kinh doanh du lịch.
Trước khi trông xa, hãy tìm kiếm bài học gần từ Hội An. Đó là sự cộng hưởng giữa dân cư và di sản, như chia sẻ của ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Nam: Huy động được cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị của di tích; đồng thời gắn di tích với phát triển du lịch. Khi đã thấy được lợi ích thiết thực, chính người dân sẽ chủ động cùng với chính quyền gìn giữ, bảo tồn di sản.
Tương tự, khu phố cổ Hutong nằm ở trung tâm Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng mang những cái tên gợi đầy ký ức như Chợ than, Chợ gạo, Chợ dê, Chợ cá tươi, gần như phố Hàng Than, Hàng Gà, Hàng Giấy, Hàng Điếu ở ta vậy. Hutong đã được đầu tư khoảng hơn 1 tỷ nhân dân tệ để tu sửa 40 ngõ cổ, cải tạo 1.400 tứ hợp viện, các điểm du lịch quan trọng trong khu vực bảo tồn cổ vật, cải thiện điều kiện cư trú của người dân…
Còn ở thành phố có từ 3.000 năm trước Công nguyên mang tên Damascus của đất nước Syria, từng được nhiều học giả cho là cổ nhất thế giới thì hiện nay nghề thủ công truyền thống như khảm xà cừ, gấm tơ tằm, đồ đồng, đồ thủy tinh và đồ gia dụng, hàng dệt… vẫn nhộn nhịp.
Di sản là tài sản
Xin trở lại với chia sẻ của nhà văn Siêu Hải, tác giả nhiều tiểu thuyết về Thăng Long - Hà Nội: Phố Hàng Than là con phố cổ nhất, xuất hiện từ thời Lý Bí, tức là thuở lập nước Vạn Xuân. Với lịch sử ấy, phố cổ “chở” theo biết bao giá trị, nếu biết phát huy, khai thác, nó sẽ thành khối tài sản vô cùng to lớn.
Thực tế, đã thấy rõ một số kết quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị phố cổ. Nhà số 87 phố Mã Mây xây dựng vào đầu thế kỷ XIX theo mô típ kiến trúc truyền thống của Việt Nam; đến năm 1999 thì được cải tạo thí điểm theo một dự án có sự hợp tác giữa hai thành phố Hà Nội và Toulouse (Pháp). Cái tên “87 Mã Mây” từ đó đã trở thành “ngôi nhà di sản” mỗi năm đón trên 2 vạn lượt khách tới thăm. Đây cũng là nơi làm sống dậy nhiều sinh hoạt văn hóa đậm chất Hà thành như triển lãm Nét Xuân (2004), Tết Trung thu truyền thống (năm 2009)…
Nhà cổ 87 Mã Mây đã trở thành nơi sinh hoạt đậm chất Hà thành. Ảnh: Viết Thành
Nối tiếp thành công của “87 Mã Mây”, giấc mơ giữ được cả kiến trúc và tinh thần của nhà cổ trong di sản dần hiện thực hóa. năm 2000, nhà 38 Hàng Đào - nguyên là đình Đồng Lạc (đình chợ bán yếm lụa) tiếp tục được bảo tồn, là nơi giới thiệu kỹ thuật xây dựng truyền thống kết hợp kỹ thuật tôn tạo hiện đại.
Cùng với những ngôi nhà, một số tuyến phố Hà Nội cũng thể hiện rõ khả năng thích ứng với đời sống: Tuyến đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân và chợ đêm Đồng Xuân với hơn 3.000 hộ kinh doanh đã góp phần giới thiệu văn hóa, kiến trúc không gian phố cổ tới du khách trong nước, quốc tế. Tuy nhiên, nhận xét của chính giới kinh doanh du lịch dưới đây lại khiến ta suy nghĩ về việc phố cổ đã thực sự phát huy hết khả năng làm thơm thảo cho cư dân và thành phố chưa: “Gần 100% khách du lịch trong nước, quốc tế đến Hà Nội theo các “tua” của trung tâm lữ hành Hanoi Red Tours có nhu cầu tham quan KPC, song chủ yếu đi… cho biết, chứ không có nhu cầu tìm hiểu giá trị lịch sử, văn hóa và không mua sắm. Bởi cơ bản hàng hóa sơ sài, manh mún, chưa đặc trưng, nhất là quy trình làm ra nó vẫn trong “bí mật”.
Tâm huyết và sự quyết tâm
Có thể khẳng định quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị KPC Hà Nội đã rõ từ Thông báo số 72, ngày 26-5-1994 của BCH TƯ Đảng về một số vấn đề quy hoạch, xây dựng Thủ đô Hà Nội. Đó là: “Việc bảo tồn KPC là cần thiết và là một ý tốt, nhưng nên xem xét, xác định phạm vi khu vực bảo tồn hợp lý. Giữ mặt ngoài các khu phố cùng những cảnh quan, dáng vẻ đặc trưng kiến trúc của KPC. Mặt khác, phải cải tạo và nâng cao điều kiện sống và làm việc của khu phố này theo mức sống văn minh của thời đại, thanh toán các khu ổ chuột, mất vệ sinh, ô nhiễm và không bảo đảm an toàn”.
Trên tinh thần đó, ngay từ ngày 1-2-1998, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn số 3026/UB-NNDC chấp thuận về mặt chủ trương xin sử dụng đất để giãn dân KPC. Từ đó đến nay, nhiều cuộc hội thảo bàn về việc triển khai dự án giãn dân đã được thực hiện. Trong buổi làm việc với quận Hoàn Kiếm cuối tháng 2 năm 2009, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã nhấn mạnh: “Công tác giãn dân phố cổ cần coi trọng việc bàn bạc, lấy ý kiến rộng rãi của người dân, tạo đồng thuận trong quá trình thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ, chống tiêu cực trong quá trình thực hiện”.
Tinh thần và những chủ trương nói trên là lối đi rộng để những người có trách nhiệm thực thi trực tiếp việc bảo tồn di sản phố cổ Hà Nội. Chưa kể người dân Việt Nam nói chung, người Hà Nội - trong đó có nhiều trí thức, chuyên gia, văn nghệ sĩ luôn luôn sẵn bầu tâm huyết với phổ cổ. Đã có việc tưởng quá “khó” là di dời các hộ dân ra khỏi đình, chùa, miếu trong KPC mà quyết tâm là thành công, tiêu biểu như đình Kim Ngân (số 42 phố Hàng Bạc), 25 hộ dân đã không còn cư ngụ ở đó và di tích đang được trùng tu, tôn tạo…
Vì vậy, điều cần nhất bây giờ là phải quyết tâm làm.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh